Chùa Thiên Mụ - Huế
Cách đây 36 năm, người Việt đất Mỹ bắt đầu trang lịch sử tị nạn của mình bằng các đợt bỏ nước ra đi để lánh nạn cộng sản, tìm tự do. Người Việt bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, bỏ lại người thân, bỏ lại những thói quen, nếp nghĩ cũ, lao mình vào một xã hội mới, hoàn toàn khác lạ để mưu sinh. Về mặt tâm linh, những người theo đạo Công Giáo, Tin Lành thì không gặp nhiều khó khăn để tiếp tục niềm tin tôn giáo của mình trên Đất Mỹ, vì nền văn minh Tây Phương gắn liền với Ky Tô Giáo.
Nhưng người Phật Tử Việt thì phải mất nhiều thời gian hơn để có được một môi trường sinh hoạt tôn giáo của mình trên quê hương mới. Khi đã bắt đầu tạm ổn định cuộc sống vật chất, điều mà nhiều Phật Tử quan tâm nhất chính là khôi phục lại các sinh hoạt tâm linh đã phải bỏ quên trong những năm đầu. Bắt đầu là phải có thầy. Có một số thầy đi từ rất sớm, cùng đi tị nạn, đi vượt biên, sang Mỹ cùng với Phật tử. Nhưng cũng có những thầy sau này từ trong nước được cử đi do sứ mạng tôn giáo. Vì Phật tử Việt ở Mỹ ngày càng đông thêm, mà không có đủ thầy để chăm sóc đời sống tâm linh. Người Việt mình trọng chữ hiếu lắm. Nghĩ đến lúc cha mẹ mất mà không có đến thầy tụng một thời kinh cầu siêu là cảm thấy áy náy lương tâm vô cùng. Rồi các thầy và Phật tử bắt đầu dựng chùa. Những mái chùa đầu tiên chỉ là những căn nhà được sửa sang lại, thí dụ như chùa Việt Nam ở trên Los Angeles. Những năm sau đó, Phật tử giàu hơn, người Việt ở Mỹ bắt đầu có những ngôi chùa lớn,thậm chí còn đẹp hơn, rộng rãi hơn những ngôi chùa trong nước, thí dụ như chùa Việt Nam ở Houston.
Sau 36 năm, mọi chuyện giờ đã khác. Chỉ nói riêng đến người Việt Quận Cam, có thể khẳng định rằng Phật tử Việt có dư thừa phương tiện cho đời sống tâm linh của mình. Khu vực Little Saigon có lẽ là nơi có mật độ chùa tính trên đầu người dân Việt là cao nhất thế giới, ở Việt Nam chắc chỉ có Huế mới sánh kịp. Chùa lớn, chùa nhỏ khắp nơi. Có những ngôi chùa chắc chỉ có vài chục Phật tử là thường xuyên lui tới. Đã có một Thầy nói rằng các Phật tử vì quí trọng mấy thầy, xây chùa riêng cho thầy mà làm hại mấy thầy! Mỗi thầy một chùa, quá trình tu tập thiếu tăng thân, thiếu tăng đoàn nên cũng khó tinh tấn hơn. Phật tử ở Mỹ còn có thật là nhiều tông phái để chọn lựa: Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông…Phật Giáo theo truyền thống Việt Nam, truyền thống Trung Hoa, truyền thống Tây Tạng đều có đủ. Cuối tuần nào cũng có lịch giảng của các thầy, Phật Tử tha hồ mà lựa chọn cho phù hợp với căn cơ của mình: thầy Phước Tịnh, thầy Hằng Trường, thầy Tâm Thiện...Phật tử ở Mỹ còn có cơ hội diện kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, nhân vật Phật Giáo nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, điều mà Phật Tử trong nước có mơ cũng không thấy! Có một số Phật tử mới sang định cư một hai năm gần đây nói rằng từ hồi sang Mỹ đến giờ, đời sống Phật Pháp, tâm linh của mình phong phú hẳn ra. Đúng là nghịch lý, vì trước đây đâu ai có nghĩ ra là sang Mỹ lại có nhiều điều kiện tu học hơn ở Việt Nam!
Như vậy thì chuyện gì đang xảy ra với đạo Phật và Phật tử trong nước?
Nhớ lại khoảng cách đây 05 năm, khi mà lần đầu tiên chính quyền CSVN cho phép Thiền Sư Nhất Hạnh và tăng đoàn về nước, nhiều Phật tử trong nước đã vui mừng vì nghĩ rằng lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã sang một trang mới tươi sáng hơn. Ngày ra đón sư ông và tăng đoàn tại Tân Sơn Nhất, nhiều người quen biết nhau từ trước qua chuyện làm ăn, công việc ngoài đời, nay mới nhận ra rằng “phe ta” đều là “fan” thầm lặng của sư ông Làng Mai từ lâu nay mà không biết! Vui quá! Chắc đất nước sắp mở cửa thực sự rồi. Nhưng rồi niềm hy vọng ngắn ngủi đó cũng tan theo mây khói. Năm 2009, người Phật tử Việt bàng hoàng theo dõi “biến cố Bát Nhã”, dẫn đến việc toàn bộ tăng đoàn của Làng Mai bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã. Rồi mới đây, Thiền Sư Nhất Hạnh chính thức mở trung tâm tu học tại Thái Lan. Một trong những người Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến Phật Giáo của nhiều quốc gia Âu Mỹ lại không có chỗ đứng ngay tại quê hương mình. Tất cả những sự kiện kể trên chứng tỏ rằng sẽ mãi mãi không có gì thay đổi về đạo pháp tại Việt Nam nếu CSVN vẫn còn độc quyền cai trị.
Ở Việt Nam vẫn có rất nhiều chùa. Vẫn có rất nhiều người đi chùa vào những ngày rằm, mồng một, ngày Phật Đản, Vu Lan… Nhưng đa phần đó chỉ là hình thức tôn giáo. Chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi cách để giới hạn vai trò của Đạo Phật tại Việt Nam chỉ là một tôn giáo. Triết học Mác Lê Nin nói rằng tôn giáo là thuốc phiện, các chế độ phong kiến, tư bản dùng nó để ru ngủ quần chúng, cho nên phải dẹp bỏ thì mới có đấu tranh giai cấp. Và bây giờ chính họ lại muốn Phật Giáo làm công việc này để ru ngủ người dân trong nước. Chứ đạo Phật mới mẻ, khuyến khích con người có tư tưởng cách tân, đưa Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày theo kiểu thiền sư Nhất Hạnh thì quá nguy hiểm cho chế độ, phải loại trừ ngay trong trứng nước!
Lấy đời sống tâm linh của đa số người dân miền Bắc hiện nay ra làm thí dụ. Trước đây, họ chỉ có một niềm tin, đó là chủ nghĩa xã hội, bác và đảng. 30 năm sau khi kết thúc cuộc chiến, những niềm tin này rơi rụng dần. Nhiều người còn nhận ra được niềm tin trước đây của mình dựa trên những điều dối trá, bịa đặt. Từ đó, cuộc khủng hoảng niềm tin bắt đầu trong hàng triệu con người. Mỗi người tự đi tìm lấy một niềm tin mới cho riêng mình. Một niềm tin rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam là tin vào tiền: “ Tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, ôi tiền là hết ý!”. Làm giàu là lý tưởng cao cả nhất, vì có tiền là có tất cả. Nhưng không phải ai cũng làm giàu được, cho nên nhiều người vẫn cần có những niềm tin khác. Vì những tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… đều bị hạn chế ở miền Bắc, người dân đổ theo khuynh hướng mê tín dị đoan. Tin vào thần thánh, ma quỉ, vong linh … Những niềm tin nào càng đơn giản, càng dễ tin theo kiểu “mì ăn liền” càng dễ phát triển. Ở Miền Bắc xuất hiện hàng loạt các “nhà ngoại cảm”, chuyên nói chuyện được với cõi âm để tìm ra mộ người chết. Phong trào lên đồng bóng nở rộ, ngay cả với giới thanh niên, có học thức cao. Có ông đại tá quân đội, trước đây chỉ biết có bác và đảng, nay nói chuyện về khoa học cõi âm, về thế giới vô hình như là một sự thực không cần tranh cãi. Nhiều quan chức lớn có thầy địa lý, thầy tử vi, thầy bói… làm cố vấn cho mình. Trong khi đó, những ngôi chùa ở miền Bắc ngày càng mất đi tính chất trang nghiêm, không còn là nơi trở về để thêm sức cho tâm linh nữa. Ai đã từng nghe bài thơ Đi Chùa Hương thơ mộng của Nguyễn Nhược Pháp, nay có dịp trở về Việt Nam trẩy hội chùa Hương sẽ thất vọng não nề. Ở đó bây giờ là chốn sô bồ, người ta đến để mua thần bán thánh chứ không có hương vị nào của Phật Pháp. Các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nội là chỉ là địa điểm du lịch, hoặc khách thập phương đến đó để cầu xin cho gia đình được bình an, sung túc. Chắc chẳng có mấy người dân biết Trúc Lâm Yên Tử là cái nôi của Phật Giáo đời Trần, là thời kỳ rực rỡ nhất của Phật Giáo Việt Nam, lúc mà đạo Phật đi vào vương triều, làm quốc gia phát triển hưng thịnh về mọi mặt.
Thật là đáng tiếc! Mảnh đất tâm linh còn hoang sơ như vậy mà không được gieo mầm hạt giống chánh pháp để có hoa trái tốt lành sau này, nay lại trở thành những cánh đồng cỏ hoang dại. Bởi vì chính quyền Việt Nam muốn như vậy. Đạo Phật càng được phát triển một cách có hệ thống, nhà nước càng có nhiều khả năng mất thế độc đảng lãnh đạo. Bởi vì Đạo Phật trao cho con người một cái nhìn tự do, vượt thoát ra khỏi những ràng buộc của cuộc đời, từ đó con người vượt thoát ra khỏi những nỗi sợ hãi. Mà chính quyền Việt Nam bây giờ cai trị người dân chủ yếu bằng sự sợ hãi. Khi mà người dân không còn sợ, dám làm, dám nói những điều có lợi cho xã hội, đất nước, ngày đó Việt Nam sẽ thay đổi.
Nghĩ xa thêm một chút nữa, nhân sinh quan Phật Giáo không những có thể giúp cho cuộc cách mạng Hoa Sen có khả năng sớm chín muồi ở Việt Nam, mà còn chuẩn bị môi trường thuận lợi cho nền dân chủ của đất nước trong tương lai. Nhiều người lo ngại rằng ngay bây giờ mà Việt Nam có dân chủ, rất có thể tình hình hỗn loạn sẽ xảy ra tương tự như Iraq. Người dân một nước với lòng sân hận, căm thù khó mà sử dụng món quà dân chủ một cách thích hợp để xây dựng lại đất nước. Nếu như bất bạo động là phương pháp đấu tranh duy nhất phù hợp cho việc đòi lại nền dân chủ trong nước, thì tấm lòng từ bi, vị tha cũng sẽ là hành trang vô cùng quan trọng để dân Việt nuôi dưỡng và phát triển xã hội dân chủ. Mà từ bi, vị tha là những bài học đầu tiên của người Phật Tử. Cách nhìn nhân quả của Phật Giáo cũng rất cần thiết cho một xã hội Việt Nam dân chủ. Người trong nước bây giờ có cái nhìn ngắn hạn quá, dẫn đến một cách sống chụp giựt cho riêng bản thân, gia đình mà bất cần đến tương lai, bất kể đến người khác. Cách suy nghĩ này đang đẩy tương lai Việt Nam vào ngõ cụt. Tin vào nhân quả, người dân Việt sẽ có ý thức hơn với mọi hành vi trong hiện tại, tin tưởng vào những hành động có lợi ích trong tương lai, hành động luôn có ý thức về tác hại đến những người xung quanh. Đó chính là con người của một xã hội dân chủ văn minh.
Có thể kết luận rằng trong nhiều khía cạnh, Phật Tử ở Mỹ có nhiều cơ duyên để gần với chánh pháp hơn nhiều người Việt trong nước. Có vẻ nghịch lý, nhưng đó là một sự thật! 36 năm nay, người Việt ở Mỹ vẫn đóng vai trò thành trì dân chủ- tự do cho người trong nước Việt Nam. Bây giờ, người Phật Tử ở Mỹ thấy mình có thêm một trọng trách nữa: đem cái nhìn về đạo Phật áp dụng trong xã hội, trong đời sống thường ngày về cho người đồng đạo còn ở lại quê hương…
Hoa Sen
Chùa Bảo Quang (Santa Ana) vẫn còn đang tiếp tục mở rộng
No comments:
Post a Comment