Sep 26, 2021

NGÀY CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG - Doãn Cẩm Liên


Lộc Uyển – Ngày Cúng Dường Trai Tăng – thứ Năm, 23 tháng 9/2021

Lên Lộc Uyển lần này của chúng tôi, đội nhà bếp Xóm Dừa, chả phải tu học thiền tập gì cả, mà chỉ có mỗi một nhiệm vụ là trợ giúp các xuất sĩ được yên tâm tu học. Nấu ăn, chăm lo ba bữa cho các sư thầy và sư cô sao được đầy đủ chất bổ và ngon lành, đó là nhiệm vụ các bếp chúng tôi. 

Đội nấu ăn xóm Dừa đã cùng các xóm Nụ Hồng, xóm Nho, xóm Xoài, và nhiều vị cư sĩ khác… lần lượt mỗi xóm một ngày phụ trách ba buổi ăn sáng, trưa, chiều. Mỗi nhóm chọn thức ăn sao cho không trùng nhau để các thầy cô được nếm những vị đặc biệt khác với mùi vị quá quen thuộc ngày thường. Nói thế chỉ để nêu lên thiện chí của các đội nấu ăn chứ quí thầy cô chẳng màng tới sự việc này đâu. Người tu mà!

Nói rằng không tu học gì trong những ngày này là không phải. Vì khi làm việc chung với nhau là chúng tôi cũng đang ôn tập những bài học rải đều trong những pháp thoại, những bài đọc mà sư Ông Nhất Hạnh gửi gấm cho các đệ tử của ngài. Làm việc chung là tập tính nhịn “dĩ hòa vi quý”, tính “vô ngã”, tính học hỏi nơi người khác. Tạm lấy hình ảnh đàn kiến trong tổ, tất cả các kiến đều lăng xăng xúm xít chạy qua chạy lại không ngừng nghỉ. Mỗi con một việc, không con nào chống trái con nào, mà chúng vẫn làm một việc là chất đầy tổ những thức ăn lượm lặt từ khắp nơi về. Một hạt cơm vãi được bầy kiến tha đi vèo vèo, con lôi con đẩy mà không trật ra khỏi con đường đã vạch sẵn, và hạt cơm vào cửa tổ. Không biết khi chúng “kiến” làm việc, tụi nó có nói và cười như chúng tôi không nhỉ?

Khi làm việc, đặc tính “hòa khí” được đội ngũ nấu ăn chúng tôi cho lên hàng đầu. Suốt cả một ngày hôm đó, trong nhà bếp vang vang tiếng cười. Nụ cười hay tiếng cười là phương pháp làm giảm căng thẳng trong bất kỳ tình huống nào. Nó cũng có thể xóa đi một ý kiến hay ý tưởng chống trái nhau. Hay tiếng cười vang khoái chí cũng là sự đồng ý hay tán thành với một câu nói hay nào đó. “Chef” của chúng tôi nói chuyện với một thầy vào thăm bếp: “Thầy ơi, chúng con làm bếp, mà như không làm bếp, thì mới thật là làm bếp!” Chúng tôi khoái câu nói này quá thế là bếp vang tiếng cười đồng ý. Tiếng cười lấy đi căng thẳng. Nếu vì công việc mà đầu óc nhiều lo âu thì chắc chắn nội lực của chúng tôi sẽ bị tiêu hao rất nhanh. Do vậy mới phải làm mà như không làm để đạt kết quả như là mong muốn.

Thế nhưng, ngoài những lúc không cười thì sao? Thì chúng tôi lại để tâm trở về với công việc của mình một cách nhẹ nhàng. Đội cắt rau củ có những dụng cụ dao, thớt, và rổ rá. Tay cầm dao xắn xuống củ cải, củ hành tây, củ sắn, miếng đậu phụ, bó xả, bó hành “poaro” sao cho miếng rau củ đúng yêu cầu của “chef”, không cắt vào tay, và không quá chậm. Nhanh mà chính xác. Để đạt được như vậy là chúng tôi đang có “chánh niệm” trong việc cắt gọt. Có phải là “đang tu, như không tu, mà lại thật là tu” không?

Sau khi chuẩn bị xong các nguyên vật liệu: đây là rổ củ cải, củ sắn, hành tây đã cắt xong cho nồi nước súp. Đây là rổ hành bào cho món hành phi rắc lên cháo. Đội nhà bếp sang bước thứ hai là nấu nước lèo và phi hành. Lên lửa cho nồi nước cùng với các rau củ quả. Người phụ trách nồi nước lèo phải thật khéo tính sao cho đủ nước ngọt cho hai món, món cháo và món cari. Nước sôi thì hạ lửa nhỏ, cho riu riu để chất ngọt của rau củ thoát ra nước. Dung lượng nồi nhỏ so với lượng rau củ thì người chủ trì lại nghĩ ra cách chắt lọc nước lèo ra một nồi riêng, rồi thêm nước mới vào để có một nồi nước lèo khác. 

Bên cạnh đó là chảo dầu nóng chờ mớ hành đã bào xong. Phi hành là một nghệ thuật, cần nhiều tâm ý để vào khi đảo hành và khi vớt hành. Đảo hành khi còn trắng là đảo nhẹ tay và đều để hành không bị nát và không bị cháy xém ở mép chảo. Đến khi hành vàng là lửa cũng được hạ xuống một nấc và tay vớt hành cũng cần nhanh nhẹn, kẻo không hành có thể bị cháy vì nằm lâu trong dầu nóng.

Nước lèo và hành phi, đây mới chỉ hai thành phần trong nhiều thành phần khác của hai món ăn tên gọi là Cháo và Cari mà đội nhà bếp chúng tôi chuẩn bị. Hoàn tất hai món trên, đội nấu ăn còn phải làm nhiều việc lắm mới đến khâu bày món ăn lên bàn để các thầy cô khất thực. Chúng tôi đã nhịp nhàng và ăn ý với nhau đến dường nào để hoàn tất một ngày nấu ăn đẹp và ngon như thế này. 

Lại thêm nữa, có những chùa, thầy trụ trì chỉ chọn những vị cao tăng, có tâm thức thật bình an mới được đứng bếp nấu ăn cho đại chúng. Do vì muốn tránh thức ăn bị nhiễm độc tố không tốt từ người nấu. Có nghĩa là tâm thức người đứng nấu lúc bấy giờ vui buồn, hạnh phúc, giận hờn… đều được nêm nếm thêm vào món ăn. Người ăn nó vào có thể bị ảnh hưởng ít nhiều vì độc tố. Đội bếp chúng tôi hiểu được điều này nên quyết giữ tâm được vui vẻ và hạnh phúc để chỉ có gia vị thật tốt được ướp tẩm lên món ăn mà thôi. 

Với những suy nghĩ trên nhóm làm bếp chúng tôi đã làm với đầy đủ tính “cẩn trọng, chú tâm, quan sát” hay không? Có đúng là chúng tôi làm bếp mà vẫn đang thực hành “giới, định, tuệ” không? Thưa vâng đúng ạ. Đạt được bao nhiêu phần trăm chúng tôi không biết, nhưng biết chắc rằng chúng tôi có đặt điều này là việc cần phải giữ gìn và duy trì trong cuộc sống.

Điểm cuối cùng đội nhà bếp chúng con muốn nói với quí thầy và quí sư cô là “Ngày cúng dường trai tăng hôm nay là niềm biết ơn sâu xa của chúng con gửi về toàn thể Tăng Ni.” Quí sư Thầy sư Cô đã tận tình chăm lo cho những khóa tu khác trong năm, nay đến lượt chúng con được chăm lo ngược lại.

A Di Đà Phật!

California, ngày 26 tháng 9, 2021

Chân Nhã Uyển

Doãn Cẩm Liên






No comments: