Từ đâu tạo thành nghiệp?
Nghiệp từ thân, miệng, ý chúng ta tạo nên. Bởi thân miệng ý chúng ta làm lành, nói lành, nghĩ lành nên tạo nghiệp lành. Thân miệng ý chúng là làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ tạo thành nghiệp dữ. Thế nên chúng ta chủ nhân tạo nghiệp cũng chính chúng ta là chủ nhân thọ báo.
Từ đâu có báo ứng?
Mỗi khi chúng ta tạo nghiệp lành hay dữ, mắt chúng ta thấy cảnh ấy, tai chúng ta nghe tiếng ấy, hạt giống lành dữ ấy đã rơi vào tàng thức (kho) chúng ta. Kẻ đối tượng bị chúng ta làm khổ vui cũng thế, do mắt thấy, tai nghe nên hạt giống biết ơn hay thù hằn đã rơi vào tàng thức của họ. Khi nào đó cả hai gặp lại nhau thì hạt giống ân oán ấy trỗi dậy, khiến hai bên tạo thêm một lần nghiệp lành dữ nữa. Cứ thế tạo mãi khiến nghiệp càng ngày càng dầy, ân oán càng ngày càng lớn.
… Nếu mỗi ngày chúng ta đều gieo vào tàng thức những hạt giống tươi, đến khi thân này sắp hoại, chúng ta không còn đủ nghị lực làm chủ, những hình ảnh vui tươi ấy sẽ hiện đến với chúng ta, mời chúng ta đến cảnh vui tươi. Ngược lại, mỗi ngày chúng ta cứ gieo rắc khổ đau cho người, những hạ giống khổ đau chứa đầy trong tàng thức chúng ta, đến khi hơi tàn, lực tận những hình ảnh đó sống dậy, khiến chúng ta phải chui vào cảnh khổ. Đó là nghiệp báo khổ vui của mai kia.
Người xưa thần thánh hoá khả năng chứa đựng của tàng thức bằng khả năng chứa đựng của ông thần độ mạng. Bảo rằng ông thường theo dõi chúng ta, và ghi chép hết mọi hành động thiện ác của chúng ta để báo cáo với Thiên Đình hay Diêm Chúa.
Trích “Tội Phước Nghiệp Báo”, Thích Thanh Từ
(còn tiếp)