Aug 17, 2011

Tôi đi dự hội thảo Hội Chuyên Gia - ANH QUÂN



Lần đầu tiên đi dự hội thảo của Hội Chuyên Gia là 12 năm về trước. Lúc đó , tôi đi là tính cách ham vui, ở nhà riết thấy chán, đi ra ngoài gặp người Việt Nam từ nhiều quốc gia khác đến tham dự, để học hỏi thêm kiến thức về nói dóc mà hù mấy thằng bạn mình chứ. Vậy mà thoáng một cái thời gian trôi qua một cái vù hết một con giáp luôn. Cho đến lần này, tổ chức tại London, ban tổ chức là chỗ quen biết, thấy họ còn trẻ mà có tinh thần, mà mình thờ ơ quá thấy quá dở, nghĩ nên đi và tới đó quay phim cho họ để làm kỷ niệm thì đó là một điều hay.

Lần này họ cũng bàn thảo một cái đề tài không gọi là mới cho lắm là “Hội Nhập Kinh Tế và Khủng Hoảng Tài Chánh”, tuy nhiên có vài điểm khá thú vị và học hỏi thêm về kiến thức kinh tế , đó là một lãnh vực mà tôi hoàn toàn không biết gì hết.  Tất cả hội thảo của họ đều liên quan tới Việt Nam. Trong đó có một đề tài tôi thích nhất là “Bản sắc Việt xuyên quốc gia”. Tôi thích là vì có liên quan đến công việc cộng đồng mỗi ngày của tôi. Người diễn thuyết là người Anh, tên Stephan James. Anh ta nói được tiếng Việt, trình độ trung bình, lý do là hồi 5 tuổi anh ta sống tại Việt Nam trước năm 1975. Sau đó qua Mỹ sống, học hết bậc Đại Học bên đó, cho đến năm 2000, anh về lại Việt Nam sống khoảng 5 năm và làm việc tại Hà Nội, kế tiếp về lại Anh quốc một thời gian giờ thì làm việc bên Đức.
Trong thời gian ở Anh quốc, Stephan làm việc nghiên cứu về cộng đồng Việt Nam, về người Việt đi từ miền Nam, người Việt đi từ miền Bắc, du học sinh và Việt Nam trưởng thành tại nước ngoài. Anh chưa tìm hiểu về người Việt đi lậu qua quốc gia tây phương, nên vậy nghiên cứu của anh chưa hoàn tất.

Stephan có tâm sự là thời thiếu nhi của anh là sống tại vùng Gia Định Việt Nam. Khác với các con cái của nhóm người Mỹ qua làm tại Việt Nam, những người này được cấp nhà, họ đi học tại trường riêng biệt, theo giáo dục của xứ Mỹ. Còn Stephan thì hoàn cảnh khác biệt là vì mẹ của Anh là y tá, làm việc chung với Bác Sĩ Việt Nam, phục vụ cho những bệnh nhân Việt Nam, thuộc từng lớp lao đông, ngoài đô thị Sài Gòn. Nên vậy tiếng Việt của Stephan học ngoài đường phố, anh sinh hoạt chung với trẻ em Việt Nam, có lúc cũng bị ăn hiếp vì là Tây, nhưng một yếu tố quan trọng nhất anh bị mất mà lúc đó anh không biết là cho đến lúc anh ta qua Mỹ học thì anh mới nhận ra là anh đã mất “Bản sắc”, cái I.D của anh. Anh bị nghĩ như người Việt Nam và từ đó anh mới hiểu được cái giá trị của “Bản Sắc”.

Stephan nói tiếp khi qua Anh sống, anh bắt đầu gặp người Việt, anh đến nhà họ chơi, ăn cơm với họ, đi sinh hoạt cộng đồng, trao đổi ý kiến suy nghĩ và từ đó anh đi đến quyết định nghiên cứu về người Việt sống tại nước ngoài. Anh kể thường gặp người Việt, anh dừng họ lại để trao đổi tiếng Việt, ai cũng ngạc nhiên vì anh biết nói tiếng Việt nhưng có một lần duy nhất, một người Việt nghe tiếng Việt của anh xong, miệng hả to ra kinh ngạc , sau đó thành sợ hải và bỏ chạy vì nghĩ anh ta là công an Việt Nam đi bắt người.

Stephan tìm hiểu người Việt sống từng vùng khác nhau, thật ra thì không mới lạ gì đối với chúng ta, nhưng có những điều nhạy cảm, nên để người ngoại quốc viết ra dể dàng hơn chúng ta. Chẳng hạn anh ta đưa vấn đề thường người đi từ miền nam thành công trong việc học vấn, người miền Bắc chỉ nghĩ đến tiền. Thành phần du học sinh qua cũng chỉ nghĩ việc kiếm tiền và không ai muốn nói chuyện chính trị cả. Bây giờ người Việt sống lưu lạc nhiều quốc gia trên thế giới, mới nhìn vào tưởng là mỗi cộng đồng Việt Nam sống sinh hoạt anh phận tại xứ sở tại, nhưng không phải vậy tất cả đều có mối liên hệ với nhau hết là từ gia đình, kinh doanh, giáo dục, công việc và tệ hại nhất là nạn buôn ma tuý và á phiện.

Vấn đề nghiên cứu của Stephan muốn đưa ra là I.D = Bản Sắc, Resources = Tài Nguyên ,Value = Giá Trị và Foundation = Nền Tảng

Người Việt sống tha hương đã mất Bản Sắc chưa? Người Việt tới từ nhiều vùng khác nhau. Có những người từ bé đến lớn chỉ sống trong một cái làng nhỏ bé tại một vùng đất khô cằn ở Nghệ An hay Quảng Bình, chưa bao giờ có cơ hội đến thành phố Hà Nội hoặc Sài Gòn. Đùng một cái họ đi đến một thành phố quá văn minh, gấp cả trăm lần hơn Sài Gòn như Paris, London, Berlin....thì suy nghĩ của họ thay đổi, vậy họ sẽ chọn nơi nào sống, tạo một gia đình, họ bỏ hết thời gia kiếm tiền, con cái họ lớn lên, con họ sẽ ra sao? và họ còn dạy con họ về cái “Bản Sắc” không? và chính cá nhân của họ thì sao?

Còn cộng đồng Việt Nam có mất bản sắc không? 20 năm trước chúng ta có nghĩ cộng đồng chúng ta sẽ về đâu? và 20 năm sắp tới cộng đồng chúng ta sẽ về đâu?

Trong cái Bản Sắc của chúng ta là phải cần cái nền tảng, một điều quang trọng là cái tâm linh và tôn giáo. Stephan gặp khó khăn trong việc phỏng vấn người Việt khi hỏi đến tôn giáo. Có những người khẳng định được vị trí của họ là Thiên Chúa hay Phật Giáo. Có những người chỉ nói mình là đạo thờ ông bà, có những người thì vẫn câu nói ăn hiền ở lành là được, có những người nói không theo đạo nào cả nhưng cách cư xử còn hơn những người theo đạo. Tôi có nói them với Stephan những ai không khẳng định được một tôn giáo nào thì hay rơi vào cảnh mê tín dị đoan nhiều lắm. Họ tin những điều mà mình chẳng hiểu nổi là họ tin như vậy. Người Cộng Sản tin về vô thần mà bây giờ ta thấy họ đi cúng bái nhiều nhất.

Phật Giáo và Thiên Chúa giáo đóng góp xây dựng cộng đồng rất là nhiều. Trong quá khứ tôi đã phục vụ rất nhiều người khi gia đình họ có tang lễ thì tôi thường là người đi lien lạc với Thầy. Nếu không có Thầy thì quả thật là gay go cho ma chay.

Khi chúng ta cư ngụ tại đây thì cái tài nguyên chúng ta có sẵn trong người chúng ta là ngôn ngữ Tiếng Việt. Cái mà người bản xứ không thể có được. Chúng ta phải trân trọng cái tài nguyên này. Stephan có kể là gặp một em nhỏ gốc Việt sinh và lớn lên tại London, Stephan có hỏi mùa hè này em làm gì? Em nói một cách chán nản và lầu bầu nói : “Lại về Việt Nam, chán quá, không có bạn, về đó bị muỗi chích và chẳng có gì để xem”.

Stephan nói tiếp vấn đề chúng ta không để ý là các em học trong trường, gặp nhiều sắc tộc khác nhau, các em chơi với các bạn từ các quốc gia khác, học các điều của xứ khác và dần dà bỏ đi những gì mình có sẳn như là Tiếng Việt.

Giá trị của người Việt là văn hóa, cổ truyền , y phục, ẩm thực và nghệ thuật. Chúng ta không thể bỏ một trong những yếu tố đó. Cái đơn giản nhất ngày Tết Việt Nam trong nước và ngoài nước nhà nào cũng có bánh chưng hết. Cũng như ngày hội thảo hôm nay các cô trong ban tổ chức đều tha thướt với chiếc áo dài, đưa các cô lên một cái giá trị trong cái hotel sang trọng này. Người xứ khác đi qua nhìn thấy và họ học được về người Việt Nam. Đây có phải một giá trị đáng quí không?
Vậy cái vai trò công đồng không thể bỏ được vì đây là nơi đưa bản sắc Việt đi khắp 5 châu.

Anh em trong hội chuyên gia đã đóng góp một vai trò rất hữu ích trong cộng động chúng ta.  Phần tôi nghĩ họ chưa được trọn vẹn là vì họ chỉ có hang trên, không có hang dưới. Hầu như thành phần tham dự là Bác Sĩ, Kỹ Sư, Chuyên Viên, Luật Gia, Dược Sĩ... Họ thiếu mất các vai trò lao động và sản xuất. Có thể là một điều họ chưa kéo được mọi người với nhau. Riêng tôi nghĩ trong xã hội phải có nhiều tổ chức khác nhau, cộng đồng bắt buộc phải có mâu thuẫn nhưng vấn đề chính là phải xây dựng và phát triển thì mới  tiến bộ.

Trước khi chấm dứt là tôi học được một điều trong tuần vừa qua là một câu chuyện như sau :
Người phụ nữ tên Rose, được ông chủ nói là sẽ cho một công việc tại thành phố New York, lương tháng là 20 ngàn đô la. Nhưng Rose phải xa gia đình. Một năm sẽ làm “Bà Già Nô En” đi về thăm chồng và con vào mùa Giáng Sinh. Rose về nói với chồng là thôi giờ anh ở lại London, lo cho con để em đi làm xa.

Vậy những người đàn ông sẽ ý kiến sao? cho vợ đi hay không cho vợ đi? Nếu câu trả lời không cho đi thì cho thấy người chồng đó mang đầy chất nữ tính trong người. Nói nôm na là tính đàn bà. Còn người nói cho đi là người mang đầy chất nam tính vì những người như vậy họ nghĩ rất đơn giản là mỗi người một khả năng thì vợ có tài đi làm là chuyện thường và mình ở nhà coi con là chuyện tốt thôi....

Vậy chúng ta mang nam tính hay nữ tính đây (đây là câu hỏi dành cho quí ông)

ANH QUÂN
  

No comments: