Oct 17, 2008

LUẬT SƯ NGUYỄN QUANG TRUNG: CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐEM MÔN VIỆT NGỮ VÀO TRƯỜNG HỌC MỸ



Luật Sư Nguyễn Quang Trung (ngồi giữa)
trong một cuộc họp với Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove

Trong một bài viết trước đây cũng trong chuyên mục này về các trung tâm dạy Tiếng Việt tại Nam Cali, tôi đã nhắc tới nhữngï khó khăn trong việc duy trì việc dạy và học tiếng Việt trên đất Mỹ. Một trong những trở ngại lớn là thế hệ con em chúng ta không thấy được động cơ để học tiếng Việt. Lớn lên ở Mỹ, các em rất thực dụng, chỉ làm những gì có “benefit” cụ thể, chứ những khái niệm trừu tượng như “hướng về cội nguồn” thì khó thuyết phục chúng được.


Một trong những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này là việc học Tiếng Việt phải được công nhận như là một môn học chính thức trong các trường học Mỹ. Các em học môn Việt Ngữ sẽ được tính credit để ra trường như học tiếng Tây Ban Nha, tiến Pháp... Thật may mắn cho cộng đồng Người Việt tại Nam Cali đã có những cá nhân thấy được vấn đề, bỏ công lao ra để vận động với chính quyền để ý tưởng này trở thành hiện thực. Tại Học Khu Garden Grove, tiếng Việt được đưa vào các trường trung học từ cách đây hơn 6 năm rồi. Ta hãy nghe Luật Sư Nguyễn Quang Trung kể lại chặng đường gian nan để thực hiện được dự án có ý nghĩa này…

Anh Trung sang Mỹ từ năm 1975. Học kỹ sư điện tại UCLA, tốt nghiệp vào năm 79. Lấy bằng MS vào năm 85. Học thêm luật và có bằng hành nghề vào năm 93. Trong thời gian hành nghề luật sư, anh có nhiều thời gian hơn để làm việc cộng đồng. Cho đến đầu thế kỷ21, anh Trung nhận thấy rằng tiếng Việt ở Mỹ vẫn chỉ đóng khung trong cộng đồng của mình. Phải tìm cách đưa tiếng Việt ra main stream để nền Văn Hóa Việt có thế đứng mạnh hơn ở Mỹ. Vào năm 2000, Viện Việt Học ra đời cũng nằm trong mục tiêu ấy. Anh Trung là một trong những Sáng Lập Viên của tổ chức này.


Câu chuyện tiếng Việt đi vào các trường trung học ở Quận Cam bắt đầu từ mùa hè 2001, khi trường Westminster High School (thuộc Học Khu Huntington Beach, có khá đông học sinh gốc Việt theo học) cho thử nghiệm dạy Tiếng Việt lần đầu trong chương trình hè của mình. Cộng đồng người Việt Nam Cali nắm lấy thời cơ này, tìm cách vận động để đưa tiếng Việt vào chương trình chính thức. Thật ra, điều này đã được thực hiện trên San Jose (Bắc Cali) từ trước rồi. Dư luận, báo chí cũng đã bắt đầu đề cập đến vấn đề này cho Quận Cam, nơi có người Việt sinh sống nhiều nhất. Anh Trung, Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh và một vài phụ huynh đã đi gặp Hội Đồng Giáo Dục của Huntington Beach để đưa ra đề nghị này. Qua nhiều lần bàn luận, tranh cãi, cuối cùng Học Khu cũng chấp nhận nguyện vọng của cộng đồng, đưa thí điểm môn Tiếng Việt vào chính khóa mùa thu năm đó.




Cái đích nhắm tới kế tiếp là Học Khu Garden Grove, nơi tập trung các em học sinh gốc Việt đông nhất. Đầu năm 2002, nhóm anh Trung tiếp xúc với Trưởng Học Khu Garden Grove để xin đưa chương trình Việt Ngữ vào các trường trung học của học khu. Không có trả lời! Phải tìm cách vận động hành lang trước. Dưới sự giúp đỡ của anh Nguyễn Văn Chuyên, là phụ tá của Thượng Nghị Sĩ Jordan thời đó, nhóm anh Trung xin được một cái hẹn để thuyết trình cho Hội Đồng Giáo Dục của Học Khu về sự cần thiết của việc dạy và học Việt Ngữ. Vẫn không nhận được câu trả lời dứt khóat ! Nhóm quyết định nhờ thêm tiếng nói của Thượng nghị Sĩ Jordan. Sau một buổi làm việc của ông và Học Khu Garden Grove, anh Trung được thông báo rằng đề nghị của nhóm đã được chấp nhận. Hai trường La Quinta và Bolsa Grande có được môn Việt Ngữ trong chương trình. Thừa thắng xông lên, Anh Trung và anh Chuyên xuống trường UC Irvine để thuyết phục họ đưa Việt Ngữ vào chương trình chính khóa. Kết quả thành công, UC Irvine cũng bắt đầu có lớp Việt Ngữ ngay mùa thu năm đó.


Bài học rút ra từ những nỗ lực đầu tiên của nhóm là: nếu không có người Việt nằm trong chính quyền của các thành phố, county…, các dự án theo nguyện vọng của cộng đồng rất khó được phê chuẩn. Vậy thì phải tìm cách đưa người Việt vào Học Khu. Năm 2002, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân ra tham gia tranh cử và đã đắc cử vào chức vụ Uûy Viên Giáo Dục của Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove. Kể từ đó, mọi chuyện vận động trở nên dễ dàng hơn nhiều. Năm 2004, cả anh Trung và chị Nguyễn Lâm Kim Oanh cùng đắc cử vào vị trí này. Chương trình Việt Ngữ được đưa ra thêm một trường trong học khu nữa là Garden Grove High School.

Anh Trung rất tâm đắc với ý kiến gắn liền việc học tiếng Việt với những lợi ích cụ thể. Đối với học sinh gốc Việt, đặc biệt đối những em mới ở Việt Nam sang định cư, học tiếng Việt là cách dễ dàng để có thêm credit lên college. Đối với bác sĩ, nha sĩ, luật sư… người Việt ở Mỹ là một thị trường không nhỏ. Biết thêm tiếng Việt thì có thêm một thị phần. Mỹ là xứ sở thực dụng, nên khuyến khích con em đi học tiếng Việt nghe “make sense” một chút. Khi tiếng Việt còn, nền văn hóa Việt trên đất Mỹ cũng sẽ còn tồn tại. Hãy lấy gương tiếng Pháp trên trường quốc tế là ví dụ. Cho dù chính phủ Pháp bỏ nhiều tiền của để duy trì vị thế của tiếng Pháp nơi các nước cựu thuộc địa như Việt Nam, tiếng Anh vẫn cứ là sinh ngữ chính ở đây. Lý do là vì kinh tế Pháp không còn hùng mạnh như xưa nữa, cho nên ít người chịu học tiếng Pháp. Số phận tiếng Việt của ta trên đất Mỹ cũng sẽ vậy thôi.

Định hướng cho tương lai? Sau credit, môn Việt Ngữ nên được đưa vào chương trình AP (advanced placement). Các em học hết trung học, thi AP để có thêm credit ở các đại học, college. Các trung tâm Việt Ngữ của cộng đồng (dạy ngọai khóa vào cuối tuần) cũng nên liên kết với chương trình Việt Ngữ của các trung học, đại học. Mục tiêu là các em học tiếng Việt ở các trung tâm Việt Ngữ khi lên trung học sẽ tiếp tục theo chương trình Việt Ngữ chính khóa một cách dễ dàng hơn. Liên quan đến việc vận động chính phủ, anh Trung nghĩ là cộng đồng người Việt phải có được data riêng trong hồ sơ chính phủ như các cộng đồng Philipino, Hispanic. Hiện nay, Người Việt được xếp chung trong khối Asia Pacific khi phân lọai các cộng đồng sắc tộc, cho nên các dự án liên quan đến cộng đồng khó được phê chuẩn do thiếu các thông tin thống kê chính thức.

Gần mười năm qua, môn Việt Ngữ trong dòng main stream đã có những bước tiến dài. Đó là nhờ nỗ lực tâm huyết của những người như Luật Sư Nguyễn Quang Trung, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh… Vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục duy trì thành quả đáng trân trọng đối với cộng đồng này. Nhưng nếu nhìn xa hơn nữa, suy cho cùng thì tiếng Việt sẽ tồn tại vững mạnh trên xứ người nếu nước Việt Nam của chúng ta thực sự là một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, là đối tác uy tín của các cường quốc kinh tế trên thế giới. Điều này sẽ chỉ mãi mãi là giấc mơ, hay sẽ thành hiện thực trong vài thập niên nữa?...


Đòan Hưng

1 comment:

Hot... said...

Bài viết này của Hưng hay lắm, cho thấy khung cảnh toàn diện của cộng đồng người Việt và tiếng Việt tại Hoa Kỳ. Hướng đặt cộng đồng người Việt ngang tầm với Philipino, Hispanic là việc lớn đó nha. Không biết chừng nào bà Kim Oanh, ông Trung, ông Lân đạt được mục tiêu ? 2, 3, 5 năm nữa được chăng ?

Chi Tu