Dec 15, 2022

CỘNG ĐỒNG VINH DANH BỐ - Doãn Kim Khánh


Đối với b Khánh, buổi lễ vui vì tụ tập được nhiều giới. B K gặp lại được cô Thức và c Hoạt (cô Thức cùng dạy với b K ở Nông Lâm). Cô Thức hỏi "Anh chàng cô giúp vượt biên đâu?" (Ý cô hỏi về Thái). Có một bác xưng là bác của Hằng, cứ hỏi "Minh Hằng đâu?

Trong những nhóm cộng đồng thì nhóm giáo sinh trường Sư Phạm nói chuyện về Bố chân tình  và cảm động nhất.

Còn cộng đồng thì dĩ nhiên phức tạp. điểm chung là tất cả đều thích chụp hình với Bố. Không phải lúc nào họ cũng thích nghe Bố nói.

Buổi lễ kéo dài lâu hơn dự đoán. Anh ĐQA Thái là người nhắc đi nhắc lại phải đưa bố về vì bố trông mệt lắm rồi. Dứt bố ra khỏi buổi lễ cũng khó, Phái đoàn mình ra về khi những nhóm cộng đồng cuối cùng chưa kịp đọc đít cua. Chú Bích không đủ cứng rắn để giới hạn các đít cua đầu.

Nhưng cuối cùng phải nói rằng làm con Bố thì được thơm lây hết biết. Cô Diệu Quyên (vợ của Trúc Hồ)  kể chuyện gặp thằng Oui, biết nó tên DQS Tâm thì hỏi nó "Con có biết ô DQ Sỹ không?", thì nó trả lời "Dạ, ông nội con!" Hú viá!


B Khánh report
















MY CHILDHOOD HOUSE - Nguyễn Đình Thảo Chi

 


This morning I woke up to the news that my childhood house no longer exists. Those who know me and my family know how special this house was to us. The little green house at the end of an alley, for many generations, always had its doors open for family and friends, often filled with laughter and music, and very often turned strangers into extended families. In that house, several generations were born, many meals were shared, countless parties were held, gazillion sleepovers took place, and many family traditions were celebrated. That little green house held so many memories and was so special to us that it remained “our house” even years after we sold it and moved thousands of miles away. It was also one of the reasons why I often think of Vietnam as “home home”. 

How often can a person find such a precious place even when they spend almost half of their life away from it? People may say “a house doesn’t make a home”, but to my family, this house was the home, not only to us, but to many others who had come to love it as much as we did.  

Goodbye house! I love you! Up you go to find your own Neverland where you will always be that little green house at the end of the alley where the door opens to all of our hearts. 🎈 🎈❤️🎈🎈❤️🎈🎈

ThaoChi Nguyen

June 12 - 2019


CĂN NHÀ TUỔI THƠ - Doãn Cẩm Liên


Chị à, em nên bắt đầu từ đâu hả chị? Từ điểm bắt đầu hay điểm kết thúc cái Căn Nhà Tuổi Thơ của em?

- À, thôi để em bắt đầu ở điểm sau cùng nhé.

Cái ngày cuối, ngày tháng năm 2013, em từ Hoa Kỳ về để ký giấy tờ bán căn nhà của Bố Mẹ để lại, để em được làm người đi ra sau cùng khỏi căn nhà là em. Em là người ở lâu đời nhất trong căn nhà của Bố Mẹ, từ năm 1959, làm bài toán trừ với năm 2013 ra con số 54 năm. Hơn nửa thế kỷ!

Năm 2006, một đợt ra đi lớn gồm có chị thứ hai, gia đình thằng thứ năm, gia đình thằng sáu, và cô em Út, gồm cả thảy là mười người rời VN đi định cư tại Hoa Kỳ. Cú di dân theo chương trình “Ra đi có trật tự” của gia đình em rất đúng thời đúng lúc cho mấy người em có con nhỏ cần phải ổn định sớm nơi xứ người. Tụi nhỏ cần đi học cho kịp tuổi và kịp thời gian mà hòa nhập xã hội mới. Để lại căn nhà trống trơn chỉ còn vợ chồng em ra vào lui cui. Hai đứa con của em, thế hệ thứ ba, lúc đó cũng đi du học hết rồi. 

Căn nhà 338/60B đường Thành Thái, Q5 thành phố Sài Gòn, mở ngoặc chú thích nói cho đúng tính lịch sử và sự kiện thì địa chỉ trên không còn đúng nữa vì chính quyền đương thời thay đổi nó rồi. Nhưng em vẫn muốn giữ nó lại đây để sau này mọi người còn có thể nhớ lại. Vả lại em cũng muốn giữ trọn vẹn cái tiêu đề “điểm bắt đầu và điểm kết thúc” cho nhiều trìu mến. Căn nhà tuổi thơ của lũ chúng em là đường Thành Thái và căn nhà của lũ con cái của chúng em lại ở đường An Dương Vương!

Trong buổi cơm chiều buồn hiu:

- Anh à. – Em nói với anh chồng.

- Căn nhà này mình sẽ còn giữ lại cho đến khi nào tụi mình qua Mỹ ở luôn ha. Anh nghĩ sao?

- Thì nghĩ giống như em bàn! – Anh chồng đồng lòng với vợ. Và chàng nói tiếp:

- Anh còn phải thu xếp công việc, mấy dự án thiết kế còn dở dang và phải cuốn chiếu cho xong chứ. Nhà sẽ phải thu dọn sách vở và đồ đạc rồi mới bán. Đó em thấy đó, ai hết ra đi nhưng vẫn mong còn được quay trở lại nhà nên chẳng ai thèm thu dọn đồ đạc cá nhân của mình đâu nè!

Căn nhà phải bán! 

- Một quyết định đã được định sẵn từ lâu nhưng thời gian khi nào thì để trống, chị ạ. 

Căn nhà nơi in dấu ba thế hệ ông bà, bố mẹ và cháu nội ngoại. Tuổi thơ in dấu thì chỉ có hai thế hệ các bố mẹ và các cháu thôi. Tám đứa chúng tôi, thế hệ ở giữa 4 trai 4 gái, được vào ở căn nhà này từ năm 1959. Khi đó bố mẹ mới có đầu lòng ba ả Tố Nga và thằng trưởng nam thứ 4. Sau đó lần lượt 4 đứa sau ra đời. Chúng tôi chơi đùa; chúng tôi cãi nhau, đánh nhau; chúng tôi ngồi nói chuyện tán phét cười ngặt nghẽo; cắt tóc cho nhau; học chữ, học đàn; đóng kịch và hát hỏng; đàn đúm bạn bè nhảy đầm, nghe nhạc… Nói chung là những chuyện thường ngày mà nay trở thành những câu “chuyện đẹp”. 

Trước khi ký giấy tờ và giao nhà, khoảng hai tháng trước đó, anh xã đã phải kéo tất cả sách vở từ các kệ dọc theo tường xuống và từ tủ sách xuống. Kệ sách trống thì sàn nhà đầy sách, một núi sách ngót vài ba ngàn quyển. Sức chứa “kệ tường sách” thật phi thường, sách nằm trên kệ thấy thế mà khi xuống đất lại thành một núi cao. 

Cũng do vì sách vào nhà em rồi là được yêu quý, trân trọng và cất giữ. Sách đến từ lâu và ít được sờ mó đến thì chúng bị dồn lên cao và vào chỗ khuất một chút, nhưng nó cũng không bị ngược đãi đâu, chị ạ! Bố xếp những sách quý như tự điển, sách khảo luận, sách văn học nghệ thuật của các bạn bố tặng thì được trân trọng nằm trong tủ sách dưới phòng khách. Các bạn đến chơi nhà từ bạn bố mẹ đến bạn tụi em đều trầm trồ cái tủ này giá trị từ hình thức đến nội dung. Hình thức cái tủ gỗ gõ đẹp bóng loáng, đến nội dung các loại sách nặng ký về nội dung, đủ thể loại có thể làm thành một thư viện mini sáng giá.

Công việc những ngày cuối của em là phân loại lũ sách đông vô kể này. Loại nào cho vào sách bán de chai, sách cho thằng em họ làm thư viện gia đình, sách bán cho tiệm sách cũ ở đường Hồng Thập Tự, sách gửi tàu thủy sang Mỹ.

- Chị cất thùng sách này chỗ kín, rồi để từng quyển ra một chỗ khuất trên quầy cho khách mua thấy. Đừng để nhiều vì tụi công an văn hóa dễ nhận ra lắm đó. – Em dặn dò cô mua sách cũ.

 “Con Cá Mắc Cạn” bố xuất bản vào năm 1974, vừa sát ngày mất nước nên chưa bán được nhiều. Đến khi tháo từ kệ sách xuống còn một thùng đầy làm sao em tha nó đi tha hương được. Chỉ tuyển 100 quyển được lên tàu biển đi theo em thôi. 

Và cứ thế làm miệt mài để tuần lễ cuối cùng trước ngày giao nhà là em phải làm trống tất cả. Các tủ quần áo, tủ kệ sách, tủ bát đĩa, nhà phải trống rỗng. Và cả lòng mình cũng phải trống luôn!

- Có trống được hay không, em đố chị đó. 

Tình cảm và kỷ niệm gắn bó ngần ấy năm trời với căn nhà thật là khó tả! Em nhớ thuở xưa, thập niên 60, hẻm 338 vẫn còn là đường đất và rộng lắm. Nhà cửa dọc theo con hẻm toàn là nhà cấp bốn, mái tôn tường gạch. Nhà được thiết kế thời đó luôn có hàng ba phía trước, có nhiều nhà trồng cây ăn trái cho mát và có quả để ăn. Em vẫn còn nhớ cây vú sữa tím nhà chú Tám, trái đầy chín tím cả cây. Nhà anh Điểu thì có cây ổi xá lị, trái nhỏ da trắng nõn, ăn giòn và ngọt.

Còn sân nhà em chỉ có một cái xích đu đủ màu để tụi em ngồi đong đưa và vài ba chậu cây mẹ trồng chẳng mấy ấn tượng. Lũ con gái chơi nhảy cò cò thì ra phía ngoài hàng rào là đất cát tha hồ mà vẽ khung nhảy. Sân đất thì thảy “chàm” không bị tưng ra khỏi vạch. Chơi đánh banh đũa thì phải lui vào hiên trước có sàn xi măng để banh tưng lên. Tạt lon thì bất kể trai gái tụi em đều tham gia.

- Đó, chị thấy không, những món giải trí của tụi em thời xa xưa thật đơn giản và lành mạnh là thế.

Rồi đến giai đoạn tám đứa tụi em lớn lên, lũ con trai to tồng ngồng, bố mẹ phải nghĩ đến chuyện sửa nhà. Căn nhà một tầng nay biến thành 2 tầng. Nhưng vẫn là mái tôn và sàn gỗ. Chiều dài của căn nhà chiếm hết chiều dài của miếng đất. Tầng trên có 2 phòng ngủ và một terrace để phơi quần áo. Một phòng ngủ to dài chiếm 2 phần chiều dài nhà là có 6 tấm nệm của cho lũ tụi em. Phòng ngủ nhỏ kia là của bố mẹ.

Dưới nhà cũng được chia làm 3 phòng: phòng khách, phòng ngủ, và nhà bếp. Khách thân thiệt thân của bố mẹ và của tụi em đều thích được ngồi trong bếp nói chuyện. Phòng khách chỉ dùng tiếp khách sơ giao thôi.

- Cái nhà bếp nhà em đặc biệt lắm, chị ạ. Ngồi chơi nơi bàn ăn giữa gian phòng là nước uống được tiếp liền liền, thức ăn trong tủ lạnh phục vụ vừa nhanh vừa gọn. Nói chuyện rôm rả và cười vang động cả hàng xóm.

- Cái phòng giữa thì chuyên trị làm “sàn nhảy” cho đám bạn của thằng em dân chơi trong nhà. Nhạc xập xình bạn bè túm tụm. Vậy mà bọn công an khu vực chưa sờ gáy là may quá đi!

Năm 1980, đợt vượt biên đầu tiên thành công, gia đình chị lớn nhất và út trai cặp bến đảo Galang an toàn. Kế đến thằng trưởng nam, 1984 cũng vượt biên thành công. Hai cái may mắn thì ngược lại trả giá cho một sự xui xẻo lớn là bố em bị bắt đợt hai. Mẹ bươn chải kiếm tiền chợ nuôi lũ tụi em. Đứa nào có tài cán gì thì mang ra kiếm chút tiền tiêu vặt. Chị lớn lấy vốn tiếng Pháp và tiếng Anh trong trường trung học và đại học ra dạy kèm tại gia. Mấy chị em gái đan móc cho tổ hợp, mẹ làm bánh bán quẩn trong xóm… Tất cả đều thất bại và không bền lâu vì nhà này chẳng ai có máu kinh doanh cả!

Chẳng có gì bí lù hoài hoặc khổ sở hoài, ông Trời hay thật. Hai chuyến đi thành công làm những người còn ở lại nhẹ thở trong vấn đề tài chánh. Mẹ được chị lớn tiếp tế tiền đều đặn để nuôi bố, các em có bữa cơm no đủ hơn, và mẹ có thêm tiền dắt túi cho những chi tiêu khác. 

Em là người lập gia đình thứ hai trong gia đình sau chị lớn. Hai đứa con của em đều được ông bà ngoại bồng bế và cưng chìu. Đứa đầu còn được chơi với ông ngoại. Ông bế một tay, còn tay kia ông cầm tay lái xe đạp, chạy xung quanh bốn con đường Thành Thái, Trần Bình Trọng, Trần Phú, và Cộng Hòa. Đó là khoảng thời gian giữa hai lần đi tù của ông ngoại. Con bé này sướng thiệt. Con bé thứ hai của em cũng ra đời trong căn nhà này, với tràn trề tình thương của đại gia đình bác Nhỡ, cô chú và dì Út. Chúng được nghe Út hát ru, bác Nhỡ bế và cưng chìu. Các chú thì bày trò vui hát những dịp sinh nhật.

Mấy đứa cháu thế hệ thứ ba cũng đã từng mời bạn đến chơi nhà. Chúng tổ chức sinh nhật với nhau hoặc bạn ghé ăn trưa và nghỉ một chút xíu chờ lớp học buổi chiều. Thời gian gắn bó của tụi nhỏ chỉ được chừng 17 năm đổ lại thôi, rồi lũ chúng nó đi du học và đi định cư xứ khác. Thời gian ngắn là ngắn sự thương nhớ!

Ngày giao nhà đến nơi, em tả xung hữu đột, phân chia các đồ dùng như bát đĩa cho lũ em họ, còn dư cho Chùa dùng. Sách phải ra đi cho hết. Giường nệm chăn gối… cũng chia cho lối xóm thân quen, máy móc đồ dùng trong bếp, máy giặt, tủ lạnh cũng phải cho đi cho xong để căn nhà trống trơn. Thế là xong. Em xách “valise” đến ở nhờ nhà bạn vài ngày chờ lên máy bay về lại Hoa Kỳ. Đóng lại chương thời gian tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên cho đến trung niên. 

Nay ngồi nhớ lại những mốc thời gian để thấy tuổi thơ và nơi chốn là hai điểm nó quằng quện vào nhau. Nói về một điểm tức là bao trùm cả điểm thứ hai. Hai điểm, nó làm nên vết sẹo trong em khi căn nhà 338/60B đường Thành Thái Quận 5 phải bán đi. Sẹo dài những 54 centimetre nếu tính theo đơn vị 1 cm cho thời gian một năm. Các cháu thế hệ thứ ba chắc cũng có vết sẹo đó, nhưng nó nông và ngắn hơn nhiều nên vết sẹo có chiều mau nhạt nhòa và biến mất. 

Còn chị thì sao? Chị có bao nhiêu vết sẹo trong đời, có cái nào làm đau dài lâu như cái của em không chị.

Mong thư chị,

Em của chị

California ngày 13 tháng 12 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Ghi chú: Viết theo lời gợi ý của chị Trùng Dương











Dec 13, 2022

DẠ QUỲNH - Doãn Quốc Hưng

 


Gia đình tôi có sáu anh chị em. Trước 1975, bố tôi là một công chức, mẹ tôi nội trợ, cho nên cuộc sống rất thanh bạch. Cả nhà theo Đạo Phật kiểu truyền thống gia đình, giống như nhiều gia đình Việt khác. Bố mẹ hồi còn sống ở Sài Gòn hay đi chùa Phước Hải  gần nhà, cho nên các con cũng đến đây để lễ Phật vào dịp Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan. Chúng tôi được dạy dỗ là ở hiền thì gặp lành, tin vào nhân quả. Niềm tin vào Phật Pháp đơn giản là thế, chứ anh chị em trong nhà chưa có duyên để nghiên cứu kinh sách Phật Pháp, hay đi tu học, được hướng dẫn thực hành thiền tập một cách căn bản. Mẹ tôi về già mỗi ngày đều niệm Phật, lần tràng hạt, ăn chay một tháng 4 ngày. Tôi có một ông chú uyên thâm Phật Pháp lắm, thấy mẹ tôi có niềm tin chân thành vào Tam Bảo, nên cũng thỉnh thoảng đem Tam Pháp Ấn, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo ra giải thích cho bà nghe. Nhưng có vẻ như mẹ tôi cũng không quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn những khái niệm này. Chú tôi nói rằng mẹ tôi vẫn chưa thực sự khởi tín tâm.

Là một gia đình công chức đông con, nỗi lo lắng về vấn đề sinh kế là điều không tránh khỏi. Tôi còn nhớ hồi còn bé ngủ chung với bố mẹ, những buổi tối trước khi đi ngủ nghe hai người bàn bạc về chuyện làm sao trang trải đủ chi phí của gia đình, tôi cảm nhận được nỗi bất an này ngay từ thuở thơ ấu. Sau 1975, bố tôi mất sớm, cho nên nỗi lo đó còn tăng thêm, và đặt gánh nặng lên vai mẹ tôi và một vài anh chị lớn trong nhà. Mẹ tôi phải xoay sở đủ mọi cách để đưa gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của cả nước. Chỉ sau khi một vài anh chị ra trường, đi làm, đem thêm đồng lương về phụ gia đình, mẹ tôi mới đỡ được gánh nặng. Tuy nhiên, nỗi lo thì vẫn theo đuổi mẹ tôi suốt đời, ngay cả khi gia đình đã hoàn toàn thoát ra khỏi nguy cơ đói nghèo. Và hình như những nỗi lo âu đó ảnh hưởng đến cả anh chị em chúng tôi nữa. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều bà mẹ, gia đình Việt Nam đã từng sống trong một đất nước Việt Nam phải trả qua quá nhiều đau khổ. Tôi thương mẹ tôi lắm, đã từng ước ao khi lớn lên, làm sao có thể giúp mẹ mình trút bỏ được những nỗi niềm bất an đó.

Đến nay, anh chị em chúng tôi đã vượt quá lục tuần. Dù không giàu có, tất cả chúng tôi đều có công việc ổn định, có một mức sống trung lưu trong xã hội Việt Nam. Một số chị lớn nay đã nghỉ hưu. Cùng theo vận nước và dân tộc nổi trôi, gia đình có người ở Mỹ, có người ở Việt Nam. Có người vượt biên, có người đi theo diện đoàn tụ gia đình. Chúng tôi vẫn có cảm giác gắn bó với nhau như thời ở chung một mái nhà. Truyền thống đại gia đình Việt Nam hình như vẫn còn trong nếp suy nghĩ. Thời đại internet, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau qua mạng xã hội viber, để mọi người chia sẻ chuyện gia đình, con cháu, chuyện nhà cửa, chuyện họ hàng… Anh chị em vẫn có thể nhìn thấy nhau qua màn ảnh, nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tuy xa mà gần…
Bà chị cả của tôi ở miền Nam Cali. Chồng mất sớm, chị sống chung với vợ chồng cậu con trai, niềm vui lớn nhất là nhìn hai đưa cháu nội lớn lên, giỏi giang trong học tập. Chị đã về hưu, ngoài việc chăm sóc cháu, bếp núc, chị có thú vui là trồng cây làm vườn. Mới đây, mấy bụi hoa quỳnh sau vườn nhà chị nở tám đóa hoa tuyệt đẹp. Chị chụp hình khoe cả nhà. Không những vậy, chị còn cảm hứng viết ra những câu thơ như sau:

Dạ Quỳnh

Tạc dạ bát hoa khai,
Kim nhật bát hoa tận!
Cánh hoa rời tan tác, 
Nhụy, hương cũng tàn phai!
Chỉ còn một nụ nhỏ,
Hứa hẹn của ngày mai!

Cả nhà hào hứng, thích thú quá! Cả đời làm chị lớn trong nhà, bận rộn quán xuyến từ gia đình riêng đến đại gia đình chung, lúc nào chị cũng tất bật. Chị là người quan trọng nhất, sát cánh cùng mẹ tôi đưa gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi bố mất. Ít khi thấy chị có thời gian cho chính mình, nhàn nhã trong tuổi già. Chuyện hoa quỳnh tối nở sớm tàn là khá bình thường, nhiều gia đình gốc Vịệt ở Cali trồng hoa quỳnh lắm. Nhưng nay chị tôi đã biết bỏ bớt lo toang, dành thì giờ ngắm hoa, làm thơ, mà thơ còn có thoảng chút đạo vị nữa. Có thể khi ngắm hoa, chị liên tưởng đến hai đứa cháu nội. Nhìn những cụm hoa tàn, chị nhận ra vẫn có một nụ hoa chờ ngày khai nhụy trọng tương lai. Thế hệ ông bà, cha mẹ rồi sẽ ra đi, nhưng đã có đám con cháu nối dõi, làm rạng danh gia tộc, giống nòi. Một cái nhìn có hậu theo nếp suy nghĩ truyền thống gia đình của nhiều người Việt cùng thế hệ…
Chúng tôi trao đổi bình luận qua viber, cùng nhau “bình thơ”, đề nghị thêm bớt chữ nghĩa, rồi khuyến khích mọi người hưởng ứng với đề tài thú vị này. Một bà chị khác ở Việt Nam sau đó đã viết một bài thơ khác cùng chủ đề:

Thương thay một đoá Quỳnh hương 
Trong đêm nở rộ ngát hương thơm lừng 
Bình minh rọi ửng tia vàng
Quỳnh hương rũ cánh hoa tàn còn đâu 
Nhân sinh một kiếp qua mau
Trăm năm một thoáng vẹn tình thế gian
Như Quỳnh tối nở, sớm tàn
Dư hương còn mãi vấn vương lòng người 

Cũng hay không kém! Là người có lối suy nghĩ giản dị, hồn nhiên, có lẽ nhờ vậy mà chị là người ít lo lắng nhất trong gia đình. Có đôi khi tôi ước muốn có được sự vô tư của chị. Là một giáo viên nghỉ hưu, cho nên bài thơ của chị dường như chứa đựng một ý nghĩa mang tính giáo dục. Hoa quỳnh dù chỉ nở trong một đêm, nhưng hương sắc của nó cũng làm ngây ngất lòng người, làm đẹp cho thế gian. Huống chi trăm năm một đời người, ta nên sống sao cho trọn nghĩa tình, sống sao cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa với chính bản thân, đem lại niềm vui cho bao người thân yêu. Đời sống của hoa, của người ngắn dài không quan trọng, miễn sao có ích cho đời, cho người mới là đáng trân quí. Quả là bài thơ của một nhà giáo có khác!

Và sau cùng, ông anh lớn trong gia đình vừa mới sang định cư tại Hoa Kỳ được vài năm cũng góp thêm một bài thơ nữa:

Xuân đến trăm hoa nở đầy sân,
Xuân đi hoa rụng biết bao lần.
Đêm qua quỳnh nở tươi như mới,
Sáng dậy hoa tàn hết sắc xuân.
Một đêm thoáng chốc như năm vậy, 
Vạn sự vụt qua chẳng định thần.
Bao giờ cho đến ngày xưa ấy,
Để ta về lại nhớ mùa Xuân.

Quỳnh đi quỳnh đến xa rồi,
Ta ngồi đợi mãi việc đời bể dâu.
Giật mình chợt nghĩ lo âu,
Trăm năm một thoáng bạc đầu quỳnh ơi!...


Bài thơ rõ ràng được gợi hứng từ bài thơ thiền bất hủ Cáo Tật Thị Chúng của thiền sư Mãn Giác.Tôi bắt đầu nhận ra rằng Phật Pháp đã thấm nhuần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, nếp sống của các thành viên trong gia đình một cách nhẹ nhàng, thầm lặng. Trong thời đại bùng nổ thông tin internet, người Việt dù ở đâu không nhất thiết phải đến chùa mới gần được chánh pháp. Ở Việt Nam bây giờ, nhiều ngôi chùa to, tượng Phật lớn nhưng chỉ là nơi viếng cảnh du lịch, buôn thần bán thánh. Ngày nay, việc nghe pháp từ các vị tu hành thực sự am tường Đạo Pháp ở khắp nơi trên thế giới, hay đọc các bài viết sâu sắc về Phật Giáo của các nhà nghiên cứu trên mạng internet thật dễ dàng. Phật tử ở Việt Nam vẫn có thể xem trên Youtube các bài pháp thoại của các vị tăng ni sống ở Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Úc Đại Lợi… Với một niềm tin Tam Bảo sẵn có, có lẽ anh chị em tôi đã tự tìm hiểu thêm về Phật Pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau, rồi tự áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Hình như ít nhiều giáo lý nhà Phật đã giúp chúng tôi buông bỏ bớt một số lo âu, vốn đã theo đuổi chúng tôi trong suốt thời thơ ấu khó khăn.Tu có khi đơn giản chỉ là thay đổi cách nhìn về đời sống cho đúng với thực chất. Nhận ra và chấp nhận vô thường trong cuộc sống đã là một bước tiến dài trên đường tu. Trong bài thơ đầu tiên, bà chị cả thấy hoa nở rồi tàn, nghĩ về sinh lão bệnh tử của đời người là đã bắt đầu thấy đạo. Bắt đầu buông bỏ những nỗi lo âu của đời sống là đang thực hành tâm xả ly. Trong bài thơ thứ nhì, bà chị ở VIệt Nam hướng mục tiêu của cuộc sống đến những việc làm tốt đẹp cho người, cho đời là đang tập sống với hạnh từ bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Riêng bài thơ thứ ba của ông anh tôi, dù bắt đầu với ý tưởng của Thiền Sư Mãn Giác, nhưng hình như vẫn chứa đựng nỗi ưu tư về những đổi thay quá nhanh trong cuộc sống. Tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của anh, hiện đang phải thích ứng với đời sống mới như chạy đua, đầy căng thẳng ở Mỹ, trong khi năng lượng tuổi trẻ đã qua đi. Những người lớn tuổi đã có cuộc sống ổn định ở Việt Nam, khi sang Mỹ thường bị sốc với sự thay đổi này. Tôi cũng đã trải qua cùng tâm trạng hồi mới qua đây từ hơn chục năm trước. Rời quê hương ra đi chỉ vì nghĩ đến tương lai của con cái, chứ phải làm lại cuộc đời từ đầu khi tóc đã điểm sương thực sự là một áp lực lớn, không phải ai cũng vượt qua được. Tôi có nhiều người thân quyết định quay trở về Việt Nam sau một thời gian ở Mỹ, vì không thể hội nhập, đáp ứng với cuộc sống ở đây. 

Nhưng thật may mắn, sang đến Mỹ ở ngay tại Little Saigon Quận Cam, tôi lại có duyên đọc và nghe Phật Pháp nhiều hơn. Dường như những nỗi lo âu trong cuộc sống mới thôi thúc tôi đi tìm sự bình an qua việc đi nghe các buổi giảng pháp được tổ chức bởi các nhóm đạo tràng ở vùng Nam Cali, hay nghe băng đĩa thâu lại các buổi pháp thoại. Ít có người nhận ra rằng ở Mỹ ngày nay, sự lựa chọn để tìm ra một vị thầy phù hợp với căn cơ hiểu đạo của từng Phật tử còn phong phú hơn nhiều so với trong nước Việt Nam. Tôi bắt đầu dần dần nhận ra sự chuyển hóa bắt đầu đến từ việc chuyển hướng cái nhìn vào bên trong chứ không phải ra bên ngoài. Tâm thức đóng vai quan trọng về khổ đau hay hạnh phúc trong đời người. Một minh họa rất hay cho vấn đề này là có người đang khát được tặng cho nửa ly nước. Vẫn với một sự thật trước mắt là nửa ly nước, nhưng có người buồn bã bảo rằng “tôi chỉ có nửa ly nước thôi, ít quá!”, trong khi có người lại hân hoan “tôi có đến nửa ly nước lận, nhiều quá!”. Không có ai đúng, ai sai trong hai cách nhìn, nhưng chắc chắn người thứ nhì sẽ có nhiều hạnh phúc hơn. 

Chỉ cần đổi thái độ của mình đối với cùng một thực tế, ta đã có thể tạo ra sự an lạc trong tâm thay cho lo âu, bất mãn. Chỉ vì thay đổi nhận thức, tôi bắt đầu nhận ra những niềm vui, hạnh phúc có trong cuộc sống ở Mỹ chứ không phải chỉ là lo toan. Có những niềm vui đơn giản, không mất tiền mua mà ở Việt Nam có tiền tỉ cũng khó được hưởng: quyền tự do, môi trường trong lành, thực phẩm an toàn, thiên nhiên sạch đẹp, con người đối xử văn minh với nhau…Nhớ khi còn ở Việt Nam, có quá nhiều nỗi lo khiến cho con người dễ trở nên bất an. Sống ở cái xứ sở giàu có và tự do nhất thế giới, hạnh phúc có khi ngay ở trước mắt, ngay trong giây phút hiện tại mà mình không chịu thấy. Chỉ cần “tri túc”- nhật biết mình đã đầy đủ- để dừng lại là sẽ có được sự an nhiên tự tại. Và khi mình thấy đủ, tự nhiên lòng mình sẽ rộng mở, hào phóng hơn để sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Làm sao ta có thể sẵn lòng cho đi của cải, vật chất của mình khi mà chúng ta cảm thấy bản thân và gia đình vẫn còn thiếu thốn? 
Tôi còn nhận ra xa hơn rằng sự cho đi không chỉ bao gồm của cải vật chất, mà còn có cả yếu tố tinh thần nữa. Tôi đã từng nghe một vị thầy nào đó giảng rằng vô úy thí - giúp người khác vượt qua nỗi sợ hãi- còn tạo công đức nhiều hơn là bố thí của cải. Muốn làm được điều này, chính bản thân mình phải có được sự bình an. Làm sao chúng ta có thể cho đi cái mà mình không có? Chỉ khi tâm mình an lạc, mình mới có thể chia sẻ được sự bình an cho những người thân chung quanh.

Nói thì dễ, thực hành mới khó. Nhưng nếu có quyết tâm ta vẫn có thể dần dần thay đổi chính mình. Thầy tôi dạy rằng tu là việc của riêng từng người, tùy theo hoàn cảnh của từng người, và chỉ có cá nhân người đó mới tự quyết định được con đường mình đi. Không có ông thầy nào, đạo tràng nào có thể tu thay cho mình cả. Ý thức được điều này, tôi cũng đã bắt đầu có gắng thực tập, vì ý thức rằng thời gian của cuộc đời không còn nhiều. Chỉ cần trong những năm tháng còn lại, làm sao mỗi ngày tôi có được nhiều hạt giống an lạc hơn là khổ đau, như vậy là tốt lắm rồi.

Tôi nhớ lại ước mơ của mình ngày xưa, làm sao giúp cho mẹ thoát khỏi những nỗi lo âu trong cuộc sống. Mẹ tôi nay đã mất rồi, cho nên tôi không còn cơ hội để thực hiện hoài bảo của mình. Trong một ngày giỗ mẹ, có lần tôi đã đứng trước bàn thờ và thầm khấn, như đang nhắc lại với mẹ lời dạy của thầy tôi: “Mẹ ơi, quẳng đi những gánh lo âu là việc thay đổi cái tâm của mình. Những bất trắc trong cuộc đời là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều mẹ có thể làm được, đó là không để những suy nghĩ lo âu ngự trị mãi trong tâm thức của mình. Có khi những điều bất an đã qua đi rồi, nhưng chính mình lại tự giữ nó trong tâm mà không hay. Mẹ có thể nhận diện và không để cho những nỗi lo làm chủ cuộc đời mình, mẹ nhé!”. Không biết mẹ tôi ở một cõi nào đó trong kiếp tái sinh có giao cảm với thông điệp của tôi hay không. Nhưng chính bản thân tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bình an hơn rất nhiều. 
Qua câu chuyện ngắm hoa quỳnh và làm thơ, tôi tin rằng gia đình mình đang thực hành Phật Pháp qua những việc làm giản dị. Tôi tin là với niềm tin vào Chánh Pháp, ông anh tôi sẽ mau chóng tìm lại sự an lạc cho cuộc sống trên đất Mỹ. Nếu mình thay đổi cách nhìn, cuộc đời luôn có những điều để hân hưởng.Tôi xin phép được viết tiếp một vài câu trong bài thơ của anh mình, kết hợp lại thành một bài thơ mới như sau:

Xuân đến trăm hoa nở đầy sân,
Xuân đi hoa rụng biết bao lần.
Đêm qua quỳnh nở tươi như mới,
Sáng dậy hoa tàn hết sắc xuân.
Một đêm thoáng chốc như năm vậy, 
Vạn sự vụt qua chẳng định thần.
Bao giờ cho đến ngày xưa ấy,
Để ta về lại nhớ mùa Xuân.
Quỳnh đi quỳnh đến xa rồi,
Ta ngồi đợi mãi việc đời bể dâu.
Giật mình chợt nghĩ lo âu,
Trăm năm một thoáng bạc đầu quỳnh ơi!

Sáng ra thấy ở sau nhà
Đào hoa mới nở đậm đà sắc xuân
Xuân đi xuân đến bao lần
Hồn xuân ở mãi tự tâm mỗi người
Chỉ cần nhìn lại chút thôi
Thấy xuân miên viễn rạng ngời cõi tâm…

Tâm Nhuận Phúc (09/2022)


Thi viết Phật Pháp Ứng Dụng
Sơ lược về tác giả:
Tâm Nhuận Phúc sinh năm 1962 tại Sài Gòn, định cư ở Mỹ từ năm 2006
Qui y từ năm 2010 tại Quận Cam với Hòa Thượng Thích Phước Tịnh. Bút hiệu cũng là pháp danh.
Địa chỉ liên lạc: 2406 W Random Drive Anaheim CA 92804 . Cell: 310 985 0908
nguoivietnam06@gmail.com 

Dec 5, 2022

BÁC SỸ THEO DÕI WORLDCUP - Anh Quân

Worldcup bắt đầu là vào năm 1930

22 lần Worldcup (2 lần không đá)

Bác Sỹ coi lần nhất vào lúc 7 tuổi

Xem ra Bác Sỹ theo dõi từ ngày có giải cho đến hôm nay.

- Anh Quân 






Dec 4, 2022

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI 100 TUỔI VẪN LÀM ĐƯỢC - Doãn Cẩm Liên


Tuổi Cụ Sỹ năm nay đã đạt được con số 100. Để tô đậm con số 100 cho thêm phần giá trị thì cần ghi thêm những điều mà Cụ vẫn làm được hằng ngày:

- Đi không cần gậy. Bởi vì chân Cụ vẫn khỏe mạnh và cứng cáp. Bước đi vững vàng từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Đi đây đó với con cái là cái thú của Cụ. Do vậy lũ con khoái rủ cụ “đi chơi”, ngồi quán cà phê nhìn mọi người tán ngẫu. Cụ nào nghe được gì và mắt nhìn cũng mờ mờ nhân ảo, thế nhưng Cụ rất vui vì được ngồi làm cục “nhưn” giữa đám con cháu của mình.

- Đi dạo không cần con. Hừm! Chuyện này Cụ Sỹ cứ làm con nó lên ruột từng hồi vì xểnh ra là Cụ đi mà không thông báo. Ánh nắng là kích thích tố cho tế bào thần kinh tiết chất adrenaline trong Cụ. Hoạt chất này giúp cơ thể con người hưng phấn lên và muốn làm những gì mình muốn làm. Giờ hoạt động hăng say nhất của Cụ là sau giờ cơm trưa, đỉnh trưa của mặt trời đứng bóng. Khi các con díp mắt cần nghỉ ngơi một chút thì Cụ lại tỉnh táo nhất trong ngày. Cụ ra vườn, cụ muốn đi ra ngoài đường, đi trong ánh nắng cho thỏa thích. Nắng ấm, nắng vui và nắng tươi khỏe… Cụ chẳng muốn phí phạm nó một chút nào!

- Tay khỏe và khéo khi cầm kéo. Việc chính hằng ngày của cụ Sỹ là cắt giấy, giống như chức năng của cái máy “paper shredder”. Con cái cung cấp giấy báo cho Cụ làm việc. Nhiệm vụ giao là được Cụ hoàn thành một cách nhanh chóng và luôn trước thời hạn. Xong việc mà còn thèm cắt thì Cụ ra vườn mò mẫm vào đám cây cối. Thằng cây nào hó hé đưa cành lá ra trước mắt Cụ thì liền bị cắt. Cắt cành xong còn phải thêm công đoạn cắt vụn nó ra cho dễ tái sinh. Trời ơi, cái lùm cây cứ bị lẹm một bên vì nơi đó có Cụ đứng. Tay bẻ tay cắt thì làm sao không vẹt cơ chứ!

- Làm giường tươm tất sau khi ngủ dậy. Một hình ảnh đẹp được ghi xuống khi Cụ Sỹ đang làm giường, vuốt cái chăn phủ giường thẳng tắp và phẳng phiu xong xuôi mới ra khỏi phòng. Các con của Cụ chưa có đứa nào được cái hân hạnh làm việc này cho Cụ đâu. Không chỉ giường chiếu được sắp xếp gọn ghẽ mà ngay cả giầy dép nữa. Hằng ngày Cụ thay giầy để đi bộ, đôi dép đi trong nhà sau khi tháo ra được xếp ngay ngắn một chỗ trong tủ giày. Cụ tế nhị là không đặt để nó lên giày một ai khác. Nằm ngay ngắn và thẳng thớm để khi về Cụ chỉ việc quơ tay là có đôi dép đi nhà.

- Vệ sinh cá nhân. Kỹ năng này có phần hơi dở từ xưa khi còn Cụ Bà. Cụ ông chuyên trị dựa Cụ bà, nay đến dựa con. Bàn chải đánh răng phải quẹt kem sẵn, đôi khi còn phải dí vào tay Cụ mới xong việc đánh răng. Tắm thì sao? Cụ vẫn có thể tắm lấy một mình nhưng cả tiếng đồng hồ mới xong. Vì vậy con nó xông vào buồng tắm tắm dùm cho nhanh để tránh không bị cảm lạnh.

- Ăn uống không vung vãi. Do vì tay và chân Cụ Sỹ không bị rung, các tế bào thần kinh vận động không bị lão hóa nên mệnh lệnh xuống tay chân vẫn còn chính xác. Cụ tự xúc cơm hoặc cháo ở bàn ăn. Không một hạt cơm hay thức ăn nào vung vãi nơi Cụ ngồi. Chỉ có phần kết thúc vét bát cơm hay bát cháo là cần con nó vét cho thôi. Mà xin thưa rằng mắt kém thì làm sao Cụ thấy rõ bát còn thức ăn hay không!

Nếu muốn nói chuyện vui và mang tính tích cực của người già chắc những chuyện của Cụ Sỹ là đúng đề tài nhất. Người viết kể ra đây là để lưu giữ cho con cháu sau này biết thế nào về Bố, Ông và Cụ của mình. Cũng là điểm giúp các bạn vong niên của Cụ Sỹ lấy đó làm mục tiêu cần đạt cho những ngày trước mắt. Phải cố lên sao cho bằng Cụ để có một cuộc sống vui khỏe từ tinh thần đến thể chất.

Người viết xin kính chúc các cô chú bạn bố Sỹ luôn giữ được thân và tâm an lạc và khỏe mạnh như Cụ ạ! 

California, ngày 3 tháng 12 – 2022

Doãn Tư Liên





Dec 3, 2022

LIÊN VIẾT VỀ BỐ 100 TUỔI

 




DỌN DẸP TẠP NIỆM

“Dọn dẹp tạp niệm”, đó là câu mà cụ Sỹ thường nói khi cầm kéo để cắt. Cắt gì? Khi thì cụ cắt cây cối ngoài vườn của con gái. Cho đến một lúc vườn cây cũng hết lá để cắt, hết cây vứt ngoài đường nhặt về cho bố có việc làm, đâu phải lúc nào cũng có hoài!? Thế là các con cụ nghĩ ra một cách hay nhất mà vẫn đáp ứng đủ ba yêu cầu: giúp cụ “dọn dẹp tạp niệm”, giúp báo đọc xong được cắt vụn trước khi ra thùng rác, giúp vườn cây của con không bị “bức tử”. 

Cụ thích ngồi cắt, cắt gì cũng được miễn là tay làm và tâm thì sạch tạp niệm.

Do vì nặng tai nên sự giao tiếp với các con trong nhà cũng ít ỏi hơn. Các bạn văn và học trò đến thăm Cụ thì đều có cùng một kịch bản:
- Sinh quán của bạn ở đâu?
- Đầu làng quê tôi có một dòng sông nhỏ gọi là Tô Giang. Thuở tập tọng viết văn tôi lấy bút hiệu là “Tô Giang Khách”. Thế mà con sông nay dần cạn trở thành ao rau muống. Thế mới thấy “Sông nay giờ đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”…

Những ai thường gặp Cụ chắc cũng phải thuộc làu với những mẩu chuyện đại khái là thế.
Trở lại chuyện cắt giấy để dọn dẹp tạp niệm của Cụ Sỹ, chắc do vì không còn nghe rõ tiếng nói của mọi người xung quanh nên Cụ Sỹ thường rút vào thế giới riêng của Cụ. Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo. Với những tờ báo khổ lớn thì cụ gấp đôi rồi cắt, gấp đôi nữa và cắt, gấp đến mấy lần nữa cho đến khi miếng giấy vừa tay cầm, sau đó xếp lớp chúng lên cạnh bàn bên cạnh. Và lấy từng lớp từ trên xuống dưới để cắt. Tay Cụ thiệt là khéo léo khi cầm giấy đưa vào lưỡi kéo, miếng giấy được xoay tròn để cắt, cho đến hết không thể cắt được nữa mới thôi.
Những thiền sư ngồi thiền với tâm an tịnh như thế nào thì tâm Cụ Sỹ chắc cũng chẳng khác.

Có lần con gái hỏi Cụ:

- Bố, giữa khuya bố còn ngồi thiền như thuở trong tù không?
- Không con. Lúc nào bố chẳng hành thiền. Đâu cần phải ngồi đâu!
- À, thì ra thế.

Thôi thì cụ già 100 tuổi mà vẫn đi đứng, nằm ngồi mà không cần người trợ giúp. “Job” cắt giấy con giao cho Cụ hoàn tất không một lỗi lầm. Hoàn thành nhanh gọn và lẹ, trước hạn định và ngoài sự mong muốn của lũ con. 

Cụ Sỹ thương con cháu quá, thưa rằng là vậy. Con cháu không trông mong gì hơn nơi Cụ. Chỉ mong Cụ cứ sống an nhiên tự tại như việc ngồi cắt giấy và đến ngày nào Cụ buông “job cắt giấy” để trở về với Ông Bà Tổ Tiên thì hay lúc đó.
Thật mong là thế!

California, ngày 20 tháng 11 – 2022
Doãn Tư Liên



TRĂM TUỔI HẠC 

Không biết con hạc ngoài đời có sống đến trăm năm tuổi không mà sao ông bà xưa ta lại hay chúc tụng nhau “Trăm Tuổi Hạc”. Chẳng hiểu, nhưng nhận thấy hình ảnh con hạc và cây tùng cỗi đại diện cho người cao tuổi sống lâu là đẹp. Nên tôi chọn con hạc để kính chúc bố Sỹ đạt được như thế.

Bố Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, nên năm 2022 này chỉ đạt TRĂM TUỔI đối với người châu Á chúng tôi, tính theo Âm lịch. Người Tây phương phải đến năm 2023 họ mới chúc mừng ông TRĂM TUỔI. Do vì lũ con cháu muốn bố sống dài lâu nên bố Sỹ trăm tuổi Ta, chúng tôi mừng bố. Sang năm bố Sỹ trăm tuổi Tây, chúng tôi lại mừng bố trăm tuổi nữa, có sao đâu!

Bố Sỹ trăm tuổi nhưng vẫn khỏe, khỏe cả về thể chất đến tinh thần. Bố vẫn đi từng bước vững chãi mỗi sáng, đi bộ vòng quanh khu nhà ở. Khi Ông đi ông thích được nắm tay con gái để cảm thấy an toàn hơn vì đó cũng là cái gậy và cũng là con mắt của ông. Mắt ông kém lắm rồi, nay chỉ thấy mờ mờ bằng con mắt phải thôi. Thế nhưng không có con ông cũng đi, sợ gì! Ông mê đi nên cửa nhà quên đóng là ông lấy cớ ra ngoài lấy thư. Thư không có thì tiện chân ông đi thẳng. Cứ thủng thẳng chắp tay sau đít là ông đi, lần theo vỉa hè mà đi. 

Đi, Ông không sợ xe, xe sợ ông thì có. Có một hôm ông đã làm xe sợ vì ông cứ ngang nhiên băng qua đường mà không chờ đèn cho phép. Xe trờ đến và thắng lại kịp từ xa. Người con gái chạy theo khi không thấy ông quay vào nhà, kịp nhìn thấy cảnh ấy mà ú tim và trợn mắt nhìn. Hú hồn!

Ông Sỹ có thể chất tốt của một người già trăm tuổi như vậy là do ông ăn được và ngon miệng. Ba bữa chính trong ngày, ông không bỏ bữa nào. Bữa sáng ông thường ăn cereal bỏ vào bát trái cây có sữa tươi. Trái cây trong bát có đủ màu, tức là có đủ vitamine cho nhu cầu một cơ thê. Ông ăn xong cái, húp sạch cả sữa, rồi mới đặt bát xuống bàn. Buổi sáng ông có hai viên thuốc trợ lực cho xương và chống già. Sao lại chống già? Thì viên thuốc đó nó giúp các tế bào trong cơ thể ông không được phép già như tuổi của ông, phải là tế bào của người trẻ!? Viên thuốc có hiệu nghiệm một chút ở chỗ tóc ông bị hói nay đã mọc lên khá dầy. Bên cạnh hai viên thuốc vô thưởng vô phạt, mỗi tối ông chỉ phải uống hai viên thuốc cho cái tiền liệt tuyến dở chứng của ông. Không một loại thuốc nào cho chuyện cao huyết áp, tiểu đường hay cao mỡ gì cả!

Hai bữa ăn trưa và chiều, ông ăn vào lúc 12:00 trưa và 5:30 chiều. Thường khi các món ăn được thay đổi từ cháo, bún, mì, khoai tây ghiền và cơm… để ông dễ nhai và dễ nuốt. Thức ăn như thịt luôn được cắt nhỏ xíu xiu để ông khỏi phải nhai. Rau cũng vậy, cũng phải cắt nhỏ bỏ thẳng vào bát của ông. Nếu ăn cơm thì chan canh sâm sấp cho dễ nuốt. Ông không bao giờ bỏ dở thức ăn có trong chén của mình. Đó là bản tính từ trẻ, ông tuân thủ lời “đẻ”, mẹ của ông, “hạt cơm là hạt ngọc”.

Về phần uống ông rất lười uống nước. Ông chỉ uống chất gì ngọt ngọt như sữa tươi khoắng đường, nước ngọt, và rượu. Do vậy, thường ngày sau bữa cơm, ông ăn đét se và ly nước lọc thì “dessert” ngọt luôn hết sạch trừ ly nước. Do vậy, cô em gái ngồi kế cạnh cứ phải dùng kế cụng ly với anh, thì mới hết ly nước. Phải đến vài ba lần cụng ly mới cạn.

Một vài chuyện ngoài lề về cô em gái của ông Sỹ. Cô thua ông anh của cô những mười bốn (14) tuổi. Năm 1954 di cư vào Nam, cô vừa đậu xong bằng Thành Chung, nên được ông anh chọn đem theo cùng. Ông anh ý rằng để cô em học cho xong bằng Tú Tài thì vừa vặn Nam Bắc xum họp lại, lúc đó cô đã có mảnh bằng mang về dâng lên ông bà. Tính từ năm đó đến nay đã được sáu mươi tám (68) năm anh em có nhau. Anh luôn thương em và ngược lại em luôn ngưỡng mộ anh. Rồi đến khi chồng cô mất, cô và anh của cô luôn có nhau trong bữa ăn trưa và chiều. Nhờ thế cô mới có thể giúp anh nạp đủ nước vào cơ thể để máu huyết lưu thông dễ dàng.

Về nết ngủ, ông Sỹ ngủ ngon lành và dễ dàng. Một đêm ông có thể đi tiểu vài ba lần, nhưng lần nào xong vào giường ông cũng ngủ lại ngay được tức thì. Ban ngày, sau bữa ăn sáng là giờ đi bộ tập thể dục, về đến nhà là ông lại có thể ngủ tiếp. Lần này ông ngủ ngồi, ông thích vậy. Ngủ ngồi sướng lắm, ông không phải bỏ giầy đi bộ ra, lưng dựa vào cái gối, đít xít ra một tí để đầu ngả vào thành ghế sa lông, tay buông xuôi hai bên người, thế là ngủ ngon. Có cả ngáy khọt khẹt nữa!

Có khi cắc cớ, con gái hỏi ông có mơ thấy mẹ không thì ông trả lời “Bố con mình chẳng ai mơ thấy mẹ, chắc mẹ đã đầu thai kiếp khác rồi!” 

Con gái chăm bố cứ thường la lên rằng “Chưa ai chăm người già lại sướng như chăm ông Sỹ này!” Quả là vậy, ông tuyệt đối tuân thủ lệnh con. Con muốn bố ăn cái này thì bố ăn, con muốn bố uống cái này thì bố uống, con muốn bố đánh răng thì đánh răng. Tiết mục đánh răng này bố rất lười, lười từ thuở còn mẹ. Con gái đã quẹt kem vào để sẵn trên ly, thế nhưng ông lại len lén bỏ lại vào ly cắm bàn chải. Chỉ còn cách dúi bàn chải vào tay bố thì không trốn chạy đi đâu được. Bố đành đánh răng!

Tiết mục tắm. Cách đây một năm, ông vẫn tự tắm lấy, tắm cả tiếng đồng hồ! Ông kỳ cọ kỹ lắm, nết này nó “run in the family”. Nó chạy trong huyết quản của bà, của hai cô em, người nào khi vào buồng tắm cũng phải cả giờ đồng hồ mới ra. Và kể từ ngày ông Sỹ bị mổ sa ruột, con gái không muốn ông tắm lâu nữa, nên xâm nhập vào buồng tắm để tắm gội và xối nước cho mau kết thúc cuộc tắm của ông.

Người ta vẫn thường nói Thân – Tâm gắn liền nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Do vậy, ông Sỹ đã có một thân khỏe mạnh thì tâm của ông cũng được khỏe lây. Có ai đặt câu hỏi “tâm phải an trước rồi mới có thân khỏe không?” Câu hỏi này người viết cũng đã từng hỏi, nhưng không có câu trả lời chính xác. Chỉ lấy kinh sách Phật ra thì thấy nó đồng hành và không tách biệt. Không trước, không sau.
Tâm ông Sỹ đã từ lâu, dường như không còn “Tham, Sân, Si, Hận” gì cả. Ngay từ thuở trong tù cộng sản, hai lần tù, cũng không ai nghe ông thù ghét mấy người quản giáo. Ông Sỹ đã từng nói trong sách hay trong câu chuyện với mọi người “Mình bị tù còn có ngày về, chứ mấy người quản giáo này họ cứ phải gắn liền với nhà tù thì chẳng khác gì tù!” Vợ con những ngày sau này chớ hề nghe một chuyện gì về chồng và bố lúc ở tù. Có chăng chỉ nghe vài mẩu chuyện từ các bạn tù của ông mà thôi.

Tâm ông Sỹ nay không có gì có thể làm nó gợn sóng lên được. Ngay cả cái vui ông cũng không vui quá thì lấy đâu cái buồn có cơ hội làm gợn lòng của ông?! 

Ngày Sinh Nhật Một Trăm Tuổi của ông con cháu tề tựu về, nhà náo động rộn ràng, ông biết đó chứ. Nhưng nào ai thấy ông hưng phấn nói cười như lũ con cháu. Ông vẫn điềm tĩnh ngồi ăn cùng cô em và con cháu. Chúng nó quây quần ca hát, chúc tụng ông, ông chỉ mỉm cười và tay nhịp nhịp theo tiếng đàn và tiếng hát. Cái vui của ông được phát ra đến tầm cỡ như vậy mà thôi.

Thôi thì… chúng con mười sáu con và dâu rể , mười bốn cháu, sáu chắt, và toàn gia đình bên nhà cô Em của ông anh, đồng thanh chúc ông Sỹ “Trăm Tuổi Hạc”. Rồi từ đó, từ cột mốc này ông cộng thêm những năm sau sau nữa vui cùng em, con, cháu, chắt. Người viết còn đang nghe vang nhiều lời chúc tụng từ bạn văn, bạn nhà giáo, học trò, bạn con, bạn cháu đang chúc tụng ông, ông có nghe chăng?

California, ngày 6 tháng 2 – 2022
Doãn Tư Liên



Nov 30, 2022

BỐ SỸ 100 TUỔI


Theo yêu cầu của BTC (chú THBích) cho buổi chúc mừng Thượng Thọ Bách Tuế sắp đến của ông Sỹ, 6 Vinh được yêu cầu tóm tém lại một video clip (khoảng 15 phút) về cuộc đời, gia đình và sự nghiệp của bố DQS. Cả nhà xem chơi cho vui nhé...

6 Vinh
 



https://youtu.be/sDihoFWw5-Q

Nov 24, 2022

CẢI ĐẠO - Doãn Cẩm Liên

Cải đạo hay theo đạo mới để được vợ hay được chồng; cải đạo để cứu rỗi cơn đau đớn trên giường bệnh, phút lâm chung; cải đạo vì niềm tin và yêu một đấng tối cao tôn giáo khác với tôn giáo cũ... là đề tài mới xuất hiện trong đầu tôi. Nó rất nhạy cảm hay có thể nói rất rất rất… nhạy cảm mà người viết này lạm bàn tới. Vì rất e ngại những bất hòa có thể xảy ra nên người viết chỉ dám sờ đến một mảng chút xíu của đề tài thôi. Với mong muốn hòa khí luôn được giữ cho thật đẹp đẽ với những bạn của mình.

Phải khẳng định ngay từ đầu là bất cứ tôn giáo nào trên thế giới này đều hướng thiện và tốt đẹp. Đạo nào cũng dẫn dắt tín đồ của mình làm điều lành tránh dữ, giúp con người được an trong cuộc sống, được hạnh phúc với người người và với cộng đồng mình đang hòa mình sống chung. Xin thưa chúng mình luôn giữ cái tính chất này trong suốt bài đọc.

Cải đạo có nghĩa là mình đang theo đạo này nay lại bỏ nó đi để theo đạo khác. Nói cách khác, niềm tin thay đổi từ một vị tối cao của tôn giáo này chuyển sang một vị khác ở tôn giáo khác. Cải đạo là một hành động tốt cho một người khi họ đang tự hướng mình đi lên cao hơn trong phần tâm linh. Sự suy nghĩ và sự vận động của não bộ trong người cải đạo còn rất tốt.

Cải đạo khi còn trẻ, khi còn minh mẫn sáng suốt đó là một sự thăng hoa cao đẹp. Người cải đạo biết mình đang làm gì và muốn làm gì. Niềm tin mới sẽ giúp người này biến thành một người mới. Tốt hay xấu cũng do từ việc người này sử dụng niềm tin đúng hay sai mà thôi. Phần lớn là tốt hơn.

Đó là một bước ngoặc tốt!

Do vì người cải đạo có một não bộ tốt nên họ biết mình cần gì, muốn gì khi thay đổi niềm tin tôn giáo. Một anh chàng yêu một cô gái, vì chàng ta muốn có nàng làm vợ, chàng quyết định cải đạo để được vợ. Một quyết định đúng đắn. Và ngược lại, cô nàng muốn chồng mình và gia đình chồng chấp nhận mình, cả nhà được vui vẻ và mình được thương yêu trong gia đình mới này. Nàng cải đạo. Một hành động đúng và hữu ích.

Thế nhưng…

Một người trên giường bệnh, căn bệnh trầm kha, khoa học y khoa, bác sĩ và dược sĩ đã dốc tâm chữa trị mà không thành công. Người bệnh quay sang cầu cứu đức tin. Nếu đức tin vào đấng tối cao của tôn giáo mình đã và đang theo cũng không chữa trị được thì người này chuyển đổi vị tối thượng của niềm tin. Ở người bệnh, suy nghĩ của họ thường đôi khi không còn sáng nữa. Họ bị những cơn đau hoành hành, họ bị thuốc chữa bệnh làm lu mờ trí não, họ bị thuốc giảm đau làm tê liệt những tế bào suy nghĩ… Cho nên, họ thường được sự khuyến khích của những bạn bè thân quen xa gần cho việc cải đạo. Lúc này quyết định có nhiều phần do người khác làm dùm người bệnh. Cải đạo xảy ra khi người đang bịnh hoạn trên giường, đang trong giờ hấp hối là một việc làm ít sáng suốt nhất. 

Do vậy, niềm tin của người bệnh chưa chắc là của chính mình mà đó là niềm tin của người xung quanh. Những người xung quanh tin rằng nếu người bệnh yêu mến đấng tối cao của mình thì họ có thể hết đau hoặc được cứu rỗi nếu người bệnh chết đi.  

Niềm tin này được gọi là niềm tin đặt để. Mức độ hiệu quả có không? Dạ thưa có. Nhưng ít hay nhiều thì chưa ai chuẩn đoán đúng hết được. Vì hiệu lực có được sẽ dựa vào đức tin của chính đương sự. Niềm tin nó cần phải đi từ tự tâm của chính người bệnh. Hiệu lực sẽ hiển hiện cho chính đương sự thấy trước tiên. Kế đến người ngoài có thấy được hay không cũng còn tùy.  

Có một cụ bà thấy con gái mình chuyển đạo trên giường bệnh. Cụ đã từng thấy con gái mình dốc lòng tin và hành đạo khi khởi bịnh, cho đến khi số mệnh thắt chặt lại. Cô mệt mỏi và buông xuôi cho các bạn hành động. Các bạn của cô ta thương cô còn trẻ, đẹp, và nhiều tài năng mà số phận bệnh nghiệt ngã quá sớm. Nên đã quyết định và hành động dùm cô là chuyển đạo, chuyển niềm tin cho cô. Cô gật đầu hết. Và ra đi. 

Lễ cải đạo được tổ chức tưng bừng và lớn lao. Có nhiều vị chức sắc của tôn giáo làm lễ chứng giám, thế nhưng có chắc là đức tin của người bệnh đủ lớn không? Đức tin của người bệnh hay chỉ là đức tin của người xung quanh mà thôi?

Mẹ già nhìn cảnh này không ngăn cản nhưng bà nghĩ: “Mẹ không biết khi con chết thì linh hồn con có biết đi về đâu không? Thuở trước, cả một thời gian dài tin vào một vị nay đến phút lâm chung mới đổi một vị khác thì con có đủ thời gian xây dựng niềm tin mà theo vị mới này không?” “Mẹ chỉ e ngại lúc ấy con bơ vơ nhất mà không có nơi nương tựa mà thôi!”

Đó là điểm mấu chốt mà cụ bà đã gõ vào sự suy nghĩ của người viết. Người viết viết xuống để chúng ta cùng suy nghĩ. 

Xin thưa và  ghi nhớ rằng đạo nào cũng tốt cả.

California, ngày 23 tháng 11 – 2022

Doãn Cẩm Liên


Nov 21, 2022

DỌN DẸP TẠP NIỆM - Doãn Cẩm Liên

“Dọn dẹp tạp niệm”, đó là câu mà cụ Sỹ thường nói khi cầm kéo để cắt. Cắt gì? Khi thì cụ cắt cây cối ngoài vườn của con gái. Cho đến một lúc vườn cây cũng hết lá để cắt, hết cây vứt ngoài đường nhặt về cho bố có việc làm, đâu phải lúc nào cũng có hoài!? Thế là các con cụ nghĩ ra một cách hay nhất mà vẫn đáp ứng đủ ba yêu cầu: giúp cụ “dọn dẹp tạp niệm”, giúp báo đọc xong được cắt vụn trước khi ra thùng rác, giúp vườn cây của con không bị “bức tử”. 

Cụ thích ngồi cắt, cắt gì cũng được miễn là tay làm và tâm thì sạch tạp niệm.

Do vì nặng tai nên sự giao tiếp với các con trong nhà cũng ít ỏi hơn. Các bạn văn và học trò đến thăm Cụ thì đều có cùng một kịch bản:

- Sinh quán của bạn ở đâu?

- Đầu làng quê tôi có một dòng sông nhỏ gọi là Tô Giang. Thuở tập tọng viết văn tôi lấy bút hiệu là “Tô Giang Khách”. Thế mà con sông nay dần cạn trở thành ao rau muống. Thế mới thấy “Sông nay giờ đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”…

Những ai thường gặp Cụ chắc cũng phải thuộc làu với những mẩu chuyện đại khái là thế.

Trở lại chuyện cắt giấy để dọn dẹp tạp niệm của Cụ Sỹ, chắc do vì không còn nghe rõ tiếng nói của mọi người xung quanh nên Cụ Sỹ thường rút vào thế giới riêng của Cụ. Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo. Với những tờ báo khổ lớn thì cụ gấp đôi rồi cắt, gấp đôi nữa và cắt, gấp đến mấy lần nữa cho đến khi miếng giấy vừa tay cầm, sau đó xếp lớp chúng lên cạnh bàn bên cạnh. Và lấy từng lớp từ trên xuống dưới để cắt. Tay Cụ thiệt là khéo léo khi cầm giấy đưa vào lưỡi kéo, miếng giấy được xoay tròn để cắt, cho đến hết không thể cắt được nữa mới thôi.

Những thiền sư ngồi thiền với tâm an tịnh như thế nào thì tâm Cụ Sỹ chắc cũng chẳng khác.

Có lần con gái hỏi Cụ:

- Bố, giữa khuya bố còn ngồi thiền như thuở trong tù không?

- Không con. Lúc nào bố chẳng hành thiền. Đâu cần phải ngồi đâu!

- À, thì ra thế.

Thôi thì cụ già 100 tuổi mà vẫn đi đứng, nằm ngồi mà không cần người trợ giúp. “Job” cắt giấy con giao cho Cụ hoàn tất không một lỗi lầm. Hoàn thành nhanh gọn và lẹ, trước hạn định và ngoài sự mong muốn của lũ con. 

Cụ Sỹ thương con cháu quá, thưa rằng là vậy. Con cháu không trông mong gì hơn nơi Cụ. Chỉ mong Cụ cứ sống an nhiên tự tại như việc ngồi cắt giấy và đến ngày nào Cụ buông xuôi “job cắt giấy” để trở về với Ông Bà Tổ Tiên thì hay lúc đó.

Thật mong là thế!

California, ngày 20 tháng 11 – 2022

Doãn Tư Liên 

Ghi chú: Viết theo gợi ý của chị Trùng Dương: "Cần ghi lại hình ảnh và câu chuyện cắt giấy của Cụ Sỹ."

Oct 31, 2022

DẠY VÀ HỌC - Doãn Cẩm Liên



Không biết hai hoạt động “học” và “dạy” này cái nào đến trước cái nào đến sau? Câu trả lời: cả hai xảy ra cùng một lúc. Khi dạy là có học. Có người dạy học thì phải có người học thì cái sinh hoạt dạy – học mới xảy ra được! Một câu hỏi lẩm cẩm được đưa ra chỉ là cái cớ cho việc kể chuyện “tôi học đàn với ‘anh thầy’ dạy tôi đàn” mà thôi. 

Dạy – học đàn violin. 

Tôi khởi sự học đàn từ năm bảy tuổi, theo đuổi môn đàn violin cho đến năm mười sáu tuổi. Như vậy cái vốn có được cho việc đàn, cầm đàn, kẹp đàn trên vai, sử dụng cái “archet” kéo lên xuống để phát ra tiếng đàn, tạo tiếng đàn và nhịp theo nốt nhạc là tôi đã có đủ các kỹ thuật cần thiết. Thế rồi sau đó tôi hoàn toàn không đụng đến đàn địch gì cả. Lâu lâu lắm, phải đến bốn mươi lăm năm sau (45) tôi mới lại được cầm đàn và học lại. Không thể ngờ là ở tuổi U70 mà mình còn đứng tập đàn được!

Thật là kỳ diệu! 

Anh Thầy gạt phăng đi:

- Đừng nói vậy nhen, bố anh đến năm 90 tuổi mà ông vẫn còn tập đàn ngày vài tiếng. Chỉ hai năm trước khi mất ông mới thôi tập. Ông mất lúc ông 93 tuổi.

Lại thêm chuyện nữa, một duyên lớn, là tôi gặp lại anh Thầy ở Hoa Kỳ, miền Nam California. 

Hôm nay gặp lại anh, làm nhớ lại thuở xưa “ngày xưa chuyện đẹp” cả nhà tôi thường khi tập họp đông đủ. Một thời ca hát và đàn địch. Ai có ngón đàn gì thì đem ra hòa với nhau. Anh Thầy đã được nhắc nhiều về tiếng đàn lả lướt những bài bolero, nhạc lính Trần Thiện Thanh với thằng em Út đệm piano.

- Trời ơi, nhớ ngày xưa ghê luôn. Mấy đứa tụi bay có biết anh Thầy Đờn ở đâu trên xứ Mỹ này không? – Chị Hai hỏi. Anh chị Hai từ xứ Úc xa xôi vượt đại dương qua thăm gia đình.

- Em nghe nói ảnh ở San Diego, để xin số điện thoại liên lạc được với ảnh thì mình đi xuống thăm nha chị Hai.

Kể từ đó chúng tôi đã nối lại được mối dây thân tình từ xa xưa với gia đình anh.

Cây đàn thứ nhất tôi có được ở Hoa Kỳ chỉ là loại đàn cho học trò con nít học. Nó nhỏ so với tôi. Tôi chẳng màng to nhỏ lớn bé, vì đâu có thầy và đâu tập tành gì và đâu có bài vở gì cả. 

Một hôm anh Thầy đến chơi nhà, thấy tôi khoe có cây đàn nhặt được lề đường. 

- Em học đàn lại đi, anh dạy cho. - anh gợi ý tôi học đàn lại.

- Anh sẽ mang xuống cho em cây đàn ngày xưa anh đi học ở trường. Nó trung bình tốt, nhưng đối với cây đàn này thì chắc chắn là hơn rồi! 

Thế là tôi có một cây đàn tốt hơn mình mơ tưởng, kích thước “full size” 4/4. 

Có những khi giữa lúc nghỉ khi tập đàn, tôi nghĩ mình phải có món quà tặng anh Thầy với lòng tri ân và ghi ơn. Liền bèn tâm sự với anh:

- Anh Thầy ơi, làm sao em trả ơn và trả công anh tặng cây đàn và dạy đàn cho em đây?

- Không cần! Vì ngày xưa khi qua đến Hoa Kỳ, anh cũng nhận được sự trợ giúp của các vị thầy trong trường. Họ kiếm học bổng cho anh đi học. Họ giúp anh tối đa để anh hoàn tất chương trình học Cao Học.

- Do vậy, em cứ yên tâm không lo chuyện ơn nghĩa vì anh đang trả ơn các ông thầy khi xưa.

- Em cứ tập đàn cho giỏi là trả công cho anh rồi!

Anh Thầy bảo tiếp:

-  Anh bảo đảm là anh dạy em bây giờ giỏi hơn hồi xưa nhiều!

- Lỗ tai anh bây giờ nhạy bén lắm nha. Và kỹ thuật truyền đạt của anh cho học trò cũng khác xưa.

- Em cứ học thử đi sẽ thấy.

- Dạ, vậy anh sắp xếp xem ngày nào mình gặp nhau trên viber? - Tôi nhận lời liền, đâu phải đợi anh mời lần thứ hai đâu. Dịp may này không thể để nó vụt qua được. 

Anh em tôi bắt đầu Dạy và Học. Anh Thầy nhà ở tuốt San Diego, còn tôi thì ở Garden Grove, khoảng cách gần hai giờ lái xe, cầu viber là thượng sách. Nhưng thuận lợi đó, lại có một chút trở ngại là không thể truyền đạt trọn vẹn 100% những gì thầy muốn nói và trò thì không thể nhặt đủ 100% lời thầy truyền dạy. Dạy và học “virtual way” coi vậy là khó khăn!

Tuy nhiên, nhờ đã có sẵn căn bản 10 năm trời học violon nên mọi chuyện cũng êm suôi. Thầy và trò dùng đủ mọi giác quan, thính thị, thị giác và ngôn ngữ để dạy và học. 

Trong phương pháp dạy đàn, đôi lúc thầy phải đánh mẫu cho trò nghe. Tiếng đàn truyền qua cellphone hay tablet chỉ còn lại được 90% chất lượng, nhưng vẫn còn để cho trò nắm bắt được. Những cú đánh “archet” mẫu, thầy đàn cho trò xem, thì xem ra rất khó nhìn được qua màn hình. Khung thu hình “Camera” không đủ rộng để thấy toàn bộ cánh tay và cái “archet”. Tôi đành phải căng mắt ra nhìn và lắng nghe. Rồi phải kéo thử để xem đã giống thầy đàn chưa.

- Câu này, dùng đoạn giữa “archet” để đàn ba nốt “la” staccato. - Anh Thầy đàn mẫu. 

- Cái “archet” không được tưng cao quá và nhớ thả lỏng tay phải.

- Sao cái tay nó không nghe lời em. Anh cho em tập ở nhà lấy, tuần sau trả bài nha. – Tôi giải bày và xin xỏ.

Đó là chuyện dạy – học thời nay. Học trò già học chậm và hay bị quýnh khi đàn trước mặt ông thầy. Hai tay trở nên bất trị!

Giữ nhịp cho đều. Làm sao giữ nhịp không bị vội lên hoặc bị chậm xuống. Tôi chọn dùng máy gõ nhịp qua “app” gõ nhịp trong cellphone. Tập một bài mới là lúc cần nó nhất để giữ nhịp. 

- Độ dài của nốt nhạc phải kéo cho đủ. Ngay cả nốt lặng nghỉ cũng phải đúng nhịp để khi ngồi với dàn nhạc không bị bỏ rơi. - Anh Thầy bảo thế!

Cái bịnh muôn thuở của học trò là trơn tru thì đánh nhanh, bằng ngược lại thì bị chậm. Tôi là vậy, hay lơi lỏng nhịp, nên bị anh Thầy dùng đến ba phương pháp để giữ nhịp. Phương pháp thứ nhất là máy gõ nhịp. Phương pháp thứ hai là “vibration = rung”. 

- Quy định là hai cái rung cho một nốt móc. Nốt đen thì đếm được bốn cái rung. Nốt trắng tám lần rung. Và nốt nào cũng rung hết nha. Chỉ trừ một chuỗi nốt nhanh và đổi thế bấm “position” liên tục thì mới miễn rung. 

- Đàn hai bài Meditation de Thais - Massenet và Ave Maria - Schubert là để học đếm nhịp qua rung. Đàn đủ chậm để nghe và đếm được số lần rung. Nhịp nằm ở chỗ đó nha.

Và phương pháp thứ ba là tập hai cú “archet” cho một nốt đen. Bốn cú “archet” cho nốt trắng và cứ thế mà tính. Đàn như thế để nhịp nó thấm vào tay trái và tay phải rồi lúc đó mình mới đàn vào bài. Và tôi tập. Tập đủ cả ba phương pháp. 

Cuối cùng tôi chọn dùng máy gõ nhịp và rung để giữ nhịp. Phương pháp kia chắc phải thú tội với anh thầy là không hiểu quả đối với tôi. Và xin để nó sang một bên vì nó làm tôi rối tung lên vì phải đếm số archet!

Kỹ thuật rung “vibration”

- Rung làm sao để tiếng đàn nghe oang oang. - Anh thầy bảo vậy.

- Muốn vậy thì lực bấm vừa đủ cho tiếng phát ra và không bấu ngón tay xuống sâu quá thì khoảng lắc qua lại mới đủ rộng để làm tiếng oang oang.

- Kỹ thuật rung cho bài Humoresque thì các nốt được rung nhanh, dứt khoát và mạnh ở đầu nhịp.

- Với bài Ave Maria thì nghe tiếng đàn kêu rồi mới rung. – Anh Thầy đàn mẫu.

- Hiểu chưa? Có muốn hỏi gì nữa không? – Anh Thầy kết thúc buổi học. Anh luôn kết buổi học bằng câu hỏi như vậy.

Tốc độ 

Chạy nốt, còn gọi là đàn nhanh, nhanh thiệt nhanh nếu được. Với đàn violin nhanh hay chậm nó đều cần sự phối hợp đúng lúc của cả hai tay. Tay bấm nốt và tay kéo “archet” sao cho đúng. Nếu không sẽ bị trật đường rầy, tiếng đàn bị tịt. 

- Cả hai tay đều nhẹ. Tay trái bấm nhẹ thì ảnh hưởng ngay đến tay phải cầm “archet”. Do vậy, tay “archet” đặt rất nhẹ trên dây và kéo. Tay trái bấm vừa đủ để nghe tiếng. Cả hai tay đàn nhẹ thì mới dễ chạy và chạy nhanh hơn được.

- Tay “archet” không được đè, lúc này không dùng cả cánh tay mà chỉ sử dụng các khớp của ngón tay và bàn tay mà thôi. 

- Đàn thử anh xem. – Anh Thầy ra lệnh.

Đôi khi cũng dùng đến kỹ thuật:

- “Archet” đặt rất nhẹ lên dây để nó trôi theo sức nặng của chính nó. 

- Tay cầm hờ, giữ nó không bị rớt, thế nhé. Khi kéo đến điểm đầu, tay cầm “archet” hướng về trước, giữ luôn thẳng góc với dây. 

Khi tôi thực hiện được tiếng đàn đúng là:

- Hiểu chưa? Tiếng đàn violin là vậy đó. 

Đó là cách anh Thầy khen thưởng trò.

Thực tập thả lỏng. Đây là một phương pháp hiện đại mà ngày xưa tôi chưa bao giờ được nghe: 

- Trước khi đàn, khom gập người xuống, hai tay buông xuôi và thả lỏng, khuấy bột… Đã thấy cơ tay mềm chưa? Rồi lúc đó mới bắt đầu cầm đàn và đàn. Cứ mỗi 15’ buông đàn, lập lại động tác trên.

- “Archet” đã đặt lên dây, trước khi đàn nhớ hít một hơi sâu và thở ra nhẹ, tiếng đàn phát ra theo hơi thở ra… Tiếng đàn đã nhẹ chưa? 

Tôi thích thú với lối dạy mới thật mới của anh Thầy. Dường như anh Thầy đã áp dụng sự thả thỏng, buông thư của nhà Thiền. 

Cũng vậy, tôi xem việc tập đàn hằng ngày giống như việc lau gương soi mặt. Mỗi ngày phải ít nhất một lần lau nó cho sạch bụi bẩn. Bụi bẩn không còn thì hình ảnh phản chiếu từ gương sẽ rõ ràng, sáng rõ. Học đàn cũng vậy, không thực tập hằng ngày thì làm sao có được tiếng đàn sạch, ngón tay trơn tru chạy trên phím cho được?!

Do vì thích lau gương cũng như học đàn hằng ngày như thế nào thì ngược lại vế bên kia người dạy đàn chắc cũng hứng khởi dạy. Tôi ngẫm và đoan chắc là anh Thầy cũng vui và hạnh phúc vì có một học trò già mà học giỏi như tôi!

Hơi có một sự tự tin đó, nhưng chắc là đúng không sai.

California, ngày 31 tháng 12 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Oct 29, 2022

CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI - Doãn Cẩm Liên

 


Cửa Tùng Đôi Cánh Gài là tựa đề câu chuyện kể của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chuyện xa xưa kể về một chàng trai sau một thời gian tu học cùng Thầy Tổ trên núi cao. Nhận thấy nhân cách trò đã tạm vững vàng và nội lực đã tạm đủ, Thầy mới cho phép trò xuống núi để hành đạo, độ đời, giúp người. 

Xuống núi là vào đời, sống chung với người của nhân gian, vui buồn cuộc đời của người thế gian, và với mục đích giúp đời, giúp người làm lành tránh dữ. Thì chàng trai kia xuống núi với tâm ban đầu là Tốt, rất Tốt, hoàn toàn Tốt.

Chàng xuống núi với lời dặn dò kỹ lưỡng đầy thương yêu của thầy. Trên tay cầm hai bảo vật thầy trao, gươm thần và kính chiếu yêu. Gươm thần công cụ trợ giúp chàng diệt trừ ma chướng và mê vọng, kính chiếu yêu là để nhìn rõ được bản chất thật của người đối diện. Người thầy dặn: 

“Con phải nhớ những tiêu chuẩn hành động mà ta đã truyền thọ cho con trong năm sáu năm trời học tập. Chớ bao giờ làm một việc gì có thể gây khổ đau cho mình và cho kẻ khác, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Hãy tiến bước mạnh dạn trên con đường mà con chắc có thể đưa con và mọi người về nơi giác ngộ. Nên nhớ muôn đời những tiêu chuẩn khổ vui và mê ngộ mà hành Đạo, độ Đời.” Người còn dặn với: “Nhớ không con, nghèo khổ không thay đổi, vũ lực không khuất phục, giàu sang không mờ ám nhé…”

Chàng trai xuống núi, tả xung hữu đột cứu giúp dân lành trên khắp nẻo đường chàng đi. Ngày qua tháng nọ, chàng sống và hành động với tâm từ được thầy truyền giao. Và… 

“Đã từ lâu chàng vẫn tự cho rằng chàng là người dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cuộc đời không thể vắng bóng chàng. Chàng đã trà trộn trong cuộc sống, có khi thành công nhưng cũng nhiều khi thất bại.” 

Bảy năm tung hoành trôi qua, một hôm ngồi bên dòng sông nghỉ ngơi, chàng sực nghĩ thấy dường như trong mình có gì khác lạ khiến mình dạo này ít sử dụng gương soi mê ngộ cảnh… 

“Chàng nhớ lại trước đây đã có một thời chàng dùng mê ngộ cảnh một cách miễn cưỡng. Chàng nhớ lại những ngày mới xuống núi ấy, chàng đã chiến đấu rất hăng hái khi thấy nguyên hình những yêu quái xuất hiện trên mê ngộ cảnh. Chàng cũng cảm thấy hân hoan vô hạn khi soi thấy trên mê ngộ cảnh hình dáng các bậc hiền nhân. Nhưng trong thời gian trước đây, một cái gì khác lạ đến trong tâm hồn chàng, đến lúc nào chàng không nhận rõ. Chàng đã không thiết tha lắm khi nhìn thấy hình bóng bậc hiền nhân, mà cũng không giận dữ lắm khi thấy một bóng hình yêu quái…” 

Một dấu hiệu đáng ngờ vực nhưng vì chàng đã khởi bắt và nhiễm uẩn rồi nên chàng chẳng để tâm mấy. Bảy năm rồi chàng bận rộn việc cứu nhân độ thế nên chưa về thăm thầy và sư đệ. Chàng quyết định phải về thăm thầy khi nhìn thấy hoa mai trắng nở rộ bên đường.

“Mãi cho đến hôm mười hai tháng tám trước đây, đi qua một rừng mai hoa nở, thấy sắc hoa trắng như tuyết lấp lánh dưới ánh trăng thu, nhớ đến những ngày thơ ấu bên rừng mai già học tập dưới chân thầy, chàng mới quyết định trở về. Đường về sao chàng thấy xa quá. Đi bảy ngày trèo non lặn suối mới về tới chốn cũ.”

Theo triền dốc sườn đồi, chàng hăm hở bước mong đến giây phút được ôm lấy vị thầy thân thương. Nhưng kìa, sao Thầy mình lại dựng đôi cửa tùng chặn đường vào sơn thất vậy? Đến gần, đẩy cánh cửa, sao lại nặng như cùm, không cách gì lay động được nó. Sao lạ kỳ khi thầy không để rộng đường cho dân lành lên bái kiến mình? Rồi chàng cố gắng vượt cửa, chàng lấy kiếm chặt cửa, chàng làm bao nhiêu cách cánh cửa vẫn trơ trơ “cài” chặt. Thì trời chập tối, chàng đành phải nằm lại bên bờ suối qua đêm chờ sáng. Chờ vị sư đệ xuống suối gánh nước thì cùng theo chân lên đảnh lễ thầy cũng chẳng muộn.

Đêm lạnh, đêm chờ, chàng không ngủ để trí óc trở về chuyện cũ bảy năm trước đây.

Bình minh rạng dần, tiếng chân chàng sư đệ với tịnh bình trên tay. Huynh đệ nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Chàng liền hỏi lý do thầy chặn đường lên cốc. Sư đệ ngơ ngác dơ tay đẩy nhẹ cánh cổng. Cửa mở! Thầy nào có chặn đường ai đâu. Chỉ có là cánh cửa này sẽ không mở khi yêu quái đội lốt người muốn mở nó. Chàng giật mình và tự hỏi:

“Nhưng không lẽ ta mà lại là yêu quái? Sao cửa lại đóng chặt?”

“Người sư đệ cười lớn: - ‘Vâng đại huynh sao lại là yêu quái được! Đệ cũng quên đi mất là tại sao cửa lại đóng.”

Thế là huynh – đệ cùng nhau đi xuống suối múc nước để rồi cùng lên một thể. Đến suối nhìn mặt nước trong, chàng sực nghĩ đến cái kính chiếu yêu đã lâu mờ bụi trong túi. Chàng bèn lấy nó ra phủi bụi để rồi anh em cùng chụm đầu soi mặt.

Cả hai đều hét lên một tiếng kinh hoàng vang khắp núi rừng vì một hình ảnh hiện lên trong gương thật là khủng khiếp:

“Người sư đệ vừa trông thấy trong gương thần, hình bóng của mình đứng bên cạnh hình bóng một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giống không đáy…”

Chàng trai bủn rủn, chân khụy không nhấc lên được, tâm hồn bị tàn phá nặng nề và có ý định bỏ trốn không muốn gặp Thầy nữa. Sư đệ khuyên nhủ nhẹ nhàng:

“Thầy thương anh lắm. Không sao đâu, đại huynh sẽ ở mãi bên thầy (vỗ về). Đại huynh sẽ sống bên em như những ngày xưa êm đẹp cũ (khóc). Em không ngờ bao nhiêu năm dưới núi đã tàn hại anh đến thế.”

Câu chuyện ngày nay của người đời nay thì đâu có đường lên núi rừng để tìm gặp thầy, đâu có cánh cửa tùng, đâu có gương thần để soi mặt như lời Thầy Nhất Hạnh kể. Nhưng sâu xa thì vẫn mang đầy ý nghĩa của câu truyện “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài”. 

Người người sống trong xã hội, cộng đồng, gia đình ai chẳng muốn làm lành tránh dữ. Ai chẳng muốn giúp người. Có những hoạt động hay quyết định gì đều mong muốn mang lại điều tốt cho người thân thương mình trước, kế đến cho người khác, cho cộng đồng, cho quốc gia. 

Thế nhưng… 

Chắc do vì một sự lầm tưởng, hoặc do u mê, hoặc do minh trí bị một thế lực gì che mờ, hoặc trăm vạn điều gì đó có thể xảy ra trên coi đời này nên mới có sự việc người hại người. Người sát phạt người. Dùng mọi thủ đoạn, đủ mánh khóe để chiếm lĩnh phần trên và hơn cho mình. Hình ảnh này rõ nét nhất ở những người làm chính trị. Các chính trị gia giỏi hay rất giỏi việc dùng lời nói để nói xấu người khác, để cái tốt cái đúng nghiêng về mình. Dĩ nhiên có những chính trị gia muốn giữ sự thật hay, điều thật, điều hay, điều tốt cho dân chúng. Dân tin thì bầu cho người này. Đây là đang nói đến một nước dân chủ, có nền dân chủ thật, người dân có quyền thật như chúng ta đang ở trong xứ Hoa Kỳ.

Thế nhưng, cũng vì dân chủ nên người dân cũng có thể làm nên một người “dân biểu” theo ý muốn của mình. Tạo nên một vị tổng thống theo ý muốn của mình, cho dù ý tưởng đó không còn hợp thời nữa. Trường hợp vị tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã làm nên một đảng phái rất lạ lùng mà lại do chính những người dân có cùng một tiếng nói, ý nghĩ với vị này.

Đó mới là một đơn cử vị tổng thống, người vị trí cao nhất nước được dân chọn. Chưa nói đến các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ của hai quốc hội. Cuộc bầu cử của Hoa Kỳ từ dạo lâu nay đã trở thành chiến trường khốc liệt của phe tốt, phe xấu, phe không xấu không tốt. Một thời đại thật là bát nháo, nếu không nói là thời đại “mạt pháp” mà đất nước Hoa Kỳ đang phải hứng chịu.

Thôi thì stop chuyện lớn ngoài tầm hiểu biết của người viết, quay trở lại chuyện trong tầm hiểu biết của mình. Chuyện trong nhà ngoài phố nơi người viết đang sống.

Gần giống chàng trai trong “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài”, một anh chàng quen tôi, tâm rất lành thiện. Đã từng có một vị chân sư hướng dẫn phần tu tập, có nhiều kiến thức về Phật học, đã từng viết những đoản văn đầy tính Phật pháp, đã từng lập một tăng thân để cùng nhau phục vụ xã hội, trong nhiều năm trời. Và rồi chàng ta có một kế sinh nhai lại nằm trong phần rất cận chính trị. Làm việc cho chính trị gia, trong ban tranh cử. Tâm lành thiện vẫn là nền tảng cho công việc. Nhưng làm chính trị mà chân thực quá, thẳng thớm quá đâu phải là chính trị. Chính trị nói ra đó nhưng vẫn có ý thứ hai ẩn tàng. Làm chính trị khi muốn đạt được cái gì là phải có thủ đoạn. Chữ “thủ đoạn” có hàm ý xấu nhiều. Cho nên dùng chữ “mưu toan, mưu kế” cho được trung tính. Dành phần quyết định tối hậu nghĩa cho từng đối tượng đọc nó.

Làm chính trị phải có mưu kế thì mới mau đến đích, mau đạt được điều mình muốn. Mưu toan khi được chính mình dùng thì mình gọi đó là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Nhưng đối phương thì gọi đó là thủ đoạn hèn hạ. Tạm phân biệt là thế.

Anh chàng này sau vài năm làm việc cho văn phòng dân cử và văn phòng chiến dịch tranh cử thì có nhiễm một số tính mà người làm chính trị thường có. Tính ấy chàng mang về nhà mà người trong nhà đặt tên là “khẳng định mình luôn đúng, mình là người có tiếng nói to nhất, cần thiết thì mình dùng quyền hành và sự quen biết để đạt được ý muốn”. Vợ chàng cũng đã từng than thở nhiều về mấy tính này.

Các loại “tính dùng trong chính trị” xảy ra trong phạm vi gia đình thì vợ con anh chị em nhịn để rồi cũng êm xuôi bình lặng. Nhưng chuyện lần này không nằm trong phạm vi nhỏ nữa mà nó xảy ra với nhiều hội đoàn, cộng đồng ở nơi anh chàng ở. Khi anh chàng phải đối thoại với một vị bô lão bạn của cha. Cũng vì vị bô lão và các hội đoàn muốn tổ chức một buổi lễ để tỏ lòng kính mến cha chàng. Ý tưởng đó tưởng được các vị anh chị em của chàng tán đồng. Nhưng không! Chàng và một số người trong nhà bác bỏ chuyện cha xuất hiện trước công chúng để đón nhận lòng yêu mến của mọi người. Với lý do cha già, cha không còn mê danh lợi, cha cần đời sống êm lặng cho đến lúc xuôi tay. Hình ảnh đẹp của cha ngày xưa sẽ còn giữ cho đẹp hoài trong tâm thức mọi người. 

Vài người còn lại trong số anh chị em thì lại muốn cha gặp gỡ cộng đồng. Một lần thôi. Vì cha già rồi, chẳng biết sống bao lâu nữa nên để mọi người được gặp NGƯỜI, để trao và nhận lòng yêu mến cho nhau. 

Đúng hay sai ở hai ý muốn của hai phe các con. Không bàn ở nơi đây.

Người viết không bàn chuyện đúng sai, mà muốn nói đến cách làm việc và tính tình con người khi ra đời làm việc, có hay bị nhiễm, bị tha hóa hay không. Anh chàng trên đây dường như đã nhiễm tính chính trị. Nhiễm mà không biết đó thôi. Nên đã cương quyết và hô hào anh chị em ủng hộ quyết định “không” của mình. Anh chàng đã vận động cắt bỏ sự hỗ trợ chọn nơi tổ chức để vị bô lão chủ xướng không thể tổ chức được. Vì ý kiến của anh chàng luôn đúng. Và tất cả những ý kiến khác không cần thiết phải xem, nghe và hiểu làm gì! 

Trở lại chuyện xưa Cửa Tùng Đôi Cánh Gài và chuyện thời đại ngày nay thì làm gì có gươm thần, có kính chiếu yêu để nhận ra mình đã bị nhiễm bẩn. Chuyện thời nay, cửa rào vào khu nhà ở là có khắp nơi. Nhưng cửa rào chỉ ngăn cản được những kẻ lạ, không phải là cư dân nơi đó vì không có “pass code” mở. Anh chàng này đã không mở được cửa vì quên số code hay vì chưa “up date” số code mới. Anh chàng đã không đi qua cửa được, không trở về được với cái tâm lành thiện ban đầu của mình nữa! 

Anh chàng quên lấy thương yêu làm “pass code” để mở cửa rào lòng mọi người.

Gương Thần của Thầy Nhất Hạnh. Khi thầy đưa cái gương lên chỉ là nhắc đến pháp “quay trở lại” nhìn vào trong tâm. Nhìn, nghe, hiểu để thấu rõ vấn đề để thấy ra cái sai. Và khi nhận ra được cái sai tức là có thể sửa được thành đúng. Cái sai không đáng sợ, mà sợ cái không biết là sai. Từ cái sai mới có cái đúng. Đúng đó rồi cũng sẽ biến đi, vì đâu có gì hoài hoài như vậy hoài. Mọi việc phải biến đổi chứ. Như thế thì thế giới mới mới hoài hoài.

Lý sự, lắm sự là chuyện đời thường. Nhưng hai cái “sự” đó nếu có thêm cái gương chiếu yêu của thầy Nhất Hạnh nữa thì sẽ thành hữu sự và hữu ích cho cuộc sống. 

Người viết nhận thấy mình thật là lắm sự rồi đấy nhé!

California, ngày 24 tháng 10 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Tài liệu đọc từ: https://langmai.org/.../tap-truyen/cua-tung-doi-canh-gai/

Oct 10, 2022

CHIỀU ĐÔNG - Hưng Gàn

 Trong loạt ca khúc Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, Chiều Đông là một ca khúc độc đáo nhưng ít được phổ biến.

Anh Trần Đại Lộc trong một buổi văn nghệ bỏ túi ở nhà vào khỏang năm 1981 đã phân tích bài Chiều Đông như sau: Phạm Duy đúng là phủ thủy âm nhạc, qua bài hát đã tượng hình và tượng thanh những chuyến tàu lửa Paris. Nghe phần tiết tấu nhạc đệm khởi đầu, chúng ta liên tưởng đến nhịp chuyển động  "xình xịch, xình xịch" của bánh xe lửa. Và khi qua đoạn điệp khúc, giọng của Thái Thanh cao vút lên "...một mình tôi với tuyết non cao...", người nghe liên tưởng đến tiếng còi tàu xé màn sương đêm... Tuyệt diệu!

- Hưng Gàn 




Oct 3, 2022

STEPHANSDOM, Vienna - Anh Quân


Bà Hương, 

Kể cho bà chi tiết này ... tui và bà vào thăm nhà thờ. Stephansdom mà không biết câu chuyện như sau 

Mỗi thành phố lớn thường có một điểm nổi tiếng hẹn gặp nhau như tại New York là Times Square, đến London hẹn nhau ở Piccadilly Cirus, còn qua Paris thì đi ra Khải Hoàn Môn, tại Berlin thì hẹn nhau ở Brandeburg Gate, tới Prague thì dân Việt mình hay gặp gở ở quảng trường Con Gà ….Còn đi tới Vienna – Áo quốc là nhà thờ Stephansdom. 

St. Stephen với 23 chuông, chuông lớn nhất nặng 44,380 pounds (20,130 kg). Đây cũng là chuông lớn nhất nước Áo, lớn hạng nhì Châu Âu, được đúc từ các khẩu súng đại bác. Tiếng chuông chỉ được rung lên mỗi năm vài lần, ở những ngày lễ đặc biệt như giáng sinh hay năm mới. Bởi lẽ, nó được người dân gọi với cái tên “Boomer”. Khi rung lên, âm thanh vang rền trong toàn thành phố.

Câu chuyện của Beethoven, chính tại nhà thờ chính tòa Stephen này, ông đã phát hiện mình bị điếc hoàn toàn. Khi tiếng chuông cất lên, cũng là lúc đàn bồ câu cất cánh bay lên bầu trời. Nhưng lạ thay, ông chỉ nhìn thấy chúng tung cánh, nhưng lại không nghe được tiếng chuông vang…

Tính tới năm nay Beethoven là 252 tuổi ... ông ta mất năm 56 tuổi . Vậy tính ra hơn 200 năm trước thiên tài âm nhạc đã ở trong nhà thờ này . Còn tui và bà thuộc bất tài âm nhạc (tui còn tệ hơn bà) cũng đi tới đây ...

Tui 

Quân