Aug 15, 2024

GẶP LẠI OSCAR WILDE Ở DUBLIN - Doãn Kim Khánh

Tía Má ơi,

B K viết về Oscar Wilde sau khi gặp lại tượng "Ngườ"i ở Dublin. Út có công hối thúc, người bác Khánh gửi mọi người xem. Còn chi tiết nào hay thì nhắc bác Khánh nhé.

Bác Khánh

---

GẶP LẠI OSCAR WILDE Ở DUBLIN

Từ ngày “quen biết” Oscar Wilde qua các tác phẩm của ông, tôi bắt chước ông phân loại những người mình thường tiếp xúc thành hai nhóm: nhóm những kẻ có giáo dục (the well-bred) và nhóm những kẻ khôn ngoan (the wise). Nguyên văn của ông là: “Kẻ có giáo dục toàn nói ngược đời. Kẻ khôn ngoan toàn nói ngược chính mình.”

 Là người hành nghề “gõ đầu” thiên hạ, tôi có khuynh hướng đứng về phe “có giáo dục” và dè chừng phe “khôn ngoan” mà tôi cho là có thể đồng nghĩa với gian ngoan. 

Tôi bắt đầu đọc những vở kịch của Oscar Wilde vào những năm chiến tranh trước 1975 tại quê hương Việt Nam.  Nhà văn này quả thực không giống ai, tôi vừa đọc ông, vừa thăm dò xem ông thuộc phe nào, phe có giáo dục hay phe khôn ngoan?  Hình như ông vừa có giáo dục vừa khôn ngoan. Có giáo dục vì ông tốt nghiệp đại học Oxford. Khôn ngoan vì khi đọc ông, tôi “đụng” phải những câu văn ngang ngược nhưng lại hấp dẫn tôi một cách lạ thường. Tôi tin rằng chỉ có những người “khôn” mới nói được như vậy. Chẳng hạn những câu như sau:

" Hễ thiên hạ đồng ý với tôi là tôi hiểu mình nói sai rồi!" (Whenever people agree with me, I always feel I must be wrong!" )

“Ngây thơ chẳng khác gì khiếm nhã.” (Nothing looks so like innocence as an indiscretion.)

"Chỉ có kẻ đần mới tỏa sáng được trong bữa điểm tâm.”(Only dull people are brilliant at breakfast.)

Sáng nay, trong bữa điểm tâm, tôi làm trứng ốp la cho anh Bồ Tèo của tôi. Tôi đập trứng vào chảo rồi mới thấy mình mua nhằm trứng ung. Nhớ đến câu nói của Oscar Wilde về kẻ đần tỏa sáng trong bữa điểm tâm, tôi vui vẻ nói:

“Trong bữa điểm tâm này, em không phải kẻ đần, cũng không tỏa sáng!”

Thấy anh ngớ người, tôi giải thích thêm:

“Oscar Wilde nói rằng chỉ có kẻ đần mới tỏa sáng trong bữa điểm tâm.”

Nhưng dường như tôi không rót thêm tí ánh sáng nào vào câu nói ngang như cua bò ấy!

Trong chuyến đi châu Âu của tôi hồi tháng 7 năm 2024, tôi gặp lại Oscar Wilde (đúng ra là gặp pho tượng của Oscar Wilde) tại Dublin, quê hương của ông, và ngắm nghía pho tượng sau đây:

Chung quanh pho tượng này là những bảng đầy những câu trích dẫn kỳ quặc của Oscar Wilde, thể hiện một con người vừa trí tuệ vừa ngông nghênh, vừa ngây thơ vừa khiếm nhã! Tôi gửi tấm hình này về cho hai đứa em nuôi, vốn từng đồng lõa với tôi trong một hoạt động “cuồng” Oscar Wilde.

Thuở ấy, những năm sau 1975, chúng tôi, một nhóm người trẻ ruột thịt hoặc bạn bè của nhau, cuồng loạn vì đói ăn, đói tự do và đói văn hóa nên cuối tuần nào cũng họp nhau lại như một cách phản kháng điên dại. Chúng tôi hết tán dóc thì hát, hát chán thì diễn kịch, vui nhất là diễn kịch. Ban đầu vừa diễn vừa phăng kịch bản, chế riễu nhau và chửi xéo chế độ. Sau đó, có lần một người chú của tôi, một đảng viên Cộng Sản từ ngoài Bắc vào, tình cờ dự một buổi văn nghệ của chúng tôi và sau đó mắng cho một trận tơi tả vì những vở kịch quá bình dân! 

Oscar Wilde xuất hiện từ tai nạn ấy. Các em ruột và em nuôi của tôi ngừng diễn kịch nhảm nhí. Tôi bắt đầu tìm lối thoát từ những vở kịch thuần văn học mà đầy tính cà rỡn của Oscar Wilde. Vở kịch tôi chọn tên “The Importance of being Earnest”, tôi dịch thoát là “Ernest, anh là ai?” Từ ấy, nhóm chúng tôi chăm chỉ tập kịch. Kịch bản do tôi dịch được viết tay rồi giao cho một  đứa trong nhóm vốn là con trai của đạo diễn danh tiếng Lưu Bạch Đàn. Anh chàng là “con nhà tông” nên phân vai, dựng sân khấu và hành nghề đạo diễn khá chuyên nghiệp. Các “diễn viên”  là thành phần ban ngày học lêu lổng trong khuôn viên trường (trung học và đại học) hay lén lút bán thuốc Tây ở chợ trời, tối đến tụ lại tập “tuồng” một cách hào hứng. 

Ngày ra mắt vở kịch “Earnest, anh là ai?” là một kỷ niệm đẹp cho toàn ban. Chúng tôi mượn nhà của người cô ruột có ông chồng là đảng viên để tụ tập cho an toàn. Cô chiều cháu, cho phép một bầy lau nhau kéo tới, xê dịch bàn ghế, sắp xếp sân khấu và khu vực cho khán giả, lại còn chuẩn bị một bữa ăn nhẹ trước khi diễn! Khi thấy sự kiện có vẻ rầm rộ, cô hỏi:

“Chúng mày làm gì vậy?”
“Dạ, diễn kịch.”
“Kịch gì?”
“Dạ, kịch Oscar Wilde.”

Cô không hỏi thêm vì có lẽ tên Oscar Wilde nghe xa lạ quá. Vào giờ  “hoàng đạo”, cô rút vào phòng, không “làm phiền” các cháu. 

Vở diễn bắt đầu không theo bài bản của Oscar Wilde mà theo sáng kiến của đạo diễn nhà: không có màn để mở, chỉ có đèn tắt hết rồi bật lên với  tất cả các diễn viên đứng bất động trước mặt mọi ngưới.  Tôi, dịch giả, có nhiệm vụ giới thiệu các nhân vật bằng cách hỏi thăm từng người. Hỏi tới ai thì người ấy bắt đầu cử động và nói một câu điển hình của vai mình diễn. Hai nhân vật có ở màn 1 được hỏi cuối cùng, và thế là vở kịch bắt đầu trơn tru trước sự thích thú của khán giả. Sau đó nhờ cốt truyện tài tình và lời văn bỡn cợt của Oscar Wilde màn diễn kết thúc mỹ mãn. Đèn đã bật sáng, khán giả không chịu về, còn nán lại để bình phẩm. Chúng tôi tiếc ông chú đảng viên không được dự!

Việc này xảy ra cũng đã ba mươi năm về trước. Bây giờ hỏi thêm chi tiết thì tôi đành chịu, không nhớ. Nhưng gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, vẫn gọi nhau bằng tên các vai trong “tuồng” cũ. Đứa này là bà Bracknell, đứa kia là con gái Cecily của bà, hai đứa nọ là hai chàng trai si tình Jack và Algernon. Rồi đứa này cười đứa kia là con hoang bị bỏ trong một hành lý tại nhà ga. Đứa kia chọc quê đứa nọ là ông mục sư hoàn hảo nhưng có khuyết điểm là không chịu được gió lùa! Thế là cười mãi, 30 năm sau cũng vẫn còn cười. 

Nhưng nhóm chúng tôi đã mất anh đạo diễn tài ba trong một cuộc vượt biên và anh chàng Jack si tình đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cô gái nhỏ làm điêu đứng các chàng trai nay đã thành góa phụ. Bà Bracknell vừa về hưu và đang chuẩn bị hồi hương về Việt Nam. Còn tác giả Oscar Wilde thì còn cái tượng sinh động ở Dublin. Tôi gặp lại ông (đúng ra là tượng của ông) tại một công viên Dublin. Tượng bằng đá mà sao mắt nhìn linh hoạt và miệng cười nhếch mép sao mà lém lỉnh! “Bác” Google còn kể rằng kẻ văn chương ấy là người đồng tình luyến ái đã bị kết án hai năm tù vì “tội” ấy và qua đời ba năm sau đó trong hoàn cảnh đói nghèo. Còn lại nụ cười lém lỉnh trên pho tượng ở Dublin.

Thương cho nhà văn sống lầm thế kỷ, thế kỷ 19. Nếu ông đầu thai lại bây giờ (cuối thế kỷ 21) thì ông đã không bị ở tù mà còn có thể công khai gia nhập LGBT, đòi quyền bình đẳng.

Ông có thể được nghe lại chuyện nhóm chúng tôi diễn “Ernest, Anh Là Ai?” và hỏi “Ai viết kịch bản mà hay quá vậy?”

Aug 14, 2024

Doãn Kim Khánh

---

Hi bác Khánh,

Giọng điệu này chỉ có thể là của kẻ cầm đầu băng đảng Văn học Nghệ thuật tiếng Anh của HCC! Và hình dung lại ở đằng sau mỗi phong trào là con nhỏ ngây thơ Út ít của cả nhà, luôn xung phong làm đủ chuyện để cả nhà được tận hưởng niềm vui cùng nhau!

Đọc xong bài viết em phải nhắm mắt lại để sống lại những giờ phút ngớ ngẩn mà đã điếu, bất cần dư luận của tụi mình. Văn hào, thi hào, nhà giáo [dục] gì đó cũng đều xếp hàng phía sau những khoảnh khắc cảm hứng của những kẻ sống earnestly, ngay cả having fun cũng rất chi là seriously.

Em tin rằng những ngày tá túc ở Thành Thái đã giúp tụi em có những kiến thức và kỹ năng không thể thiết thực hơn nhưng cũng không thể lãng mạn hơn về cuộc sống. Cách sống và cách thưởng thức cuộc sống cho dù nó có ra sao đi nữa của gia đình nhỏ của tụi em đã bị/được/chịu ảnh hưởng từ hơn 44 năm trở thành con guộc của Doãn Gia. Một cách khá sỗ sàng và trơ trẽn, he he! vì đi đâu cũng nghênh ngang khoe mình được cưng hơn "con ghẻ". 

Thật may mắn vì hai đứa Ni Gun cũng lớn lên trong không khí an lành, đầy yêu thương, đôi lúc hơi náo loạn đó, và giờ tới phiên tụi nó nuôi dạy con cái cũng theo kiểu earnestly như vậy.

Thương và nhớ nhiều lắm,

Má Thùi

---

Hê hê! Má Thùi mô tả tụi minh "sống earnestly và have fun seriously" là ăn phải đũa Oscar Wilde rồi đó.

Bác Khánh

No comments: