Jul 12, 2017

8. NHẠC TRONG VĂN DOÃN QUỐC SỸ


Điều làm tôi thắc mắc, thật tình thắc mắc là con người đôn hậu Doãn Quốc Sỹ, với ngòi bút chân phương và hiền lành đó, làm sao phản ảnh được cái tiêu cực một cách trọn vẹn – phải viết là cái xấu xa tột cùng – của chế độ Cộng Sản, đến nỗi bị giam hai lần, và lần thứ nhì bị tù bốn năm rồi mới được đem ra xử, tuyên án rõ rệt tù chín năm? Tôi thiển nghĩ, rất đơn giản, là Doãn Quốc Sỹ có ghét ai, cố tình bôi đen nói ác cho ai thì cũng khó thuyết phục được người đọc. Văn ông trong sáng quá, ý tưởng của ông thanh cao và lương thiện quá. Ngòi bút của ông thực sự không có cái đanh ác, tai quái, cái phân tích tỉ mỉ để vạch ra những xấu xa đê tiện của xã hội ông đang sống đến độ “hiện thực” theo kiểu xã hội chủ nghĩa.
Sự thánh thiện ở ông giữa những so đo tính toán, những độc ác nham hiểm của chế độ là một sự lạc lõng. Vì chính sự thanh cao, chừng mực, vì những điều thánh thiện ông viết ra, vì những ý tưởng bình dị, đôn hậu đó mới làm nổi bật cái quay quắt tàn khốc của đời sống con người, khi bị đẩy vào đời sống của loài thú.
Mấy năm về trước, tôi có được nghe câu chuyện kể lại từ một người bạn. Câu chuyện được nhà văn Nguyễn Hoạt ghi nhận về Doãn Quốc Sỹ ở trong tù, lần thứ nhất. Họ bắt ông khai lại lý lịch, vì trong tờ khai đầu tiên, Doãn Quốc Sỹ viết về nghề nghiệp của ông: “Nhà văn chống Cộng” trả lời câu hạch hỏi của Việt Cộng, ông nói: “Đã là nhà văn, muốn viết sự thật, thì phải là nhà văn chống Cộng, chứ làm sao khác.” Họ còng tay ông giải lên Công an, hỏi ông câu “Ai thắng ai.” Ông trả lời, có khác gì một đoạn văn trong liệt truyện của Sử Ký Tư Mã Thiên:
-               “Chúng tôi thắng. Chúng tôi chống các anh trên bình diện tư tưởng. Các anh phải năm người có vũ khí, còng tay tôi rồi mới dám hỏi câu này. Các anh thua rồi!”
­­­Con người thánh thiện đó, trước bạo lực, đã có những trả lời đơn giản mà ghê khiếp như vậy. Tôi không thể không nghĩ đến cái DŨNG của bậc đại trí.


12 tháng 7, 1988

QUỲNH GIAO
(còn tiếp)

No comments: