Oct 29, 2022

CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI - Doãn Cẩm Liên

 


Cửa Tùng Đôi Cánh Gài là tựa đề câu chuyện kể của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chuyện xa xưa kể về một chàng trai sau một thời gian tu học cùng Thầy Tổ trên núi cao. Nhận thấy nhân cách trò đã tạm vững vàng và nội lực đã tạm đủ, Thầy mới cho phép trò xuống núi để hành đạo, độ đời, giúp người. 

Xuống núi là vào đời, sống chung với người của nhân gian, vui buồn cuộc đời của người thế gian, và với mục đích giúp đời, giúp người làm lành tránh dữ. Thì chàng trai kia xuống núi với tâm ban đầu là Tốt, rất Tốt, hoàn toàn Tốt.

Chàng xuống núi với lời dặn dò kỹ lưỡng đầy thương yêu của thầy. Trên tay cầm hai bảo vật thầy trao, gươm thần và kính chiếu yêu. Gươm thần công cụ trợ giúp chàng diệt trừ ma chướng và mê vọng, kính chiếu yêu là để nhìn rõ được bản chất thật của người đối diện. Người thầy dặn: 

“Con phải nhớ những tiêu chuẩn hành động mà ta đã truyền thọ cho con trong năm sáu năm trời học tập. Chớ bao giờ làm một việc gì có thể gây khổ đau cho mình và cho kẻ khác, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Hãy tiến bước mạnh dạn trên con đường mà con chắc có thể đưa con và mọi người về nơi giác ngộ. Nên nhớ muôn đời những tiêu chuẩn khổ vui và mê ngộ mà hành Đạo, độ Đời.” Người còn dặn với: “Nhớ không con, nghèo khổ không thay đổi, vũ lực không khuất phục, giàu sang không mờ ám nhé…”

Chàng trai xuống núi, tả xung hữu đột cứu giúp dân lành trên khắp nẻo đường chàng đi. Ngày qua tháng nọ, chàng sống và hành động với tâm từ được thầy truyền giao. Và… 

“Đã từ lâu chàng vẫn tự cho rằng chàng là người dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cuộc đời không thể vắng bóng chàng. Chàng đã trà trộn trong cuộc sống, có khi thành công nhưng cũng nhiều khi thất bại.” 

Bảy năm tung hoành trôi qua, một hôm ngồi bên dòng sông nghỉ ngơi, chàng sực nghĩ thấy dường như trong mình có gì khác lạ khiến mình dạo này ít sử dụng gương soi mê ngộ cảnh… 

“Chàng nhớ lại trước đây đã có một thời chàng dùng mê ngộ cảnh một cách miễn cưỡng. Chàng nhớ lại những ngày mới xuống núi ấy, chàng đã chiến đấu rất hăng hái khi thấy nguyên hình những yêu quái xuất hiện trên mê ngộ cảnh. Chàng cũng cảm thấy hân hoan vô hạn khi soi thấy trên mê ngộ cảnh hình dáng các bậc hiền nhân. Nhưng trong thời gian trước đây, một cái gì khác lạ đến trong tâm hồn chàng, đến lúc nào chàng không nhận rõ. Chàng đã không thiết tha lắm khi nhìn thấy hình bóng bậc hiền nhân, mà cũng không giận dữ lắm khi thấy một bóng hình yêu quái…” 

Một dấu hiệu đáng ngờ vực nhưng vì chàng đã khởi bắt và nhiễm uẩn rồi nên chàng chẳng để tâm mấy. Bảy năm rồi chàng bận rộn việc cứu nhân độ thế nên chưa về thăm thầy và sư đệ. Chàng quyết định phải về thăm thầy khi nhìn thấy hoa mai trắng nở rộ bên đường.

“Mãi cho đến hôm mười hai tháng tám trước đây, đi qua một rừng mai hoa nở, thấy sắc hoa trắng như tuyết lấp lánh dưới ánh trăng thu, nhớ đến những ngày thơ ấu bên rừng mai già học tập dưới chân thầy, chàng mới quyết định trở về. Đường về sao chàng thấy xa quá. Đi bảy ngày trèo non lặn suối mới về tới chốn cũ.”

Theo triền dốc sườn đồi, chàng hăm hở bước mong đến giây phút được ôm lấy vị thầy thân thương. Nhưng kìa, sao Thầy mình lại dựng đôi cửa tùng chặn đường vào sơn thất vậy? Đến gần, đẩy cánh cửa, sao lại nặng như cùm, không cách gì lay động được nó. Sao lạ kỳ khi thầy không để rộng đường cho dân lành lên bái kiến mình? Rồi chàng cố gắng vượt cửa, chàng lấy kiếm chặt cửa, chàng làm bao nhiêu cách cánh cửa vẫn trơ trơ “cài” chặt. Thì trời chập tối, chàng đành phải nằm lại bên bờ suối qua đêm chờ sáng. Chờ vị sư đệ xuống suối gánh nước thì cùng theo chân lên đảnh lễ thầy cũng chẳng muộn.

Đêm lạnh, đêm chờ, chàng không ngủ để trí óc trở về chuyện cũ bảy năm trước đây.

Bình minh rạng dần, tiếng chân chàng sư đệ với tịnh bình trên tay. Huynh đệ nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi. Chàng liền hỏi lý do thầy chặn đường lên cốc. Sư đệ ngơ ngác dơ tay đẩy nhẹ cánh cổng. Cửa mở! Thầy nào có chặn đường ai đâu. Chỉ có là cánh cửa này sẽ không mở khi yêu quái đội lốt người muốn mở nó. Chàng giật mình và tự hỏi:

“Nhưng không lẽ ta mà lại là yêu quái? Sao cửa lại đóng chặt?”

“Người sư đệ cười lớn: - ‘Vâng đại huynh sao lại là yêu quái được! Đệ cũng quên đi mất là tại sao cửa lại đóng.”

Thế là huynh – đệ cùng nhau đi xuống suối múc nước để rồi cùng lên một thể. Đến suối nhìn mặt nước trong, chàng sực nghĩ đến cái kính chiếu yêu đã lâu mờ bụi trong túi. Chàng bèn lấy nó ra phủi bụi để rồi anh em cùng chụm đầu soi mặt.

Cả hai đều hét lên một tiếng kinh hoàng vang khắp núi rừng vì một hình ảnh hiện lên trong gương thật là khủng khiếp:

“Người sư đệ vừa trông thấy trong gương thần, hình bóng của mình đứng bên cạnh hình bóng một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giống không đáy…”

Chàng trai bủn rủn, chân khụy không nhấc lên được, tâm hồn bị tàn phá nặng nề và có ý định bỏ trốn không muốn gặp Thầy nữa. Sư đệ khuyên nhủ nhẹ nhàng:

“Thầy thương anh lắm. Không sao đâu, đại huynh sẽ ở mãi bên thầy (vỗ về). Đại huynh sẽ sống bên em như những ngày xưa êm đẹp cũ (khóc). Em không ngờ bao nhiêu năm dưới núi đã tàn hại anh đến thế.”

Câu chuyện ngày nay của người đời nay thì đâu có đường lên núi rừng để tìm gặp thầy, đâu có cánh cửa tùng, đâu có gương thần để soi mặt như lời Thầy Nhất Hạnh kể. Nhưng sâu xa thì vẫn mang đầy ý nghĩa của câu truyện “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài”. 

Người người sống trong xã hội, cộng đồng, gia đình ai chẳng muốn làm lành tránh dữ. Ai chẳng muốn giúp người. Có những hoạt động hay quyết định gì đều mong muốn mang lại điều tốt cho người thân thương mình trước, kế đến cho người khác, cho cộng đồng, cho quốc gia. 

Thế nhưng… 

Chắc do vì một sự lầm tưởng, hoặc do u mê, hoặc do minh trí bị một thế lực gì che mờ, hoặc trăm vạn điều gì đó có thể xảy ra trên coi đời này nên mới có sự việc người hại người. Người sát phạt người. Dùng mọi thủ đoạn, đủ mánh khóe để chiếm lĩnh phần trên và hơn cho mình. Hình ảnh này rõ nét nhất ở những người làm chính trị. Các chính trị gia giỏi hay rất giỏi việc dùng lời nói để nói xấu người khác, để cái tốt cái đúng nghiêng về mình. Dĩ nhiên có những chính trị gia muốn giữ sự thật hay, điều thật, điều hay, điều tốt cho dân chúng. Dân tin thì bầu cho người này. Đây là đang nói đến một nước dân chủ, có nền dân chủ thật, người dân có quyền thật như chúng ta đang ở trong xứ Hoa Kỳ.

Thế nhưng, cũng vì dân chủ nên người dân cũng có thể làm nên một người “dân biểu” theo ý muốn của mình. Tạo nên một vị tổng thống theo ý muốn của mình, cho dù ý tưởng đó không còn hợp thời nữa. Trường hợp vị tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã làm nên một đảng phái rất lạ lùng mà lại do chính những người dân có cùng một tiếng nói, ý nghĩ với vị này.

Đó mới là một đơn cử vị tổng thống, người vị trí cao nhất nước được dân chọn. Chưa nói đến các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ của hai quốc hội. Cuộc bầu cử của Hoa Kỳ từ dạo lâu nay đã trở thành chiến trường khốc liệt của phe tốt, phe xấu, phe không xấu không tốt. Một thời đại thật là bát nháo, nếu không nói là thời đại “mạt pháp” mà đất nước Hoa Kỳ đang phải hứng chịu.

Thôi thì stop chuyện lớn ngoài tầm hiểu biết của người viết, quay trở lại chuyện trong tầm hiểu biết của mình. Chuyện trong nhà ngoài phố nơi người viết đang sống.

Gần giống chàng trai trong “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài”, một anh chàng quen tôi, tâm rất lành thiện. Đã từng có một vị chân sư hướng dẫn phần tu tập, có nhiều kiến thức về Phật học, đã từng viết những đoản văn đầy tính Phật pháp, đã từng lập một tăng thân để cùng nhau phục vụ xã hội, trong nhiều năm trời. Và rồi chàng ta có một kế sinh nhai lại nằm trong phần rất cận chính trị. Làm việc cho chính trị gia, trong ban tranh cử. Tâm lành thiện vẫn là nền tảng cho công việc. Nhưng làm chính trị mà chân thực quá, thẳng thớm quá đâu phải là chính trị. Chính trị nói ra đó nhưng vẫn có ý thứ hai ẩn tàng. Làm chính trị khi muốn đạt được cái gì là phải có thủ đoạn. Chữ “thủ đoạn” có hàm ý xấu nhiều. Cho nên dùng chữ “mưu toan, mưu kế” cho được trung tính. Dành phần quyết định tối hậu nghĩa cho từng đối tượng đọc nó.

Làm chính trị phải có mưu kế thì mới mau đến đích, mau đạt được điều mình muốn. Mưu toan khi được chính mình dùng thì mình gọi đó là “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Nhưng đối phương thì gọi đó là thủ đoạn hèn hạ. Tạm phân biệt là thế.

Anh chàng này sau vài năm làm việc cho văn phòng dân cử và văn phòng chiến dịch tranh cử thì có nhiễm một số tính mà người làm chính trị thường có. Tính ấy chàng mang về nhà mà người trong nhà đặt tên là “khẳng định mình luôn đúng, mình là người có tiếng nói to nhất, cần thiết thì mình dùng quyền hành và sự quen biết để đạt được ý muốn”. Vợ chàng cũng đã từng than thở nhiều về mấy tính này.

Các loại “tính dùng trong chính trị” xảy ra trong phạm vi gia đình thì vợ con anh chị em nhịn để rồi cũng êm xuôi bình lặng. Nhưng chuyện lần này không nằm trong phạm vi nhỏ nữa mà nó xảy ra với nhiều hội đoàn, cộng đồng ở nơi anh chàng ở. Khi anh chàng phải đối thoại với một vị bô lão bạn của cha. Cũng vì vị bô lão và các hội đoàn muốn tổ chức một buổi lễ để tỏ lòng kính mến cha chàng. Ý tưởng đó tưởng được các vị anh chị em của chàng tán đồng. Nhưng không! Chàng và một số người trong nhà bác bỏ chuyện cha xuất hiện trước công chúng để đón nhận lòng yêu mến của mọi người. Với lý do cha già, cha không còn mê danh lợi, cha cần đời sống êm lặng cho đến lúc xuôi tay. Hình ảnh đẹp của cha ngày xưa sẽ còn giữ cho đẹp hoài trong tâm thức mọi người. 

Vài người còn lại trong số anh chị em thì lại muốn cha gặp gỡ cộng đồng. Một lần thôi. Vì cha già rồi, chẳng biết sống bao lâu nữa nên để mọi người được gặp NGƯỜI, để trao và nhận lòng yêu mến cho nhau. 

Đúng hay sai ở hai ý muốn của hai phe các con. Không bàn ở nơi đây.

Người viết không bàn chuyện đúng sai, mà muốn nói đến cách làm việc và tính tình con người khi ra đời làm việc, có hay bị nhiễm, bị tha hóa hay không. Anh chàng trên đây dường như đã nhiễm tính chính trị. Nhiễm mà không biết đó thôi. Nên đã cương quyết và hô hào anh chị em ủng hộ quyết định “không” của mình. Anh chàng đã vận động cắt bỏ sự hỗ trợ chọn nơi tổ chức để vị bô lão chủ xướng không thể tổ chức được. Vì ý kiến của anh chàng luôn đúng. Và tất cả những ý kiến khác không cần thiết phải xem, nghe và hiểu làm gì! 

Trở lại chuyện xưa Cửa Tùng Đôi Cánh Gài và chuyện thời đại ngày nay thì làm gì có gươm thần, có kính chiếu yêu để nhận ra mình đã bị nhiễm bẩn. Chuyện thời nay, cửa rào vào khu nhà ở là có khắp nơi. Nhưng cửa rào chỉ ngăn cản được những kẻ lạ, không phải là cư dân nơi đó vì không có “pass code” mở. Anh chàng này đã không mở được cửa vì quên số code hay vì chưa “up date” số code mới. Anh chàng đã không đi qua cửa được, không trở về được với cái tâm lành thiện ban đầu của mình nữa! 

Anh chàng quên lấy thương yêu làm “pass code” để mở cửa rào lòng mọi người.

Gương Thần của Thầy Nhất Hạnh. Khi thầy đưa cái gương lên chỉ là nhắc đến pháp “quay trở lại” nhìn vào trong tâm. Nhìn, nghe, hiểu để thấu rõ vấn đề để thấy ra cái sai. Và khi nhận ra được cái sai tức là có thể sửa được thành đúng. Cái sai không đáng sợ, mà sợ cái không biết là sai. Từ cái sai mới có cái đúng. Đúng đó rồi cũng sẽ biến đi, vì đâu có gì hoài hoài như vậy hoài. Mọi việc phải biến đổi chứ. Như thế thì thế giới mới mới hoài hoài.

Lý sự, lắm sự là chuyện đời thường. Nhưng hai cái “sự” đó nếu có thêm cái gương chiếu yêu của thầy Nhất Hạnh nữa thì sẽ thành hữu sự và hữu ích cho cuộc sống. 

Người viết nhận thấy mình thật là lắm sự rồi đấy nhé!

California, ngày 24 tháng 10 – 2022

Doãn Cẩm Liên

Tài liệu đọc từ: https://langmai.org/.../tap-truyen/cua-tung-doi-canh-gai/

No comments: