Feb 15, 2009

LỜI ĐẦU - LỜI CUỐI , Đoàn Khoa



Một người bạn mê ca khúc "Paroles" , từng là hiện tượng của một thời, qua tiếng hát nồng nàn của Dalida và giọng nói thầm thì, tình tứ của kép đẹp Alain Delon, đã nhờ tôi dịch lời bài hát này ra tiếng Việt để anh ta cảm thêm những điều mà đôi tình nhân này thủ thỉ.
Ừ, dịch thì dịch, sẵn tiện nghe lại cũng tốt thôi, tôi nghĩ !
Trước đây tôi có nghe nhưng chỉ hiểu loáng thoáng, có lẽ vì lơ đễnh, cũng có lẽ vì lời ca đã đi từ tai này, qua tai kia rồi chạy mất tuốt, cho nên nay phải ráng chịu khó bịt một lỗ tai lại ... để giữ chữ !!!

..."tiếp tục là những ngôn từ, luôn luôn là những ngôn từ..."
Tôi bỗng mắc cười khi nghe ra câu:
"... Giá như anh biết được rằng, mỗi khi anh bắt đầu NỔ (huyên thuyên), thì em thèm một chút tĩnh lặng xiết bao..."
Đúng thiệt, càng vang lên những lời lẽ kiêu sa, rối rắm, càng khiến cho ta dễ lầm lẫn và ngộ nhận !

"Dễ dàng hay mong manh, cũng chỉ là ngôn từ "...
... Không biết đối với người Pháp, câu nói sau của nhà viết kịch Racine hay ho như thế nào, nhưng đối với tôi, khi được đọc bằng tiếng Việt, tôi thấy trong lòng rộn lên một cảm giác bâng khuâng:
"Ánh sáng ban ngày cũng không trong bằng đáy tim em ..."


... Khoảng cách 10 năm giữa hai lần dựng vở kịch "Những con thú thủy tinh" của Tennessee Williams đủ để tôi ngộ ra hơn câu thoại:
"... Tôi không đi lên mặt trăng, nhưng tôi còn đi xa hơn nữa, vì thời gian là khoảng cách xa nhất giữa hai nơi chốn..."

Tình cờ, tôi gặp một nhà thơ, đồng thời là một người viết thư pháp nổi tiếng. Ông ta cho tôi xem ba chữ viết bằng màu trắng dính liền với nhau, trên nền giấy màu đen: "Bến bờ kia"

Tôi không hiểu lắm thư pháp, đồng thời tôi lại là một kẻ định kiến và cố chấp, tôi luôn cho rằng kiểu thức này hợp với chữ Tàu hơn là chữ Latin, hơn nữa, tôi hơi khó chịu khi nó đã trở thành mốt mà các nhà làm lịch và những người bán đồ lưu niệm tận tâm khai thác. Thế nhưng, khi nhìn ba chữ được trích từ kinh Phật trên, và nhất là khi nghe người viết trút vào đó những tâm huyết, rằng khởi đầu của chuyến đi qua bến sông mê là động vọng và rối bời, thông qua chữ đầu tiên ngoằn ngoèo, bay bướm, thì kết thúc là sự bình yên, thanh thản ở chữ cuối cùng, khi người ta được thấu hiểu và thông truệ.( chữ này trong tự điển không vậy anh Khoa ?)

Tôi cảm thấy một ánh sáng rất nhỏ nhưng đẹp phía bên kia bờ .

(… 3 đoạn này từ “Dễ dàng hay mong manh…” đến “ ..nhưng đẹp phía bên bờ kia” từng đoạn rất hay nhưng chưa nối được với nhau, cần câu chuyển tiếp)

Cũng với nghệ thuật phóng chữ này, tôi đã bị "hố" một phen rõ đau.
Chúng tôi được đưa đến Miếu Nhạc Phi nằm bên bờ Tây Hồ của thành phố thơ mộng: Hàng Châu - Trung Quốc.

Nơi đây, ngoài bức tượng to thờ vị tướng tài ba Nhạc Phi, người ta còn trưng bốn chữ thật to và viết rất đẹp ở nơi trang trọng nhất:

"Tận trung báo quốc"

Người hướng dẫn du lịch vừa kể chuyện, vừa đánh đố chúng tôi:

"Đây là bốn chữ mà mẹ của Nhạc Phi đã xâm lên lưng con mình trước khi ông ra trận. Điều đáng nói là trong bốn chữ này có chữ QUỐC thiếu một dấu chấm, xin hỏi vì sao ?"
Tôi nhanh nhẩu đáp ngay :
"Có lẽ bả viết sai chính tả..."
"Không hề!!! ...Bà ta không chỉ là mẹ, mà còn là người thầy, đã dạy dỗ để ông trở thành một người văn võ toàn tài. Chuyện chữ QUỐC thiếu một nét, không chỉ với ngụ ý đất nước đang bị chia cắt không nguyên vẹn, mà còn là một mệnh lệnh với con mình rằng hãy làm gì cho chữ QUỐC được nguyên vẹn thì làm !"

Chao ôi, để có những người thầy Mạnh Tử vĩ đại, thì cũng cần phải có Mẹ của những thầy ấy còn vĩ đại hơn thế, tôi bẽn lẽn nghĩ !



"...Huyễn hoặc hay trầm trọng, cũng chỉ là ngôn từ..."
Vậy mà có những câu nói làm người ta phải gìn giữ suốt đời.
Tôi nhớ cái dạo dầm dề nhà cô chú Lê Giang - Lư Nhất Vũ, xin mấy câu ca dao làm lời cho một bài hát.

Cô Lê Giang hào phóng, cho câu hát, cho luôn những mẫu chuyện kèm theo...


Chuyện cụ bà Lê Thị Cơ, người sống lâu nhất Việt Nam, mà báo chí đã nhiều lần ca ngợi rằng cụ rất minh mẫn và thuộc rất nhiều dân ca, ca dao...

Cô Giang kể thêm những điều tôi chưa được đọc...
...Lúc cùng chồng đặt chân tới vùng đất Nam bộ hoang sơ, cụ bà chỉ mới 16 tuổi, vậy mà chỉ với một câu ca dao thốt lên, anh chồng ( lúc ấy chắc còn trẻ lắm ! ) đã giữ trọn lòng thủy chung với vợ mình cho đến hết đời .
"Tới đây lạ xứ lạ làng
Bốn bề lạ hết, mình chàng em quen"
... Lời nói, ngôn từ, từ ngữ ...
(Chắc phải có 1 câu gì đó nối “phần á” bên trên với “phần âu” bên dưới này)
Một cuộc trò chuyện ngắn với một người đạo diễn xa lạ đã lóe cho tôi thấy phong cách của phim Mỹ khác với phim châu Âu như thế nào.

Hình như những nghệ sỹ châu Âu, bằng ngôn ngữ kể chuyện riêng của mình, đã tạo những "lỗ trống lấp lửng" nhằm tạo cho khán giả một cảm giác bất an và ta có phần tham gia vào trong câu chuyện bằng cách điền những ý nghĩ riêng của mình vào những khoảng trống đó. Trong khi những nhà làm phim Mỹ đã quá tinh tường, họ nắm khán giả trong tay, họ có thể điều khiển khán giả theo những ý muốn của họ. Vậy cái nào đúng, cái nào nên theo ?


(Chắc lại phải có 1 câu gì đó nối “phần ngôn ngữ điện ảnh” bên trên với “phần ý nghĩa của chữ nhất” bên dưới này)

Thật hay khi tôi gặp một họa sỹ tài ba, anh ta duyên dáng và chừng mực.
Tôi nhớ anh ta nhiều khi anh phân tích chữ NHẤT viết bằng hán tự.
Một nét vạch ngang, không hơn không kém, vậy mà chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên là số một, sau là sự đơn giản nhất, nhưng nó cũng là toàn thể và là tất cả.
Tôi thích anh nói về hình ảnh tượng trưng của sự thăng bằng trong nét vạch của chữ NHẤT.
Có những người đột ngột thành một người khác, họ cứ nghĩ họ là NHẤT, nhưng lại không giữ được sự cân bằng, thật đáng tiếc !

Hôm nay, tôi được xem một phim của Đài Loan, có tựa đề NHẤT-NHẤT . Bộ phim được giải đạo diễn xuất sắc nhất trong một liên hoan phim nổi tiếng trên thế giới.

Câu chuyện xảy ra khi nhân vật bà nội trong gia đình đột ngột bị tai biến não trong ngày cưới của một người con cháu.

Mọi người trong gia đình được phân công phải trực bên gường bệnh và kể cho bà nghe những chuyện xảy ra trong ngày. Chính trong những mẩu chuyện này mà mọi người khám phá ra mình nhiều hơn và họ chợt nhận ra cuộc sống họ tẻ nhạt biết bao.


Trong phim không hề có một cận ảnh, thậm chí những tình yêu được diễn tả bằng những góc rộng, những đại cảnh. Đặc biệt có những trường đoạn khung hình chỉ là một góc phòng, một cái ti-vi tối đen, nhưng đằng sau đó, người ta phải đấu tranh giữa cái sống, cái chết.

Phim không có cãi vả và cũng không có những bữa ăn chung ... Người ta sống cùng nhau, nhưng đã không cùng chia xẻ với nhau từ lúc nào không hay.


Tôi chợt nhớ tới những ngày xa xưa nghèo khổ, gia đình tôi sống trong một mái nhà chật hẹp và dột nát. Đêm xuống, mọi người - cha, mẹ, con cái giăng những cái mùng trên cùng một căn gác gỗ.

Mặc dù những con mọi (mọt?) nhai ván sàn nghe rào rào, nhưng mọi người dường như không lưu tâm mấy.


Trong bóng tối đen ngòm, mọi người vẫn nói cho nhau nghe những chuyện trong ngày, có chuyện vui thì từ trong những cái mùng vang lên tiếng cười khúc khích, còn chuyện buồn thì cùng nhau thở dài thườn thược. Nếu đem cảnh ấy vẽ thành chuyện tranh, tôi nghĩ chắc vui lắm vì trong cái nền màu đen nhẻm, bỗng hiện lên những "bao đối thoại" liên tu bất tận ... cho tới khi ai đó ngáy khò khò lúc nào không hay.


... Và tôi lại hiểu chữ NHẤT này trong một trạng thái khác.

(Vấn đề “chữ nhất” quay lại hơi đột ngột quá. Có cách nào chuyển tiếp êm êm?)
Đối với người châu Á nói chung, gia đình là một nền tảng thống nhất, điều này nhưng (như?) một tiền lệ ngàn đời, thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, mọi người ai cũng tất bật, và mọi người có những đời sống riêng lẽ... điều ấy đã hình thành một chữ NHẤT thứ hai. Làm sao dung hòa được hai chữ NHẤT này ?

Tôi cũng chợt giật mình, hình như càng ngày mình càng ít gặp những người trong nhà hơn, và hình như những câu chuyện kể cho nhau nghe ngày một ít hơn.


Không thể trách từng người, ai cũng có công việc riêng của người đó, ngay cả tôi, khi thức dậy, mấy đứa em đi làm từ lâu, và lúc tối mịt tôi trở về, chúng đã đi ngủ tự kiếp nào ... Hóa ra mình còm may mắn sống chung một nhà !


Từ rày về sau, sẽ còn nhiều vấn đề về nét vạch NHẤT - NHẤT ấy.


Người ta thật thông minh khi nghĩ ra mã vạch. Nhờ nó, những siêu thị tính tiền và quản lý hàng hóa khoa học hơn. Đó lại là một ngôn ngữ mới - ngôn ngữ của thương mại và của quản lý.
Thời đại internet sản sinh ra những ngôn ngữ mới, ban đầu người ta "GÕ" những ký tự không dấu, sau đó là những câu cụt ngủn, không đầu không đuôi... rồi thì chèn vào những hình ảnh được vẽ từ những dấu hiệu.

Mọi người cùng hiểu, mọi người cùng vui, thật là tiện .



...Trên báo, người ta la làng vì nhiều ngôn ngữ đã biến mất, nhưng người ta cũng kêu trời vì những "ngôn ngữ mới" vừa được sinh ra.

Tôi bắt đầu thích gõ trên máy vi tính, nhưng cảm động đến phát khóc khi nhận được một cái thiệp hay một lá thư của ai đó viết tay cho mình mặc dù nét chữ rất xấu. Vậy mình có quá ích kỷ không ?

"...Anh cứ hãy tiếp tục tuôn trào những ngôn từ mà anh nghĩ rằng nó hay ho..." Tôi dịch tiếp lời bài hát...

Đoàn Khoa
tháng 12 - 2001

1 comment:

Hot... said...

Bài Lời Đầu Lời Cuối của ĐK hay đó chứ, mặc dù ý tưởng nhảy như cóc : ) Tao thích kiểu viết như vậy, nó gần gũi và ... thật – as opposed to được sắp xếp để ... lên báo - tiếng Tây là spontané, tiếng Anh là spontaneous, tiếng Việt mình là gì ta ???

Đọc tới đoạn 4 chữ trên lưng Nhạc Phi, thì tao lại rởn da gà vì nghĩ cái miệng rắn tuyên truyền từ thằng tour guide: “Chuyện chữ QUỐC thiếu một nét, không chỉ với ngụ ý đất nước đang bị chia cắt không nguyên vẹn, mà còn là một mệnh lệnh với con mình rằng hãy làm gì cho chữ QUỐC được nguyên vẹn thì làm !"

Đó là luận điệu của Tần Thủy Hoàng bào chữa những dã man tàn ác trong Hero. Đó là luận điệu đi nuốt nước người của thằng Trung Cộng: đã nuốt Tây Tạng, đang nuốt VN và sẽ nuốt Đài Loan...

chi Hai