Apr 12, 2011

CHƯƠNG TRÌNH VIỆT NGỮ CẢI TIẾN CỦA VIỆN VIỆT-HỌC: NHỮNG NỖ LỰC TẠO THÊM SỨC SỐNG CHO TIẾNG VIỆT Ở HẢI NGOẠI












Lớp học dạy chương trình Việt Ngữ Thí Điểm của Viện Việt Học



“Hoa Kỳ” hay “Hoa Kì”? “Mì ly” hay “mì li”? “Của” hay “Cuả” ?
Ai là người thay đổi cách viết tiếng Việt theo kiểu này? Tại sao phải thay đổi?
Trên đây là một số câu hỏi đã được nhiều người đặt ra cho chương trình cải tiến cách dạy và học tiếng Việt của Viện Việt-Học, bắt đầu được ưu tư đã hơn 10 năm nay, mà nền tảng dẫn đến sự đúc kết của Viện Việt-Học cho phương pháp này đã được nghiên cứu độc lập bởi một số giáo sư, học giả từ rất nhiều thập niên trước.

Thường thì bất cứ cách làm mới nào thì cũng có kẻ bênh, người chống. Đó là lẽ thường tình, đặc biệt là khi chúng ta sống ở trên nước Mỹ tự do, chúng ta là người Việt ở Little Saigon, thủ đô của Người Việt Tự Do.

Để giúp cho độc giả có thêm thông tin về công việc đầy tâm huyết này, Anh Nguyễn Minh Lân, Tổng Thư Ký của Viện Việt-Học, đã có một cuộc trao đổi với Việt Báo về những nét cơ bản nhất của chương trình cải cách việc dạy đọc và viết tiếng Việt tại hải ngoại.

Anh Lân kể lại nguyên nhân khiến bản thân anh rất tâm đắc với việc cải cách chữ Quốc Ngữ. Từ đầu thập niên 80, khi anh và gia đình mới định cư ở Mỹ, anh đã tự dạy tiếng Việt cho con của mình. Rồi có một lần, con anh hỏi: “Ba ơi, tại sao mình viết là “mì ly” chứ không phải là “mì li”? Tại sao là Hoa Kỳ chứ không phải là Hoa Kì?”. Lúc đó, anh không thể trả lời được. Mà muốn thuyết phục con trẻ học tiếng Việt ở Mỹ thì cần giải thích cho chúng hợp lý. Kể từ đó, anh nghĩ rằng phương pháp dạy tiếng Việt tại hải ngoại không còn là vấn đề của một cá nhân nữa, mà là của chung cuả cộng đồng chúng ta.

Vào năm 2000, Viện Việt-Học được thành lập. Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa, Viện Trưởng đầu tiên của Viện Việt-Học (Nguyên Khoa Trưởng của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, từng phụ trách giảng khoa về Kế Hoạch Hoá Ngôn Ngữ - Language Planning, trong nhiều thập niên, chủ trương cải tiến cách đọc và viết chữ Việt, trong đó có đề nghị thay “i” ngắn bằng “y” dài), đã bắt đầu thực hiện việc nghiên cứu cải cách phương pháp dạy đọc và dạy viết tiếng Việt tại hải ngoại. Mục đích chính là làm cho cách đọc và viết tiếng Việt trở nên khoa học, có hệ thống hơn theo âm vị học, để việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại dễ dàng hơn. Kể từ đó công trình này là một chặn đường dài, với sự đóng góp của nhiều trái tim và khối óc của những giáo sư, những nhà chuyên môn trong bộ môn ngữ lí học. Vào năm 2005, Viện Việt Học đã tổ chức Hội Nghị Về Chữ Nôm, có một phần nội dung là nhìn về cách phát âm tiếng Việt qua ký hiệu chữ Nôm. Vào năm 2007, Viện lại tổ chức Hội Nghị Quốc Tế về tiếng Việt, qui tụ những nhà chuyên môn về ngôn ngữ Việt trên toàn thế giới, cùng thảo luận về lịch sử và phương pháp giảng dạy tiếng Việt. Tổng hợp nhiều ý kiến trong hội nghị này, vào năm 2008, Viện Việt Học đã bắt đầu dạy chương trình Việt Ngữ Thí Điểm, thử nghiệm phương pháp dạy đọc và viết tiếng Việt theo hướng cải tiến. Chương trình này vẫn còn tiếp tục đến ngày hôm nay.

Trong phạm vi một bài báo, sẽ rất khó để trình bày đầy đủ công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc Ngữ. Anh Lân đưa ra một số khái niệm cơ bản nhất. Về lịch sử, việc dạy chữ Quốc Ngữ trải qua 3 thời kỳ:
- Thời kỳ I, kéo dài đến năm 1939: tiếng Việt viết theo abc (gọi là “chữ quốc ngữ”) được dạy theo cách đánh vần cổ điển ở các trường gọi là Pháp-Việt.
- Thời kỳ II, từ năm 1939 đến khoảng 1950: Hội Truyền Bá Quốc Ngữ được thành lập để dạy chữ quốc ngữ cho các trẻ em thất học và những người lớn tuổi mù chữ, nhà nghèo. Các học giả Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Huy Trác soạn sách Vần Quốc-Ngữ dạy theo phương pháp mới. Theo đó, mẫu tự được đánh vần theo âm Việt: bờ, cờ, dờ… thay vì bê, xê, dê… như trước, đơn giản hơn xưa.
- Thời kỳ III, từ năm 1950 đến 1975: qua các công trình của nhiều học giả, giáo sư như Nguyễn Bạt Tụy, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Hiến Lê, Lê Văn Lý... và ngay cả các nhà ngữ học Miền Bắc, sự khảo cứu Việt ngữ đã có nhiều tiến bộ tích luỹ lại dần.

Việc cải tiến tiếng Việt của Viện Việt-Học rút tỉa tinh hoa từ các công trình này, kết hợp với công trình nghiên cứu riêng của nhiều học giả, trong đó có một số Giáo Sư thuộc Viện Việt-Học như Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Trần Ngọc Ninh, Phạm Văn Hải, Đàm Trung Pháp, Đỗ Đình Tuân…
Một cách khái quát, việc cải tiến mà Viện Việt-Học đề nghị và chủ trương hoàn toàn dưạ vào các công trình khảo cứu tự do cuả các học giả Việt Nam lấy căn bản thuần tuý là âm vị học Việt Nam, nằm ở một số những điểm chính sau:

1- Quan niệm mỗi chữ đôi Ch, Th, Tr, Ng, Ngh, Nh, Gh, Gi là 1 phụ âm, chứ không gọi là phụ âm kép.

2- Quan niệm chữ “i” là nguyên âm, còn “y” là bán nguyên âm. Đó là lý do bỏ những cách viết vô lí nhu Ý-đại-lợi, Y-pha-nho, Mỹ, y sĩ (nhưng kẻ sĩ) và viết nước “Mĩ”, “Hoa Kì”, quốc kì. Phân biệt nguyên âm (vowel) và bán âm (semi-vowel), như âm i có hai thể, một là nguyên âm như li kì, hi vọng, hai là bán âm như ai, hai, ngói và yêu, liều, lia liạ, điù hiu. Sự phân biệt này có tình cách khoa học vì cách phát âm có khác nhau và máy thu thanh cho thấy sóng rung động khác nhau. Dễ thấy nhất là khi âm i ở những vần thông (vân xuôi) chỉ có một chữ i như nước Í, nước Mĩ, Cao li, Bắc Kì, Nam Kì, Hoa Kì, Thổ Nhĩ Kì thì là nguyên âm mà ta có thể kéo dài cho đến ngưng luồng hơi. Sự cải tiến là trong trường hợp này, nguyên âm i thì viết là i, không viết Ý đại lợi nưã mà viết Í đại lợi, vân vân. Mì li, quốc kì, lông mi, kì dị, vị kỉ, thi ca, thí dụ, phi lí chứ không mì ly, quốc kỳ, kỳ dị, vị kỷ, thy ca, thý dụ, phi lý, vân vân.

3- Bỏ dấu theo âm vị học: Bỏ dấu dựa trên nguyên âm chính của một chữ, thí dụ: “lưả” (lư-ả), chứ không phải “lửa” (lử-a) là cách bỏ dấu theo thẩm mỹ đối xứng.

4- Chia vần theo vần thông - không có mẫu tự tận cùng nào để ngăn cản sự thoát âm của nguyên âm cuối trong chữ, (thí dụ “ta”, “cha”, tổ…) và vần chặn (thí dụ “mát”, “nhanh”, “ngon”…)
Anh Lân nhấn mạnh mục đích chính của những cải tiến này là để khoa học hóa cách phát âm, đọc, viết tiếng Việt, từ đó tạo điều kiện cho việc dạy tiếng Việt của chúng ta tại hải ngoại trở nên dễ dàng hơn và không mâu thuẫn (đi ngược) với sự học Anh văn, Pháp văn... kể cả chính tả Việt ở trong nước. Điều này đặc biệt cần thiết cho thế hệ trẻ lớn lên ở Âu Mỹ, đòi hỏi sự hợp lý. Khi phải học điều gì trái nghịch với sự hiểu biết khoa học đương thời, trái với điều các em được học ở nhà trường, chúng sẽ phản ứng chống lại ngay. Cách viết “kì dị” thay cho “kỳ dị” là một thí dụ rõ ràng nhất. Rõ ràng là nếu chỉ nghe đọc và ghi lại, thì “kì dị” mới là cách viết logic hơn. Sự viết theo đúng ngữ âm này không ảnh hưởng đến các viết tên họ riêng (như Uyên Thy, Vy Vy Trần, Ly Ly ...) và cũng chưa triệt để vì chỉ mới nêu ra một hai điểm phi lý nhất mà thôi.

Cũng có một số ý kiến cho rằng hơn 80 triệu người Việt trong nước đang học tiếng Việt hiện hành không cải tiến mà đâu có sao? Đó là vì trẻ em ở Việt Nam học tiếng Việt từ lúc còn rất nhỏ ngay trong gia đình, học một cách tự nhiên, không cần lý luận, học theo kiểu mưa lâu sẽ thấm đất. Tương tự, những người Việt hải ngoại thuộc thế hệ lớn lên trong nước, vẫn đang viết tiếng Việt theo số đông, cũng không có vấn đề. Anh Lân nhắc lại việc cải tiến chữ Quốc Ngữ không nhắm vào những người này. Nếu tiếng Việt chỉ dành cho thế hệ của anh, thì có lẽ chẳng ai cần bận tâm đến chuyện cải tiến. Đằng này, hoài bão của rất nhiều người trong chúng ta là duy trì tiếng Việt ở hải ngoại cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên ở đất khách quê người. Các em học tiếng Việt trong khi đã nhập tâm tiếng Anh như là ngôn ngữ chính. Việc dạy và học tiếng Việt càng khoa học, càng hợp lý, thì việc khuyến khích thế hệ trẻ học tiếng Việt càng dễ dàng hơn.

Một ngộ nhận cần phải đính chính là cách viết theo kiểu cải tiến này không phải xuất phát từ Việt Cộng như nhiều người hiểu lầm. Thực ra, cách dùng chữ i chứ không phải là chữ y đã có từ rất lâu trong lịch sử chữ Quốc Ngữ. Nam Phong Tạp Chí viết “Mĩ Châu” chứ không phải “Mỹ Châu”. Cụ Hoàng Xuân Hãn viết “ác quỉ” chứ không phải là “ác quỷ”. Bìa sách 1879: “Sáu Tỉnh Nam Kì Tuế thứ Kỉ Mão”… Còn nhiều thí dụ tương tự như vậy chứng tỏ rằng cách viết này đã có từ đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên không phải là ta tồn cổ khi xét lại cách viết, mà là tiến vào tương lai, vì tương lai là khoa học, là hợp lý.











Sách Dạy Tiếng Việt cải tiến của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh


Mà có thực sự là sự cải tiến đem lại sự dễ dàng cho việc dạy và học tiếng VIệt không? Anh Lân cho biết kết quả của chương trình Việt Ngữ Thí Điểm đã và đang thực hiện tại Viện Việt-Học trong 3 năm qua rất đáng khích lệ. Các em đang theo học- cho dù ở trình độ vỡ lòng- có những tiến bộ nhanh và rõ rệt. Các em ít bị lẫn lộn trong cách đọc và viết tiếng Việt hơn. Một phụ huynh có con 6 tuổi, đi học chương trình mới có 6 tuần, kể rằng chính mình cũng ngạc nhiên trước kết quả học tiếng Việt của cháu. Một hôm gia đình đi ăn chung ở nhà hàng, cháu cầm menu đọc, tuy lơ lớ nhưng đúng đến 80%, khiến ai cũng vui mừng và phục lăn! Sự học đọc học viết theo âm vị học (nghiã là theo khoa học ngôn ngữ) tất nhiên có nhiều tiến bộ khác nữa chứ không phải chỉ có chuyện y dài i ngắn.

Một câu hỏi được đặt ra nữa là những cải tiến như vậy của Viện Việt-Học đã là hoàn hảo chưa? Sứ mệnh nuôi dưỡng và duy trì tiếng Việt ở hải ngoại không phải là công việc của riêng một cá nhân, một tổ chức nào. Viện Việt-Học chỉ là một trong những đơn vị đi tiên phong trong công việc này, và công trình của Viện được thực hiện bởi nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực ngôn ngữ. Viện Việt-Học cũng đã thực hiện công việc một cách cẩn trọng, đi từng bước thí điểm, đo lường kết quả của việc cải tiến. Do vậy, Viện Việt-Học luôn luôn sẵn sàng đón nhận việc đóng góp ý kiến của tất cả những cá nhân trong cộng đồng có quan tâm đến sứ mệnh bảo tồn làm giàu làm đẹp tiếng Việt. Ước mong cuả người viết bài báo này là được thấy tất cả các người Việt Nam cũng lưu tâm đến công việc và sự nghiệp này.

Sự thay đổi và cải cách bao giờ cũng gặp khó khăn. Thước đo thành công của sự cải cách chính là việc nó có được áp dụng rộng rãi vào thực tế hay không. Công trình cải cách chữ Quốc Ngữ của Viện Việt-Học cũng thế. Sẽ cần thêm thời gian để xem phương pháp mới này có được sự hưởng ứng như thế nào. Nếu những lợi ích mà nó đem lại cho việc dạy và học tiếng Việt là to lớn, việc chấp nhận sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Nhưng ngay trong hiện tại, chúng ta vẫn có thể thấy rõ tấm lòng của những người đã bỏ tâm huyết vào công việc đầy ý nghiã này, những người đã lấy câu “Tiếng Việt Còn, Văn Hóa Việt Nam Còn” làm phương châm trong công việc. Từ đó, chúng ta sẽ nhìn sự khác biệt của Tiếng Việt cải tiến một cách đồng cảm hơn.

Đoàn Hưng

No comments: