Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vào mùa hè năm nay, gia đình Doãn Quốc Sỹ vừa hoàn thành việc dịch sang tiếng Anh tập truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc, lấy tên sách là Preserving Values. Cuốn sách này đã được in những bản đầu tiên để phát cho con cháu trong gia đình. Nhân dịp này, Việt Báo đã có dịp phỏng vấn chị Doãn Kim Khánh (DKK), thứ nữ của nhà văn, về công việc dịch thuật tác phẩm này.
VB: Vì sao gia đình quyết định dịch sách của Doãn Quốc Sỹ sang tiếng Anh?
DKK: Mục tiêu đầu tiên là nhắm đến thế hệ cháu nội ngoại của ông. Đứa nào cũng biết ông viết văn, nhưng không đứa nào biết rõ ràng ông viết gì. Vì tụi trẻ ở Mỹ, Úc bây giờ thích coi xi nê hơn đọc sách; và nếu đọc thì thích đọc tiếng Anh hơn tiếng Việt. Trách nhiệm của thế hệ các con là bắt đầu mở cánh cửa vào kho tác phẩm rất đáng kể của ông. Dịch sách trước tiên là để giới thiệu cho 16 cháu nội ngoại và 7 chắt trong đại gia đình; sau đó là cho độc giả trong giới bạn bè thân hữu của giới trẻ. Và sau nữa là cho giới độc giả bên ngoài, những người vẫn còn quan tâm đến văn học Việt Nam trước 1975.
VB: Vì sao chị lại chọn dịch đầu tiên tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc?
DKK: Lý do đầu tiên là vì dó là một tập truyện ngắn dễ đọc, dễ "dụ" đám con cháu đọc. Ba chủ đề Tình Yêu, Chết và Hương Nhân Loại được đề cập trong bảy truyện ngắn sẽ dễ được đám trẻ quan tâm.
Tựa đề "Gìn Vàng Giữ Ngọc” mang tính dân tộc, vì nó được trích từ câu "Gìn vàng giữ ngọc cho hay" của cụ Nguyễn Du như một lời nhắn nhủ của cụ cho thế hệ sau. Đối với các con của ông, những chữ này gợi hình ảnh Bố mình, một người hiền lành nhưng cương trực, một người yêu quê hương nồng nàn nhưng vẫn bị 12 năm tù cộng sản với tội danh "phản quốc". Sau 12 năm tù, các con không hề nghe ông than van, trách móc một câu nào. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe Bố cười xòa nói "Bố 2 lần tù, một lần 4 năm, một lần 8 năm. Trả nghiệp thế là đủ rồi, nay vui với con cháu!" Khi qua được bến bờ tự do, Bố tuyên bố gác bút vì "những gì cần viết đã viết !" Bố quả hiểu tường tận được chữ “tri túc”, biết đủ là đủ. Với các con, Bố chính là viên ngọc. Khi chọn dịch "Gìn Vàng Giữ Ngọc", tôi hy vọng “dịch” được viên ngọc ấy.
VB: Chỉ có thể kể lại tiến trình dịch cuốn sách này?
DKK: Dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc là một "team work" của các con cháu của Bố Sỹ và Bác Sỹ. Tôi là người phác bản dịch đầu tiên. Sau đó tôi chuyển sang chị Hai (trưởng nữ) để chị so hai bản Việt và Anh rồi chỉnh sửa những chi tiết cần thiết. Chị là cư dân Sydney, Úc, thỉnh thoảng qua Calfornia thăm Bố và các em. Trong thời gian tôi khởi dịch Gìn Vàng Giữ Ngọc, chị có mặt ở Mỹ. Hai chị em làm việc trực tiếp với nhau, rất hữu hiệu. Chị để ý chi tiết giỏi, và khen chê kỹ năng dịch của tôi theo tinh thần rộng lượng của chị Hai. Khi khen thì chị nói: "Mày dịch khúc này tao thấy trôi chảy, không có vấn đề!" Có khi chị la làng: "Trời, bà dì ơi, thiếu nguyên một câu nè!" Hoặc: "Trời đất! người yêu cũ" mà gọi là "old girlfriend" nghe có vẻ qua đường quá. Tao dịch là ‘former sweetheart’". Tôi một lòng tin tưởng vào hai ngôn ngữ Anh và Việt của chị, và cách chị am hiểu hoàn cảnh sáng tác của Bố. Tôi chấp nhận hầu hết các gợi ý của chị. Khi chị về lại Úc, hai chị em làm việc qua điện thoại.
Đứa em họ, con của cô tôi, cũng là một người góp công dịch đáng kể. Trong giai đoạn cuối cùng, một người Mỹ chính cống, partner của cô em họ nhận trọng trách gọt dũa tiếng Anh cho được tự nhiên. Với tâm tính đơn giản, tôi cảm thấy hài lòng với team work của chúng tôi.
VB: Kỷ niệm nào vui, đáng nhớ nhất trong tiến trình dịch?
DKK: Không có sự kiện vui đặc biệt nào. Chỉ có một niềm vui triền miên bàng bạc trong suốt thời gian làm việc với nhau. Làm để truyền bá tác phẩm của một ông già hiền lành, thanh thản và đức độ thì ai mà không vui? Chúng tôi đều đồng ý mình làm việc không công, nhưng tất cả đều "with love" thì vất vả biết mấy cũng xứng đáng.
Cuối cùng, khi cuốn sách ra lò, ông già Bụt của chúng tôi kịp ký tặng các con cháu. Chữ ký nguệch ngoặc thấy mà thương, nhưng các con cháu chỉ cần có thế.
VB: Chị có lời nhắn nhủ nào cho thế hệ con cháu, những người sắp đọc cuốn sách Preserving Values?
DKK: Xưa nay người ta vẫn biết con đường trung dung là con đường khó nhất nhưng đáng nể nhất. Ông già Bụt của chúng tôi vẫn bình tĩnh khi công an xông vào giữa đêm, lục tung các góc nhà rồi bắt ông đi. Khi được thả về lần thứ nhất vào năm 1980, ông không nhảy tưng với tự do vừa tạm được trả lại, mà bình tĩnh xếp hàng mua vé xe đò Pleiku-Sài Gòn khi đa số các vé đã bị dân chợ đen mua. Về đến hẻm nhà giữa đêm mà không tìm ra nhà mình, ông điềm tĩnh hỏi thăm một người trong một căn nhà còn đèn sáng. Các con hỏi chọc: "Có phải Bố hỏi 'Ông ơi, có biết nhà tôi đâu không?'” Ông già cười xoà đúng kiểu của riêng ông. Ông đúng là người đi con đường chính giữa. Các con cháu ông nếu thấm thía sự dung hòa ấy thì sẽ hưởng chút ánh sáng từ viên ngọc trong ông.
Gìn vàng giữ ngọc cho hay! Nguyễn Du dạy thế. Bố Sỹ cũng dạy thế.
No comments:
Post a Comment