Sep 21, 2011

Sống Hạnh Phúc, chết Bình An - Nguyễn Minh Hương

Một chút chia xẻ với Kim Khánh, Yến và Viễn-Thu Hải

Tôi chẳng phải như cụ Nguyễn Du để mà than thân trách phận “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Nhưng trải qua cuộc dâu bể tan thương của đất nước, của cuộc đời tôi như con chim đã bị trúng đạn, khi gặp được một người thân, quen, bạn bè vui mừng đấy. Sau mỗi cuộc chia tay từ giã còn lại trong tôi là một điều gì khó nói được thành lời, vì những lý do bất trắc nào đấy có thể không có dịp nào gặp lại.

Nỗi lo sợ vẫn vơ luôn là một vết sẹo nằm sâu trong ký ức của tôi. Chịu đựng hơn 5 năm trong nghề y tá cuối cùng không chịu nỗi những áp lực mỗi khi nhìn người nào đó ra đi, nhìn thân nhân đứng lặng bên gường bệnh tôi đành bỏ nghề tìm cách trốn chạy mong kiếm tìm chút bình an cho tâm hồn.

Tôi chia tay bố, chia tay chồng tưởng rằng sẽ được gặp lại trong 1 thời gian ngắn nhưng chẳng bao giờ gặp lại; ôm mẹ trước khi lên gường có ngờ đâu chỉ vài giờ sau đấy ánh mắt, nụ cười của mẹ mãi rời xa tôi.

Tuần lễ này tôi nhận được tin buồn từ 3 người bạn. Bà mẹ của cô bạn dạy cùng trường của những ngày đói kém, gian khổ sau 1975 mỗi lần về Sài Gòn thăm gia đình đêm ngủ tại nhà bác, nhà gần bến xe Miền Đông để hôm sau 4 giờ sáng xếp hàng mua vé trở lại Vũng Tàu bác đều đón tiếp tôi với tấm lòng của người mẹ nồng ấm, ân cần dù cuộc sống nhiều thiếu thốn bác vẫn chia xẻ cho lũ bạn của con mình không hề tính toán, phân biệt.

Nghe tin bác mất sau thời gian dài mang căn bệnh quên lãng của người già, hình ảnh của bác và mẹ tôi như hòa vào nhau trong trí tưởng của tôi. Ray rứt trong lòng khi nhìn mẹ đau đớn chống trả với cơn bệnh và nỗi đau xé lòng nếu không còn gặp lại mẹ.

Bệnh mất ngủ với những cơn ác mộng chập chờn trở lại với tôi. Ước gì đời sống chỉ có 2 chiều phải hoặc trái để mọi người có thể lựa chọn, nhưng cũng chắc gì mình đã chọn đúng hướng.

Tự nhiên nghĩ về một cô bạn nhỏ ở Bắc Cali, gọi hỏi thăm nghe kể vừa từ Việt Nam trở lại sau thời gian về chăm sóc mẹ trong những ngày cuối đời. Hai chị em tâm sự những vụn vặt về đời sống của 1 kiếp người, sự suy nghĩ giữa thương yêu, lo lắng về người thân yêu của mình, sự va chạm đôi lúc có thể xảy ra về quan niệm của 2 xã hội Việt Nam và Mỹ vẫn nặng trĩu trong tâm hồn của cô. Thôi thì được chăm sóc mẹ, được nắm tay mẹ trước lúc mẹ ra đi và được tiễn đưa mẹ cũng là niềm an ủi. Đôi lúc mình phải lựa chọn những điều cảm thấy được may mắn hơn những người khác làm chút hành trang cho cuộc sống.

Và cũng thế đọc tin bão lốc xảy ra ở những tiểu bang miền đông Hoa Kỳ, gọi hỏi thăm những người bạn Pleiku ngày xưa đang sống nơi ấy, nghe được tiếng trả lời cảm thấy mừng.

Cô em Pleime vóc hạc mảnh mai chỉ 1 cơn gió mạnh cũng đủ cuốn đi đang ở trong trại tạm trú.. hỏi ra mới biết đang giúp đỡ những người bị mất nhà cửa. Giữa những tiếng ồn ào nghe vọng tiếng cô trả lời hết người này đến người khác. Chẳng hiểu cô lấy đâu ra đủ nghị lực để làm tất cả những công việc không tính nỗi thời gian như thế.

Nghe 1 người bạn khác trả lời đang ở phi trường, không 1 chút suy nghĩ, hỏi han, tôi vui mừng vì vợ chồng bạn còn có giờ đi chơi; vài giờ sau mới được biết cả hai vội vả về miền Nam Cali vì bà mẹ sống cùng thành phố với tôi vừa mất. Tôi như hụt hẫng tự trách mình vì không cảm nhận được chút gì qua giọng nói của bạn mình khi nói chuyện, chẳng có lời tạ lỗi nào có thể xóa bỏ được lời cười đùa không đúng lúc của mình. Khi cùng vợ chồng 1 cô bạn cùng lớp, cùng trường ngày còn học trung học đến viếng được nghe lời kể, ý nguyện của bà mẹ chỉ muốn được tiễn đưa trong vòng thân quyến nên không thông báo cho bạn bè quen biết, tôi cũng đành xin phép để được thắp cho cụ nén nhang tiễn biệt.

Nhìn con cháu quay quần bên linh cửu của mẹ bạn, lại chợt nhớ đến câu nói của Đức Đạt Ma Lạt Ma “Sống Hạnh Phúc, chết Bình An.” Khuôn mặt hiền hòa vẫn như đang trong giấc ngủ của một bà mẹ thật đẹp.

Cầu mong yên bình cho tất cả mọi người.

Nguyễn Minh Hương
9/2011

No comments: