Dec 4, 2009

Thú Sưu Tầm Tem - ANH QUÂN


Đến giờ tôi cũng chưa biết rõ tại sao tôi lại thích sưu tầm tem, không biết có phải là vì ông hàng xóm ngày xưa tại Việt Nam là ông có một quyển Album tem, trong đó có đủ tem Việt Nam Cộng Hòa , Đài Loan, Lào và Cam Bốt, đầy màu sắc thu hút, tôi nhìn không chán mắt nên tôi bắt đầu để ý đến tem. Rồi tôi đi vào sở của mẹ tôi, thấy thư từ có dán tem là tôi cứ cắt bao thư, đem tem đi ngâm, rồi phơi khô và sau cùng bỏ vào Album.Lúc đó tôi được 7 tuổi, những người lớn tuổi cứ nói với tôi là chơi tem chết mới có giá trị, tức là tem được đóng dấu bưu chính, rồi mua những tem của bưu điện với con dấu ngày phát hành đầu tiên thì bộ tem có giá trị hơn. Còn tem sống thì giá trị không có nhiều. Dần dà lớn lên tôi mới hiểu là tem chưa xài qua mới giá trị, chứ tem đóng dấu thì không có giá trị bao nhiêu , ngoại trừ là con tem dán trên một bao thư, gởi từ một thời điểm quan trọng trong lịch sử thì giá trị mới cao, ví dụ như là thời “Nam Tranh Bắc Chiến” bên Tàu, Bác Mao uýnh nhau với Bác Tưởng, thì những thư từ gởi có dấu Trung Hoa Dân Quốc trên con tem thì giá trị khá cao. Vài hôm trước tôi xem trên Ebay có một bán một bao thư trên đó có dán con tem Hong Kong gởi qua Sài Gòn vào năm 1948, họ đấu bắt đầu khoảng 100$, sau đó không theo dõi nữa thì tôi không biết kết quả thế nào.

Những con tem chết mà phát hành lâu năm và nhất thời đó bưu điện không ra nhiều thì con tem sẽ có giá trị, như bên Anh giờ họ đưa giá con tem bà hoàng Victoria (tem phát hành vào cuối thế kỷ 19), giá bán con tem chết khoảng 15 – 17 ngàn us dollar , còn con tem sống là khoảng 30 – 32 ngàn us dollar

Tem Chết giá 15,000 $

Tem sống 30,000$

Khi còn bé, nhiều người nói tôi tem Việt Nam có giá trị là phát hành thời Pháp Thuộc, trên con tem in chữ Indochine (Đông Dương). Tôi có tìm được vài con nhưng không thích cho lắm vì thiếu màu sắc. Sau đây là bao thơ và các tem chết thời Pháp thuộc hiện đang bán trên thị trường khoảng 64$





Cái thích sưu tầm tem của tôi lúc đó là tìm tem ngoại quốc (hình như đầu óc hướng ngoại của mình có từ thưở bé), nhưng cũng phải dễ, những con tem tôi tìm được nhiều nhất là tem Pháp in hình ông Charlse De Gaulle, tem Mỹ với hình ảnh như sau:

Ngoài ra các con tem Bỉ in hình ông Hoàng Bỉ quốc, lúc đó tôi cũng chẳng hiểu lý do tại sao một quốc gia bé tí bên Châu âu lại có liên lạc với Việt Nam. Sau này mới biết là dạo thập niên 70, Pháp rất khó khăn cấp Visa cho sinh viên Việt Nam đi vào du học, nhưng sinh viên Việt Nam lại dễ dàng xin Visa vào Bỉ, thế là ai mà muốn đi Pháp học tự túc thì vào Bỉ trước sau đó tìm cách vào Pháp. Xin giấy tờ chính thức thì khó nhưng ngược lại đi vào bất hợp pháp thì như là chuyện từ San Jose đi San Francisco là chẳng cần giấy tờ gì cả. Đây là chuyện thật trong gia đình tôi, nghe chừng chuyện không thể nào xảy ra được là một người anh họ tôi đi du học tại Hoa Kỳ đến 1974 phải về lại Việt Nam. Trước khi về Sài Gòn thì ông ta muốn du lịch Châu âu với người bạn gái (giờ đã là vợ ông ta). Ong ta xin được Visa vào Pháp, còn bạn gái thì không, nhưng vẫn mang tính điếc không sợ sung, cả hai người vẫn mua vé đi Paris. Tới Pháp thì tất nhiên nhân viên an ninh không cho bạn gái ông ta vào, cả hai anh chị theo kiểu Việt Nam là đứng năn nỉ và họ vẫn không cho vào. Lúc đó vào giờ cơm trưa ông nhân viên nói người con gái thì không được nhưng người con trai thì hợp pháp vì có Visa và ông ta đi ăn cơm trưa. Cô bạn gái nhìn qua nhìn lại thấy chỗ đóng dấu cho vào không còn ai, còn nhân viên chung quanh chẳng ai để tâm, thế là chị ta tỉnh bơ đi luôn, đi lấy hành lý và ra ngoài như mọi hành khách. Sau khi đi chơi Paris, anh chị muốn đi Thụy Sĩ, lại không có Visa hợp thức, nhờ người nhà bên Thụy Sĩ gởi thẻ căn cước (bên âu châu đi lại đôi lúc không cần Passport, một cái ID là đủ rồi), của bà chị, hai chị em cũng có nét giống nhau, nên thằng Tây cũng khó nhận. Thành ra anh chị tới Thụy Sĩ trước quay về Việt Nam. Lúc ra khỏi phi trường Thụy Sĩ, thì anh nhân viên xin lỗi rối rít là nhân viên cho nhập cảnh làm việc bất cẩn là không đóng dấu nhập cảnh đàng hoàng. Kể ra thời đó đi lại bình an nên mọi việc không gặp khó khăn, chứ giờ bọn khủng bố có cơ hội đi đặt bom là làm liền tại chỗ, nên chuyện đi lại đâu còn đơn giản nữa.

Tôi có một người bác, chắc ông có quen biết giám đốc bưu chính Việt Nam, nên luôn có những món quà về tem cò. Trong nhà thì chẳng ai sưu tầm tem ngoài tôi, nên tôi được khá nhiều tem Việt Nam cộng hòa vào những năm 1973, 1974 và đầu 1975. Đến giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi thích nhất các con tem do họa sĩ Vyvy Võ Hùng Kiệt vẽ, tôi không bao giờ quên được bộ “Thú Vui Ngày Tết”


Ngoài ra những bộ như “Cô Lái Đò” , “Du Lịch”, “Ngày Quân Lực VNCH 19-6-1971” , “Phong Tục Việt Nam” “Thư Viện Quốc Gia”, “Hát Bội”... Còn những con tem khó ai quên vào thời đó hay dán gởi thư là hình vua Quang Trung. Ngoài ra có những bộ tem đáng nhớ là những bộ tem duy nhất là in khổ hình tam giác về các loài chim, bộ hướng đạo, công trường Mê Linh (có lời đồn tượng đúc để ở công trường giống bà Trần Lệ Xuân?)...

Sau 1975, tôi vẫn tiếp tục sưu tầm tem, các con tem Việt Nam Cộng Hòa trở thành thứ quốc cấm, ai mà dám trưng bày các con tem như “Bình Long Anh Dũng” hoặc “Chiến Thắng Quảng Trị”. Càng bị cấm thì người ta càng thích tìm, nhất là những câu truyền miệng là giờ không còn tem Việt Nam Cộng Hòa nữa nên thứ này ngày càng giá trị. Nên tôi nhiều buổi trưa chiều, tôi đạp xe khu dân sinh tìm những ông bán tem, đứng lén lúc nhìn tem, có những bộ tem rất them thuồng để mua như bộ tem Bảo Long, Bảo Đại, Chiến Dịch Huynh Đệ phát hành năm 1955, tôi thích xem hình bộ tem này là có lẽ nét hội họa như những bức tranh lớn trong nhà thờ.


Xem tem cho đã (nhưng chẳng mua gì vì làm gì có tiền) là tôi hỏi đến các chuyện hình như xì trum, Lữ Hân Phi Lục, Tintin... viết bằng tiếng Pháp và cũng xem hình tiếp, mà cũng chẳng hiểu gì luôn vì đâu biết tiếng ngoại quốc. Cho đến năm 1979, được biết là sẽ Đi, tôi xin tiền mẹ để mua tem và tôi chạy mua mấy bộ như Bảo Đại, Bảo Long, Nam Phương Hoàng Hậu và khá nhiều tem của thập niên 1960. Sau này bà ngoại tôi đi sau bằng máy bay, đem khá đầy đủ cho tôi những con tem tôi mua ở khu Dân Sinh và các tem tôi sưu tầm trước đó. Còn những bao thư phát hành đầu tiên của các bộ như ngày quân lực, nhân dân tự vệ, Bình Long , Quảng Trị... là bị các ông nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hết vì cho là tem “Phản Động”. May là có một số tem bỏ trong bao thơ nhưng là Hướng Đạo, Chiến Dịch Huynh Đệ... họ không thấy nên đem qua đây được cho tôi.

Cũng nhờ giai đoạn sau 1975, tôi mới thấy được thêm một số giá trị của tem, từ con tem thời Pháp Thuộc, rồi tem in thời “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” năm 1945 trên đó in hình ông Hồ, tiếp theo là tem in chữ Việt Nam thôi do ông Bảo Đại làm quốc trưởng và sau cùng tem Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng thử sưu tầm tem Việt Nam sau 1975, lúc đầu thì vẫn là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thêm đó có các con tem in Công Hòa Miền Nam Việt Nam (tôi đoán là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) sau mới tới tên CHXCN Việt Nam, nhưng tôi không thích thú cho lắm vì cách sản xuất tem của họ vì tôi thấy thiếu mỹ thuật. Hơn thời gian đó người dân Việt Nam quá lo âu với đời sống hàng ngày nên đâu ai để tâm cái trò chơi không ra tiền này.

Đến giờ món giải trí tem tại Việt Nam vẫn chưa được thông dụng cho lắm, cho dù phần mỹ thuật của các con tem đẹp hơn trước rất nhiều. Không biết có phải Bưu Chính Việt Nam chưa biết cách tạo ra cách thu hút về thú sưu tầm tem. Vài năm trước tôi thấy báo Thanh Niên quảng cáo bộ tem về trái cây là hợp tác sản xuất với Singapore.


Thấy cũng hay hay, tôi ghé vào quầy tem tại Bưu Điện Sài Gòn tìm mua, cô bé bán tem sưu tầm ngồi uể oải, chắc là vắng khách. Tôi mới hỏi bộ tem này, thì cô ta trả lời ngay là hết rồi. Tôi hơi nghi ngờ vì nếu bán tem sưu tầm thì ít ra cũng phải nói chuyện khách hàng, chứ đâu ai có cách nói để khách nản long ra đi. Tôi hỏi tiếp là có biết tôi nói bộ tem nào không? cô ta ngập ngừng, tôi bèn nói thôi khỏi đi, không có không sao.

O các cường quốc, họ tạo sưu tầm tem là một nghệ thuật, nào là câu lạc bộ tem, các con tem sản xuất có ngày tháng ấn định, chứ không phải muốn lúc nào in là in. Ra một bộ tem là phải có ý nghĩa, một câu chuyện được viết ra, người vẽ tem phải giải thích được cách hội họa trong con tem chẳng hạn năm trước bên Anh họ ra bộ tem Hướng Đạo, họ viết về lịch sử hướng đạo, phong trào hướng đạo trên thế giới và những người nổi tiếng nhờ đi hướng đạo như ông Bill Clinton, David Beckham.... Hết năm bưu điện sẽ in một quyển sách, ấn loát tuyệt vời, trong đó có các bộ tem phát hành trong năm. Đến giờ tôi cứ để hết năm là mua quyển tem toàn năm tại bên Anh, thỉnh thoảng mua bên Canada. Như bên Canada năm 1996 là bắt đầu con giáp đầu tiên là con chuột, như vậy cứ mỗi năm họ cứ in một bộ tem cho mỗi con giáp và tới năm 2007 thì chấm dứt. Tôi cũng muốn mua nhiều của các quốc gia khác nhưng đắt tiền quá, nên chỉ nhìn con tem của họ trên Internet cho đỡ ghiền.

Trên toàn thế giới các quốc gia sản xuất tem đều in quốc gia của họ trên đó, chỉ trừ Anh quốc là quốc gia duy nhất không viết quốc gia của mình mà chỉ in đầu bà Hoàng (trước đó là ông Vua thì in đầu ông vua). Có lẽ tụi Anh tự hào về sức mạnh hoàng gia ngày xưa, cho nên đến giờ Canada vẫn còn tem bà Hoàng xứ Anh. Nhưng có một điểm đáng chú ý là toàn các thuộc địa của Anh đều lái xe bên Trái nhưng trừ Canada thì lái bên phải.

Sưu tầm tem cả một nghệ thuật, tôi chưa đi đến trình độ cao siêu nổi, chỉ biết loanh quanh những gì mình thấy qua. Trong quá khứ, tôi nhìn được những con tem của Hoàng Gia Cam Bốt và Lào, thời đó tem của hai quốc gia đó có phần trội hơn tem Việt Nam vì người thiết kế là một người Pháp. Ong ta vẽ các con tem Phật Giáo của Lào rất là đẹp, Các con tem của Đài Loan có chiều hướng phát triển tốt đẹp về mặt thiết kế, không thua các con tem Tây âu, nhưng anh Trung Quốc thì lèm nhèm, quanh quẩn những con tem công nhân, búa liềm, hình Bác Mao... giấy in thì rất xấu thua xa anh chàng Hong Kong và Đài Loan.

Có một điều tôi thấy sưu tầm tem giá trị cũng ngang như tiền. Nếu mua tem Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia... thì giá trị có chút xíu, nhưng mua tem Mỹ, tem Anh, Tem Châu âu... thì ngon hơn. Ban đầu tôi nghĩ bộ tem Bảo Long chắc giá trị cao lắm vì in vào những năm 1945, trên cả 60 năm chứ đâu có giỡn. Nhưng lúc vào trung tâm buôn bán tem tại London, mở quyển catalog ra, nhìn giá trị các con tem thì khoảng từ 50 xu cho đến 2$ hết mức. Có lẽ cũng vì ly do đó tôi cũng ít theo dõi tem Việt Nam. Thôi đi theo anh nhà giàu để có cháo mà ăn, chứ ở với anh nghèo thì nghèo hoài....

Giờ ngồi nhìn lại các con tem Việt Nam Cộng Hòa, nhắc cho tôi các thú sưu tầm khác nhau tại Việt Nam vào các thập niên 60 và 70. Tôi nhớ còn một cái thú khác là ngày xưa người Việt Nam rất thích đi xem cine. Mỗi lần đi xem phim là rạp hát in ra một xấp Program, nội dung tóm tắt lại bộ phim đang chiếu trên rạp, rồi in hình các tài tử và hình ảnh trong phim. Người đi xem rồi đem về nhà giữ đó dần dà thành bộ sưu tập. Hầu như các rạp hát Việt Nam thời đó mua phim Hollywood của Pháp sao đó, nên các tờ chương trình in tựa phim bằng chữ Pháp. Tôi còn nhớ các tờ Program được xem qua như phim “Viking” thì họ viết Les Viking, rồi phim the KEY thì cũng viết chìa khoá bằng tiếng Pháp. Rồi dưới đó còn viết phim phụ đề Anh, Hoa, Việt, chắc phim Mỹ nói tiếng Pháp quá. Có lẽ bây giờ muốn tìm các tờ program đó chắc cũng khó nhưng tôi nghĩ không ai còn có ý nghĩ lẩn thẩn như tôi là về Việtnam đi tìm những thứ không cần thiết làm chi.

Thật ra câu nói Việt Nam bây giờ cái gì cũng có thì chắc chưa đúng hết. Trước khi chấm dứt chuyện sưu tầm, tôi kể câu chuyện mới xảy ra đây là tôi có thằng bạn đi về Sài Gòn vào tháng 11 vừa qua. Nó quen được một ông Việt Nam, đang sống tại Sài Gòn, trước kia làm trong đài truyền hình Việt Nam. Ong ta nay về hưu có nói là thập niên 70 có qua Anh tu nghiệp 2 tuần, nên ông ta thích văn hóa Anh lắm nhất là nhạc Swinging 60 hippy của tụi Anh, nên ông thích những ban nhạc như Venture, Shadow, The Kinks, tất nhiên có cả Beatles và Rolling Stone, à nói tới Beatles tôi chợt nhớ năm ngoái phải đi làm trên khu tây London, bị lạc đường, tôi cứ mãi lo tìm đường, thì đi đến một con đường rất đông du khách, rồi có một chỗ băng qua đường thì ai nấy cứ tà tà đi qua rồi cách đi như 4 anh chàng trong Beatles, rồi người cứ chụp hình, làm kẹt giao thông, tôi bực mình cứ nhích xe, rồi qua bên đường thấy bảng đường là ABBEY ROAD, rồi tôi mới hiểu tại sao.

Quay lại câu chuyện, nghe ông ta nói thích nhạc Anh, thằng bạn tôi sốt sắn đi tìm ở các tiệm nhạc tại Sài Gòn, sau cùng nó phải chịu thua sau cả ngày tìm kiếm chỉ tìm được một đĩa Shadow. Sau cùng nó phone cho nguời bạn Anh để ông gởi nhạc Anh xưa bằng Email dưới dạng MP3.

Bởi vậy sưu tầm tại Việt nam không phải là dể có lẽ bên đó họ để thất thoát ra quá nhiều nên đó là một điều đáng tiếc.

ANH QUÂN

3 comments:

Hot... said...

Hello Quân,
Đọc bài viết mới nhất của Quân (posted trên Út's blog) thiệt là hay ! phải công nhận là cuộc đời của bạn cũng lắm cái đam mê quá đi chứ -:)...

6 vinh

Hot... said...

Út ơi,



Anh phải viết gấp cho Út trước khi blog Út ngập bài mới, đẩy bài của Anh Quân vào..quên lãng. Tại vì anh thích cái bài đó, giống như anh thích bài trước, rất dài, Quân viết về đám cưới Việt Ấn, tản mạn nói về đủ thứ, vừa có tính chất phóng sự, (cố nhiên bởi đó là mọt phóng sự về một đám cưới), vừa có cái mà hôm trước anh gọi là giá trị « nhân chủng học » (với những chi tiết về phong tục lễ nghi cưới hỏi người ấn), vừa tếu (cf. câu cuối hứa hẹn sẽ kể về đám cưới đồng tính, con cô dâu là « thằng» VN, vv.). Lần này Quân viết về sưu tầm tem, cũng cùng cái xì-tin nhẩy từ đề tài này qua đề tài nọ, rất đột khởi, linh động, cũng đầy những chi tiết vui vui, có những chuyện khiến khi đọc anh muốn đáp ngay, chuyện sinh viên VN ngày xưa (thời 71-75, thời anh đi du học) qua Bỉ để « dù » qua Pháp (bạn anh đầy người làm vậy), chuyện nhân viên hải quan Pháp lè phè thế nào (có lần, anh theo bạn anh qua Paris, từ Liege lái xe ra tới biên giới, đâu đó vào lúc nửa đêm. Xe ngừng trước trạm kiểm soát. Đợi 15 phút, ngó vào trong thấy mấy tên công an hải quan Pháp cứ ngồi đánh bài, không thèm ra, thôi cho xe vọt đi luôn!)…, ôi thôi đủ thứ chuyện, từ đề tài sưu tầm tem mà Quân lái qua được, thiệt là vui. Anh nhớ cái hôm bài đó ra, đang làm việc, cái đầu nặng chịch, mở blog Út ra coi, đọc xong thấy thư dãn hẳn. Út gửi Quân lời thăm của anh hén.



Anh Tùng

Unknown said...

Nếu bạn muốn phát triển thú sưu tầm của mình thì xin mời bạn ghé qua www.vietstamp. net của CLB Viet Stamp để cùng chia sẻ niềm đam mê nhé.
Chúc bạn một ngày cuối tuần nhiều niềm vui.