Feb 23, 2008

Những năm Tí - phần ba

Lộc Phật đầu năm

11. Năm Canh Tí (1600) dưới thời Nguyễn Hoàng.


Nguyễn Hoàng (1524- 1613), tục gọi là Chúa Tiên. Miếu hiệu là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế. Người huyện Tống Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá, con thứ hai của An Thành Hầu Nguyễn Kim- bậc trung thần đã giúp nhà Lê trung hưng. Từng làm tướng lập được nhiều công trận, thụ chức thiếu uý, tuớc Đoan Quốc Công.

Lần lượt thân phụ bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc chết, rồi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm (anh rể lấy chị là Ngọc Bảo) ám hại, vì sợ họ Nguyễn tranh mất quyền. Nguyễn Hoàng lo sợ bèn cho người ra Hải Dương, hỏi ý kiến Trạng Trình và được chỉ bảo bằng ngụ ý xa xôi: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Hiểu ý Trạng Trình, Nguyễn Hoàng nói với chị là Ngọc Bảo, xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phương Nam.

Năm Mậu Ngọ (1558) theo lời đề bạt của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất của Thuận Hoá. Khi đi, Nguyễn Hoàng đem theo tất cả những người họ hàng ở huyện Tống Sơn, đồng thời có nhiều quân lính ở Thanh Nghệ cũng tình nguyện đưa vợ con theo ông.

Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái T. (sau gọi là kho Cây Khế) thuộc huyện Đăng Sương tỉnh Quảng Trị. Khôn ngoan và có lòng nhân đức, biết thu dùng hào kiệt, an ủi nhân dân, nên ông được dân chúng hết sức mến phục.

Năm Mậu Ngọ (1570), Nguyễn Hoàng rời dinh vào làng Trà Bát (tức là Cát Doanh) cũng ở huyện Đăng Sương (Quảng Trị) .

Năm Nhâm Thân (1572), tướng của nhà Mạc là Lập Bạo đem quân theo đường biển vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị), Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân bắt được Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc.

Năm Quý Tỵ (1593) ông đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc, lập được nhiều công nên bị Trịnh Tùng ghen ghét. Vì vậy đến năm Canh Tí (1600) ông xin dẹp bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi lên chống họ Trịnh ở cửa Đại An (Nam Định), rồi đem bản bộ tướng sĩ theo đường biển trở về Thanh Hoá. Từ đó Nguyễn Hoàng tuy bề ngoài giả bộ hoà hữu – (chẳng hạn như đem con gái là Ngọc Tú gả cho con trai Trịnh Tùng là Trịnh Tráng) – nhưng bên trong thì phòng bị gắt gao. Ông cho người con thứ 6 là Nguyễn Phước Nguyên vào trấn đất Quảng Nam, dựng kho tích trữ lương thực, quyết giữ vững bờ cõi tính chuyện lâu dài.

Năm Tân Hợi (1611), để mở mang bờ cõi về phương Nam, Chúa lấy đất Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên và lập ra hai huyện Đông Xuyên và Tuyên Hoà.

Năm Quý Sửu (1613), Nguyễn Hoàng mất, thọ 89 tuổi. Trước khi chết, Nguyễn Hoàng căn dặn Nguyễn Phước Nguyên rằng : “Đất Thuận, Quảng, này phiá bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và núi Bi Sơn, thật là trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời”.


12. Hai năm Bính Tí (1636) và Mậu Tí (1648) dưới thời Chuá Thượng Nguyễn Phước Lan.


Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan là chúa thứ ba của nhà Nguyễn và là con thứ hai của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên. Ông kế nghiệp chúa vào năm Ất Hợi (1635) sau khi chúa Sãi mất. Ngay năm ấy, người con thứ ba của chúa Sãi tên Ánh – đương trấn thủ đất Quảng Nam, nổi binh chống lại Chúa Thượng; quan quân kíp thời vào dẹp, mới yên.

Nhận thấy anh em họ Nguyễn bất hoà tranh nhau quyền thế, quân Trịnh theo lệnh Trịnh Tráng đánh thốc vào đất Nam Bố Chính, giết được tướng Nguyễn là Bùi Công Thắng, rồi thừa thắng tiến lên chiếm đóng cửa Nhật Lệ.


Năm Bính Tí (1636), Chúa Thượng cho dời phủ vào làng Kim Long thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, rồi đặt thêm chức nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu về bên văn gọi là Tứ Trụ để giúp Chúa trị dân. Còn về bên võ thì được chức Trưởng Dinh, Trưởng Cơ, Cai Cơ, Cai Đội để quán xuyến việc binh.


Năm Đinh Hợi (1674) Chúa Thượng mở khoa thi gọi là Chính Đồ, chọn các Giám Sinh, các Sinh Đồ, và thi Hoa Văn lấy người bổ vào làm việc ở Tam Ty.


13. Năm Mậu Tí (1648)


Quân Trịnh dưới quyền Đô Đốc Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu lại vào đánh xứ Nam. Chúa Thượng sai con là Nguyễn Phước Tần đem quân ra chống đỡ và đã thắng được một trận lớn, đuổi quân Trịnh chạy về Bắc. Năm ấy Chúa Thượng mất, thọ 48 tuổi. Sau đó được truy tôn là “Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng Đế”.


Là con của Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan, kể từ năm Mậu Tí (1648), Nguyễn Phước Tần (1648-1687) lên nối nghiệp Chúa.

Khi còn là Thế Tử, ông từng cầm đầu một đội thuỷ quân đánh thắng binh thuyền Hoà Lan đến cướp phá ở cửa biển Nại Hải, giết luôn cả Đề Đốc Pierre Baeck vào 45 năm (từ 1627 đến 1672), chiếm thêm đất Chiêm, lập thành phủ Diên Khánh (tức Khánh Hoà ngày nay), và mở đường cho việc tiến chiếm Chân Lạp sau này.

Năm Ất Tỵ (1655), nhân quân Trịnh lại vào đánh đất Nam Bố Chính, Chúa Hiền quyết định đem quân ra đánh họ Trịnh. Tháng 4 năm ấy, quân Nguyễn dưới quyền các danh tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật tiến qua sông Linh Giang đánh chiếm luôn 7 huyện phía Nam sông Lam Giang – (tức sông Cả ở Nghệ An) – hai bên cầm cự nhau mãi, bất phân thắng bại, nhưng sau vì các tướng bên Nguyễn nghi kỵ lẫn nhau nên phải rút quân về, và phần đất lấy lại được ở Nghệ An lại thuộc về đất Bắc.


Đến năm Tân Sửu (1661), Chúa Hiền cử Nguyễn Hữu Dật làm chấn thủ Nam Bố Chính để đương đầu với đại binh do Trịnh Tạc cầm đầu có cả vua Lê đi theo nữa. Quân Trịnh qua sông Linh Giang, gập sức chống cự mãnh liệt của đối phương, đánh mãi không thắng nổi. Mấy tháng sau, quân mệt, lương hết, Trịnh Tạc đành phải thu quân và rước vua về Bắc. Nguyễn Hữu Bật đuổi đánh đến sông Linh Giang mới thôi.


Qua năm Nhâm Tí (1672), một lần nữa Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân vào đánh họ Nguyễn. Chúa Hiền sai người em thứ 4 là Nguyễn Phước Hiệp làm nguyên suý cùng với hai tướng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức lo việc cự địch. Mặt khác, Chúa cũng đích thân đem đại binh đi tiếp ứng. Quân Trịnh tấn công vào luỹ Trấn Ninh rất hăng, nhưng không sao phá vỡ được, cuối cùng đành phải rút quân về Thăng Long.


Từ đó sông Linh Giang được lấy để phân giới hạn Nam Bắc và thôi việc chiến tranh. Mãi sau này vào dịp quân Tây Sơn khởi binh, họ Trịnh mới nhân cơ hội vào đánh lấy đất Thuận Hoá.


14. Năm Giáp Tí (1744) với Chúa Nguyễn Phước Khoát.


Nguyễn Phước Khoát hiệu Võ Vương là Chúa thứ 8 nhà Nguyễn. Nối nghiệp từ năm Mậu Ngọ (1738) đến năm Canh Thân (1740) Chúa mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Nhân dịp này, Chúa định lại phép thi : ai đậu kỳ đệ nhất, gọi là Nhiêu Học, được miễn Sai 5 năm; đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn Sai suốt đời; đậu kỳ đệ tứ được gọi là Hương Cống, được bổ làm Tri Huyện, Tri Phủ. Qua năm Giáp Ti (1744) Chúa Nguyễn Phước Khoát mới xưng Vương hiệu, định Triều Nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân và phong cho con thứ 9 là Nguyễn Phước Hiệu làm Thế Tử.


Năm Mậu Thìn (1747), Chúa Chân Lạp là Nặc Ông Tha bị Nặc Ông Thâm dành ngôi, lánh sang Gia Định được Võ Vương sai quan Điều Khiển là Nguyễn Hữu Doãn đưa về nước. Được mấy tháng, Nặc Ông Tha bị Nặc Nguyên – con của Nặc Ông Thâm – đem quân Xiêm La về đánh đuổi, phải chạy sang Gia Định rồi chết ở đó. Biết Nặc Nguyên làm vua Chân Lạp thường thông sứ với Chuá Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu quấy phá đất miền Nam, vào năm Quý Dậu (1753) Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Nặc Nguyên thua, bỏ thành Nam Vang chạy lánh sang Hà Tiên với Mạc Thiến Tứ, rồi xin dâng đất 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạc.

Đến năm Đinh Sửu (1759), sau khi Nặc Nguyên mất, Nặc Tôn nhờ Võ Vương che chở mà được làm vua. Do đó Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long – (Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc ngày nay) – để tạ ơn. Nặc Tôn còn dâng riêng cho Mạc Thiên Tứ 5 phủ Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạc và Linh Quỳnh để đền ơn trước đây đã cầm quân giúp mình. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng lại Võ Vương, về sau sát nhập vào trấn Hà Tiên.


Năm Giáp Tí (1744) với Nguyễn Nghiễm, danh sĩ nhà Hậu Lê.
Nguyễn Nghiễm, danh sĩ nhà hậu Lê, hiệu là Nghị Hiên. Biệt hiệu là Hồng Ngự Cư Sĩ. Tổ tiên trước cư ngụ tại làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, xứ Sơn Nam (bây giờ là tỉnh Hà Đông), sau vì quốc sự phải dời vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, xứ Nghệ An.

Đỗ Hoàng Giáp Khoa Tân Hợi (1731) đời Lê. Làm quan các đời vua Lê Thuần Tôn (1732-1735), Lê Ý Tôn (1735-1740) và Lê Hiển Tôn (1740-1786).


Vào năm Giáp Tí (1744), ông được cử vào Nghệ An xung chức Tham Thị, Tham Tri Quân Vụ, kiêm Quản Cơ Tỉnh Trấn. Đến năm Mậu Thìn (1748), ông lãnh chức Tri Phủ Sứ xứ Nghệ An. Vào dip này đương thụ tước Xuân Lĩnh Hầu, ông có mở trường cho sĩ tử tập bài. Trong số môn đệ ông hồi đó có Ngô Phúc Lâm, Phan Kiêm Thụ, Nguyễn Khản (con Nguyễn Nghiễm) và Nguyễn Thiếp là xuất xắc hơn cả.


Có lần theo vua Lê vào Nam dẹp loạn có công được ban chức Tả Tướng Quân Khai Doanh. Ông làm quan đến chức Tham Tụng Đại Tư Đồ, tước Xuân Quận Công, Ông là thân sinh của :

- Nguyễn Khản : đồng tiến sĩ , làm quan triều Lê đến chức Tham Tụng.

- Nguyễn Điều: trúng tam trường thi Hội. Làm quan đến chức Trấn thủ Hưng Hóa, tước Điền Nhạc Hầu.
- Nguyễn Dao: cử nhân; Hồng Lộ Tự Thừa.

- Nguyễn Luyện: Tú Tài

- Nguyễn Trước: cử nhân.

- Nguyễn Nễ: cử nhân

- Nguyễn Du: tú tài, tác giả Truyện Kiều.


15. Năm Bính Tí (1756) và năm Mậu Tí (1768) với danh sĩ Nguyễn Thiếp dưới thời Tây Sơn.


Nguyễn Thiếp (1723-1804) có nơi chép là Nguyễn Thiệp – tự Khải Xuyên, hiệu Nguyệt Ao, biệt hiệu Hạnh An. Người đương thời gọi ông là Lục Niên Tiên Sinh vì có nhà ở thành Lục Niên và tôn xưng ông là La Sơn Phu Tử. Ông là bậc danh sĩ đất Nghệ Tĩnh dưới thời Tây Sơn rất được vua Quang Trung trọng vọng.


Sinh quán xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Học rộng, ông còn sở trường về thuật phong thuỷ và nhâm độn. Thoạt tiên ông thụ huấn với chú là Nguyễn Hành (tiến sĩ, Hiến Sác Sứ Thái Nguyên) sau theo học với Nguyễn Nghiễm (Bảng Nhãn, thân phụ của Nguyễn Du).


Đỗ Hương Giải khoa Quý Hợi (1743) vào năm 21 tuổi dưới thời vua Lê Hiển Tôn, Cảnh Hưng thứ 4. Sau đó, ông dứt bỏ đường cử nghiệp chỉ thích ở nhà đọc sách và đi đây đi đó ngao du sơn thuỷ. Mãi đến năm 1748 vâng theo lời thầy là Nguyễn Nghiễm ông mới ra bắc dự thi Hội , nhưng chỉ đỗ được tam trường.


Năm Bính Tí (1756) được bổ Huấn Đạo Anh Đô (tức Phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An ngày nay), sau đó lại được bổ tri huyện Thanh Trương. Đến năm Mậu Tí (1768), ông từ quan về ẩn cư tại núi Thiên Nhật. Cuối đời Cảnh Hưng đời Hậu Lê, Nguyễn Huệ ra Bắc nghe tiếng ông, lấy làm hâm mộ lắm, sai người mang lễ vật cố mời ông ra giúp, nhưng ông viện cớ già yếu mà từ tạ và không nhận lễ vật. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế xong, lại nhiều lần khẩn khoản mời ông. Cảm tấm thịnh tình ấy, ông dâng biểu lên vua Quang Trung ba đề nghị:

1. Về quân đức: khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền mà trị nước.
2. Về dân tâm: nên dùng nhân chính để yên lòng dân.
3. Về học pháp: nên mở học hiệu để giữ gìn nhân tâm thế đạo bằng tam cương, ngũ thường. Và ông đã giúp vua Quang Trung phiên dịch kinh truyện ra chữ Nôm.

Năm Quang Trung thứ 5 (1792), vua Quang Trung định dự đô về thành Phượng Hoàng (Nghệ An), cho lộc Sùng Chính Thư Viện và cử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để chỉnh đốn việc học trong nước. Tiếc thay công việc chưa thực hiện được thì vua Quang Trung đã mất. Sau đó, ông từ quan trở về ở ẩn trên núi Bùi Phong.

Đầu năm Tân Dậu (1801) – Cảnh Thịnh thứ 8 – ông được vua Tây Sơn triệu vào Phú Xuân hỏi về quốc sự. Đang còn lưu lại kinh thì thành mất vào tay Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cho mời Nguyễn Thiếp và trọng đãi như thượng khách, có ý trọng dụng, nhưng ông nhất quyết chối từ. Ở lại 10 ngày, ông xin về. Hai năm sau, vào ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (đầu 1804), ông mất hưởng thọ 81 tuổi, được an táng ngay nơi ông cư ngụ - trên núi Bùi Phong.

Thi văn của Nguyễn Thiếp nay còn lưu lại tập Hạnh Am Thi Cảo – phần lớn là văn chữ Hán với vài bài thơ Nôm. Phan Huy Chú trong sách Lịch Triều Hiến Chương đã ca ngợi La Sơn Phu Tử là thanh nhã, đạo đức, thong dong, lý thú!



Bố Sỹ sưu tập
Xin đón xem phần tiếp theo ...

No comments: