Apr 2, 2011

MẨU CHUYỆN DU CA - Anh Quân


Bài hát du ca Việt Nam đầu tiên tôi được học hát là bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, mà người ca sỹ trong nhóm du ca mà tôi đầu tiên tôi được gặp là Trần Đình Quân. Lúc đó tôi mới được 9 tuổi thì tôi làm sao biết Du Ca là cái gì. Đi học ở trường thì đến giờ học hát, cô giáo dạy các bài như “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Nối vòng tay lớn”, “Sư Phạm Thực Hành hành khúc”.... thì cứ vỗ tay theo nhịp bạn bè mà hát. Còn chuyện tôi gặp ca sỹ Trần Đình Quân thì tôi làm sao hiểu nổi phong trào du ca của ông. Lúc đó tôi chỉ biết là mẹ tôi nói Chú Quân đi du học chung với mẹ tôi tại Úc vào năm 1972 , nay vào Sài Gòn chơi, cùng đi chung với cô Hương (vợ chú) sẽ đến nhà ăn cơm. Sau đó mẹ tôi nói thêm là chú Quân có sang tác nhạc Du Ca và dạy học ngoài Đà Nẵng. Mãi cho đến khoảng năm 1985 hay sao đó, tôi nghe tin nhạc sỹ Trần Đình Quân tới Mỹ và có làm việc cho tờ báo “Người Việt”. Đến năm 1991, tôi đi Mỹ chơi, có đến tòa soạn Người Việt là thứ nhất gặp ông Tự vì ông này trước kia có sống tại London, tôi có quen, nên ghé thăm thì được bết ông làm việc cho tờ “Thế Kỷ 21”, văn phòng kế bên. Kế tiếp là vào chào nhạc sỹ Trần Đình Quân vì ông là bạn của mẹ tôi.

Cho đến cuối thập niên 90, mẹ tôi có qua thăm ông Trần Đình Quân, nhưng lúc đó ông đã vướng vào bệnh “Đãng Trí”, không biết sao lúc gặp mẹ tôi, ông lại tỉnh ra đôi phần và nói với mẹ tôi là không được rồi bà ơi ! Chắc ông tin là mình không còn kéo dài mạng sống của mình. Vài năm sau thì ông qua đời nhưng mẹ tôi cũng không hơn gì ông là cũng vài năm kế tiếp đi thăm ông ở thế giới bên kia.

Khuôn mặt du ca thứ nhì tôi gặp là ông Đỗ Ngọc Yến. Lúc đó là khoảng năm 1997 hay 1998, ông cùng phu nhân đi du lịch châu âu và ghé thăm London. Trong khoảng 3 tiếng được ngồi nghe ông nói chuyện thì ông bàn về lãnh vực báo chí chứ không nói một câu chuyện du ca nào cả. Ông là người rất điềm đạm, cách nói chuyện ít pha trò như các nhà báo Việt Nam tôi gặp qua là ông Vũ Anh, Đinh Quang Anh Thái . Có lẽ vì bệnh tiểu đường nên ông Yến cũng ít nói hơn.

Vào thập niên 90, tôi có đặt mua báo tháng là tờ “Làng Văn”. Thời gian đó chưa có Internet nên báo in có rất nhiều độc giả. Tờ “Làng Văn” thành công là có nhiều cây bút hung hậu hợp tác. Nhất là khi ra giải thưởng văn chương cho các cây bút mới, Nhờ đó mà tôi say mê nhất bộ truyện phóng tác về xã hội đen của nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị. Có lẽ sau quyển “Bố Già” của Ngọc Thứ Lang dịch thì phải nói đến bộ “Sếp Al Capone” của Lê Xuân Nhị.

Mỗi tháng khi tờ Làng Văn tới tay, việc đầu tiên là tôi phải ngồi mê mẩn đọc truyện Al Capone, y như Sài Gòn ngày xưa là mọi người đợi báo đăng truyện Kim Dung. Sau đó là tôi đọc các tin tức sinh hoạt cộng đồng, tôi cũng hay thấy tin sinh hoạt Du Ca tại Hòa Lan do anh Nguyễn Quyết Thắng tổ chức và từ đó thì tôi biết tên anh Thắng và chỉ có vậy thôi. Ngoài tôi cứ nghĩ thì sống tại Ấu Châu thì sẽ có ngày gặp nhau. Vậy mà tôi nghe tên anh Nguyễn Quyết Thắng từ những năm 1995 , mãi cho đến năm 2010 tôi mới co duyên gặp được anh, mà cũng phải nói nhờ cô bạn tại Mỹ quen biết anh và gia đình anh, còn không thì tôi cũng chỉ nghe tên mà thôi.


Anh Nguyễn Quyết Thắng

Đến gia đình anh Thắng là thấy đầy màu sắc văn nghệ. Nghe anh chị Thắng kêu tên những người con thấy thích vô cùng vì mỗi cái tên đều có lien quan đến âm nhạc. Các nhà nghệ thuật luôn chọn tên con mình rất là phong phú, nghe qua một lần khó mà quên được, cũng như tên những người con của nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Anh chị Thắng rất là trẻ trung cho dù đã lên chức ông bà. Có lẽ tinh thần du ca đã chọ họ một cái nhìn lạc quan về xã hội và nhất là đóng góp phát triển cho xã hội. Đặc biệt ở trong một đất nước chiến tranh, mạng người không một giá trị. Anh chị đã nhìn thấy những điều mà tôi cũng như bạn bè chưa thấy, chưa nghe và không tưởng tượng nổi cái mà xảy ra trên đất nước Việt Nam gần 50 năm về trước.

Trong một tuần vừa qua, không biết bao nhiêu bài viết nói về nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang, có người quen ông rất là nhiều đã viết hết tất cả về ông. Có người chẳng quen ông cũng viết được về ông. Tôi ngồi đọc hết tất các bài về ông đến nỗi không quen ông mà cũng có cảm giác biết về ông. Cái này có thể gọi thấy gởi nổi tiếng, nhận làm quen, mà giờ ông mất rồi nhận quen càng dễ nữa vì đâu có ai làm chứng.


Chuyện mà tôi thích nhất là vào tháng 12 năm 2007, khối 8406 tại Sài Gòn đứng lên chống Trung quốc chiếm Trường Sa và Hoàng Sa. Họ đã đồng ca bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” sau 32 năm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, chưa có một bài hát nào trước 1975 được chính thức đồng ca tại chốn công cộng. Nhiều người sanh sau đẻ muộn họ đã hát và hát một cách nồng nhiệt , đâu khác một Hội Nghị Diên Hồng. Đây là một lý tưởng , một điều nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang cũng như anh chị Nguyễn Quyết Thắng đã làm là trong một xã hội bi quan mà bài hát và tiếng hát của họ đã mang đầy sự hy vọng. Không buồn bã và đầy thất vọng như nhạc Trịnh Công Sơn, không nhẹ nhàng như bài “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy. Tiếng ca của Du Ca mang đầy nhiệt huyết, một tình thần Hướng Đạo, một sinh hoạt đầy tình thương như Gia Đình Phật Tử và hoạt động hướng thiện để bớt nổi đau thương trong xã hội này.

Nhạc Sỹ Nguyễn Đức Quang và nhóm du ca sinh hoạt hoàn toàn bất vụ lợi, họ không giàu về vật chất nhưng giàu về tinh thần, vì đây là một tình thần bất diệt, mãi mãi sẽ không bao giờ mất. Người ta có thể không nhớ nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang nhưng người ta sẽ không bao giờ nói không biết bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” và nhóm Du Ca.


Người ngoại quốc họ đã tự hào đất nước họ có những người tham gia Hướng Đạo từ thưở bé, nhờ đó khi họ hớn lên trở thành người nổi tiếng như bên Mỹ , phi hành gia Neil Armstrong, người lên mặt trăng đầu tiên, sau đó 10 phi hành gia khác lên cung trăng cũng là Hướng đạo sinh. Diễn viên Harrison Ford nhờ tham gia hướng đạo nên diễn xuất vô cùng xuất sắc trong vai Dr Jones của phim Indiana Jones và Đạo Diễn Steven Spielberg cũng là hướng đạo sinh nhờ vậy ông đã tạo ra một hình tượng Dr Jones và nhiều cuốn phim của ông được xem là phim “Hay nhất trong mọi thời đại” hay “100 phim hay phải xem trước khi chết”. Các vị Tổng Thống Mỹ là ông George Bush, Bill Clinton và Johm F Kennedy là hướng đạo sinh. Ngoài ra còn có nhà tỷ phú Bill Gate và ca sỹ Jim Morrison của ban nhạc DOORS. Còn bên Anh quốc là cầu thủ bong đá là David Beckham và Michael Owen. Cựu Thủ Tướng John Major và đặc biệt là nhà thám hiểm trứ danh thế giới là Sir Ranulph Fiennes, cuộc đời của ông là leo trèo từ núi qua đá băng, ông có nói nếu ông không là hướng đạo sinh là ông đã chết nhiều năm về trước vì cách cột dây nút dẹp hay nút kép (Reef knot) đã giúp ông trong lúc đi chinh phục thiên nhiên vì lúc đang leo núi không biết cột theo kiểu nút dẹp là sẽ té lăn ra mà chết. Sir Ranulph được xem một người già đã đi chinh phục ngọn Erverest, đó là vào năm 2009, lúc đó ông được 65 tuổi.

Vậy quay lại đất nước chung ta, nếu ai có hỏi tôi người Hướng Đạo Sinh nào là tiêu biểu cho đất nước Việt Nam thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay tức khắc là nhạc sỹ du ca Nguyễn Đức Quang vì ông đã hội đủ mọi diều kiện, những gì ông đã đóng góp cho đất nước Việt Nam quá đầy đủ và không hổ thẹn con cháu Lạc Hồng cũng như truyền thống hơn 100 năm Hướng Đạo.
Nguyện cầu hương linh Nhạc Sỹ Nguyễn Đức Quang sớm tiêu diêu miền cực lạc.

ANH QUÂN


Photos: hình ảnh "Chiều Du Ca - Nguyễn Đức Quang" 03/13/11 tổ chức tại Quận Cam - Hoa Kỳ


No comments: