Apr 14, 2009

LUẬT SƯ ĐỖ PHỦ VÀ CÂU CHUYỆN VỀ NGÀNH LUẬT Ở MỸ - Đòan Hưng


Luật sư Đỗ Phủ và đồng nghiệp
trong Công Ty Luật Đỗ Phủ-Anh Tuấn


Nói về nghề luật sư, dư luận xã hội Mỹ đi theo hai hướng trái ngược hòan toàn. Các bậc phụ huynh Mỹ thường hãnh diện khi có con mình đang theo học ngành luật. Điền này cũng dễ hiểu, vì ngành luật là ngành khó, ra trường kiếm tiền nhiều, và dễ có cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp chính trị. Nhưng ngược lại, nhiều người nhìn nghề luật sư đầy ác cảm. Ai có xem phim Devil’s Advocate (tài tử Al Pacino, Kevin Costner…) sẽ thấy rõ điều này. Một luật sư giỏi mới ra trường, bắt đầu sự nghiệp với một công ty luật không bao giờ thua một vụ kiện nào. Sự nghiệp thăng tiến, nhưng người luật sư đó mất đi linh hồn cho quỉ dữ, mà hiện thân chính là chủ nhân của công ty luật này.

Một câu nói đùa khá phổ biến ở Mỹ về nghề kiện tụng ở Mỹ: “Có hai trường hợp để trở nên khánh tận trong đời bạn: một là khi bạn thua một vụ kiện này, hai là khi bạn thắng một vụ kiện khác!”. Đụng đến luật pháp là đụng đến tiền bạc, đắt đỏ vô cùng. Để hiểu rõ thực hư, ta hãy cùng nghe Luật Sư Đỗ Phủ- đồng sáng lập viên của Công Ty Luật Đỗ Phủ-Anh Tuấn- nói chuyện về nghề nghiệp của chính mình…

Anh Đỗ Phủ vượt biên năm 80, lúc đó mới 15 tuổi. Sang Mỹ định cư ở thành phố Westminster bang Cali. Ban đầu anh chọn học ngành Aerospace ở đại học Caltec Pomona. Học được vài năm, anh quyết định chuyển sang ngành Marketing, vì thấy mình không hợp với nghề kỹ sư, suốt ngày phải làm việc với máy móc! Cũng ra trường vào năm 90 với mảnh bằng BA, nhưng anh chỉ hành nghề marketing trong một thời gian ngắn. Số là trong thời gian đi học, anh thấy môn Luật Thương Mại hấp dẫn, và có vẻ phù hợp với sở trường của mình. Thế là vào năm 92, anh ghi danh đi học luật ở đại học Western State Fulerton, và ra trường năm 96. Năm 97, Công Ty Luật Đỗ Phủ-Anh Tuấn ra đời. Sự nghiệp luật sư của anh bắt đầu từ lúc đó. Anh còn cho biết anh thích họat động như một trial lawyer, luật sư ra cãi trước tòa, hơn là làm việc bàn giấy.

Bên cạnh nghề luật sư, anh Đỗ Phủ còn có liên quan đến binh nghiệp nữa. Từ năm 85 đến 89, anh học sĩ quan Lục Quân dự bị. Từ năm 89 đến 98, anh nằm trong lực lượng trừ bị của quân đội Hoa Kỳ. Từ sau sựï kiện 9-11 đến nay, anh là Đại Uùy Quân Pháp trong quân đội.

Khi được hỏi tại sao anh lại chuyển từ nghề marketing sang nghề luật, anh Đỗ Phủ cho rằng thực ra nghề luật sư cũng khá giống công việc của một người bán hàng & tiếp thị. “Sản phẩm” mà người luật sư bán chính là câu chuyện về thân chủ của mình. “Người mua” của luật sư là quan tòa và bồi thẩm đòan. Nghề luật sư ngoài ra còn đòi hỏi nhiều khả năng khác. Luật sư làm việc như một nhà đạo diễn sân khấu, phải có kỹ năng kết hợp nhiều yếu tố để tạo nên thành công cho vở diễn của mình. Khán giả ở đây là bồi thẩm đòan và thẩm phán. Luật sư phải cân nhắc câu chuyện của thân chủ cần có những tình tiết nào, trình tự diễn tiến ra sao. Những nhân chứng là những diễn viên phụ, phải sắp xếp cho họ xuất hiện vào lúc nào là hợp lý. Kết hợp với yếu tố luật pháp, người luật sư phải đạo diễn mọi thứ sao cho bồi thẩm đòan cảm nhận được câu chuyện theo chiều hướng có lợi cho thân chủ của mình.

Anh Đỗ Phủ khi còn trong quân ngũ

Câu slogan nổi tiếng của văn phòng Luật Sư Đỗ Phủ-Anh Tuấn thể hiện rõ tính chất “binh nghiệp” trong nghề luật sư của anh: “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Qui luật này rất phù hợp với nghề luật sư. 95% thành bại của một vụ kiện là do khâu chuẩn bị. Chính vì vậy mà người luật sư quên ăn quên ngủ trong khỏang thời gian một tuần trước phiên tòa là hình ảnh thường thấy. 4% còn lại là do sự thể hiện ở phiên tòa. 1% sau cùng là yếu tố may rủi, bởi vì bồi thẩm đòan là yếu tố con người, khó lường trước mọi suy tư, tình cảm của họ.

Rất nhiều khách hàng của luật sư Đỗ Phủ là người Việt. Anh nhận thức rất rõ vai trò của những luật sư gốc Việt như anh trên đất Mỹ trong vai trò bảo vệ quyền lợi cho đồng bào của mình. Do rào cản ngôn ngữ và tính chất phức tạp của luật pháp Mỹ, rất nhiều người Việt mình không hiểu biết nhiều về pháp luật. Số lượng luật sư người Việt tính theo bình quân đầu người Việt sống ở Mỹ là thấp. Trong khi cứ khoảng 300 người dân Mỹ trắng đã có một luật sư, thì tỉ lệ này ở cộng đồng người Việt là 3,000 trên một luật sư! Một chi tiết khá ngạc nhiên và thú vị là bào chữa cho người Việt đôi khi lại có tiền hơn cho dân Mỹ trắng! Lý do: người Việt mình khi gặp rắc rối về pháp lý thì gia đình, họ hàng gom tiền lại để giúp thân chủ trả phí cho luật sư. Chứ người Mỹ thì ít khi chuyện đó xảy ra lắm.

Muốn bảo vệ quyền lợi cho dân Việt thì phải hiểu rõ cả văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Mỹ. Luật Sư Đỗ Phủ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cho nên có lợi thế về mặt đa văn hóa này. Anh Phủ kể rằng có rất nhiều vụ án dính đến người Việt ở Mỹ liên quan đến sự khác biệt về văn hóa. Thí dụ như trường hợp cha mẹ ngủ chung và ôm con khi đi ngủ. Anh Phủ đã bào chữa vài chục vụ kiện vì “tội danh” này! Ở Việt Nam, chuyện này là rất bình thường, nhưng ở Mỹ thì lại là vấn đề lớn. Chỉ cần một trẻ em Việt Nam khi vào trường tình cờ cô giáo biết là tối vẫn ngủ với bố, và hỏi tiếp: “bố em có ôm em không?”. Con nít thì ngây thơ, thành thật trả lời là có. Thế là cô giáo lập tức gọi cho cảnh sát, và ông bố Việt phải ra tòa! Những ca này luật sư bào chữa rất khó khăn, vì bồi thẩm đòan là người Mỹ trắng thường có định kiến trước với các hình thức lạm dụng tình dục trẻ em, vốn hay xảy ra trong xã hội Mỹ. Anh Phủ phải dẫn ra bằng chứng về sự khác biệt văn hóa để bào chữa cho thân chủ. Một thí dụ khác nữa là trường hợp cha mẹ cạo gió cho con để chữa bệnh cảm cúm, vào trường cô giáo tưởng là học trò mình bị đánh đập, cũng gọi cảnh sát đến bắt luôn! Trường hợp này thì phải mời bác sĩ Việt Nam đến làm chứng cạo gió nhưng là một hình thức y học cổ truyển của người Việt để giải thích với bồi thẩm đòan.

Khi được hỏi vụ kiện nào đáng nhớ nhất trong sự nghiệp luật sư của mình, anh Phủ nói ngay đó là vụ án VNI khởi kiện Microsoft về bản quyền bộ dấu của tiếng Việt trên bàn phím máy vi tính. Anh còn nhớ rằng lúc đó (năm 1996) mình mới ra trường. Lần đầu tiên xách cặp đại diện nguyên đơn đi gặp đại diện của phe bị cáo (Microsoft), anh phải đối mặt với cả một dàn hơn một chục luật sư người Mỹ trắng của Microsoft, nghĩ lại cũng hơi… khớp! Trong vụ kiện này, phía Microsoft viện lý lẽ là họ mua bản quyền này từ chính phủ Việt Nam. Nhưng họ không hề biết là chính phủ Việt Nam đã ăn cắp bản quyền từ VNI. Anh Phủ và VNI đã thắng vẻ vang trong vụ kiện này. Lính mới ra trận mà đã thắng trận lớn, anh tự cho là mình có may mắn trong nghề nghiệp.

Nhận xét về dư luận xã hội có cả tốt lẫn xấu đối với luật sư, anh Đỗ Phủ nguyên nhân chính là vì nghề này dính quá nhiều đến tiền bạc. Luật pháp Mỹ quá đắt tiền. Nhiều người theo học luật cũng vì muốn kiếm tiền nhiều, cho nên khi họ “ngửi” thấy mùi tiền là xúi thân chủ mình khởi kiện ngay! Riêng trường hợp của bản thân, anh Phủ cho biết mình học luật là theo sở thích, và hiện tại rất yêu thích công việc của mình. Nhớ lại lịch sử Mỹ thời thuộc địa, người Anh có lệnh bắt tổng quát, có nghĩa là chính quyền có thể bắt bớ người dân bất cứ lúc nào. Khi có độc lập người Mỹ mới lập hiến pháp để bảo vệ người dân, biến hiến pháp Hoa Kỳ thành mẫu mực của thể chế dân chủ toàn cầu. Anh Phủ cảm nhận được tinh thần này. Khi đứng ra bào chữa cho thân chủ, anh có cảm giác đang giúp người dân đen chống lại cả một bộ máy chính quyền. Thắng được một vụ kiện như vậy, anh cảm thấy rất hãnh diện.

Ngoài công việc chính là luật sư vốn rất bận rộn, anh còn tham gia nhiều họat động khác. Anh là Phó Chủ Tịch của đài truyền hình SBTN. Anh là thành viên của một nhóm motorist của người Việt, hay tổ chức các cuộc lữ hành gây quĩ cho thương phế binh Việt Nam. Khi được hỏi làm sao có đủ thời giờ, anh cho biết đời sống quân đội đã dạy anh rất nhiều nhiều điều hữu ích. Anh biết cách sắp xếp thời gian, quản trị công việc. Anh biết cách họach định và thực hiện các chiến lược trong cuộc đời. “Tôi luôn luôn cảm ơn quân đội. Và tôi biết mình là một ngươì may mắn vì được làm công việc mà mình ưa thích. Hãy luôn cố làm những gì mà mình thích và không đi ngược lại với lương tâm của chính mình”. Anh đã tâm sự như vậyđể kết thúc câu chuyện…

Đòan Hưng

No comments: