Feb 16, 2008

Những năm Tí - phần hai



6. Năm Bính Tí (1336) với nhà ngoại giao Đoàn Nhữ Hài:

Đoàn Nhữ Hài, nhà chính trị và cũng là nhà ngoại giao có biệt tài dưới các triều vua Trần Anh Tôn (1293-1314), Trần Minh Tôn (1314-1329) và Trần Hiến Tôn (1329-1341). Ông là người ở Trương Tân, Hồng Châu. Nhân đang trọ học ở Thăng Long, nhờ làm dùm bài biểu tạ tội cho vua Anh Tôn để đệ lên Thượng Hoàng Nhân Tôn, ông được thăng Tham-Chi Chính-Sự Tri-khu Mật-Việt-Sự.
Niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312), theo đại quân chinh phạt Chiêm Thành, giữ chức Chiêu Dụ Sứ, đến trại Câu Chiêm, ông dùng lời khôn khéo dụ được Chiêm chúa về hàng.

Đời Trần Hiến Tôn, niên hiệu Khai Hữu thứ 8 (Bính Tí 1336) vì có một số người Ai Lao sang quấy phá ở ấp Nam Nhung (Nghệ An), Thượng Hoàng Minh Tôn phải thân chinh đi dẹp giặc, Đoàn Nhữ Hài bấy giờ đang giữ chức Kinh Lược Đại Sứ tỉnh Nghệ An, được cử làm Đô Đốc Chư Quân, vì khinh địch ông qua sông Tiết La, gặp lúc sương mù, quan quân bị phục binh Lào đổ ra giết hại rất nhiều. Đoàn Nhữ Hài cũng bị tử trận vào dịp này – năm Bính Tí (1336)- đời Trần Hiến Tôn.


7. Năm Mậu Tí (1408) với Giản Định Đế đời Hậu Trần:


Giản Định Đế tên Trần Quĩ - vua nhà Hậu Trần, xưng Đế năm 1407 và mất ngôi 1409. Ông là con thứ của vua Trần Nghệ Tôn. Trước giả tâm của bọn quân Minh muốn đặt đô hộ trên đất nước ta, Giản Định Vương Trần Quĩ khởi binh tại Mô Độ (thuộc làng Yên Mô, Thái Bình) để chống lại chúng và được anh hùng khắp nơi theo giúp – như Trần Triệu Cơ, Đặng Tất …

Vào năm Đinh Hợi (1407), Trần Quĩ xưng Đế để nối nghiệp nhà Trần, đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Lúc đầu thua quân nên phải chạy vào Nghệ An. Đến tháng chạp năm Mậu Tí (1408), Giản Định Đế hội tất cả quân Thuận Hoá, rồi tiến đánh Đông Đô, khí thế hết sức mạnh mẽ. Tướng Tàu là Mộc Thạch từ Vân Nam đem bốn vạn quân sang hiệp với Đô Trưởng là Lữ Nghị lo việc đánh dẹp. Tại Bồ Cô – thuộc xã Hiến Cổ huyện Phong Danh – quân ta đã thắng được một trận lẫy lừng: Lữ Nghị bị giết tại trận tiền, còn Mộc Thạch và nhóm tàn quân chạy thoát về thành Cổ Mộc – nay là làng Bình Cách thuộc Ý Yên.

Sau trận thắng này, Giản Định Đế nghe lời nói gièm, giết các công thần là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân nên lòng người phân tán không còn muốn giúp nhà vua nữa. Bấy giờ con ông Đặng Tất là Đặng Dung, con ông Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị bỏ vua về rước cháu vua Nghệ Tôn là Quý Khoách đưa vào huyện Chí La – tức la huyện La Sơn tỉnh Hà Tĩnh – tôn lên làm vua, tức là vua Trần Trùng Quang.
Vua Giản Định Vương đương chống nhau với quân Minh ở thành Ngự Thiên thuộc huyện Hưng Nhân thì bị tướng Nguyễn Xuý của vua Trùng Quang ra đánh lén bắt về Nghệ An. Quý Khoách tôn Giản Định lên làm Thái Thượng Hoàng để cùng lo việc đánh Minh. Nhưng rồi sau đó, Trương Phụ đem binh đi cứu viện quân Minh, vua Giản Định đóng quân ở Hạ Hồng bị thua, chạy về đến huyện Mỹ Lương, giáp Sơn Tây và phủ Nho Quan thì bị bắt, sau đó bị giải về Kim Lăng – Trung Hoa.

8. Năm Canh Tí (1420) Bình Định Vương thắng Lý Bân và Phương Chính tại Thị La:

Lê Thái Tổ (1428-1433) là vua khai sáng cơ nghiệp nhà Hậu Lê và là vị anh hùng dân tộc với 10 năm kháng Minh (1418-1427) đem lại tự do, thống nhất và thịnh trị cho đất nước vào thế kỷ 15.
Huý là Lê Lợi, sinh năm Ất Sửu (1385) – Trần Phế Đế Sương-Phù 9, ngài trị vì từ 1428 đến 1433, niên hiệu Thuận Thiên. Miễu hiệu Lê Thái Tổ. Người làm Chư Sơn, huyện Lôi Dương, đất Lam Sơn – nay thuộc huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Thân sinh ngài là Lê Khoáng, một vị hào truởng được dân Lam Sơn mến phục tôn làm Chuá.

Gặp lúc nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, vào mùa xuân Mậu Tuất (1418), Lê Lợi khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, cùng với Lê Thạch, Lê Liễu, Phạm Văn Xảo v..v… quyết chí diệt quân thù dành lại tự chủ cho đất nước. Cũng vào năm này ngài thắng trận đầu tại Lạc Thuỷ : quân Minh dưới quyền tướng Mã Kỳ đã mắc kế phục binh, chết 3.000 người và mất một số binh lương, khí giới khá lớn.

Năm sau (1419), từ Chí Linh, Bình Định Vương đến đánh lấy đồn Nga Lạc thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, giết đuợc tướng Minh là Nguyễn Sao. Sau đó quân Minh dò biết được chỗ đóng binh của Bình Định Vương bèn đem đại binh đến vây đánh. Tình thế quá nguy ngập, Bình Định Vương mới hỏi các tướng: “Trong các tướng có ai bằng lòng đem mình thay ta ra đánh để cho giặc bắt, noi gương Kỷ Tín ngày xưa chết thay cho Hán Cao Tổ không?”.

Lê Lai tình nguyện xin đảm đương việc ấy. Cảm động trước cử chỉ anh hùng của Lê Lai, vua ngửa mặt lên trời khấn nguyện rằng: “Lê Lai có công liều mình chết thay ta, sau này ta cũng như các con chaú ta và các tướng tá nếu như không nhớ công ơn ấy thì cung điện hoá thành núi rừng, ấn vàng hoá thành đồng sắt, gươm thần thành đao binh giặc giã”.


Lê Lai lĩnh binh, mặc áo ngự bào cưỡi voi ra trận, quân giặc trông thấy người mặc áo vàng tưởng là Bình Định Vương, bèn ùa đến vây đánh. Lê Lai cầm cự một hồi, cuối cùng bị bắt sống, chịu cực hình rồi bị giết. Nhờ vậy Bình Định Vương thoát khỏi vòng vây, chạy đến Lư Sơn tích dưỡng binh lực để rồi sau đó ít lâu lại cử binh chống giặc, thu phục được chủ quyền quốc gia.


Lên ngôi Hoàng Đế, vua Lê trước tiên nghĩ đến Lê Lai, truy tặng ông chức Hàm Thái Uý, tấn phong Đại Vương và quyết định rằng sau này trước ngày giỗ ngài phải cúng Lê Lai trước đã.
Sau này ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ vua Lê, nhưng ngày 21 người ta đã làm lễ tưởng niệm vị anh hùng Lê Lai đã liêù mình cứu chúa. Do đó ta hiểu câu ngạn ngữ lưu truyền trong dân gian: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi Vua Tự Đức có làm bài thơ khen Lê Lai trong Việt Sử Tổng Vịnh như sau:

Chí Linh Sơn Hạ Tứ Sơn U,
Tự trước hoàng bào cuống sở hầ
u
Tha nhật Đông Đô tân xã tắc,
Khắc giao Kỷ Tín độc an lưu.
Bản dịch của Lam Giang:
Giặc vây kín núi Chí Linh,
Áo vàng ra trận hiến mình thay vua.
Thăng Long sau rạng cơ đồ,

So cùng Kỳ Tín há thua chút nào.

9. Năm Canh Tí (1490)

Ngô Hoán (1470-1522) ngưòi làng Thương Đáp, huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Tiến Sĩ năm Canh Tí (1490) đời Lê Thánh Tôn, Hồng Đức thứ 21 hồi ông 31 tuổi. Làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư. Dự hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tôn. Năm Nhâm Ngọ, ông mất khi đánh đuổi Trịnh Tuy.


10. Năm Giáp Tí (1504) với Tiến Sĩ Lê Đức Mao.


Lê Đức Mao là danh sĩ đời Lê, nguyên quán phường Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, sau dời đến cư ngụ tại Dương Hối, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Yên.


Năm Giáp Tí (1504) đời Lê Túc Tôn, ông Đỗ Hương Cống, sau năm Ất Sửu (1505) ông đỗ Tiến Sỹ. Sau ả họ Lê, ông học vấn rộng, giỏi làm thơ và bài hát. Ông thường dùng văn thơ để châm biếm trò đời . Hiện nay còn truyền lại bốn bài thơ chữ Hán và một bài hát bằng Văn Quốc Âm để cho ả đào hát chúc làng vào ngày hội mùa xuân...

Bố Sỹ sưu tập
Xin đón xem phần tiếp theo ...

No comments: