Aug 8, 2009

Ngày nào năm ấy - ANH QUÂN


Photos - Anh Quân









Isle of Wight- Anh Quốc

Vào 30 năm trước cũng đúng thời gian tuần cuối cùng của tháng 7 , tôi được một tuần nghỉ hè trên đảo Wight (Isle of Wight). Lúc đó tuổi tôi là 14, mới được đến nước Anh định cư hơn một tháng trời và gia đình tôi còn phải sống trong trại tạm cư để đợi chính phủ cấp nhà, nên vậy thời gian sống trong trại đối với tôi là thần tiên nhất. Vì không phải xách cặp đến trường để học những bài toán hình học đối với tôi vô cùng khô khan, những bài học thuộc lòng như sử ký hay địa lý chẳng hấp dẫn tôi tý nào. Còn trong trại tạm cư ngày ngày tôi đi học tiếng Anh, chiều về mượn vợt đi đánh Tennis, về đêm thì lên phòng sinh hoạt công cộng chơi bong bàn và xem TV mà chỉ xem hình thôi vì người ta nói gì trên TV tôi chẳng hiểu gì hết.

Ngày tháng tại đây tôi chẳng biết thế nào là buồn, nhất là khi tôi được tuyển chọn trong một nhóm 15 người Việt Nam đi đến đảo Wight sinh hoạt với một nhóm nhà thờ Anh giáo. Vì mới qua, gia đình tôi chưa đủ sức sắm một cái túi xách cho tôi, nên quần áo tôi bỏ vào trong cái túi nylon ở ngoài viết chữ IOCM (cục di dân của cao ủy tị nạn). Đâu có thành vấn đề vì được đi chơi là thích rồi. Trong nhóm 15 người Việt, chỉ có tôi là nhỏ nhất và chẳng biết câu tiếng Anh nào ra hồn nên vậy trong vòng 1 tuần lần đầu sống chung với người Anh là tôi chỉ biết cười và chỉ chỏ.

Chiếc xe 16 chỗ ngồi đưa chúng tôi tới cảng Southampton (xem hình tàu bè đi lại), đây là một nơi khó quên trong lịch sử hang hải Anh quốc vì là chỗ khởi hành của chiếc tàu Titanic, được mệnh danh là chiếc tàu đi an toàn nhất trên thế giới, thế mà ông thuyền trưởng và các nhân viên lái tàu không biết cúng thủy thần cho chuyến đầu tiên được thượng lộ bình an và sau cùng ai cũng biết chiếc tàu mang cái tên vĩ đại đã chầu hà bá, nhờ vậy gần 100 năm sau mấy ông đạo diễn Hoa Kỳ làm phim để hốt bạc thiên hạ.

Lần đầu tôi mới biết thế nào ăn sáng của người Anh (English Breakfast), cách đó hơn hai tháng tôi ở một quốc gia không có tiền mua sửa để uống, không còn biết thế nào là mùi vị nước coca, con ăn sang với trứng gà là thứ xa xỉ phẩm và những thức ăn khác... Thế mà cuộc đời tôi được thay đổi ê chề thức ăn uống. Nhóm người Anh trong nhà thờ họ quí bọn tôi lắm, thấy tôi không có quần bơi là họ đi mua cho tôi, thiếu khăn tắm thì họ sắm cho tôi. Còn tôi thì đôi mắt luôn liếc lên lếc xuống với mấy con bé đồng tuổi người Anh, vì tiếng Anh của tôi chỉ có hạn, thấy mấy con bé câu đầu của tôi là “What’s your name?” câu kế tiếp là “How old are you?” thế là xong, nên con bé nào tôi cũng biết tuổi hết. Mà phải nói sao gái Anh tụi nó đẹp thế nhìn mà cứ thấy tụi nó như Ngọc Nữ còn tôi chẳng được Tiên Đồng chút nào cả, chán thật.

Chương trình sinh hoạt cho bọn tôi thú vị lắm, ban ngày là chơi thể thao, sau đó đi tắm biển, rồi đi du lịch quanh đảo, tối về trao đổi văn hóa, tôi thì không biết nói rồi, cứ “Yes” một chập rồi “No”, bí quá thì vẽ hình diễn tả. Qua phần văn hóa là họ đổi tiết mục cho coi phim vì là nhà thờ nên phải cho bọn tôi coi phim đạo, tôi còn nhớ họ cho tôi coi phim ca kịch là “Jesus Christ Super Star”, lúc đó mà ai hỏi tôi có biết hai thiên tài viết và sang tác nhạc cho ca kịch là “ Tim Rice và Andrew Lloyd Webber” thì đúng là đang nói chuyện với thằng điếc. Tuy nhiên nhờ một thằng Việt Nam đi chung đoàn nó là người có đạo Catholic nên nó giải thích cho tôi được cốt chuyện, phải nói nhạc kịch chuyển qua thể Rock nên nghe khá hay và tôi thích nhất bài “I don’t know how to love him”. Rồi những ngày kế tiếp về đêm họ mở Disco cho bọn tôi nhảy nhót. Một tuần như vậy trôi qua rất mau và rồi thoáng giờ đã đúng 30 năm rồi.

Lần này ngoài đi chơi đảo Wight, tôi cố quay lại trại tạm cư. Đứng trước cổng trại tôi bùi ngùi nhìn vào mà nhớ lại ngày nào năm ấy tôi đi cùng gia đình đi vào đây, tay xách cái túi nylon, trong đó chứa đúng một bộ quần áo được phát tại trại tị nạn Hong Kong, vài miếng bánh mì lấy trên máy bay, vài cục đường và bơ, chân thì mang đôi dép cao su. Mặt thì ngơ ngác nhìn chung quanh, thấy cái gì cũng lạ lung hết.

trại tạm cư tác giả cư ngụ khi đến nước Anh

trại tạm cư tác giả cư ngụ khi đến nước Anh

Trại tạm cư nay đóng cửa, chủ đất tính cho thuê, nên không cho ai vào thăm, tôi đứng bên ngoài nhìn những căn nhà tạm cư trước tôi từng ở nay đã bị tan hoang, cửa sổ mục nát, mái nhà hư nát, tôi chỉ còn cách để máy hình chụp vài tấm kỷ niệm.

nơi bán báo Time

Trước khi rời trạm cư, tôi đến them một nơi là khu chợ gần đó, vì lúc còn sống tại đó, tôi hay ra khu chợ để mua kẹo bánh hay gởi thơ cho bạn bè tại Việt Nam. Khu chợ nay hoàn toàn thay đổi sau 30 năm nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên là hai tiệm còn y nguyên là tiệm bán báo và bưu điện. Với tôi bưu điện này có một kỷ niệm là tôi có cái thú sưu tầm tem từ thuở bé. Khi còn Việt Nam, bà bác tôi rất thương tôi hay cho tôi tiền ăn sang, nhưng tôi cứ nhịn ăn để dành tiền rồi tới khu Dân Sinh mua tem của Việt Nam Cộng Hòa, nên đến giờ tôi còn một tập tem từ năm 1954 cho đến 1975. Khi qua tới Anh, vào bưu điện tôi thấy tem là tôi sáng mắt liền. Tôi nhớ bố tôi cho tôi đúng 1 Anh kim để mua kẹo, nước và bánh, nhưng tôi vào bưu điện thấy bộ tem là tôi muốn mua ngay, nhưng lúc đó trình độ tôi không đủ nói để mua “One set of stamp”, tôi chỉ khả năng nói “Can I buy a stamp please?” nói vậy là họ đưa tôi con tem thôi. Sau đó tôi nhìn thấy giá tiền của mỗi con tem, thế là tôi có sang kiến là cứ nói giá tiền một con tem thì như vậy ông bưu điện sẽ đưa tôi bộ tem thôi. Thế mà tôi đạt được như ý và ông bưu điện cười và hiểu được ý tôi. Sau đó tôi vẫn tiếp tục sưu tầm tem mà tôi chỉ mua tem Anh thôi và tính ra tôi cũng được 30 năm mua tem rồi.

bưu điện

Giờ nhìn lại thì tôi đã 44 tuổi, đầu đã có tóc bạc, mẹ tôi không còn nữa, bố tôi đã 75 tuổi rồi và em tôi nay 34 tuổi, vậy mà mới ngày nào em tôi bằng tuổi thằng con thứ 2 của tôi và tôi còn ở tuổi Teen. Thời gian không chờ đợi ai và tôi không biết ngày nào tôi sẽ quay lại đây? Hay chẳng bao giờ nữa...

Anh Quân

1 comment:

Hot... said...

Đọc bài của Quân viết thời mới qua tị nạn thấy dễ thương và cảm động quá. Chị mường tượng thấy anh cu Quân ... lùn và mập (he he ...) nhảy chân sáo trong phố chợ, lém lỉnh nghía mấy em ngọc nữ Anh Quốc. Có còn giữ được tấm hình nào của em thời đó không? gửi lên cho mọi người coi với. Rồi nếu còn hứng thì nên kể luôn chuyện hồi đó tán vợ ra sao cho chị nghe : ) : )



Chị Thanh