Dec 23, 2010

BỨC TRANH THỨ HAI “KIẾN TÍCH” (THẤY DẤU)- Thích Phước Tịnh


Bức tranh thứ hai có tên “Kiến Tích” nghĩa là thấy dấu chân. Bài âm tiếng Hán như sau:

Thủy biên lâm hạ tức thiên đa
Phương thảo ly phi kiến dã ma
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
Liêu thiên tỉ khổng chổng tàn tha

“Thấy dấu” – thấy dấu chân của trâu. Bức tranh thứ hai vẽ chú mục đồng đang chạy. Chú cảm thấy đất trời bớt âm u, mịt mù vì chú đã thấy dấu chân của con trâu. Trong lòng chú nao nức, muốn bắt lại trâu bằng mọi cách. Ngôn ngữ nhà quê Việt Nam có câu: “Dấu đâu, trâu đấy”. Hễ thấy dấu chân là xem như có thể nắm được trâu rồi.

“Thủy biên lâm hạ tức thiên đa” nghĩa là bên bờ suối, mé rừng, dấu chân con trâu dậm trải đầy. “Phương thảo ly phi kiến dã ma” nghĩa là cỏ thơm rợp bóng làm chú mục đồng không thấy được trâu. “Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ; Liêu thiên tỉ khổng chổng tàn tha” nghĩa là cho dù núi cao, rừng vắng, lỗ mũi của con trâu to lớn này đụng cả trời xanh, vậy làm sao có vật gì dấu được nó!

Hình hài của chúng ta, nếu không có tâm bên trong, không thể tồn tại trên hành tinh này được. Niềm vui, nỗi buồn, nếu không có tâm, sẽ không có điều kiện để nổi trôi bồng bềnh. Sự suy nghĩ của ta cũng thế, nếu không có tâm bất động làm nền, sự suy nghĩ này không có mặt. Quay lại với bức tranh, bên suối ven rừng, nơi nào cũng có dấu chân trâu. Cũng vậy, ngay nơi hình hài này có tâm, ngay nơi vui buồn này có tâm, ngay nơi sự suy nghĩ cũng có tâm bất động. Ta đưa tay lên, ta kéo tay xuống, ta bước đi từng bước, không lúc nào thiếu vắng tâm cả. Có điều mình chưa thấy được “trâu” vì “cỏ thơm” ngăn lối.

Thế nào là “cỏ thơm ngăn lối”? Bao nhiêu sự mời mọc của nhân gian này rất ngạt ngào. Này sắc, này hương, này mùi vị, này âm thanh. Thế giới hiện tại có nhiều thứ đồ chơi để hút quý vị vào. Đó là những loại cỏ thơm, luôn che chắn mắt ta, bít con đường trở về của ta, khiến ta không thể thăm dò vào chiều sâu của lòng mình được. Này vui buồn, này sầu khổ bất an, này nỗi niềm của hạnh phúc v.v… Mọi thứ đều cuốn hút ta. Vừa mở mắt ra, quý vị dễ dàng bị sắc màu, âm thanh cuốn hút.

Tuy nhiên, dù núi cao, rừng vắng, hang sâu, đường chập chùng xa, hoặc cỏ thơm đan nhau che lối đi, lỗ mũi trâu đủ lớn để đụng trời xanh. Vì vậy, không có gì có thể che giấu con trâu của ta cả. Chúng ta vì vậy sẽ chộp được nó, dắt nó về chốn cũ.

Bản dịch tiếng Việt của thầy Tuệ Sỹ cũng rất hay:

Dấu chân bên suối ven rừng,
Cỏ thơm che lối biết chừng nơi đâu.
Dù cho núi thẳm rừng sâu,
Trời xanh mũi rộng, nơi nao giấu mày.

Từ “liêu thiên tỉ khổng” được dịch là “lỗ mũi đụng tới trời xanh”. Thế nhưng trong thế giới nhà thiền, từ này chỉ cho tâm Phật sáng ngời bất động của các vị. Người triệt ngộ được tâm, an trú được nơi tâm bất động, được gọi là “người sống được với lỗ mũi thẳng lên trời xanh”. Ở mức độ bình thường của đời sống, lỗ mũi rất quan trọng, làm nên đời sống của ta. Các pháp tu truyền thống đều nhờ hơi thở để đi vào. Từ ý nghĩa này, các thiền sư ngày xưa vận dụng từ này để chỉ cho tâm Phật bất động, tự thể Niết Bàn đang có trong các vị, làm nên sự sống cho con người, không vắng mặt một phút giây nào cả. Do vậy, câu này có nghĩa: Tâm Phật bất động đang có trong ta, vì thế không có cách nào che dấu được nó cả. Sẽ có lúc ta tình cờ nhận ra thôi.

Trích "Về Nguồn 2" - www.matthuongnhindoi.com

1 comment:

Hot... said...

Hi chi Ut,

Bai thu 2 nay duong nhien cung hay roi :-). No lam em nho toi bai giang Ve Di Thoi cua thay Phuoc Tinh. Em hieu "tam" la su hieu biet. Nhung dung lai o su hieu biet (aka tam bat dong) va khong react voi nhung bien co/trang thai thi con qua kho... hi` hi`. Thoi thi danh phai tu tu vay.

De xem nhung buc tranh tiep se soi sang/giup do minh duoc gi day :-).

em Ha