Mar 20, 2011

GHI NHANH MỘT VÀI CẢM NGHĨ VỀ ĐÊM NHẠC KHÁNH LY-TRẦN DẠ TỪ: NỤ CƯỜI TRĂM NĂM

Trên sân khấu: Nhã Ca, Trần Dạ Từ,
Kiều Chinh, Doãn Quốc Sỹ



Chiều thơ nhạc Nụ Cười Trăm Năm diễn ra ở nhà hàng Turnip Rose vào ngày Chủ Nhật 13-03 vừa qua, kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy mà lại có quá nhiều thứ để thưởng thức, để suy gẫm. Mỗi khán giả chắc hẳn sẽ còn đọng lại riêng cho mình những cảm xúc khó quên về đêm văn nghệ này.

Đêm nhạc mà Khánh Ly là nữ ca sĩ chính, hát nhạc của thi sĩ Trần Dạ Từ, phần lớn sáng tác trong tù. Tưởng không cần phải nói thêm về giọng hát huyền thoại Khánh Ly, người đã kỷ niệm 50 năm sự nghiệp ca hát, mà đây chỉ mới là lần đầu ra mắt một CD. Có lẽ vì vậy mà MC Nguyễn Xuân Nghĩa chỉ nhắc đến công trạng của chị trong sáng kiến và đôn đốc việc hoàn thành CD Nụ Cười Trăm Năm, xem như là một món quà cho những thế hệ mai sau, từ đó mọi người mới có dịp gặp nhau trong buổi ra mắt CD này.

Nhiều ca sĩ đến để hát nhạc Trần Dạ Từ, hoặc hát nhạc Phạm Đình Chương, Cung TIến, Phạm Duy, Lại Quốc Hùng… phổ thơ Trần Dạ Từ. Nhiều khán giả đặc biệt ấn tượng với ca khúc Người Ở Với Người, nhạc Trần Dạ Từ, song ca bởi Quỳnh Giao & Trần Đại Phước. Bài hát này còn không kịp ghi vào chương trình. Anh Phước đến từ Dallas, là một kỹ sư điện toán chứ không phải là nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp. Anh Phước tự soạn hòa âm trong vài tiếng, bay sang tập với chị nữ ca sĩ Quỳnh Giao trong chừng một tiếng là lên sân khấu. Vậy mà khán giả lại được thưởng thức một tác phẩm thật trọn vẹn, từ giọng hát, đến giai điệu-lời ca và cả phần hòa âm nữa. Chỉ có sự đồng cảm nghệ thuật giữa những tâm hồn nghệ sĩ mới thể hiện được cái đẹp hay và dễ dàng đến thế.
Hầu hết khán giả bị chinh phục bởi những ca khúc qua phần trình diễn của Quang Tuấn. Bao giờ cũng vậy, giọng hát trầm ấm một cách tự nhiên, cộng với sự chuyên nghiệp trên sân khấu của anh đều làm hài lòng người nghe. Có nhiều người còn thắc mắc một giọng hát đặc sắc như Quang Tuấn mà sao lại ít xuất hiện trước khán giả vậy.

Nói đến tác giả và tác phẩm, xin mượn lời của bạn bè, thân hữu của nhà thơ Trần Dạ Từ đã có mặt để chung vui với ông trong đêm hôm ấy. Nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ đến từ Houston, đem khán giả trở lại với không gian và thời gian mà thi sĩ Trần Dạ Từ đã sáng tác những ca khúc trong CD Nụ Cười Trăm Năm. Đó là vào những năm cuối thập niên 70, khi mà nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam bị giam ở trại cải tạo Gia Trung, thuộc tỉnh Pleiku Kon Tum. Hãy tưởng tượng mình đang đi theo Quốc Lộ 19 từ Qui Nhơn hướng về Pleiku, vượt qua hai ngọn đèo An Khê và Mang Giang. Hãy nhắc xe đò ngừng lại ở cây số 125. Có một con đường đất đỏ, ngoằn nghèo lên núi xuống đồi chừng hơn hai cây số, sẽ dắt ta đến một khu tập trung tù cải tạo. Nơi đó có một dòng suối, người Thượng gọi là Ya Yung, người Việt gọi là suối Gia Trung. Nơi đây những tên tuổi như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Chóe, Trần Dạ Từ… đã từng chia xẻ những ngày tháng gian khổ nhất trong cuộc đời, mà có lẽ bao nhiêu giấy mực cũng không kể xiết. Nhưng ngục tù chỉ giam được phần xác, chứ không thể giết chết được tâm hồn người nghệ sĩ. Giống như MC Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng xin đừng bỏ tù một nhà thơ, vì làm như vậy đời sẽ có thêm một nhạc sĩ! Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể rằng ông và bạn Trần Dạ Từ lao động chung trong đội làm gạch. Bạn Từ làm nhạc trong trí nhớ, rồi mỗi khi xong bài nào, thì trong lúc sắp hàng điểm danh lại hát cho ông nghe. Cứ thế mà từng bài, từng bài hát trong Nụ Cười Trăm Năm ra đời. Ở một nơi chốn mà dù sự sợ hãi, đói khát, bạo quyền đang ngự trị, vẫn có những đóa hoa thầm lặng nở cho đời:

“… Bên góc trời lưu lạc, và đầu ta vẫn thơ. Và môi ta vẫn hát. Mái tóc nâng niu xưa cho dù bạc. Nhằm nhò gì. TÌnh yêu ta, cây lão mai của em vẫn không ngừng dâng hoa…”

(Vầng Trăng Xưa- Nhạc & lời Trần Dạ Từ)

À há! Bây giờ thì thành phố Pleiku không chỉ lãng mạn bởi ca khúc quen thuộc Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy nữa rồi. Ở thành phố núi đó, có người thi sĩ, nhạc sĩ đứng nhìn hoàng hôn trong tù mà làm nên những giai điệu tuyệt vời. Lê Văn - Cựu ký giả của chương trình Việt Ngữ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA- đã lựa chọn bài Trăng Ban Chiều là bài hát trong CD mà ông ưa thích nhất. Với giai điệu cổ điển quí phái của một Serenade thuộc trường phái lãng mạn, bài hát đã ghi lại cảnh đẹp muôn thưở lúc trăng lên qua sườn núi, trong buổi hoàng hôn cuối ngày ở một trại tù:

“… Đời cho tóc trắng, trăng vẫn xanh tươi
Về theo trăng bóng dáng xưa đầy vơi
Dòng sông cũ mái tóc ai ngời trôi
Trăng son sắt với người, theo ta dẫu cuối trời
Vầng trăng ấy miên man một đời…”

(Trăng Ban Chiều- Nhạc & lời Trần Dạ Từ)

Nếu chỉ nghe giai điệu ấy mà không được giới thiệu trước, hẳn có nhiều người sẽ tưởng tượng rằng bài hát được viết bởi một chàng nhạc sĩ đang yêu, đứng trước một khung cảnh chiều tà thanh bình, lãng mạn. Nhưng không, bài hát được viết trong tù! Chắc người nghệ sĩ nhớ về người bạn đời chung thủy, người đã theo ông đến tận cuối trời dù gian khó, cũng giống như vầng trăng muôn thưở vậy. Cũng có thể chính hình ảnh người vợ hiền cặm cụi đi thăm nuôi chồng trong tù đã tạo nguồn cảm hứng cho sáng tác này. Cái đẹp bất tử của nghệ thuật thường đến trong những quãng đời gian khó.

Còn nhiều bằng hữu của thi sĩ Trần Dạ Từ khắp nơi về góp lời trong đêm nhạc. Họ đã nâng đêm nhạc, buổi phát hành CD lên thành một buổi tối văn hóa Việt. Nền văn hóa độc đáo, nhiều màu sắc của Miền Nam trước 1975, cho dù bị đẩy ra hải ngoại, nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục triệu người Việt đang sống trong và ngoài nước Việt. Có lẽ sẽ không bao giờ Việt Nam tái hiện lại được một môi trường văn hóa tương tự như vậy trong tương lai. Nhà thơ Đỗ Quí Toàn khơi lại một góc văn hóa Sài Gòn ấy qua một vài kỷ niệm hơn nửa thế kỷ trước với thi sĩ Trần Dạ Từ, nhà văn Nguyễn Thụy Long… Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh ước chi Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc yến, Mai Thảo, Phạm Đình Chương… còn sống để đến dự trong đêm nhạc. Nếu có mặt, chắc Mai Thảo sẽ gật gù trong ly rượu: “… Được lắm! Khá lắm! …”.

Xin cảm ơn Khánh Ly- Trần Dạ Từ. Xin cảm ơn những văn nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước, một thế hệ chứng nhân lịch sử của Việt Nam, trong một giai đoạn bi thương, hào hùng, nhưng cũng giàu tính văn hóa, nhân bản nhất. Những thế hệ sau vẫn còn cần nhiều những đêm văn hóa tương tự như vậy lắm. Để rồi mai đây, khi những cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975 sẽ ra đi, tất cả những gì mà họ làm được cho đời sẽ được ghi nhận lại phần nào, ít ra là trong tâm trí thế hệ trẻ của dân tộc Việt Nam. Để rồi mai đây, khi mà đất nước Việt Nam không còn mầm mống hận thù, người sẽ về lại bên người, như ước nguyện của nhạc sĩ Trần Dạ Từ:

“…Người ơi, rời mai đây người sẽ về bên người
Hồn nguôi ngoai, mênh mông khói hương bay
Lòng ta ơi bay đi bay xa mãi một thời
Và trời đất tinh khôi, và bài hát sinh sôi…”

(Người Ở Với Người- Nhạc và lời Trần Dạ Từ)

Đoàn Hưng
Nữ ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ chính
của đêm nhạc Nụ Cười Trăm Năm

No comments: