Jul 8, 2021

VĂN CAO - ĐỊNH MỆNH BUỒN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ TÀI HOA TRÊN ĐẤT BẮC - Hưng gàn



Vào ngày 10 tháng 07 1995, giới yêu nhạc Việt Nam đã ngậm ngùi đưa tiễn nhạc sĩ Văn Cao về cõi Thiên Thai. Hình ảnh của người nhạc sĩ tài hoa này vào những năm tháng cuối đời phảng phất một nét gì đó u buồn: một ông già gầy gò, râu tóc bạc phơ, nét mặt khắc khổ, cam chịu. Nét u buồn đó hình như là định mệnh của đời ông, và cũng được cảm nhận qua giai điệu của nhiều những ca khúc nổi tiếng của ông để lại cho đời.

Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, cùng thời và cũng là bạn thân của nhạc sĩ Phạm Duy. Cả hai người nhạc sĩ lớn này đều bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào thời kháng chiến chống Pháp. Ca khúc quan trọng nhất của Văn Cao chính là bản Tiến Quân Ca, quốc ca của nước Việt Nam cộng sản ngày nay. Là người nhạc sĩ viết quốc ca, nhưng lại dính líu vào vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cho nên vào năm 1958 Văn Cao đã phải đi học tập chính trị. Sau đó ông sống trong im lặng, hầu như ông không có thêm một ca khúc nào kể từ ngày ở lại miền Bắc năm 1954. Mãi đến thời “đổi mới” của Nguyễn Văn Linh, những tác phẩm của ông từ thời tiền chiến mới được cho phổ biến trở lại trên toàn cõi Việt Nam.


https://www.youtube.com/watch?v=CAbUy4_oKbE (Buồn Tàn Thu)

Trong khi đó, ở Miền Nam tự do, nhạc của Văn Cao là một trong những dòng nhạc được ưa chuộng vào bậc nhất. Những ca khúc của Văn Cao sâu sắc trong lời nhạc, giai điệu đẹp, đặc sắc và có một phong cách quí phái riêng biệt.  Những ai yêu nhạc  Văn Cao chắc chắn đều phải biết đến ca khúc Buồn Tàn Thu. Ca khúc này hình như đã gắn chặt với giọng hát của nữ ca sĩ Thái Thanh. Thật là lạ lùng, mãi cho đến tận ngày hôm nay, giới yêu nhạc vẫn chuyền cho nhau nghe phiên bản Buồn Tàn Thu với giọng hát Thái Thanh từ nửa thế kỷ trước. Phần phối khi rất đơn giản. Sau phần dạo đầu nhẹ nhàng, chậm rãi của một cây đàn guitar thùng, giọng hát của Thái Thanh bắt đầu vút lên:

“Ai… lướt… đi ngoài sương gió…”

Những người mê giọng hát Thái Thanh nói rằng chỉ cần với câu hát này, Thái Thanh đã trở thành “không thể thay thế” để hát Buồn Tàn Thu. Mà quả có thế thật! Rất nhiều ca sĩ chuyên nghiệp cũng hát câu hát này. Nhưng không ai có thể diễn tả như Thái Thanh. Nghe Thái Thanh hát, người nghe hình dung ra được cảnh một người đang lầm lũi đi trong một chiều thu, với những ngọn gió thu se lạnh, vi vút… Tuyệt diệu! Và rồi, người nghe lại tiếp tục lắng lòng theo giai điệu buồn của mùa thu, cùng tiếng hát vượt thời gian này:

… Không dừng chân đến em bẽ bàng

Ôi vừa thoáng nghe em

Mơ ngày bước chân chàng

Từ từ xa đường vắng

Ðêm mùa thu chết

Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng…

Cái giai điệu, không gian buồn man mác trong Buồn Tàn Thu cũng là cái phong cách rất riêng trong các ca khúc của Văn Cao.

https://www.youtube.com/watch?v=tzaY7prTPbk (Trương Chi)

Trương Chi cũng là một ca khúc rất đậm nét Văn Cao. Cần nhắc lại rằng, cùng viết với chủ đề mối tình bất tử của dân gian Việt Nam Trương Chi-Mỵ Nương, ca khúc được hát nhiều hơn có thể là Khối Tình Trương Chi của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, Khối Tình Trương Chi chỉ là một ca khúc đẹp, êm đềm. Nó không có cái không khí “truyện ca” như Trương Chi của Văn Cao, với nhiều tình tiết, có kịch tính hẳn hoi. Ca khúc Trương Chi bắt đầu một giai điệu chậm buồn, như để mở đầu câu chuyện:

Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ 

Trầm trầm không gian mới rung thành tơ 

Vương vất heo may hoa yến mong chờ 

Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ. 

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,

Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan 

Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng 

Ðây đó từng song the hé đợi đàn…

Vào đoạn giữa, để diễn tả tâm sự của Trương Chi, giai điệu trở nên day dứt hơn:

“…Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, 

Anh thương nhớ, Oán trách cuộc từ ly não nùng…” 

Và khi cần diễn tả tiếng mưa rơi trên mạn thuyền, giai điệu bỗng trở nên nhanh, thanh thoát, giống như những giọt nước mưa tí tách rơi trên dòng sông:

“…Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn

Còn nghe như ai nức nở và than,

Trầm vút tiếng gió mưa

Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng? 

Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn

Về phương xa ai nức nở và than, 

Cùng với tiếng gió vương,

Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa…” 

Trương Chi là một trong những ca khúc cho thấy khả năng dùng giai điệu, tiết điệu để tả cảnh, tả tình của Văn Cao, một điều mà rất ít nhạc sĩ viết ca khúc có thể làm được. 


https://www.youtube.com/watch?v=vbXgMrKGuVw (Bến Xuân)


https://www.youtube.com/watch?v=yFgbz95ZZoE (Đàn Chim Việt)

Một ca khúc nổi tiếng khác của Văn Cao phải kể đến đó là Bến Xuân-Đàn Chim Việt. Đây cũng là một trường hợp hy hữu, hiếm thấy trong nền âm nhạc Việt Nam, khi mà cùng một giai điệu mà Văn Cao sáng tác đến hai lời ca, với ý tưởng hoàn toàn khác nhau. Nhiều người tưởng lầm rằng Đàn Chim Việt là lời chính thức của Văn Cao, khi vào Nam sau 1954 thì Phạm Duy viết lại lời thành Bến Xuân. Kỳ thực không phải vậy. Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, và trên trang web wikipedia, Bến Xuân là một ca khúc hợp soạn của Phạm Duy và Văn Cao, được sáng tác vào năm 1942. Bến Xuân được viết từ cảm hứng một mối tình đơn phương của Văn Cao với một người nữ ca sĩ tên là Hoàng Oanh. Người đẹp đã đến thăm tác giả một lần trước khi lên xe hoa ở bến đò Rừng, từ đó Văn Cao đã viết thành những giai điệu bất tử: 

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước 

Em đến tôi một lần 

Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân 

từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú 

Cành đào hoen nắng chan hoà! …

Phần đặc sắc nhất của ca khúc có lẽ là đoạn điệp khúc, khi giai điệu chuyển từ Sol thứ sang Sol trưởng, khiến cho người nghe có cảm giác hân hoan, rạng rỡ, như nắng xuân bừng sáng trên khắp bến xuân:

… Sương mênh mông che lấp kín non xanh 

Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân 

Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca 

Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua… 

Đàn Chim Việt là lời hát được đặt sau vào năm 1944. Lúc này Văn Cao đang theo Việt Minh kháng chiến. Do đó, lời ca được đổi lại để miêu tả lại đoàn quân kháng chiến trong những vùng chiến khu:

Về đây khi gió mùa thơm ngát 

Ôi lũ chim giang hồ 

Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô 

Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca ... 

Mờ mờ trong nắng ven trời 

Chim reo thương nhớ chim ngân xa ...

Hồn còn vương vấn về xưa 

Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành 

Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh 

Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng 

Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế 

Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân…

Đã hơn 70 năm rồi, mà người Việt dù ở trong nước hay hải ngoại vẫn ngất ngây khi nghe lại những ca khúc bất hủ của Văn Cao. Những giai điệu, lời ca đẹp, nhưng đa phần u uẩn buồn… Buồn như số phận của tác giả. Càng yêu mến tài năng Văn Cao, càng cảm thương cho những tài năng văn học nghệ thuật đã không thể tiếp tục nở hoa trên đất Bắc…

Cung Mi (2016)

No comments: