Aug 23, 2017

Thay Lời Tựa  dành cho tập truyện Cò Đùm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ 



2- Nhiều năm sau tôi bắt đầu thích đọc sách. Biết thế nào là những cuốn sách hay, và những cuốn sách biết hay không biết phân biệt thế nào là văn chương và thế nào là những chuyện hoang đường tưởng tượng. Tôi đã đọc Doãn Quốc Sỹ và mơ hồ nhận biết: Một tác phẩm lớn mở lối tới tương lai, khác với một cuốn tiểu thuyết hay, phục vụ cho thị hiếu bình thường của người đọc. Một tác phẩm kích thước, có thể thay đổi số phận nhiều con người, thường khi là một cuốn sách bán không chạy.
Khi nhận biết được những điều này, tôi bước chân vào tuổi hai mươi. Tuổi của Doãn Quốc Sỹ khi ra đi tham gia trận chiến của ông. Thế hệ tôi lớn lên có một trận chiến khác. Nhưng rồi trận chiến nào cũng giống trận chiến nào. Cũng súng đạn ngoại bang, cũng máu xương dân Việt. Có khác chăng giữa hai trận chiến là diện mạo quân thù. Khi Doãn Quốc Sỹ chong mũi súng về phía đằng trước, thì trước mặt ông là những người thực dân Pháp da trắng, cùng những người lính đánh thuê da mầu. Phía trước mũi súng của tôi là những người đồng chủng, tệ hơn nữa có thể là những anh em con chú, con bác đã không di cư vào Nam như gia đình tôi. Nói một cách khác, thế hệ chúng tôi tiếp tục trận chiến bỏ dở của thế hệ Doãn Quốc Sỹ. Riêng Doãn Quốc Sỹ, ông đã chọn trận chiến của riêng ông, là gióng lên những thất bại của thế hệ ông, nhằm cảnh giác thế hệ chúng tôi trong thế trận mới.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đến với tôi có một vị trí đặc biệt. Trước tiên do những thất bại của ông và của thế hệ ông, những thất bại vì không thể nhắm mắt đồng lõa với sự tàn bạo của con người, dành cho con người. Ông đã bỏ lại đàng sau, cái hàng ngũ đã reo rắc kinh hoàng, tang tóc cho một nửa nước phương Bắc. Ngay khi đặt chân xuống miền Nam, ông ngồi xuống bàn viết, và thế hệ chúng tôi nhận được bức thông điệp đầu tiên của ông. Trong tư cách một nhà văn, ông cổ súy cho: "Lòng nhân ái".
Để chống lại sự tàn bạo đến phi nhân của kẻ địch, võ khí mà nhà văn sử dụng chính là lòng thương yêu. Năm mười tám tuổi, khi đọc "Dòng sông định mệnh - Chiếc chiếu hoa cạp điều" của ông, tôi bắt được những ý nghĩ trong lành trong từng trang sách.
Nói một cách khác trong đời chiến đấu khá ngắn ngủi của ông, ngay khi phát giác những người sát cánh bên cạnh mình, là những con người bạo tàn với đồng loại, với ngay cả đồng bào của chính mình. Khi phát giác ra điều này, nhà văn phải lập tức quay lưng lại với quyền lực, không những quay lưng lại mà còn phải lớn tiếng tố cáo, chống lại những bạo lực này, bằng cách ghi lại những ao ước của mọi người, thể hiện những ao ước này bằng lòng thương yêu, nơi mọi nhân vật trong tác phẩm của mình. Tính nhân bản luôn là nét chính, trong các tác phẩm đầu tiên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Năm 1963, tôi hai mươi tuổi, nằm trong quân trường Thủ Đức. Tôi đọc cuốn đầu của bộ trường thiên tiểu thuyết bốn cuốn"Khu rừng lau", của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Bên ngoài hàng rào quân trường, xã hội miền Nam đang trải qua những cơn bão tố chính trị. Thời đó ông chỉ mới hoàn tất cuốn đầu: "Ba sinh hương lửa - 1962", để rồi những năm sau, trôi nổi trong đời quân ngũ, lúc nào tôi cũng quan tâm đến các phần còn lại của bộ trường thiên tiểu thuyết này: "Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, 1964 - Tình yêu thánh hóa, 1965 và Đàm thoại độc thoại, 1966".

Cách ông đặt tên cho toàn bộ trường thiên, cũng như từng phần cho thấy trong tác phẩm này, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã bầy trước mặt ông quá nhiều vấn đề, quá nhiều mong ước. Éo le thay giải quyết các vấn đề này, cũng như làm đầy những ước mơ này, không nằm trong tay các nhà văn. Đau lòng hơn thế, suốt trong hơn hai thế kỷ cận đại, chưa bao giờ số phần của dân tộc Việt Nam, nằm trong tay dân tộc Việt Nam. Trong bộ trường thiên này, người đọc nhận thấy những biến đổi của chính trị, xã hội bên ngoài, khiến cho Doãn Quốc Sỹ nhìn lại chỗ đứng của ông. Ông đã chọn lầm vị trí khi rời nhà ra đi, tham gia kháng chiến. Chẳng lẽ ông lại lầm một lần nữa?

Một đàng là những bạo tàn đến từ phương Bắc, một đàng là những ung thối của miền Nam. Nhà văn đứng giữa cô đơn biết dường nào. Doãn Quốc Sỹ đã ký thác tâm trạng băn khoăn của chính ông, đan những suy nghĩ dầy dặc của ông, vào hành động của các nhân vật trong bộ trường thiên này. Ông vẫn giữ được trọn vẹn lòng nhân ái cũ, nhưng chen vào đó là những phút bâng khuâng, những câu hỏi về ngày mai. Giọng văn tha thiết với người, với đời còn đó, nhưng niềm tin bạt núi vào tương lai quả có sứt mẻ khá nhiều. Trong cung cách một nhà giáo, đào tạo những nhà giáo khác của ngành Sư Phạm, may thay ông còn được một ngõ thoát khác: Ông đã trực tiếp chuyển những chân thành nơi ông, sang những người học trò của ông nơi ghế nhà trường, ủy thác cho những nhà giáo tương lai việc trao truyền lại "thông điệp nhân ái", mà ông đã dùng những tác phẩm văn chương của ông như một phương tiện để truyền đạt.

Hoàng Khởi Phong
(Còn tiếp)

No comments: