Oct 19, 2012

Từ Vua Hippy cho đến nhà văn thời hậu chiến - ANH QUÂN



Tui còn nhớ vào cái năm 1994 đang ngồi nhà xem giải Wimbledon, thì một người quen gọi qua nhà uống Cafe tán dóc, vì có ông Trường Kỳ từ Canada tới chơi. Nói thiệt, cái lúc đó tui hổng biết ông Trường Kỳ là ông nào, từ bé đến lớn tui chỉ được nghe về ông “Cao Kỳ”! hay là tui nghe nhầm biết đâu ông cựu Phó Tổng Thống đi chơi London. Cứ qua rồi biết.

Khi qua tới nơi, tui thấy một ông tuổi tầm 50 hoặc hơn, người nhỏ con, da đen xì, mang đôi mắt kính dày cộm, mà xem ra ông chẳng hoạt bát cho lắm, người xem trầm lặng, chỉ nói những gì cần nói mà thôi. Người quen tui mới giới thiệu đây là ông vua “Hippy” Việt nam vào cuối thập niên 60 và đầu 70 của thành phố Sài gòn. Nghe xong tui cũng chẳng có ấn tượng gì cả vì tui cảm thấy Hippy Viet Nam không có gì ghê gớm cả. Nhất là lúc đó tui làm thêm nghề bán chợ trời cuối tuần. Khu chợ tui làm có tên là Camden là một khu chợ nổi tiếng tập trung giới Hippy từ hồi thập niên 70 cho đến giờ. Gần đó có một nhà hát Roundhouse nổi tiếng vì trong quá khứ đã có Gass, The Rolling Stones, Jeff Beck, The Yardbirds, Zoot Money's Dantalian's Chariot, David Bowie, The Sinceros, Jimi Hendrix, Pink Floyd, Led Zeppelin, Incredible String Band, The Doors with Jefferson Airplane, Ramones, The Clash, Elkie Brooks và Motörhead đến trình diễn. Cũng vì làm ăn khu Hippy, nên tui cũng buôn bán mặt hàng cho dân hippy luôn. Tui chuyên bán áo T’shirts về các ban nhạc Rock, thêm những mặt hàng như loại áo Tie Dye, màu mè sặc sở , các loại Daisy T Shirt, đủ màu sắc cho hoa, lúc đó có một loại T Shirts đổi màu như con công , tức là ở trong bóng mát thì bình thường như đi ra ngoài đường thì gặp ánh mặt trời là đổi màu khác liền, loại hàng này vào lúc đó “HOT” vô cùng. Đối diện gian hàng của tui là thằng bán nhạc Rock và nhạc lậu. Cái lậu của nó là không phải đi copy nhạc về bán mà chẳng biết đâu nó tìm đâu ra các loại nhạc mà các ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Rolling Stone, Eric Clapton.... đang luyện tập trong Studio, nên khi nghe loại nhạc này có khi nghe tiếng đùa giỡn của John Lennon hay Paul Maccarney.... Cũng nhờ đó tui mới được biết có những Album nhạc bất hũ, chẳng hạn như Stairway to heaven của Led Zepplin mà in lên áo là lúc nào bán cũng chạy cả, mà người mua nhiều nhất là các cô gái Nhật Bản.

Bởi vậy cái lúc ban đầu gặp ông vua “hippy” Việt Nam thì tui chẳng biết tiếp chuyện với ông ta thế nào. Tui chỉ hỏi là nhạc Beatles nổi tiếng mà sao không thấy Việt Nam hát hay dịch qua lời Việt. Ông chỉ nói vắn tắc là có đấy chứ nhưng chắc chưa có dịp nghe qua. Gặp ông Trường Kỳ có bấy nhiêu, vài năm sau đó tui lại liên lạc với ông nhiều hơn, nhất là khoảng thời gian sắp đá giải “World Cup 1998” tại Pháp là vì lúc đó đài BBC ban tiếng Việt làm một loạt chương trình Nhạc Trẻ VN , ông là người hướng dẫn chương trình, tìm được thêm những nhà báo kỳ cựu vào cuối năm thập niên 50 và đầu thập niên 60, cùng thời đại với ký giả thể thao độc nhất vô nhị của Việt Nam là ông Huyền Vũ, đến giờ ngay tại Việt Nam các nhà báo trẻ về thể thao vẫn phải nghiêng mình kính nể ông Huyền Vũ, đều nói là chưa đạt đến đẳng cấp như ông và nhất là chưa thể tường thuật thể thao mà chỉ nghe thôi, mà y như đang ngồi xem trước mặt.


Vào cái năm 1998, tui làm dịch thư từ tiếng Việt qua tiếng Anh cho ban thư tín của đài BBC, tôi làm vào ban đêm, nên mỗi lần phát xong chương trình nhạc trẻ VN là tôi có cơ hội vào phòng Studio nói chuyện điện thoại với ông Trường Kỳ, lúc đó tôi cũng hay làm báo Cộng Đồng nên ông Trường Kỳ hứa giúp gởi bài viết văn nghệ của ông qua cho tui. Lúc nghe chương trình nhạc trẻ, tui rất thích, phải nói đây là một chương trình hay, rất nhiều thính giả ái mộ,. Có một đọc giả thích đến nổi thư liên tục mỗi tuần. Anh ta có một tệm chụp hình ngay đường Bùi Viện và tôi cũng ghé quá thăm anh ta vì sự ái mộ cùa anh.

Tui có hỏi ông Trường Kỳ là làm sao giữ các tài liệu nhạc trẻ này. Ông có nói ông sẽ xuất bản quyển “Một Thời Nhạc Trẻ”, bao nhiêu tài liệu viết trong đó hết . Vào năm 2002, ông đã xuất bản quyển sách này, phải nói đây là một sách hay, ông viết rất dể đọc, có thể đọc trong mọi hoàn cảnh. Chuyện của ông từ tuổi thơ , sách cặp tới trường , thì thời bọn mình cũng không khác gì ông là các thằng học sinh thấy cô giáo đẹp là si mê , rồi tuổi lớn dần đứa nào đã mặc sì líp , cô nào đã mặc áo lót.... từ đó đưa tới những chuyện về ca sĩ Elvis Phương, Tùng Giang , Thanh Lan lần đầu đi hát thì khóc nhè, tiếp theo là bài hát “phút đầu gặp nhau” , lời hát của ông Trường Kỳ là vì lúc đó ông và Tùng Giang thấy ca sĩ Thanh Mai đẹp như một búp bê. Đến đoạn chót của quyển sách, tui đọc cảm thấy buồn vì giai đoạn 30 tháng 4 sắp đến. Trang chót ông có nói “Tôi cùng các bạn đứng ra thực hiện chương trình cho một Đại Hội Nhạc trẻ Thảo Cầm Viên của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để giúp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ 75 được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 năm 74 cùng với những ban nhạc trẻ và các nghệ sĩ quen thuộc. Đây là Đại Hội Nhạc Trẻ cuối cùng được tổ chức tại Việt Nam khi tình hình chính trị ngày càng xáo trộn. Nó chẳng hề ghi lại nơi tôi một ấn tượng nào đặc biệt”.


 
Đọc xong đoạn văn đó, tui bùi ngùi vì xem như nền nhạc trẻ của Việt Nam Cộng Hòa thật sự đã mất vì 4 tháng sau đó tất cả văn hóa miền nam trở thành đồ trụy và có thể đây là thứ quốc cấm trong xã hội mới. Đi tới sự bắt bớ và giai đoạn đen tối cho nhiều nghệ sĩ miền nam cũng như các nhà văn cũng không thoát được cảnh tù tội như tác giả “Ba Sinh Hương Lửa”.

Tui có cơ hội đọc nhiều sách Việt là nhờ các thư viện địa phương ở London có sách tiếng Việt, tui bắt đầu từ các truyện của ông Chu Tử , tới truyện du đảng của Duyên Anh, qua các truyện tình cảm nhẹ nhàng như Võ Hà Anh và Dung Sài Gòn , đến các tác phẩm của nhà văn Mai Thảo thì bắt đầu cảm thấy khó nuốt , có những đoạn phải tập trung đọc thật kỹ mới hiểu ông nói gì, thì từ đó tui mới biết nhóm Sáng Tạo, cũng vì đọc sách nhà văn Mai Thảo trước nên tui cứ cho là các nhà văn của nhóm này viết chắc khó đọc lắm. Lần đầu tiên tui đọc truyện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là quyển “Dòng Sông Định Mệnh” , hoàn toàn khác với những gì tui nghĩ , phải nói là câu truyện rất lôi cuốn về nhân vật Thiệu, đọc xong mới thấy tác giả quá am hiểu về người cộng sản , nhất là sau này đọc quyển “mình lại soi mình” thì tui mới ngỡ ngàng thêm chi tiết nhà văn Nhất Linh gặp ông Hồ Chí Minh.
 

 
“Dòng sông định mệnh” sáng tác vào năm 1959, lúc đó ai cũng biết không còn chuyện tổng tuyển cử thống nhất đất nước , đất nước chia đôi như tác giả đã chọn tựa cho hồi 8 là “Hai Nhánh Sông Phân Ly”. Nên người di cư vào trong nam cảm thấy là việc trở về cố hương là một việc xa vời, tất cả là định mệnh và đến hồi kết cuộc là “Sông đã ra tới biển có còn khúc quành nào đâu”. Đúng là Dòng Sông Định Mệnh đã ra tới đại dương và cứ đó mà lưu lạc đến một đất lành mà an cư. Cả một đời sống của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là ông thấy nhiều điều mà người bình thường không biết được, ông biết những thứ mà chúng ta chưa được nghe qua. Đọc quyển “Dòng Sông Định Mệnh” cứ tưởng là một chuyện tình của Thiệu và Yến nhưng không phải vậy tất cả một kiến thức kinh nghiệm ông tích lũy cả một thời thanh niên , ông trãi qua trong giai đoạn bắt đầu mới lớn để biết Việt Nam Quốc Dân đảng, rồi Cách Mạng Mùa Thu , hay cuộc Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 là của toàn dân tộc Việt Nam, chứ không phải một tổ chức cá nhân nào cả, rồi đoàn quân tàu Lư Hán vào miền Bắc, tiếp theo là cuộc chiến 9 năm kháng chiến của Việt Minh mà rất đông thanh niên yêu nước, bắt đầu gia nhập từ Đoàn Thanh Niên Cứu quốc , họ đã biết nhân thức được sự thật, họ quay về thành như ông hay Cố Tổng Thống Nguyện Văn Thiệu, nhạc sĩ Phạm Duy ..... Tất cả những sự kiện lịch sử này và suy tư của tác giả đã viết trong bộ trường thiên tiểu thuyết “Khu Rừng Lau” và không biết Kha có phải là nhận vật Doãn Quốc Sỹ ngoài đời không?

Tui làm quen với nhà văn Doãn Quốc Sỹ từ tác phẩm “Dòng Sông Định Mệnh”, vì là quyển đầu tiên nên tui có ấn tượng nhiều nhất , tuy ai cũng biết tác phẩm nổi tiếng của ông là “Khu rừng lau”. Vài năm sau , cầm quyển “Đi” của nhà in Lá Bối mà tui cứ thắc mắc đây là một thay đổi lạ kỳ của Thầy Nhất Hạnh vì trong những sách Thầy in không có một loại sách viết theo lối văn xuôi kể chuyện, nhất là có nhiều liên quan tại Việt Nam và cũng vào lúc đó là năm 1984 – 1985 là thời đen tối nhất của xã hội Việt Nam. Cho mãi đến giửa thập niên 90, tui mới biết quyển “Đi” ai là tác giả và cũng không ngờ cô bé ngây thơ học đánh đờn Piano hay Org trong câu chuyện là bạn của mình. Vào lúc đó tui mới biết quyển “Đi” trở thành bản án 10 năm tù cho nhà văn Doãn Quốc Sỹ .

Đọc sách của nhà văn Doãn Quốc Sỹ có những quyển vô cùng thú vị , có một người quen qua đời, ông ta có để lại rất nhiều sách vở Việt Nam, tui lên nhà ông ta dọn dẹp thì ôm chồng sách tiếng Việt về nhà, nhưng không có thời gian để vào Garage hơn cả 5 – 6 năm , đến mãi năm ngoái sửa lại garage, tui mới dọn chòng sách tiếng Việt thì thấy quyển “Người Vái Tứ Phương” , tui mới ngồi đọc bỏ bê công việc dọn dẹp garage luôn, vì tui khoái nhân vật nhà giáo mất dạy bị mất việc thành nhà tướng số, coi tướng cho công an, mà tui nó tin sái cổ ,không đả phá được lập luật về cách coi tướng của ông Giáo. Tui mới cảm thấy sự uyên bác mọi mặt của tác giả từ Lịch sử, Thiền, Tướng Số , Phật Giáo và nhiều thứ khác.

Quyển “Một Thời Nhạc Trẻ “ của vua Hippy Trường Kỳ cho tui nghe các câu chuyện sinh hoạt sống động làng văn nghệ của tuổi trẻ Việt Nam thập niên 60 cho đến giữa thập niên 70. Nhưng tui nghĩ ông Trường Kỳ không có tấm ảnh poster của Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ cuối cùng vào tháng 12 năm 1974. Còn quyển “Dòng Sông Định Mệnh” là một tình yêu lãng mạn, có người đã hỏi tác giả quan niệm về tình yêu nhưng ông không cho câu trả lời trực tiếp mà gián tiếp nói khi đọc tác phẩm thì sẽ hiểu vì ông đã ghi hết mọi tình tiết trong đó.

Đã nhiều người viết và phỏng vấn về nhà văn Doãn quốc Sỹ. Tui thuộc loại hàng hậu sinh xa tít mù khơi , nên cũng chưa thể nào đủ khả năng viết gì về ông cả, nhưng khi coi những tấm ảnh của bà gởi làm tui nhớ tới những gì tui đã gặp qua trong quá khứ và nhân đây kể lại các câu chuyện cho bạn bè nghe trong lúc nhàn rổi hay chán quá không có gì làm thì nghe tui kể chuyện. Tới đây xin ngừng .

ANH QUÂN

 


No comments: