Jan 16, 2021

PHẠM DUY VÀ 10 BÀI TÂM CA - Hưng Gàn


Phạm Duy là người nhạc sĩ Việt Nam viết ca khúc đa dạng, nhiều chủ đề nhất. Bên cạnh các ca khúc thông thường, Phạm Duy còn viết nhiều trường ca bất hủ, trong đó có Trường Ca Con Đường Cái Quan và Trường Ca Mẹ Việt Nam. Phạm Duy còn viết một thể loại đặc biệt nữa, mà tác giả gọi là “Chương Khúc”. Theo tác giả: “Chương Khúc là tổng hợp của 10 bài, có chung một đề tài nhưng mỗi bài có thể khác nhau về hình thức”. Phạm Duy đã viết nhiều chương khúc khác nhau: Đạo Ca, Tâm Ca, Bình Ca, Tục Ca, Rong Ca, Thiền Ca… Trong đó, 10 bài Tâm Ca là Chương Khúc đầu tiên của Phạm Duy, và có những giá trị hết sức đặc biệt về mặt lịch sử và âm nhạc.

Vào khoảng giữa thập niên 60, Miền Nam Việt Nam vừa trải qua nhiều biến cố chính trị. Cộng với chiến tranh leo thang, đã khiến xã hội hoang mang về tâm lý, mất niềm tin. Trong hoàn cảnh như vậy, Phạm Duy đã viết 10 bài Tâm Ca, để nói thẳng vào thực trạng xã hội. Tâm Ca cũng là những bài hát tâm niệm, mang những triết lý về cuộc sống của tác giả.

Về mặt âm nhạc, Tâm Ca là những ca khúc đơn giản, viết để hát cộng đồng, hát để tâm tình. Lời ca của Phạm Duy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc, chất chứa được những thông điệp chung của cả một thế hệ. 

Tâm Ca Một- Tôi Ước Mơ- được phổ thành ca khúc từ một bài thơ của Thiền Sư Nhất Hạnh. Trong một đất nước chiến tranh bắt đầu leo thang, cái chết của những người lính trẻ đã bắt đầu trở nên bình thường:

Sáng nay vừa thức dậy 
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường 
Nhưng trong vườn tôi 
Vô tình khóm tường vi 
Vẫn nở thêm một đoá…
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở 
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở 
Nhưng biết bao giờ 
Tôi mới được nói những điều tôi ước mơ ?...

Người thi sĩ, người nhạc sĩ vẫn ước mơ một đất nước Việt Nam mà người Việt không căm thù, thôi bắn giết nhau chỉ vì một chủ thuyết, hay những âm mưu của ngoại bang. Ước mơ đó đã không thành hiện thực…


https://www.youtube.com/watch?v=Pwff82BrWsk

Bài Tâm Ca được nhiều người hát nhất chính là Tâm Ca 4- Giọt Mưa Trên Lá. Nhà báo Trần Đại Lộc kể rằng vào năm 1965, khi vừa sáng tác xong ca khúc này, Phạm Duy đã ngồi phệt bên vỉa hè số 4 Duy Tân (Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn) để hát cho anh và một số sinh viên nghe. Giai điệu mộc mạc nhưng trong sáng, bao dung, có âm hưởng của thể nhạc đồng quê, Giọt Mưa Trên Lá như kể lại một cách nhẹ nhàng những nỗi đau của người Việt trong chiến tranh, và ước mơ thanh bình thật bình dị của một dân tộc đã chịu quá nhiều tan thương:

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Ðứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già...

 Giọt Mưa Trên Lá vượt qua phạm vi nỗi đau của một nước Việt Nam chiến tranh. Phạm Duy đã hướng đến nỗi đau chung của nhân loại, của thân phận người, với những hình ảnh thánh thiện làm chạm đến sâu thẳm trái tim của người nghe:

 …Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người : xin cứ nuôi mộng dàị…

Giọt Mưa Trên Lá đã được viết thêm lời Anh bởi Ca sĩ người Mỹ Steve Addiss. Phạm Duy đã có dịp hát chung với những người bạn Hoa Kỳ trong chương trình TV Nhạc Dân Ca "Rainbow Quest" năm 1966 của Peter Seeger. Hát bằng tiếng Mỹ nghe như một bản nhạc đồng quê Hoa Kỳ! Một ca khúc cho thấy sự tương đồng của hai nền văn hóa Mỹ-Việt.


https://www.youtube.com/watch?v=WLmPLVZDuWQ

Tâm Ca 10- Hát Với Tôi là ca khúc để kết thúc Chương Khúc Tâm Ca. Theo Phạm Duy, đây là “…một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả, sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế…”. Trước những bi kịch của xã hội, đất nước, người nghệ sĩ không u sầu, ủy mị, mà đã mời mọi người cùng hát to với niềm lạc quan:

Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn
Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than
Đời đẹp thì ta hát vẻ vang
Đời buồn thì ta hát nỉ non
Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn
Hát với tôi khen rất ngoan hay là chửi toang
Đời này tròn hay méo rồi vuông
Đời còn cần ta hát nhặt khoan
Một nghìn đời sau ta còn hát ầm vang.
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam…

Có lẽ không có lời mời gọi cùng hát nào mạnh mẽ, hào sảng hơn Hát Với Tôi của Phạm Duy:

 …Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời
Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi
Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai
Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi.
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam…

Nghe lại Tâm Ca, để hiểu được tâm tình của người nghệ sĩ trong một giai đoạn khó khăn của một Miền Nam trong quá khứ. Nghe lại Tâm Ca, để thấy rằng những ca khúc này vẫn còn nguyên giá trị cho một đất nước và con người Việt Nam đang cần sự thay đổi của ngày hôm nay. Những ca khúc viết bằng cái tâm của những người nhạc sĩ đích thực cho dù giản dị vẫn sẽ được hát mãi và nghe mãi…

https://www.youtube.com/watch?v=QBD3b9Jkgfc

Cung Mi


No comments: