Hơn một tuần qua, người Việt trong và ngoài nước chuyền nhau những tin tức trên mạng về cách thức mà dân tộc Nhật vượt qua cơn đại nạn động đất và sóng thần. Có hai mẫu tin được nhắc tới nhiều nhất. Một là câu chuyện từ một cảnh sát người Nhật gốc Việt, anh Minh Thành. Anh kể chuyện rằng trong lúc đang cứu giúp người bị nạn ở Fukushima, anh gặp một em bé người Nhật 09 tuổi đang xếp hàng để đợi phát thức ăn. Em chỉ mặc một chiếc áo thun và quần đùi, trong khi trời lạnh cóng. Lại hỏi chuyện, mới biết em đã mất cả cha lẫn mẹ trong đợt sóng thần. Anh Thành nhường chiếc áo khoác và phần lương khô của mình cho em, vì sợ em xếp hàng ở cuối thì đến phiên em sẽ không còn thức ăn. Không ngờ em đem phần ăn này lên nộp lại vào thùng phân phát, và bảo rằng có nhiều người còn đói hơn em, cho nên để phát chung thì công bằng hơn. Anh Thành đã khóc vì được một em bé Nhật 9 tuổi dạy cho bài học làm người.
Mẫu tin thứ hai lượm lặt từ nhiều đặt phái viên của những tờ báo lớn, tường thuật về thái độ của người Nhật khi phải đương đầu với hoạn nạn. Đó là tính kỷ luật phi thường. Đó là lòng tự trọng cao độ. Đó là tinh thần tập thể, tương trợ lẫn nhau đã có sẵn trong nếp sống lâu đời của dân Nhật. Không thấy cảnh hôi của trong cảnh hỗn loạn. Những đồ đạc cá nhân trong đống đổ nát vẫn được tôn trọng. Những chiếc máy ATM còn nguyên vẹn, không ai cướp phá. Người dân Nhật đang chịu thảm họa vẫn xếp hàng một cách trật tự để mua dầu hỏa, để nhận phần thức ăn cứu trợ.
Cả thế giới khi đọc những mẩu tin này đã ngã đầu kính phục dân tộc Nhật. Ai cũng tin tưởng rằng nước Nhật sẽ lại đứng lên hùng cường một lần nữa. Cách đây gần 07 thập niên, nước Nhật gần như là bình địa khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Họ chỉ mất có 04 thập niên để đưa đất nước mình trở lại vị trí hàng đầu thế giới, gần bằng khoảng thời gian mà Việt Nam kết thúc nội chiến vào năm 1975 đến ngày hôm nay.
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện thần thoại của dân Nhật trong thế giới hiện đại này? Đã có nhiều nhà chuyên môn phân tích, nhưng câu kết luận chung nhất đó là yếu tố con người. Người dân Nhật có một nền văn hóa, tôn giáo lâu đời. Đó là Thần Đạo, Phật Giáo. Những giá trị của văn hóa và tôn giáo này đã tạo một niềm tin vững chắc cho dân tộc Nhật. Nó thấm sâu vào nếp sống, suy nghĩ thường ngày của người Nhật. Nó không hề bị mất đi cho dù nước Nhật đã trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại với cuộc sống bận rộn, hối hả vào loại nhất thế giới. Khi người dân Nhật tin vào sức mạnh của công đồng trong nếp nghĩ truyền thống, thì tinh thần này còn phát huy mạnh hơn trong khi họ gặp hoạn nạn. Họ tin rằng tôn trọng cộng đồng là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình. Niềm tin này được củng cố trong một xã hội mà phép nước nghiêm minh, người dân đặt niềm tin vào chính quyền. Ở Nhật cũng có người giàu, người nghèo, nhưng đơn giản là nền văn hóa của Nhật không chấp nhận được chuyện hôi của, và cũng không chắc là trong tự điển Nhật có một từ để mô tả hành động này. Một chuyên gia khác phân tích rằng khi gặp chuyện tích cực, người Nhật tìm đến Thần Đạo; còn khi phải đối mặt với thảm họa, họ tìm đến với Phật Giáo. Những giá trị văn hóa, tôn giáo chính là sức mạnh tinh thần của dân tộc Nhật, đã làm cả thế giới phải kính nể họ.
Còn dân tộc Việt Nam mình thì sao?
Chuyện nền kinh tế Việt Nam đang trên bờ vực phá sản vì nợ quốc tế và lạm phát có phải là một thảm họa? Con số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện đang đứng ở thứ hạng 167 trên thế giới có phải là một thảm họa, hay đó là một vị trí cũng chấp nhận được? Chuyện nước Việt Nam mất dần chủ quyền đất và biển vào tay Trung Quốc có phải là một thảm họa, hay đơn giản chỉ là điều không thể tránh khỏi?
Nếu xem đó là một thảm họa do con người gây ra, thì hầu hết mọi người Việt đều đồng ý rằng nguyên nhân chính là do sự cai trị tồi tệ của chính quyền Việt Nam. Một đất nước giàu tài nguyên, người dân cần cù chịu khó, tiền vay của quốc tế hàng trăm tỉ Đô La để phát triển đất nước trong vài chục năm. Vậy mà tình hình đất nước lại thảm hại như ngày hôm nay, đặc biệt là trong giai đoạn các khoản nợ vay quốc tế đã sắp đến lúc con cháu mình phải trả. Liệu dân Việt mình có vũ khí tinh thần nào để vượt qua quốc nạn và đi lên giống như người Nhật?
Đã có ý kiến của một số người thuộc tầng lớp học thức trong và ngoài nước cho rằng đất nước Việt Nam sẽ chẳng bao giờ khá hơn được, và đã quá trễ để tìm ra thuốc chữa, cho nên mình nên chấp nhận với thực tế hiện nay! Xin tôn trọng những ý kiến này. Và nếu điều này đúng, thì đó sẽ là một sự thật đáng buồn nhất cho tất cả những ai mang dòng máu Việt!
Nhưng cũng có nhiều người tin rằng dân Việt vẫn xứng đáng có một tương lai sáng sủa hơn, và dân Việt vẫn còn có thể thay đổi tình thế. Vậy thì mình có thể làm được gì để chuẩn bị cho tương lai ?
Vẫn là yếu tố con người.
Nếu nước Nhật đã, đang và sẽ đi lên chỉ bằng yếu tố con người, thì nước Việt Nam cũng thế.Người Việt cũng có những đức tính, những truyền thống tốt đẹp. Nếu không, chúng ta đã bị đồng hóa bởi Trung Hoa từ lâu rồi. Xét về truyền thống, hai dân tộc Nhật-Việt có chung một số truyền thống, thí dụ như Phật Giáo, người Nhật và người Việt đều có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, bền chí, cần cù, một sức sống mãnh liệt… Điểm rẽ lịch sử quan trọng nhất trong quá khứ có lẽ là thời điểm nước Nhật đi vào thời Minh Trị canh tân, còn chính quyền phong kiến Việt Nam bảo thủ không chịu canh tân đất nước, để đất nước mất vào tay người Pháp, rồi rơi vào tay cộng sản, rồi chiến tranh triền miên, rồi loay hoay ở vị trí những nước nghèo mãi đến tận ngày hôm nay. Nguyên nhân vẫn là do con người…
Tình hình hiện tại thì càng nguy hiểm hơn cho dân tộc Việt. Người trong nước đang bị chính quyền hoặc hoàn cảnh tước dần những giá trị tinh thần quan trọng nhất của dân tộc Việt, những giá trị đã giúp chúng ta trường tồn đến ngày hôm nay. Người dân bây giờ phải né tránh khái niệm về lòng yêu nước. Nói đúng hơn, lòng yêu nước chỉ còn được thể hiện bằng một lý tưởng duy nhất, lý tưởng làm giàu. Làm giàu bằng mọi cách, bất kể việc làm giàu đó làm nghèo đi đất nước, làm xã hội xuống cấp. Những biểu hiện khác của lòng yêu nước chân chính đều nguy hiểm cho bản thân. Nhiều người chọn thái độ an phận, mũ ni che tai. Bên cạnh đó, người dân ngày càng xem thường kỷ cương phép nước, xem thường việc tôn trọng pháp luật. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà chính những người nắm quyền dùng luật pháp để tư lợi cá nhân, lách luật để làm giàu, thì người dân thường tuân thủ pháp luật làm sao mà sống nổi? Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Xã hội Việt Nam mất dần đi khái niệm tôn trọng luật pháp qua những biểu hiện thường ngày: vượt đèn đỏ, đưa nhận hối lộ gần như công khai, kém ý thức tôn trọng của công… Và một điều quan trọng nữa, là người dân Việt bắt đầu quen dần với sự gian dối, mất dần đi những giá trị căn bản của đạo đức. Người ta làm chuyện gian dối để dành phần lợi về cho cá nhân một cách dễ dàng. Chuyện làm ăn lừa đảo, chụp giựt, thiếu chữ tín… đã trở thành bình thường trong xã hội. Trách dân làm sao được, khi vài chục năm nay họ đọc, nghe, xem những điều dối trá trong sách sở-báo chí, radio, ti vi hàng ngày. Mới đầu nghe thấy khó chịu. Nghe mãi rồi quen. Sau đó nhận thấy dối trá “một chút” mà kiếm được tiền thì cũng làm thử, lúc đầu ít, sau nhiều dần. Trong vài chục năm qua, những giá trị tinh thần của chúng ta đã đi mất dần như vậy đó. Sự mất mát này có lẽ lớn hơn nhiều lần hậu quả của đợt sóng thần đã đổ vào nước Nhật. Sẽ không có thiên tai nào có thể phá hủy đất nước Việt Nam nặng nề hơn là sự phá hủy giá trị con người. Biết làm sao được. Trong khi người Nhật nuôi dưỡng, hun đúc những giá trị tinh thần dân tộc mình từ bao thế hệ, thì ở Việt Nam chúng ta, chính quyền đã đạp đổ những giá trị cũ, xây dựng thất bại những giá trị mới, rồi nay đang cố gắng chắp vá lại những mảnh vụn đã vỡ của tinh hoa dân tộc. Đúng là quốc nạn lớn nhất trong lịch sử Việt Nam!
Nhưng chẳng lẽ người Việt chỉ còn biết than thân trách phận, không còn cách nào cứu vãn được gia sản tinh thần của cha ông để lại? Vẫn biết là người dân trong nước chịu áp lực từ sự kiểm soát của chính quyền rất lớn, những không lẽ hành động có ý nghĩa cho dân tộc nào cũng nguy hiểm hết hay sao? Không hẳn là như vậy. Yếu tố con người vẫn là tài sản riêng của từng cá nhân, từng gia đình trước khi gộp chung vào xã hội. Vậy thì nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình Việt Nam có ý thức, tự giữ gìn những giá trị đạo đức cho riêng mình, thì sự xuống cấp cấp chung của xã hội sẽ được ngăn chận lại rất đáng kể. Nên nhớ rằng tinh thần gia đình Việt Nam cũng là một truyền thống quí báu của dân tộc mình. Hãy tự giữ gìn những giá trị đạo đức mà ngoài xã hội đã bị hư hao trong mỗi gia đình Việt Nam. Hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất. Thí dụ như dạy con mình không vượt đèn đỏ cho dù không có cảnh sát, làm như vậy là vì lòng tự trọng, bất kể những người khác có làm hay không. Khi đọc, nghe, thấy một điều gì trái với đạo lý, nên dạy cho con trẻ cảm thấy khó chịu, nói không với điều sai trái. Tránh thái độ lãnh đạm với cái xấu, tạo điều kiện để dần dần cái xấu đồng hóa mình. Khi biết có một người vì biểu hiện lòng yêu nước, vì chống lại cái xấu mà bị chính quyền kết tội, hãy dạy cho con thái độ đồng cảm, bất kể báo chí nói xấu, chống lại họ. Chắc hẳn chính quyền sẽ không thể làm hại gì mình vì thái độ đồng cảm này. Khi mình không thể tham gia biểu tình chống Trung Quốc lấn đất, dành biển, bắt bớ ngư dân Việt, ít nhất mình cũng nên thương cảm cho những người dám bày tỏ lòng yêu nước mà bị tù tội, cho dù là họ dại dột, hay việc làm của họ chẳng có kết quả gì. Những việc làm có vẻ vô bổ này, nhưng đó là một cách nuôi dưỡng hữu hiệu lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.
Xin đừng chê việc nhỏ không làm. Một cá nhân có ý thức về những giá trị tinh thần của dân tộc sẽ ảnh hưởng đến một gia đình. Rồi gia đình này sẽ ảnh hưởng đến một gia đình nữa. Mười gia đình. Một trăm gia đình. Một ngàn gia đình biết giữ gìn giá trị tinh thần của giòng dõi Lạc Hồng. Đó sẽ là kho tàng vô giá để phục hưng Việt Nam trong tương lai, yếu tố con người. Và cũng xin đừng nghĩ mình đang làm những điều xa vời. Không! Làm như vậy chính là để đầu tư cho con cháu chúng ta, những người sẽ tiếp tục sống trên mảnh đất hình cong chữ S bên bờ Đông Hải mang tên Việt Nam. Triều đại, chế độ chỉ là tạm thời. Chỉ có dân tộc là trường tồn mãi mãi…
Hoa Sen
No comments:
Post a Comment