Aug 3, 2014

Ý NGHĨA LỄ HỘI VU LAN - H.T. Thích Phước Tịnh



Vào ngày lễ Vu Lan, quý vị thường nghe các Thầy nói về ba ý nghĩa trọng đại của ngày lễ.  Ý nghĩa thứ nhất, đây là ngày Chư Tăng giải chế an cư kiết hạ.  Ngày này còn gọi là ngày “Phật hoan hỉ” do vì Đức Thế Tôn thường rất vui khi thấy chư tỳ kheo sau ba tháng tĩnh cư tu tập nghiêm mật, ai cũng có thần thái trong sáng, oai nghi rỡ ràng, lại có nhiều vị chứng được thánh quả. 

Ý nghĩa thứ hai, đây là ngày giải cứu chúng sinh trong cõi ưu đồ đã từng tạo ác nghiệp.  Ngày này còn được gọi là ngày “Giải đảo huyền”.  Tên gọi này xuất phát từ nguyện ước của ngài Mục Kiền Liên khi ngài thấy vong linh của mẹ đang lạc lõng trong cõi ưu đồ.  Vì rất thương mẹ, ngài Mục Kiền Liên đã xin Đức Thế Tôn chỉ dạy cho phương pháp cứu vong linh của bà.  Đức Thế Tôn dạy rằng sau ba tháng an cư, chư tăng thường có phẩm hạnh đoan trang, năng lực thánh hạnh rất nhiệm mầu.  Đấy chính là lúc nên tập trung thần lực để cầu siêu cho mẹ.  Từ đó, ngày này được gọi là ngày “Giải đảo huyền”, nghĩa là cứu những nỗi khổ của hương linh người thân đã từng tạo ác nghiệp.

Và ý nghĩa thứ ba, đây là ngày lễ cài bông hồng lên áo các người con, còn được gọi là ngày “Bông hồng cài áo”.  Chúng ta thường bận rộn cả năm, đôi khi không có thời gian nhìn lại để hiểu hình hài mình từ đâu mà có.  Do vậy, lễ Vu Lan thường gắn liền với niềm tri ân của chúng ta đối với đấng sinh thành, nhất là đối với mẹ, người đã gánh chịu nhiều cơn đau khi đưa ta vào đời.  Có lần tôi được một đệ tử học ngành y kể về nỗi đau của người mẹ khi sinh con.  Lúc cái đầu của đứa bé ra khỏi lòng mẹ, người mẹ đã phải chịu đau khôn kể.  Nhưng cái đau đó chỉ để báo rằng cơn đau kế tiếp sẽ khủng hoảng hơn rất nhiều. Kích thước đôi vai của đứa bé không nhỏ, lại chẳng khép được như đôi cánh phi cơ.  Vậy mà người mẹ vẫn phải làm mọi cách đưa đôi vai ra ngoài.  Người ta nói “Đàn ông đi biển có đôi.  Đàn bà đi biển mồ côi một mình.” Thật vậy, khi người mẹ sinh con chính là lúc bà thi thố với cái chết, và cho dù y khoa phát triển đến ngần nào đi nữa, nỗi đau sinh con của người mẹ vẫn như thế!

Trích bài giảng "Những Nét Văn Hóa của Lễ Hội Vu Lan"
H.T. Thích Phước Tịnh

No comments: