Feb 16, 2011

BỨC TRANH THỨ CHÍN “Phản Bản Hoàn Nguyên ” (Trở về nguồn cội) - Thích Phước Tịnh




Bản thơ nguyên âm chữ Hán của ngài Quách Am:

Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công
Chân như thục hạ nhược manh lung
Am trung bất kiến am tiền vật
Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng

“Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công” nghĩa là trở về nguồn cội rồi mới thấy mình phí công vô ích.

“Chân như thục hạ nhược manh lung” nghĩa là đâu bằng ngay bây giờ và ở đây, ta làm người không nghe, không thấy. “Manh-lung” nghĩa là đui và điếc.

“Am trung bất kiến am tiền vật” nghĩa là trong am không thấy cảnh trí ngoài am

“Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng” nghĩa là ta vẫn biết bên ngoài am, có nước chảy, hoa hồng.

Bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:

Phí công về đến nhà xưa,
Đâu bằng ngay đó lặng lờ bạch duyên
Trong am bặt hết nẻo huyền
Nước trôi hoa thắm an nhiên một trời.

Trước tiên nói về quy luật phản hồi. Quy luật phản hồi là đi một vòng rồi trở lại. Thử nhìn vào thiên nhiên sẽ thấy. Ví dụ như Xuân, Hạ, Thu, Đông; hay trái đất quay chung quanh mặt trời 1 triệu km/ 1 giờ rồi quay lại điểm cũ; hay hệ mặt trời quay chung quanh một dãy ngân hà 1 triệu km/ 1 giờ. Dãy thiên hà cũng di chuyển, còn nhanh hơn cả tốc độ di chuyển của mặt trời. Thế thì một hạt nguyên tử nhỏ nhất cũng quay; hành tinh cũng quay, thái dương hệ và các dãy ngân hà cũng quay. Chu kỳ vận hành ngoài thiên nhiên đều chung một quy luật phản hồi và trở về nguồn cội.

Nói về quy luật phản hồi trong sự vận hành của xã hội, lấy ví dụ về thời trang, khi thì mốt mặc ngắn, lúc thì mốt mặc dài, đi một vòng cũng trở về mốt cũ. Chu kỳ tất nhiên về nhà cửa cũng vậy: giá cả lên tột đỉnh rồi cũng xuống.

Quy luật phản hồi cũng có mặt trong tự thân con người. Cơ thể vật lý của chúng ta cũng theo chu kỳ như vậy. Mới sinh ra mình không có răng. Đến khi già mình cũng không có răng. Dù có làm răng giả, tối ngủ cũng bỏ ra. Trí nhớ của ta đi ngang thời gian, chứa đầy kinh nghiệm của đời sống, thế mà trí nhớ dài hạn, ngắn hạn, đến già cũng mất dần đi. Tới một lúc, người già cười nói thơ ngây như em bé, thích những thứ em bé thích. Tuổi già nào cũng thích chơi với người trẻ vì năng lượng của người trẻ làm họ thấy đời sống của họ trẻ trung lại. Đó là khuynh hướng tất nhiên của vòng vận hành vật lý. Tâm lý của chúng ta cũng đi theo như vậy. Ta có thể nhộn nhịp lễ hội trong vài ngày, nhưng sau đó chúng ta cảm thấy mỏi mệt, mơ ước được an bình, lắng lại.

Điều thứ hai nói về cách lý giải từ các thiền sư. Nói về sự thành tựu, các thiền sư đạt ngộ ngày xưa đều có nhận định giống nhau. Tô Đông Pha có sáng tác một bài thơ:

Lô Sơn yên toả Triết giang triều
Vị đáo thanh bình hận bất tiêu
Báo đáp hoàng lai vô biệt sự
Lô sơn yên toả Triết giang triều

Mù toả non lô sóng Triết giang
Khi chưa đến ấy luống mơ màng
Đến rồi nào thấy chi đâu lạ
Mù toả non lô sóng Triết giang

Tô Đông Pha là một thiền sư rất ham tu. Bài thơ này không phải tả cảnh mà tả tâm chứng của ông. Non Lô Sơn kia mịt mù sương khói. Sáng sương giăng, chiều nắng nhạt. Ai cũng mơ ước được đến Non Lô để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của nó. Nhưng từ vạn dặm đến nơi rồi, không có gì lạ vì vẫn nắng, vẫn sương, vẫn sông, vẫn cây rừng. Tình huống của những người tu khi thành đạt con đường thiền tập cũng vậy.

Từ sự thành tựu của các vị thiền sư cho chúng ta thấy rằng chúng ta khao khát tu tập, bỏ bao nhiêu năng lực, nhưng khi đến cuối đoạn đường, chúng ta khám phá ra mình đã từng có niềm vui dù chưa thực tập thở vào, thở ra. Chúng ta đã từng an trú ngay nơi niệm hiện tiền. Chúng ta khám phá ra ta đã từng có kinh nghiệm thành đạt tu hành trước khi tu.

Điều thứ ba là làm thế nào để quy chiếu vào sự thực tập. Mục tiêu thực tập của chúng ta là làm sao có thể đạt đến cội nguồn nơi ta đã sinh ra. Nơi nào là nơi ta được sinh ra? Đó là nơi trạng thái của tâm an nhiên bất động. Chúng ta từ nguồn tuệ giác bất động được sinh ra trong cuộc đời, rồi lại trở về nguồn tuệ giác ấy. Nguồn tuệ giác này còn được gọi là trạng thái Niết Bàn, gọi là Tâm Phật Bất Động.

Tóm lại tuỳ vào trình độ tâm thức của từng người mà đặt ra mục đích của đời mình. Người bình thường mong được trở về nơi tâm thức yên bình. Người đẩy được tâm thức lên trên một chút mong được biết ta từ đâu đến, trả hình hài này, ta về đâu. Tuy mục đích khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều phải tự nỗ lực, tự có trách nhiệm về đời sống của mình, không ai dắt dẫn ta được cả.

Trích "Về Nguồn 7" - www.matthuongnhindoi.com

No comments: