Aug 4, 2017

5. DOÃN QUỐC SỸ VÀ TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT



Một trong những truyện của DQS được bạn đọc yêu mến đông đảo nhất là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (1960). Kết luận truyện này DQS thổ lộ: “Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, (…). (…) Cũng kể từ sau ngày xảy ra chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác giữa kinh thành. Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành. (…)”

Chưa hết! Ông đã từng kêu lên, kêu lên hoài, như một tâm niệm: “Chẳng ai làm bẩn được mình, cũng như mình chẳng thể làm bẩn được ai dù mình nắm trọn quyền hành. Chỉ những hiện thân của u tối, của thiện cận mới tưởng rằng nắm được quyền hành là nắm vững lòng người. Hãy quay trở về với chính mình (…) vun xới tâm hồn mình là chuốt lọc danh dự cho dân tộc, là gieo hưởng hạnh phúc cho đồng loại (…)” (Tiền Kiếp, 1960)

DQS nói lên những điều trên một cách khơi khơi, tỉnh bơ, nói đúng hơn có lẽ nên dùng một thành ngữ của người Anh, “with a straight face!” Bởi vì ông nói mà không có chút mắc cở. Bởi vì ông nói với tất cả sự nhiệt thành của một tấm lòng đôn hậu và một trí óc sáng suốt. Sống ở một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trân tráo, DQS nói chuyện ăn ở thanh bạch, về tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, về nhân đạo và danh dự, v.v. mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó. Ông đáng yêu không phải chỉ vì cái cao thượng, cái phong phú của tâm hồn ông mà chính vì, như ông đã mượn lời một nhân vật của ông trong Cúi Đầu (1970): “Lời ông (…) nói thật có lý, thật thống thiết, lời nói của người đau khổ nội tâm nhiều, lời nói của kẻ cam chịu biết bao hủy diệt để đúc kết lấy một chút ít chân lý trong nhận định. Chân lý vẫn đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng dễ nói lên được nó để xúc động kẻ khác”.
Cái lý tưởng của chàng thành niên trong “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” vẫn rực rỡ một cách hết sức hồn nhiên ở người trung niên và, tôi tin thế, ngay cả bây giờ, ở ông lão ngoài sáu mươi. Trong Con Chuột Chù (1966), sau khi nửa đêm loay hoay mãi mới đập chết được con vật xấu xí hôi hám, Kha đứng thần người nhớ lại hồi đi kháng chiến:
“Một số bạn Kha hỏi cung tù binh da trắng thường cố tình hỏi mỉa ý muốn thực sự làm nhục họ. Một số khác đông hơn đồng ý với Kha là nhục mạ tù binh không làm đẹp thêm chiến thắng của mình, trái lại nữa. Riêng với Kha, từ ngày ấy chàng đã có quan niệm: làm nhục người khác là làm nhục chính mình, nhìn người khác quỵ lụy – nhất là vì miếng ăn, việc thường hay xảy ra ở trại tù binh – chàng có cảm tưởng như chính nhân phẩm mình bị sa sút. Bất cứ một cá nhân nào, theo ý Kha, đều mang trọn vẹn hình ảnh nhân loại nói chung. Tước đoạt nhân phẩm của một cá nhân nào là thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại” (…)


Đến như cái chết của một con chuột bấy lâu phá phách mà còn làm cho Kha nửa đêm đứng chống cái then cửa suy nghĩ vẩn vơ như vậy, huống hồ… Mà sở dĩ như vậy cũng vì DQS là một trong số những người Việt Nam un đúc và un đúc tới nơi tới chốn bởi cả hai nguồn tinh hoa văn hóa Đông Tây. Phật Lão Trang ở ông, đương nhiên rồi. Đồng thời, ngay cả trước thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ (66-68) ông đã có những suy tưởng về nhân loại, nhân quyền, về bình đẳng xã hội, bình đẳng nam nữ, về giáo dục con cái, rất tiến bộ, rất “hiện đại”…


Võ Đình

Hạ, 1988

(còn tiếp) 

No comments: