Feb 2, 2011

XUÂN MIỀN NAM - Đoàn Hưng


“Trong nắng xuân trong sáng
Cành mai khẽ lung lay
Trong gió xuân tươi mát
Áo muôn màu tung bay
Trong nắng gió ta đoán
Chúa xuân đã về đây”

Thưở niên thiếu, ký ức về những mùa xuân miền Nam trong tôi đã được ghi lại chỉ đơn giản như vậy. Đối với tôi, tết đến xuân về là thời gian đẹp nhất của tuổi thơ. Hằng năm, tôi tận hưởng nó từng giờ, kể từ 23 tháng Chạp cho đến ngày rằm tháng Giêng, rồi luyến tiếc nhìn mùa xuân qua đi, mà trong lòng đã mong chóng đến Tết năm tới.

Tận hưởng hết mình, nhưng tôi không hề có ý định phân tích tại sao mùa xuân trong tôi lại đẹp đến thế. Mãi cho đến khoảng 10 năm sau biến cố 1975, tôi có một bà cô ruột đem gia đình từ Hà Nội vào sống hẳn trong Sài Gòn. Gặp nhau trong ba ngày Tết, cô tôi than thở rằng “…ở trong Nam không có không khí tết như ngoài Hà Nội…”. Tôi ngạc nhiên vô cùng, hỏi cô tại sao vậy. Cô tôi giải thích khá dài dòng, nhưng đại loại là Tết trong Nam nắng nóng quá. Còn Hà Nội, mùa tết trời rét đậm, mọi người có dịp diện áo lạnh đi chơi. Đặc biệt là mưa phùn trong những tối giao thừa. Thế mới là không khí Tết… À, thì ra thế! Tôi mới hiểu tại sao Nguyễn Bính đã gói gọn mùa xuân miền Bắc trong một câu thơ: “…Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay…”.

Xuân miền Bắc hẳn là đẹp. Nhưng tôi không thể đồng ý với cô tôi rằng Sài Gòn không có không khí Tết bởi vì không có mưa xuân. Kể từ lúc đó, tôi mới rắp tâm mổ xẻ, phân tích xem hương vị Xuân Miền Nam nằm ở đâu.

Ai đã từng sống trong miền Nam lâu một chút, hẳn sẽ nhận ra mùa Tết có một khí hậu hết sức đặc biệt. Ở một xứ chỉ có hai mùa mưa nắng, thời tiết những ngày cuối năm giáp tết có lẽ là đẹp nhất. Mùa mưa đã qua hẳn, mùa nóng lại chưa về. những đợt gió mùa Đông Bắc thổi xuống chỉ đủ để tặng cho người miền Nam cái cảm giác xe lạnh, đặc biệt là vào ban đêm. Đối với người dân miền Nam vốn không quen chịu rét, đó là lúc tốt nhất để thưởng thức cái lạnh trong những bộ áo vest, hay những bộ áo dài khăn đóng đi chúc tết, thăm viếng người thân. Còn vào ban ngày, tôi không bao giờ quên được bầu trời xanh thẳm của những ngày Tết Sài Gòn. Bầu trời thường không gợn một bóng mây. Chỉ có một màu xanh ngắt trải rộng ra tới tận chân trời. Và trong cái nền đó, nắng xuân chan hòa, trong sáng, sưởi ấm mọi nơi. Nếu phải miêu tả “màu nắng”, thì xin hãy nhớ lại cảm giác về nắng trong những ngày Tết Sài Gòn. Nắng xuân được nhắc tới trong rất nhiều bài nhạc xuân : “…Nắng xuân về trên muôn hoa…Nắng xuân hồng về nơi nơi…”, “…Kìa trong vạt nắng, mạch xuân tràn dâng…”, “…Ngày xuân êm ấm, nắng xuân tưng bừng…”, “…Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng…”. Nắng thì không màu. Nhưng nắng xuân làm nền để vạn vật đón xuân rực rỡ hơn. Nắng xuân muôn hình, muôn vẻ trong tim người nghệ sĩ…

Trời xuân xanh thắm. Gió xuân nhè nhẹ. Nắng xuân trong sáng. Xuân của đất trời đi vào từng khu phố, con đường, ngõ hẻm của Sài Gòn. Hãy điểm thêm một cành mai vào phong cảnh xuân miền Nam. Nếu mưa xuân và hoa đào là biểu tượng của xuân miền Bắc, thì nắng xuân và mai vàng là hình ảnh của xuân miền Nam. Chậu mai vàng trước ngõ đón người thân quen đến chúc tết. Mai vàng đón em lễ chùa này, mang lộc đầu xuân về nhà. Mai bán ở chợ tết, gia đình đi lựa một cành mai mua về nhà, sao cho hoa nở rộ vào đúng ba ngày Tết, biểu hiện của vận may trong năm mới.

Hãy vẽ thêm hình ảnh những người con gái Sài Gòn du xuân. Ngày xuân đi liền với áo mới. Những tà áo dài muôn sắc của những cô gái xuân đi lễ chùa, đi chúc tết trên những con đường Sài Gòn. Trong ba ngày Tết, đường phố vắng hẳn. Người đi trên đường không vội vàng, bận rộn như ngày thường. Ai cũng khoan thai, nói cười, rộn ràng cùng với mùa xuân. Chỉ cần ra phố, ngắm người qua lại, ta cũng đã cảm nhận được xuân về…

Sắc xuân miền Nam có vẻ đã hiện ra khá rõ nét rồi đó. Bây giờ ta đi tìm lại những thanh âm của mùa xuân. Có lẽ khó ai mà quên được tiếng pháo giao thừa. Xuân Mìên Nam trước 1975 mất đi tiếng pháo kể từ sau biến cố Tết Mậu Thân. Sau 1975, người Sài Gòn được đón xuân trong tiếng pháo trở lại, cho đến năm 1994 thì bị cấm hẳn. Ai cũng tiếc, vì thiếu tiếng pháo không khí tết bị hụt hẫng đi nhiều, nhất là trong đêm giao thừa. Trong cái thời khắc đón năm mới, lúc mà mọi nhà chuẩn bị thắp hương, khấn vái trước mâm cúng lộ thiên, cũng là lúc tiếng pháo giao thừa bắt đầu rộn ràng. Lúc đầu chỉ râm rang xa gần, cho đến đúng nửa đêm là tưng bừng, rộ lên nhất. Trong những con hẻm Sài Gòn, bà con thi nhau đốt pháo đón giao thừa, chúc nhau năm mới trong tiếng pháo đầu xuân. Có tràng pháo nổ dòn dã, có tràng chát chúa. Có tràng nổ nhanh, có tràng nổ khoan thai. Người sành tiếng pháo bình phẩm đây là pháo Gò Vấp, kia là pháo Đà Nẵng. Rồi trong những tràng pháo không dứt, tiếng chuông trống giao thừa ở một ngôi chùa gần đó cũng vang lên, đánh dấu một năm mới đã bắt đầu. Thiêng liêng, trang trọng…

Nhạc xuân cũng là những thanh âm góp phần tạo dựng nên không khí rất riêng của xuân Miền Nam trước 1975. Hàng năm, vào khỏang từ ngày đưa ông Táo về trời, nhạc xuân bắt đầu phát đều đặn trên tivi, radio. Người Sài Gòn cảm nhận không khí tết khi nghe văng vẳng đâu đó câu hát: “…Xuân vừa về trên bãi cỏ non, gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn…” (Hoa Xuân-Phạm Duy), hay “…Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng, trong nắng vàng, khắp chốn đón xuân sang…” (Xuân Họp Mặt, Văn Phụng). Và trong giờ phút giao thừa, có ai trong chúng ta mà không chờ được nghe bản nhạc xuân bất tử:
“Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no
Thóat ly đời gian lao nghèo khó…”
(Ly Rượu Mừng- Phạm Đình Chương)

Nhiều năm sau ngày miền Nam thất thủ, người miền Nam vẫn không thể quên được những bài nhạc xuân đó. Bởi vì chúng đánh dấu những mùa xuân rất đẹp của đất nước đã mất đi. Gia đình tôi và một số thân hữu vẫn giữ truyền thống hát chung bài Ly Rượu Mừng mỗi năm, vào dịp cùng nhau đón giao thừa, bất chấp xã hội thay đổi đảo điên. Chúng tôi tin tưởng là sẽ có ngày những mùa xuân đích thực sẽ trở lại. Và sau chừng 20 năm bị cấm đóan, người Miền Nam lại được nghe, lại được hát những bài nhạc xuân thân yêu của mình. Nền văn nghệ thiếu tự do tư tưởng không thể cho những bản nhạc có hồn xuân chân thật, nên phải chấp nhận sử dụng lại nền nghệ thuật đích thực của miền Nam cũ. Một phần hồn xuân đã trở lại với những mùa xuân Miền Nam.

Như vậy, làm sao mà ta không cảm nhận được Xuân Miền Nam? Nó đến với mọi người tràn đầy qua mắt nhìn, tai nghe, qua những cảm thọ với nắng xuân, gió xuân. Xuân Miền Nam còn đến qua hương vị của chiếc bánh chưng mới bóc, hay nồi thịt kho nước dừa, hay ly rượu mời nhau ba ngày Tết. Thêm vào đó, người Miền Nam cảm nhận mùa xuân một cách trọn vẹn với một tâm hồn tự do phơi phới. Xuân đến với đất trời, nhưng liệu con người có cảm nhận được hết cái đẹp của mùa xuân nếu tư tưởng bị tù đầy trong lòng thù hận, hoặc bị đầu độc với những điều dối trá? Cái đẹp của những mùa xuân miền Nam có lẽ chỉ được tận hưởng với cái tâm hào phóng, khóang đạt của những con người Tự Do.

Ghi nhận về vài nét riêng của những mùa xuân miền Nam của tôi dừng lại ở đây. Và bây giờ, mỗi khi Tết đến với miền Cali nắng ấm, lòng tôi vẫn chưa thôi nhớ về những mùa xuân cũ. Tôi vẫn cố đi tìm lại hương vị của Xuân Miền Nam. Ở đây cũng có trời xanh, nắng ấm. Phố phường của Little Saigon cũng thân quen, gần gũi. Cũng có tiếng pháo rộn rã trong đêm giao thừa. Cũng đầy đủ hương vị bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Cũng có những bài nhạc xuân bất hủ của thưở nào. Vậy mà sao trong lòng vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì…Tại vì tuổi thanh xuân đã qua? Hay tại vì thiếu một chút không khí của quê nhà?

Tôi nghiệm ra rằng sẽ không bao giờ tìm lại được lại những mùa xuân đã đi vào quá khứ. Chỉ có mùa xuân hiện tại là còn tràn đầy.

Vậy thì hãy tận hưởng những mùa xuân ở miền Nam Cali, với một tâm xuân thật trọn vẹn…
“…Miền Nam, niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam, tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây, muà xuân đến xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ, vui ca tung gieo nguồn sống
Đắp xây tự do…”
(Xuân Miền Nam – Văn Phụng)

Đòan Hưng

No comments: