Aug 4, 2017

3. DOÃN QUỐC SỸ VÀ TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT



Rồi mùa thu năm ấy, một đêm mưa tầm tã, tôi ngủ lại nhà một ông bạn vong niên gốc Bắc ở ngoại ô thành phố New York. Đã lên giường, với tay tắt đèn, tình cờ bắt được một cuốn sách dầy đọc chơi vài trang. Tôi đọc trọn cuốn đến gần sáng. Đọc đến “nhưng có một cái… mà không gì tàn phá nổi…” tôi khép sách, đặt lên bụng, nằm ngẩn ngơ. Hôm sau, hỏi ra thì được biết cuốn Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến là của Nguyễn Ngọc Bích, hồi ấy còn học ở đại học Columbia, cho ông bạn mượn. Về nhà, tôi vội viết thư thăm “người không quen”, gửi về New York nhờ ông Nguyễn chuyển giao. Kèm theo thư, tôi đính kèm một cái ảnh màu chụp bức mộc bản Giấc Mộng Con Diều mới hoàn thành ba tháng trước.

Đúng mùng 1 tháng giêng năm 1968, Doãn Quốc Sỹ (DQS) lặn lội đi xe buýt Greyhound từ Nashville, Tennessee miền Nam nắng ấm lên tận cực bắc Pennsylvania khỉ ho cò gáy thăm tôi. Mùa đông vùng “tam bang” (NY, NJ, PA) đang ở thời kỳ khốc liệt nhất: bốn bề băng tuyết, có nắng vẫn lạnh ở độ âm, con sông Delaware nước thường chảy xiết đông cứng lại thành một vực sâu chết cứng. “Khách” phương xa người cao, gầy, phục sức xuề xòa, mặt vuông, nước da ngăm đen, hai mắt sáng, quyết liệt nhưng hiền hòa. DQS đã ở lại với tôi hai ngày đầu tiên của năm 1968. Cũng dễ đến mười năm sau, sau năm 1975, tôi mới được đọc Nguiễn Ngu Í viết về DQS:


… “Thật tôi không ngờ người sinh viên Văn khoa cao cao, gầy gầy, có cặp mắt u hoài ấy sau này lại đủ sức kiêm luôn ba nghề nặng nhọc và bạc bẽo nói trên (dạy học, viết văn, làm nhà xuất bản – VĐ) mà nghề nào cũng đánh dấu một cái gì. Thế mà từ chiếc lều con lạc lõng tại trung tâm thủ đô, sang căn buồng chật chội co mình trong khu Đại học xá Minh Mạng, đến gian nhà khiêm tốn anh tạo được trong cái hẻm đường Thành Thái, mười năm đã trôi qua, nặng nề, bực bội, anh vẫn giữ được cái niềm tin ấm áp trong đôi mắt hiền hòa, đôi mắt mà nhìn sâu vào, tôi có cảm tưởng rằng chúng không sợ lửa, mà cũng chẳng sợ giá băng.”


Võ Đình

Hạ, 1988

(còn tiếp) 

No comments: