Aug 9, 2024

VÌ SAO DỊCH SÁCH BỐ - Doãn Kim Khánh

1. Vì sao dịch sách Bố?

Mục tiêu đầu tiên là nhắm đến thế hệ cháu nội ngoại của Ông. Đứa nào cũng biết Ông viết văn, nhưng không đứa nào biết rõ ràng ông viết gì.

vì tụi trẻ ở Mỹ bây giờ thích coi xi nê hơn đọc sách và nếu đọc thì thích đọc tiếng Anh hơn tiếng Việt. Trách nhiệm của thế hệ các con của Ông là bắt đầu mở cánh cửa vào kho tác phẩm rất đáng kể của Ông.giới thiệu nó trước tiên là cho 14 cháu nội ngoại trong nhà, sau đó là cho dộc giả trong giới bạn bè thân hữu của giới trẻ và sau nữa là cho giới độc giả bên ngoài, những người vẫn còn quan tâm đến văn học.


2. Vì sao dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc?

- Lý do đầu tiên là vì dó là một tập truyện ngắn dễ đọc, dễ "dụ" tụi nhỏ đọc. Ba chủ đề Tình yêu, Chết và Hương nhân loại được đề cập trong bảy truyện ngắn sẽ dễ được tụi trẻ quan tâm.

- Tựa đề "Gìn Vàng Giữ Ngọc: mang tính dân tộc vì nó được trích từ câu "Gìn vàng giữ ngọc cho hay" của cụ Nguyễn Du như một lời nhắn nhủ của cụ cho thế hệ sau. Đối với các con của ông, những chữ này gợi hình ảnh Bố mình, một người hiền lành nhưng cương trực, một người yêu quê hương nồng nàn nhưng vẫn bị 11 năm tù Cộng Sản với tội danh "phản quốc". Sau 11 năm tù, các con không hề nghe ông than van, trách móc một câu nào, chỉ thỉnh thoảng cười xòa nói "Bố 2 lần tù, một lân 4 năm, một lần 7 năm. Trả nghiệp thế là đủ rồi!" Khi qua được bến bờ tự do, Bố tuyên bố gác bút vì "những gì cần viết đã viết !" Bố quả quán triệt được chữ "đủ". Với các con, Bố chính là viên ngoc. Khi chọn dịch "Gìn Vàng Giữ Ngọc" tôi hy vọng dịch được viên ngọc ấy.


3. Dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc là một "team work" của các con cháu của Bố Sỹ và Bác Sỹ.

Tôi (thứ nữ của Bố) là người phác bản dịch đầu tiên, đứa em họ, con của cô tôi, cũng là một người góp công dịch đáng kể. Sau đó tôi chuyển sang chị Hai (trưởng nữ) để chị so hai bản Việt và Anh rồi chỉnh sửa những chi tiết cẩn thiết. Chị là cư dân Sydney, Úc, thỉnh thoảng qua Calfornia thăm Bố và các em. Trong thời gian tôi khởi dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc, chị có mặt ở Mỹ. Hai chị em làm việc trực tiêp với nhau, rất hữu hiệu vì chị để ý chi tiết giỏi  và khen chê kỹ năng dịch của tôi theo tinh thần rộng lượng của chị Hai. Khi khen thì chị nói "Mày dịch khúc này tao thấy trôi chảy, không có vấn đề!" Có khi chị la làng "Trời, bà Dì ơi, thiếu nguyên một câu nè!" Hoặc "Trời đất! người yêu cũ" mà gọi là "old girlfriend" nghe có vẻ qua đường quá. Tao dịch là "former sweetheart". Tôi một lòng tin tưởng vào hai ngôn ngữ Anh và Việt của chị và cách chị am hiểu hoàn cảnh sáng tác của Bố. Tôi chấp nhận hầu hết các gợi ỳ của chị. Khi chị về lại Úc thì hai chị em làm việc qua điện thoại. Trong giai đoạn cuối cùng, một người Mỹ chình cống, partner của đứa em họ. nhận trọng trách gọt dũa tiếng Anh cho được tự nhiên. 

Lúc ấy, với tâm tính đơn giản, tôi cảm thấy hài lòng với team work của chùng tôi.


4. Kỷ niệm vui?

Không có sự kiện vui đặc biệt nào. Chỉ có một niềm vui triền miên bàng bạc trong suốt thời gian làm việc với nhau. Làm để truyền bá tác phẩm của một ông già hiền lành,  thanh thản và đức độ thì ai mà không vui? Chúng tôi đều đồng ý mình làm việc không công, nhưng tất cả đều "with love" thì vất vả biết mấy cũng xứng đáng.

Cuối cùng, khi cuốn sách ra lò, ông già Bụt của chúng tôi kịp ký tặng các con cháu. Chữ ký nguệch ngoặc thấy mà thương, nhưng các con cháu chỉ cần có thế. 


5. Kỷ niệm buồn?

Có một kỷ niệm buồn bất chợt đến khi sản phẩm vừa được ra đời. Tối hôm quyển sách ra lò, nói chuyện với một partner, tôi tỏ ý hài lòng, nói "Chị thấy nó hoàn hảo!" thì bị phản bác. "Đâu có hoàn hảo!" Và sau đó tôi bị kết tội là không ưu tiên hoàn toàn cho dự án này. Việc này chưa xong đã nhận một việc dịch khác, hậu quả là làm chậm lại việc dịch quan trọng này và làm mất thì giờ hai partners khác. 

Ngoải ra, tôi cũng làm buồn lòng các partners về  các đề nghị chỉnh sửa. Có khi tôi phản bác, có khi tôi im lặng. Tôi giải thích im lặng là đồng ý, nhưng lẽ ra tôi phải nói rõ như vậy! 

Tôi nghe các "tội danh" của mình một cách ngỡ ngàng. Một partner còn nói "lần sau em sẽ chọn truyện dịch và dịch một mình."

Rắc rối là một bên hào hứng cao độ, muốn xong việc ngay khi đang ở cao trào. Còn bên kia thì tôi vốn tính từ từ. dù làm việc với lòng thương Bố tràn bờ cũng không ào ạt và đòi mọi người phải ào ạt giống mình.

Vốn tính hay quên tôi phân vân, không biết làm sao lúc ấy tôi có thể làm hai công việc dịch một lúc! Đứa em Út tôi nhắc "Em nhớ lúc ấy chị nói trong khi chờ đợi các partners khác làm việc edit thì chị làm công việc này, dễ lắm. 

Xưa nay người ta vẫn biết con đường trung dung là con đường khó nhất nhưng đáng nể nhất. 

Ông già Bụt của chúng tôi vẫn bình tĩnh khi công an xông vào giữa đêm, lục tung các góc nhà rồi bắt ông đi. Khi được thả về ông không nhảy tưng với tự do vừa tạm được trả lại mà bình tĩnh xếp hàng mua vé xe đò khi đa số các vé đã bị dân chợ đen mua. Về đến hẻm nhà giữa đêm mà không tìm ra nhà mính,  ông vẫn điềm tĩnh hỏi thăm một người trong một căn nhà còn đèn sáng. Các con hỏi chọc "Có phải Bố hỏi 'Ông ơi, có biết nhà tôi đâu không?' Ông già cười xoà đúng kiểu của riêng ông. Ông đúng là người đi con đường chính giữa. Các con cháu ông nếu thấm thía sự dung hòa ấy thì sẽ hưởng chút ánh sáng từ viền ngọc trong ông. 

Gìn vàng giữ ngọc cho hay!  Nguyễn Du dạy thế. Bố Sỹ cũng dạy thế.

Doãn Kim Khánh

07.31.2024




No comments: