Apr 12, 2011

Chương trình “Vui Học Lịch Sử, Văn Hóa Việt”



Chương trình “Vui Học Lịch Sử, Văn Hóa Việt”

Phỏng vấn Giáo sư Doãn Kim Khánh

Thanh Phong/Viễn Đông (thực hiện)

co-Doan-Kim-Khanh.jpg

Giáo sư Doãn Kim Khánh trả lời phỏng vấn của phóng viên tại Thư viện nhật báo Viễn Đông - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.


WESTMINSTER - Vào ngày thứ Bảy, 15-1 sắp tới, Viện Việt Học sẽ tổ chức một buổi Workshop về đề tài “Lịch Sử Dựng Nước”, do diễn giả Giáo sư Doãn Kim Khánh, ái nữ của nhà văn Doãn Quốc Sĩ trình bày. Đây là một chương trình mới của Viện Việt Học. Riêng nhà giáo Doãn Kim Khánh đã bỏ ra nhiều thì giờ nghiên cứu và qua kinh nghiệm giảng dạy các sinh viên tại Orange Coast College, cùng với hoài bão của mình muốn truyền đạt kiến thức lịch sử, văn hóa Việt cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chiều thứ Hai 10-1-2011, Giáo sư Doãn Kim Khánh cùng đi với Thầy Nguyễn Minh Lân (Viện Việt Học) đến thăm tòa soạn báo Viễn Đông và dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn.

Viễn Đông:
Xin giáo sư tóm tắt về chương trình sắp thuyết trình tại Viện Việt Học?
GS. Doãn Kim Khánh: Như anh biết, cái tên chương trình đã nói lên nhiều thứ rồi và tôi gọi đó là chương trình “Vui học lịch sử và văn hóa Việt”. Nội dung chúng tôi muốn truyền đạt là lịch sử và văn hóa. Thật ra hai vấn đề đó cũng chẳng có gì mới lạ. Từ bao nhiêu đời nay, mình vẫn quan tâm đến lịch sử và văn hóa, nhưng thực sự chúng tôi ở Viện Việt Học rất tâm huyết với chương trình mới này, bởi vì chúng tôi thấy rằng mình đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh xa xứ của mình nó làm cho cái chuyện mà chúng tôi cố gắng truyền bá lịch sử và văn hóa của mình trở thành quan trọng hơn là bình thường. Trong hoàn cảnh xa xứ này, chúng tôi thấy có hai nhiệm vụ mà mình phải để tâm trong đầu, thứ nhất là phải bảo tồn được hương hoa của tiền nhân để lại cho các cộng đồng sống xa xứ và đồng thời cũng phải lo hòa nhập với nền văn minh đang nuôi dưỡng mình. Nghe thì cũng hợp lý, hợp tình, nhưng thực sự rất khó. Một đằng mình muốn giữ lại cái cũ, cái của mình từ xưa đến nay, và đằng khác, mình phải hòa nhập với xã hội mình đang sống, nếu mình muốn sống cho cân bằng, thì phải làm thế nào đương đầu với sự hội nhập của hai nền văn hóa.

Viễn Đông: Đối với thế hệ người Việt đang sống tại hải ngoại, đối tượng nào làm cho giáo sư quan tâm nhất về vấn đề bảo tồn hương hoa của tiền nhân?
GS. Doãn Kim Khánh: Từ khi có cuộc di tản năm 1975, ở ngoại quốc ai cũng lo chuyện bảo tồn, chuyện hòa nhập hết, nhưng mỗi thế hệ có một vấn đề khác, một hiệu quả khác. Thí dụ như thế hệ mới đến, thì bảo tồn giỏi nhưng không hòa nhập được; thế hệ một rưỡi, thì cũng giải quyết được vấn đề hòa nhập, nhưng bảo tồn lỏng lẻo hơn, và bây giờ mình lo lắng nhất là thế hệ kế tiếp, thế hệ của các em sinh ra và lớn lên tại nước Mỹ, chỉ còn lại một chút lỏng lẻo gắn với đất nước là thế hệ ông bà, cha mẹ nhưng đều lớn tuổi. Cho nên thực sự Viện Việt Học và chúng tôi hết sức quan tâm, làm thế nào để các em biết mình là ai, các em giữ được cái hương hoa của đất nước. Mình đến đây mình học được nhiều thứ, nhưng cũng cần giữ lại nhiều thứ nữa; nhưng bất cứ nền văn minh nào cũng có cái thích hợp và cái không thích hợp. Nếu mình không giữ lại cái gốc, thì các em sẽ vất vả khi ở cái xứ mà các em không còn nhớ gốc gác của mình. Nhưng bảo mình là người Mỹ, các em cũng đâu có được coi là người Mỹ đâu; cho nên chúng tôi thấy chuyện đó là chuyện cần thiết, làm chúng tôi trăn trở và chúng tôi phải gấp rút, đem hết tâm huyết ra để thực hiện.

Viễn Đông: Xin giáo sư cho biết, chương trình được bắt đầu nghiên cứu từ bao giờ và gồm những ai trong Nhóm soạn thảo?
GS. Doãn Kim Khánh: Sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ cách đây hơn hai năm, tôi đi dạy tại OCC và đã để thời gian nghiên cứu chương trình này, sau đó được sự hợp tác tích cực của những người có cùng tâm huyết như anh Nguyễn Minh Lân, cô Kim Ngân và cô Thụy Minh Hồng (Viện Việt Học) và đến hôm nay coi như đã xong một giai đoạn và chúng tôi quyết tâm “lăn bánh” để thực hiện.

Viễn Đông: Với chủ trương “Vui học lịch sử, văn hóa Việt” xin giáo sư nói rõ hơn về kế hoạch “Vui” như thế nào?
GS. Doãn Kim Khánh: Chuyện Vui là chuyện quan trọng, tại vì tôi đã từng nghe nhiều phụ huynh kể lại là khi bắt các em đi học tiếng Việt, các em lê những bước chân đó như là mang xiềng xích vậy. Trước khi qua đây tôi đã biết chuyện đó và khi qua đây thấy cũng hơi vui, vì thấy chuyện dạy tiếng Việt nó tiến bộ nhiều so với ngày xưa. Bây giờ mình đưa vấn đề dạy lịch sử, văn hóa Việt ra, mình làm sao tránh cho các em coi như chuyện nặng nề đi cày, đi bừa, cho nên làm sao cho các em Vui thì chuyện học lịch sử hay văn hóa Việt nó nhẹ nhàng ngay. Mục tiêu vẫn là nghiêm chỉnh, nhưng chúng tôi muốn đưa ra một phương pháp vui, để cho nó vui thì trước hết phải để cho nó dễ đã. Cho nên tôi chủ trương xài hai thứ tiếng, chứ không bắt các em vừa nặn óc tiếng Việt, vừa thu thập kiến thức, nên đầu tiên làm cho nó dễ để nó vui là dùng hai ngôn ngữ. Thứ nhì là chúng tôi không có chủ trương Thầy cứ nói rồi ở dưới học trò ngồi nghe, thành ra không gọi đó là lớp học, mà gọi đó là Workshop. Tùy theo trình độ các em, mà chúng tôi điều chỉnh nội dung để làm sao không quá đáng, không cố tình nhồi nhét kiến thức cho các em, mà chúng tôi áp dụng rất chừng mực, vừa phải đối với từng lứa tuổi, để các em nhận biết mình là ai. Do đó chúng tôi sẽ tìm mọi cách để các em góp phần vào bài học, không để cho thầy độc diễn.

Viễn Đông: Xin giáo sư cho một thí dụ?
GS. Doãn Kim Khánh: Thí dụ học về lịch sử dựng nước thì có rất nhiều những huyền thoại. Phần Thầy, chúng tôi sẽ đưa ra những kiến thức căn bản, thí dụ như khi kể chuyện bà Âu Cơ và Lạc Long Quân, Con Rồng, Cháu Tiên, thì chúng tôi cho các em tưởng tượng mình là một số trong 100 người con của bà Âu Cơ và ông Lạc Long Quân, thì các em nghĩ là các em sẽ theo ai. Lúc đó mình cho một em đóng vai Lạc Long Quân, một em đóng vai bà Âu Cơ, rồi các em chọn. Sau khi đã có hai nhóm, một theo Lạc Long Quân xuống vùng đồng bằng, một nhóm theo bà Âu Cơ lên núi; tôi sẽ cho các em xem hình những đồng bào sống trên miền núi và xem những sinh hoạt của các người ở vùng đồng bằng; sau đó tôi mới cho các em ở vùng đồng bằng chọn ra em nào lớn tuổi nhất, và em đó sẽ là vua đầu tiên của nước Việt, gọi là Vua Hùng Vương, thì đó là cách dẫn nhập các em vào các triều đại đầu tiên là triều đại Hồng Bàng.

Viễn Đông:
Khi dạy các em về lịch sử, Nhóm chủ trương vừa đưa ra huyền thoại bà Âu Cơ và Lạc Long Quân; mà đã gọi là huyền thoại, tất nhiên là không có thật. Vậy quý vị nghĩ thế nào khi dạy cho các em điều không có thật trong lịch sử và văn hóa Việt?
GS. Doãn Kim Khánh: Tôi đồng ý, huyền thoại chắc chắn là không có thật, nên đối với các em thật nhỏ chúng sẽ vui, chúng không trăn trở về chuyện đó, nên mình kể cho các em nghe như kể chuyện cổ tích, và mình cũng nói cho các em nghe đây chỉ có tính cách tượng trưng thôi. Câu hỏi của anh đưa ra tôi rất là quan tâm. Khi tôi đưa vấn đề này vào chương trình dạy tại Đại học của tôi, trước khi tôi bắt đầu cái Workshop này với sinh viên, tôi đã giáo đầu trước về vai trò của huyền thoại trong nhiều lịch sử của các nước, không riêng gì Việt Nam. Mình dạo qua nước Nhật và nhiều nước khác, mình phải chỉ cho các em có cái nhìn khi nghe huyền thoại của 4 ngàn năm về trước, để các em lấy cái vui là chính, chứ không phải nhìn bằng cặp mắt thực tế. Khi mình tiến dần đến chỗ thực tế hơn, hiện tại hơn, thì các em sẽ thấy lịch sử nó thực hơn; nhưng mà vì lịch sử dân tộc mình quá dài, cho nên cái chuyện huyền thoại từ thuở sơ khai đó nó cũng dễ giải quyết.

Viễn Đông: Như giáo sư vừa nói, lịch sử của mình có một quá trình rất dài, từ những huyền thoại đến chuyện có thật, như vậy phải mất thời gian bao lâu để hoàn tất chương trình Vui học lịch sử, văn hóa Việt?
GS. Doãn Kim Khánh: Chúng tôi phải làm rất gọn lại, chương trình không chỉ có lịch sử mà có văn hóa nữa, nhưng chúng tôi chưa đề cập đến văn hóa, chỉ chú trọng đến lịch sử trước, vì không muốn làm các em choáng ngợp về chiều dài lịch sử như anh nói, nên bốn giai đoạn mà tôi đưa ra, thứ nhất là lịch sử Dựng nước, thứ hai là lịch sử Giữ nước, thứ ba là lịch sử Mở mang bờ cõi, thứ tư là lịch sử Tỵ nạn, một vấn đề vô cùng khó khăn khi phải đề cập đến. Bốn vấn đề đó, chúng tôi làm bốn Workshop và chia ra hai cấp. Cấp 1 từ 9 đến 15 tuổi, cấp 2 từ 16 đến hết bậc College tức là khoảng 22, 23 tuổi. Tóm lại trong 4 workshop đó, chúng tôi chú trọng chủ đề và kể chuyện là chính, vì như chúng ta thấy, lịch sử chính là một câu chuyện.

Viễn Đông: Sau Workshop đầu tiên tại Viện Việt Học, Giáo sư có tổ chức tiếp tại địa điểm khác hay không?
GS. Doãn Kim Khánh: Sau buổi Workshop đầu tiên tại Viện Việt Học vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 15-1-2011, chúng tôi sẽ tổ chức các Workshop lưu động nếu có yêu cầu của các cơ quan, đoàn thể hay các Trung tâm Việt ngữ. Xin liên lạc với chúng tôi: Doãn Kim Khánh (714) 487-3067 - Cô Thụy Minh Hồng (714)595-5769 - cô Kim Ngân (310)704-0667 hoặc email: info@viethoc.com.

Viễn Đông: Xin cám ơn Giáo sư Doãn Kim Khánh và Thầy Nguyễn Minh Lân.

Source: http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?item=0&contentid=9820





2 comments:

Hot... said...

Đọc blog của Útt thấy gánh hát của dì Ba quyết định sẽ lưu diễn chứ không đóng trụ tại Viện Việt Học J như vậy cũng hay vì mình chịu cực và tạo sự dễ dàng cho khán giả. Mong buổi diễn đầu tiên có good feedback!

chi Ha

Hot... said...

Bác Thanh ơi,
Thấy tựa đề "gánh hát" tưởng bác T nói chuyện hát hỏng của Út, té ra là chuyện dạy dỗ của em và thằng Hưng. Em vừa dạy buổi đầu tiên có tiền, cũng là phe ta đặt hàng (liên đoàn hướng đạo của Cun). Kế đó sẽ đến liên đoàn của Hoàng & Nhân, + một chỗ nào đó quen biết với Viện Việt Học. Tụi em đi "biểu diễn: cũng được khen, nhưng lịch của các nhóm chật cứng nên mình không có priority. Hy vọng là chầm chậm nhưng tiến bộ từ từ!

chi B