Mar 7, 2015

BA ĐIỀU KIỆN PHẬT NÓI RA ĐIỀU GÌ


Trích
TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 58
VÔ ÚY VƯƠNG TỬ  
 

Ni kiền tử bày cho vương tử Vô Úy [1] một câu hỏi hai móc [2] để đến chất vấn Phật: "Như lai có bao giờ nói một lời làm kẻ khác buồn không?" Nếu đáp có, thì khác gì phàm phu. Nếu đáp không, thì thành nói dối, vì Phật mới vừa nói Devadatta sẽ rơi vào đọa xứ, khiến cho Ðề bà rất phẫn nộ. Như vậy khi Cồ đàm bị hỏi câu này sẽ như nuốt phải một cái móc sắt, không thể nhả ra cũng không thể nuốt vào.

Vương tử theo lời, thỉnh Phật đến nhà thọ trai xong, hỏi như trên. Nào ngờ Phật hỏi lại ông: "Có phải ngươi chờ đợi Như lai trả lời có hoặc không chăng?"
Vương tử nói: "Bạch Thế tôn, Ni kiền tử đã bị bại ngay hiệp đầu." 

Phật gạn hỏi, ông thú nhận Ni kiền tử chờ đợi Phật trả lời có hoặc không để phản bác, không dè gặp trường hợp này. Khi ấy Phật chỉ vào đứa bé trai đang được bế ngồi trên gối vương tử và hỏi ông ta:
"Giả sử người vú em sơ ý để đứa bé nuốt phải một cái móc sắt, ông sẽ làm sao?"
- Bạch Thế tôn, con sẽ lôi cái móc ấy ra, dù có phải làm cho đứa trẻ đau đớn, chảy máu miệng. Vì con rất thương đứa bé.

Khi ấy Phật dạy: "Như lai cũng vậy, vì thương xót hữu tình, Như Lai sẽ biết thời để nói cho chúng lời nói đúng sự thật, tương ứng với mục đích, dù lời ấy có thể làm họ ưa thích hay không." [3]
Khi ấy vương tử bạch Phật, trước khi đến chất vấn Phật, ngoại đạo phải họp nhau cân nhắc đủ thứ mới nghĩ ra được một câu hỏi; phải chăng Ngài cũng suy nghĩ trước và chuẩn bị sẵn những câu trả lời.

Phật hỏi ông: "Ông có rành về xe cộ không?" Vương tử đáp có, vì đó là sở trường của ông ta.
Phật hỏi, "Ông có cần phải suy nghĩ về những bộ phận xe để mỗi khi ai hỏi, có thể trả lời thông suốt?" 

Vương tử cười lớn: "Dạ không, con quá rành về xe nên ai hỏi là đáp ngay, khỏi cần chuẩn bị gì ráo."
Phật dạy Như lai cũng vậy, đã liễu tri pháp giới [4] nên không cần phải suy nghĩ rồi mới trả lời.
Vương tử Vô úy ca tụng Phật và xin quy y.

CHÚ GIẢI 

1. Vô Úy vương tử là con trai vua Bimbisara ( Bình Sa ) xứ Ma Kiệt Ðà, nhưng không phải là người thừa kế ngai vàng.

2. Ni kiền tử bày ra 1 thế lưỡng nan vì dự định Phật sẽ đưa ra câu trả lời một chiều ( có hoặc không ).
Nhưng khi sự trả lời 1 chiều đã bị loại bỏ, ngõ bí đưa ra trở thành vô hiệu.

3. Phật không ngần ngại rầy la quở trách đệ tử khi Ngài thấy cách nói như vậy sẽ đem lại lợi ích cho họ.

4. Theo Luận giải, pháp giới là ám chỉ trí toàn tri của Phật. Ở đây không nên lầm lẫn pháp giới với danh từ pháp giới dùng để chỉ đối tượng của ý trong 18 giới, cũng không có ý nghĩa nguyên lý vũ trụ bao trùm khắp mọi sự trong Phật giáo đại thừa.

PHÁP SỐ 

Ba điều kiện Phật nói ra lời gì:
1. đúng sự thật
2. đúng thời
3. Tương ứng với mục đích 
(nghĩa là, có nhắm đến một mục đích nào đó, ví dụ cảm hóa người nghe ). Người nghe có ưa thích hay không ưa thích, không thành vấn đề. 

Trích Trung Bô Kinh Toát Yếu
Ni Sư Trí Hải biên soạn
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-ty-05.htm

No comments: