Mar 25, 2009

CHỖ ĐỨNG - Đoàn Khoa


Nhà tài trợ không hài lòng lắm, họ chê cuốn phim tài liệu của H. không xúc động.

Quay về người mù gì mà nhà cửa sạch trơn, nồi niêu xoong chảo được lau rửa cẩn thận, nhưng tệ nhất là cảnh chị mù thoăn thoắt dễ dàng bước qua chiếc cầu khỉ bắt ngang con kênh ra đồng cắt cỏ.


Họ đòi nhân vật trong phim đi đứng quờ quạng, lần mò trong tuyệt vọng, va đụng làm nồi niêu chén dĩa rớt rơi loảng xoảng, hoặc ... ít ra cũng phải có cảnh nước mắt ngắn dài trong đêm trường cô quạnh...


H. không biết phải giải thích làm sao bởi ngoài thực tế có nhiều chi tiết còn ngoạn mục hơn trong phim thí dụ như nhóm quay chở chị mù đến một tiệm bán vải, muốn tặng chị bộ áo dài, mong tạo bất giờ, dè đâu khi vừa dừng chân trước cửa, chị đã nói ngay: - Mấy người chở tui tới tiệm vải phải hông? - Sao chị biết? - Hửi mùi... ! ...Tui thích màu hồng, nhưng áo hồng đi với quần đỏ đẹp không?... Chị mù còn đưa bàn tay với ngón út có lóng lệch vẹo, nghiêng hẳn ra ngoài. - Hồi đó cắt cỏ, vạt nhằm ngón tay, rồi mò mẫm xé khăn buộc lại... Nhờ Trời nó lành, nhưng chĩa ra ngoài... Thôi kệ !


Chính sự lạc quan và ý chí vượt qua số phận của chị cắt cỏ mù lòa này mới làm cho H. xúc động. Sức sống đó cần được kể ra và cần được động viên... Vậy mà !!!


H. làm tôi nhớ đêm nhạc gây quỹ cho thư viện người mù.

Hôm đó có rất nhiều ngôi sao và ca sĩ nổi tiếng tham gia. Họ muốn làm điều gì đó nhầm chia sẻ nỗi bất hạnh của các em nhỏ không may mắn này.


Những ước mơ thầm kín và không thể có trên đời: - Ước gì gặp chú Đan Trường... Chẳng bao giờ con được gặp cô Cẩm Vân, cô Hồng Nhung... bằng người thật !

Vậy mà các em tật nguyền ấy không những gặp mà còn được hát chung, diễn chung với nhiều thần tượng cùng một lúc. Các em có một đêm sung sướng ngất ngây với những bài hát nồng nàn ca ngợi cuộc đời.

Chính nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt “không hoàn hảo” mới làm cho nhiều người tham dự bật khóc... Họ cảm thấy mình cần làm nhiều thứ hơn để người bất hạnh được sống tốt hơn. - Theo em, những người bất hạnh ấy đã cạn nước mắt khóc cho thân phận mình. Muốn hay không thì họ vẫn tồn tại, họ buộc đi tới trước, họ phải sống ! - H. làm tôi rời khỏi giấc mơ đẹp đẽ vừa kể để quay lại thực tế trước mắt rằng phim của cô chưa được thông qua. - Có lẽ người “lành lặn” thích nhìn người tật nguyền bằng con mắt của họ, chính vì thế họ hay “thương cảm” – Tôi ai ủi. ...


Trong lớp multi-media mà tôi đang dạy có trường hợp cá biệt – một em học sinh bị niễng, đầu nghiêng về một bên, tay trái bị rút co lên, đi đứng khá khó khăn và nói thì còn tệ hơn nữa !


Thầy hiệu trưởng đã kiểm tra và động viên phụ huynh của em ấy rằng con ông bà có suy nghĩ tốt, nó vẫn có khả năng diễn đạt và xử lý trên máy tính...


Những môn khác, dù khá vất vả so với các bạn cùng khóa, nhưng em cũng cố vượt qua, nhưng ở môn của tôi thì đúng là thử thách quá lớn.


Có những bài về nhịp điệu, về khéo tay, thỉnh thoảng cần chút xíu biểu diễn... nhất là có bài tập kể chuyện ở cuối khoá chẳng hợp với em chút nào.


Tôi tránh nhìn về phía em, không muốn tỏ ra em là người đặc biệt, tội nghiệp và cần được nâng đỡ... nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nhìn em và cười với ý nghĩa: em làm được đấy!


(Công bình mà nói, những bài thuộc về tưởng tượng như xếp hình, tạo mẫu thời trang từ mấy tấm vải, liên tưởng những vật tương đồng... em làm khá tốt.)


Đến ngày kể chuyện cuối khóa, các em khác phải kể một câu chuyện mà mình sưu tầm, từ sách hoặc phim cũng được. Riêng em niễng, em được một biệt đãi là thay vì kể bằng lời, em có thể viết trên máy rồi in hoặc mail cho tôi.

Khá bất ngờ, tôi nhận được “tự chuyện” trong đó có đoạn: “...Có phải em đang dần vô cảm với những thứ xung quanh không thầy? Nhiều lúc em chán ghét những ánh mắt mọi người nhìn em, em đã chịu đựng nó từ lúc đi học mẫu giáo. Nhìn từ xa tụi nó chơi đùa vui lắm, em lại gần xin chơi chung nhưng rồi bọn nó nói em đi đi thằng khùng, nhiều khi chỉ đi ngang qua thôi bọn nó cũng chọc... đi mà ngang qua chỗ nào có con người em đều rất ngại thầy ạ. Em đã nhìn trong gương và hỏi mẹ em sao tụi nó lại nói con như vậy con cũng có tay chân mũi miệng mà mẹ chỉ nói kệ tụi nó, con đừng chơi với tụi nó, bởi thế đi học em chỉ chơi một mình rất ít bạn hồi ấy. Lúc lớn em nhận ra rằng mình không được hoàn hảo như những người xung quanh và em cũng đã chấp nhận sự thật ấy ở kiếp sống này...”


Tôi viết vài dòng cho em: “...Em đã nói được những gì diễn ra trong đầu, đó là cách tốt nhất để chứng tỏ rằng mình đang tồn tại chứ không phải là một vật vô tri, vô nghĩa. Có lẽ em “không may” như bạn cùng lứa, nhưng không phải vì thế mà em kém chúng. Thầy nhắc lại cho em nhớ rằng trong vài bài tập tưởng tượng , em vẫn nghĩ được nhiều trò hơn một số bạn, em cũng cố vượt qua và nộp đầy đủ những bài cần thiết... như vậy sự nỗ lực của em cao gấp nhiều lần so với các em khác. Thượng Đế đã tạo ra chúng ta, chắc hẳn Ngài có lý khi sắp xếp mỗi người có số phận riêng, mỗi người vào một vị trí để cuộc đời này thêm ý nghĩa, có điều là ta phải cố tìm ra chỗ đứng cho chính mình.


Thế giới này mênh mông, ta sẽ tìm thấy chỗ đứng thật sự của ta một ngày nào đó miễn rằng ta hiểu được cuộc sống của ta có giá trị và có ích như thế nào...


Bên cạnh những kẻ không thích em thì biết đâu vẫn có người cảm thông và chia sẻ với em mọi vấn đề từ công việc đến cuộc đời, có thể họ hiếm hoi nhưng họ hiện hữu và ngày nào đó, ta sẽ tìm thấy họ...”


...Mấy đứa trong lớp nói lại rằng có thấy em khóc.


Lần này tôi mừng trước những giọt nước mắt người khác. Em trút được ít nhiều gánh nặng trong tim.


Gặp lại em, bất chợt, em nói rất khó khăn và rất chậm: “Thầy... nhớ... cho...oo.. em... mượn... d..ĩa... nhạc... AB...BA... nghe...thầy !”

Đoàn Khoa
tháng 03-2009


No comments: