May 5, 2011

Chuyện về PHIM - Anh Quân


Tôi đi lồng âm cho phim Mỹ. 

Từ trước đến giờ Quân hay kể chuyện đi quay phim, đi coi phim và các câu chuyện về phim. Lần này thì cũng nói chuyện về phim nhưng hơi khác một chút là Quân đi lồng tiếng cho phim, mà lại cho hảng phim Paramount của Mỹ, nghe mà thấy bảnh quá đi.

Chuyện này cũng lâu lắm rồi, hồi năm 1987 lận,  có một thằng bạn người miền Bắc, mà là dân nghệ sĩ thứ thiệt, nó được đào tạo dưới mái trường văn nghệ xã hội chủ nghĩa , nên lúc vui thì kêu nó là nghệ sĩ nhân dân, lúc quạu nó thì cứ gọi nó là ca sĩ quốc doanh. Nó hồi bé đã được đi học tại trường quốc gia âm nhạc Hà Nội, rồi được đi Cu Ba trao đổi âm nhạc, nhưng rất tiếc nó không nổi tiếng như Đặng Thái Sơn. Nó có qua đây học lại, sáng tác nhạc mà lời ca nghe khô khan và tiếng đàn Piano vẫn không được lã lướt như giới nghệ sĩ được tự do sang tác. Nó hay khoe là đàn em của nữ ca sĩ Huyền Châu (hình như ca sĩ này cũng đã làm qua MC cho Paris By Night, không nhớ cuộn số mấy), nó mê Huyền Châu lắm, mà nó cũng khoe là đàn em của ca sĩ Ai Vân.  Từ ngày qua đây, mỗi lần gặp mấy ông bà thuộc loại ca sĩ nghiệp dư Hà Nội thì ai cũng khoe là từng làm việc qua với Ai Vân và bạn của bà ta hết. Mà không ai khoe là quen Văn Cao hết. Cũng nhờ nói chuyện với nhóm này thì mới biết thập niên 60, họ có nhạc Beatles và Shadow nghe lén, lâu lâu họ lén lút tập trung đánh nhạc Beatles. Mới nghe thì thắc mắc là lúc đó miền Bắc bế quan tỏa cảng thì làm sao có nhạc Tây phương. Họ không nói khoác, vì khoảng thời gian đó Việt Kiều Thái Lan và Tân Đảo bị dụ khị về miền Bắc Việt Nam. Chuyến đầu tiên ông Hồ còn ra cảng Hải Phòng đón dân Tân Đảo, nước mắt Bác rưng rưng, xúc động đón Việt Kiều. Dân tại Hải Phòng kể lại là bị ép ra đứng đón, họ nhìn từng đoàn người Tân Đảo xuống tàu mà trong lòng ngao ngán. Hình ảnh đó đẹp quá làm cho dân Tân Đảo về nữa. Rủ nhau về thì phải đợi cho đến năm 1979 lại  rủ nhau lên ghe vượt biên qua Hong Kong. Nhóm Việt kiều đó đã mang những đĩa nhạc Shadow về Việt Nam, từ đó thanh niên miền bắc mới có cơ hội lén lút nghe nhạc Rock “n” Roll.

Không biết sao hang phim Pinewood tại Anh liên lạc với thằng bạn của Quân là nói cần khoảng 20 người Việt Nam tới làm phim. Pinewood Studio là phim trường lớn nhất tại Anh, chuyện trị loạt phim gián điệp James Bond 007, ngoài ra một số phim nổi tiếng cũng được đóng tại đây như Mission Impossible 1, The Bourne Ultimatum, Harry Potter, The Da Vinci Code.... Thời gian đó thằng bạn Quân lập ra ban nhạc , lấy tên Ban Mai, ban nhạc có khoảng chục người, gồm ca sĩ và các tay đờn trống. Nó lại kêu Quân vào ban nhạc không phải để ca hát (vì đâu biết hát) mà phụ tá nó vì nó là ông Bầu khiêm luôn nhạc trưởng của đoàn. Quân chuyên đi giao dịch với các cộng đồng và hội đoàn để tổ chức ca hát vào dịp Tết, Trung Thu và Noel. Tuy nó là dân Bắc 75 vậy mà khi lập ra ban nhạc thì cả ban là dân miền nam. Cuối tuần tập trung ca hát nên cũng tạo được một trung tâm hoạt động cho nhóm trẻ địa phương. Có đều đến năm 1988 nó lấy vợ, chắc vợ nó không cho đi ca hát, thế là ban nhạc tan rã vào năm 1988.

Sau khi nhận lời với hang phim Pinewood, nó về kêu ban nhạc là đủ 20 người đi lên phim trường. Vào trong đó là Quân mê nhất các tờ Posters về phim James Bond. Đây là hang thiệt chứ không phải loại Poster Reproduction bán ngoài tiệm. ở trong phòng Studio thấy cả một giàn máy âm thanh hiện đại, người trách nhiệm  về âm thanh mới nói đây là cuốn phim chiến tranh Việt Nam về Hambuger Hill, phim đã quay xong tại Mỹ, bây giờ có một số phần âm thanh được làm tại đây, giờ tới đoạn tiếng Việt , nay thuê các bạn tới nói tiếng Việt và sẽ dung âm thanh các bạn lồng vào phim.

Hamburger Hill tạm dịch là “ trận đánh Đồi Thịt Băm”. Cuộc chiến xảy ra giữa quân đội Hoa Kỳ  và quân đội Bắc Việt. Trận đánh xảy ra 10 ngày, từ ngày 10/5/1969 cho đến 20/5/1969 ở Thừa Thiên. Quân đội Mỹ tập trung gần 2000 lính để chiếm núi Abia. Với sự yểm trợ hỏa lực phi pháo thì quân đội Mỹ đã đánh đuổi được quân đội Bắc Việt nhưng đã chết 70 người lính Mỹ và 372 người bị thương. Sau một tháng quân đội Mỹ phải bỏ địa điểm này.

Đạo diễn phim là John Irvin, ông là người Anh.  Khi đem trình làng thì lợi nhuận của phim đứng hạng thứ năm trong Box Office.

Công việc của nhóm đi lồng tiếng là phải làm Việt Cộng đánh nhau với lính Mỹ, tức là phải la lối khi đánh nhau, nhất là phải chửi thề. Vừa la xung phong và kèm theo tiếng D.M , hay là bắn chết nó đi, tao bị thương rồi, hay tao chết rồi... rồi khi đánh xáp lát cà bị đâm là phải kêu hụ hụ, hự hự. Chuyện có vậy thôi mà cứ thâu âm đi thâu âm lại, mất cả 10 tiếng. Còn phe nữ phải làm giọng gái làng chơi kêu mấy anh G.I vào nhất dạ đế vương, rồi cần cả tiếng khóc phụ nữ khi than nhân trong làng bị bắn chết.

Sau ngày lồng tiếng mọi người được trả khoảng $150, đối với Quân là khá nhiều vì còn là sinh viên và Quân nghĩ đúng là một ngày đi chửi bậy mà được tiền. Có điều phải làm giọng VC và phải la chết nữa. Ngoài ra Quân có nghĩ là hãng phim thuê sai người rồi, vì trừ thằng nhạc trưởng ban nhạc là dân Bắc Kỳ, còn tất cả là nam kỳ. Vậy quân đội nhân dân anh hùng đánh Mỹ là giọng nam không.

Sau 24 năm , đến giờ Quân vẫn chưa xem phim “Hambuger Hill”. Quân luôn có cảm giác không bao giờ hứng thú xem những loại phim chiến tranh Việt Nam như Deer Hunter, Platoon,  Good Morning Vietnam, We are a soldier, Heaven and Earth, Born on the 4th of July.... Nên Quân chẳng biết là giọng mình có được lông âm trong phim không? Và Quân chẳng biết là phim hay hay dở nữa , nhưng chắc cũng không hay cho lắm đâu. Có điều đó là một kỷ niệm với Quân có một ngày làm việc tại phim trường và cũng là một ngày vui của một thời tuổi trẻ.
 
Anh Quân

No comments: