Jul 12, 2017

5. NHẠC TRONG VĂN DOÃN QUỐC SỸ


Cuốn “Sầu Mây” Doãn Quốc Sỹ viết vào năm 1970 sau khi đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, lần này nói đến nhạc và Thiền. Cũng năm 1970, giữa những tao loạn cùng cực của chiến tranh, tư tưởng về đạo Thiền đã được phổ biến ở Saigon, Doãn Quốc Sỹ đã viết “Vào Thiền” một tùy bút có thể không được phổ biến bằng những tác phẩm khác mà ông đã viết trước và sau đó, nhưng con người thánh thiện và đầy dũng cảm này đã thực sự vào Thiền.
“Sầu Mây” là một tác phẩm viết về đời sống và tâm tư của một thanh niên Việt Nam ở Hoa Kỳ. Trong truyện, Huy, chàng thanh niên Việt, cảm mến và yêu Crys, một thiếu nữ Mỹ học nhạc, yêu nhạc và yêu dân tộc Việt Nam. Ở tác phẩm này, Doãn Quốc Sỹ không chỉ nhắc tên bài nhạc, ông còn phân tích tỉ mỉ, cảm tưởng của mình nữa.
Đây là một đoạn phân tích:
“Beethoven chỉ cho mình nghe thòm thèm rồi lập tức để nó chạy trốn vào đám âm thanh tít mù. Đôi khi mình có bắt gặp chúng thấp thoáng ẩn hiện ở một vài bè khác như một bóng ma đương tự dẫn lối mà đi để hoàn tất lấy giai điệu khao khát trong tâm tưởng. Thực khác hẳn với Handel chẳng hạn, giai điệu tròn trĩnh như những luống cầy có đầu có cuối vuông vắn, hay với Mozart giai điệu vừa tròn trĩnh lại vừa uyển chuyển như én liệng ngày xuân.”
Và sau đây là Nhạc và Thiền, trong một đoạn Crys viết cho Huy:
“Anh biết không, tuần vừa rồi em có phần trình diễn đọc tấu trên sân khấu. Thưởng thức nghệ thuật là vươn lên với Thượng Đế, sáng tác nghệ thuật là đồng hóa với Thượng Đế.”
Huy cũng có lần nói:
“Tôi vẫn yêu tiếng Cello, thoạt yêu vĩ cầm, nhưng rồi nhiều khi buồn nản về cõi thế, về tình hình đất nước, tôi nghiêng dần thương mến về Cello. Tiếng đàn trầm đó nhiều khi như thủ thỉ ngỏ lời tâm tình, nhiều khi như dìu tư tưởng tôi đi vào chiều sâu của tâm tư.


12 tháng 7, 1988

QUỲNH GIAO
(còn tiếp)

No comments: