Jan 5, 2018

LIÈGE DƯỚI NGÒI BÚT BỐ SỸ


[...]

Tới Liège, Họa giới thiệu với Phượng ba người bạn cũ, hai nam, một nữ, đều là sinh viên của Đại Học Liège. Cả năm người dắt díu nhau đi chơi trong khu Đại học. Trời nổi gió lạ thường, đôi lúc mưa lất phất khiến tình cảm rưng rưng buồn mà thú. Cả năm người cùng được Họa phát cho “cơm tay cầm” – bánh mì paté – vừa ăn vừa nói chuyện vui kiểu gặp đâu nói đó. Họ bước theo triền đồi rồi băng qua một con đường rừng tới bờ một dòng suối đẹp. Họ vào thư viện làm bộ lấy sách mà không đọc, cùng ngồi ngắm qua khung cửa kính cả một khoảng rừng, đồi, thung lũng và làng mạc xa xa. Những cây cao quanh thư viện ngả nghiêng theo gió và lá vàng rụng chao chát từng đợt. Chị bạn mới làm hiệu kéo Phượng tới cùng đứng bên khung cửa sổ kính. Chị nói rất khẽ, giọng thiệt gợi cảm và say mê:

-               Chị trông những ngọn cây phong óng ánh vàng đằng xa kia nổi bật lên nền xanh thẫm của rừng thông. Giữa hai khu rừng bouleau và sapin – phong và thông – là thung lũng tôi ưa tới lắm, nơi đó có con suối quanh năm lúc nào cũng gần như cạn, y như người khóc gần hết nước mắt, giọng thì còn nỉ non.

-               Ý chị định nói tiếng suối chảy róc rách? – Phượng hỏi.

-               Không, ý tôi định nói tiếng than van của Sapin trên nền dạt dào của bouleau. Tôi tới Liège lần đầu vào đúng hôm thứ tư gần ngày lễ St Nicholas, sinh viên Liège đội mũ lưỡi trai của Đại học, mặc áo blouse phòng thí nghiệm, người thì áo trắng sạch tinh – dân Y Dược chẳng hạn – người thì áo rách rưới vì acide và các chất hóa học khác – dân Hóa học chẳng hạn – mỗi người vác một cốc bia rỗng to tổ bố xuống đường chặn người thường lại xin tiền nhậu nhẹt. Rồi họ tụ tập kéo nhau vào những quán rượu, uống say mèm, rồi lại kéo nhau ra đường vừa tiếp tục uống vừa nghêu ngao hát cho quên cái lạnh buốt xương. Tập tục dễ yêu nhưng xa lạ đó càng khiến mình nhận thức rõ hơn niềm cô đơn của mình. Dạo đó gần Noel, đài BBC cho nghe hoài mấy bản Cantates, Oratorios của Bach, thánh thiện lạ, hướng thượng làm sao, mình nghe mà muốn đi tu quách cho rồi.

Chị bạn cười khẽ, Phượng cũng cười khẽ hòa theo. Phượng chăm chú nhìn chị bạn mới, lòng đầy thiện cảm và ôn thầm một lời nói đâu đó trong tác phẩm của ông nhà văn: “Hãy tận hưởng hoan lạc, hãy uống cạn đắng cay! Mỗi cuộc sống cá nhân là một kiến trúc nguy nga gồm những gì họ từng trải trong không gian và thời gian. Đừng bỏ phí những trang sách sống quá ư linh động đó, nếu có dịp được đọc.”

Phượng hỏi chị bạn theo ý hướng tiếp tục được “đọc” thêm:

-               Rồi cuối hè đây, chị tốt nghiệp ra trường. Vậy nếu như xa Liège, chị nhớ những gì của Liège?

Chị bạn nhắm mắt lại để nhìn vào tâm tưởng rồi mở lim dim đáp:

-               Liège có mấy con đường nhỏ cổ kính, quanh co đẹp như tranh. Có vài lần khi hoàng hôn chụp xuống, tôi thấy nhớ nhà quá bèn tung hê hết bài vở, chạy tới những con đường đó, chọn khúc vắng nhất, đứng lẩn sau một gốc cây khuất nhất, ôm mặt khóc. Trời ơi, được khóc như vậy sung sướng không thể tả được, chị ạ.

Cả hai lại cùng hòa nhau tiếng cười khẽ tương đắc, chị bạn tiếp:

-               Để mai chúng ta sẽ dậy sớm, tôi đưa chị leo lên một ngọn đồi có một tòa giáo đường cổ khá lớn. Tự đấy chúng ta sẽ ngắm thành phố thức giấc.

-               Nếu bóng hoàng hôn chụp xuống làm chị muốn khóc thì ánh bình minh thức giấc cho chị cảm giác gì?

-               Tùy mùa chứ! Tôi nhớ vào trung tuần tháng ba năm ngoái, tôi đã ngắm Liège trong bình minh thức giấc như vậy, có những chùm hoa đỏ rực như hoa phượng nằm trên màu xanh đậm của lá và khi nắng vàng ùa tới, tất cả hòa với nhau dịu dàng ấm cúng làm sao. Một lần khác tôi lại chú ý tới những bờ tường trông giống thành lũy đời xưa; dọc bờ tường là những bụi kim tước – genêts – nở vàng hoang dại. Cảm giác chung vẩn phảng phất một cái gì lạc lõng, bâng quơ, tuy nhiên dịu dàng thôi. Ít ai cảm thấy rưng rưng muốn khóc dưới ánh bình minh!

Phượng ướm hỏi chị bạn mà thật ra ướm hỏi chính mình:

-               Có chút học vấn lại nhiễm tính yêu nghệ thuật, cuộc sống đương nhiên nghiêng về tinh thần dễ tự cô lập. Sự cô lập lại thúc đẩy mình đi tìm niềm vui tinh thần trong lãnh vực của nghệ thuật. Như vậy có thành một cerle vicieux không chị?

Chị bạn giải đáp con toán lẹ ơ:

-               Ủa, thế một tâm hồn tri kỷ, một lời nói hợp tâm tình không thuộc lãnh vực của Đẹp sao? Đó là những linh dược làm mình bớt khắc khoải, bớt cô đơn, bớt lo âu đi nhiều, chị ạ.

Mấy người đàn ông đã trả sách, họ tới kéo hai người bạn gái ra khỏi câu chuyện tâm tình. Cả năm cùng đi ăn chiều tại quán ăn sinh viên. Buổi tối hôm đó họ đi nghe hòa nhạc, vé các bạn sinh viên ở Liège đã mua sẵn. Phượng được các bạn cho hay đây là một cuộc hòa nhạc thật đặc biệt, không phải đặc biệt vì gồm sáu Sonates viết cho violoncelle của Boccherini thế kỷ XVIII, mà vì nhạc sĩ cello là người Bỉ, quê hương ở chính Liège này. Ông là một nghệ sĩ thượng thặng thoạt nổi tiếng ở Mỹ, rồi quanh năm đi trình diễn tại các thủ đô lớn trên thế giới, nhưng bao giờ cũng dành mùa thu về quê hương một lần. Sự trở về đó đượm tính chất thiêng liêng của cuộc hành hương, và dư âm cuộc trình diễn, sau khi ông đã ra đi rồi, mang nặng ý nghĩa một thông điệp, một hiến dâng bằng âm thanh cao quý.

Kỳ này đệm dương cầm cho ông là một nữ nghệ sĩ người Gia Nã Đại từng trau luyện tài nghệ nhiều năm tại âm nhạc viện Vienne, rồi âm nhạc viện New York. Âm thanh trình diễn cao quý đã đành, chính hai vị cũng là hiện thân của nghệ thuật nữa, từng nét mặt, từng dáng đi dáng đứng, mái tóc xõa khi cúi xuống phím đàn, mái tóc xõa khi cúi chào thính giả… Nghe khúc Largo mở đầu Sonate số 3, tự nhiên Phượng rưng rưng ứa nước mắt.

Trong thính phòng có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Một anh sinh viên Việt ngồi hàng ghế phía trước Phượng, ý hẳn học về ngành nhạc, bình giảng nhiều với người bạn ngồi bên, khoảng giữa hai bản nhạc. Lời bình giảng đầy hào hứng làm Phượng liên tưởng đến cặp Huân Trinh ở Indiana: “Trước khi trình diễn ông cũng có thói quen ngồi thiền để tĩnh trí như Menuhin ngày xưa vậy. Phương pháp ông diễn tấu năm nay có hơi khác với năm ngoái. Thực đấy cậu ạ, các nhạc sĩ nổi tiếng hay thay đổi phương pháp lắm, mà lần nào cũng hay cả, thế mới lạ chứ. Cậu hẳn còn nhớ Isaac Stern? Ôi chao, archet của ông lăn trên dây đàn cứ như là lái xe bò, thế mà tiếng đàn vẫn tuyệt vô cùng. Thành tinh rồi cậu ơi, muốn gì là được, chả cần thắc mắc cao thấp tròn méo gì cả… Bàn tay tớ nè, bây giờ có vẻ dãn ra một chút rồi. Cậu biết Etude số 1 Ut Majeur của Chopin chứ gì, tớ tưởng không bao giờ đàn được, thế mà kiên nhẫn học mãi cũng xong, lại khám phá nhiều cách trình tấu lạ lùng khác khi tập bài đó mới ác chứ. Rồi bài số 2 Mi Bémol Majeur nữa! Cha cha, bài nào cũng phải dang ngón tay như càng cua ấy. Cần tiếng đàn văng ra thật đẹp, tròn vo, hây hây. Từ đó nảy sinh ra những phương pháp trình tấu để đạt được những thành quả đó. Vì thế, cậu hiểu chưa, kiểu của bàn tay không bao giờ cố định cả. Piano, Cello, Violon hay cái gì gì thì cũng vậy thôi…”

Sau buổi hòa nhạc, năm người bạn kéo nhau vào quán cà-phê để còn tận hưởng dư âm. Ai nấy cảm thấy được khích lệ, được vuốt ve trong thế giới của Đẹp. Ba người bạn trai ôn lại kỷ niệm ăn giao thừa năm ngoái ở Genève, Thụy Sĩ, hồi 5 giờ chiều – giờ giao thừa tại Sài Gòn. Hội sinh viên Việt Nam mời các bằng hữu ngoại quốc tới dự, có hát dân ca ba miền, có diễn chèo cổ Lưu Bình – Dương Lễ.

Khuya, Phượng theo cô bạn về ký túc xá ngủ. Và hôm sau cả hai cùng dậy sớm dắt nhau lên tòa giáo đường cổ, ngắm thành phố thức giấc. Gần giáo đường là đài tưởng niệm quân đội Đồng Minh tử vong trong Đệ Nhị Thế Chiến. Không có màu vàng hoang dại của những bụi kim tước, nhưng có màu đỏ hồng của mấy cụm đỗ quyên.

Sau bữa điểm tâm hơi vội, Họa và Phượng chia tay cùng các bạn ở Liège ngay sáng chủ nhật hôm đó. Khi chiếc Volkswagen đã bon bon trên đường thiên lý, Phượng hỏi:

-               Ta trở lại Paris chứ anh?

-               Qua ngả Besanon!

-               Làm chi vậy anh?

-               Gặp một anh bạn thân khác.

[...]

Trích "Mình Lại Soi Mình"
Doãn Quốc Sỹ

No comments: