Apr 6, 2021

TRÁI CÂY ĐAU KHỔ - Bố Sỹ, bác Thanh Tâm Tuyền

TRÁI CÂY ĐAU KHỔ - Doãn Quốc Sỹ 

Rao phụ cho cháu gái mình: Sách in từ bản scan sách gốc. Giá 30k - Từ Thứ 
https://www.facebook.com/hashtag/bansach


Tác phẩm viết năm 1955, đanh thép nhất, nhưng cũng dằn vặt, chua xót nhất của Doãn Quốc Sỹ.

"Mi còn nhớ chúng ta chăng, chúng ta đã là đồng chí của mi. Chúng ta đã từng bỏ quê hương, bỏ cha mẹ để theo mi. Chúng ta đã từng tố cáo những nơi giấu thóc lúa của họ hàng làng nước để mi tịch thu. Ông bà cha mẹ, chú bác cô dì chúng ta đã theo nhau chết đói chết rét cùng hàng triệu đồng bào xấu số khác.

Mi đã khéo che đậy, cắt xén sự thực để giữ cho dân ngu. Mi đã khéo xảo trá giữ  dân sống trong một cảnh tranh tối tranh sáng giữa chân lý với ảo vọng, rồi dùng giọng lưỡi đưa đẩy, reo rắc căm hờn.

Mi đứng đầu hàng các bạo chúa  phá hoại tình nhân loại. Những ác chúa xưa chỉ gây căm hờn giữa dân tộc này với dân tộc nọ, giữa dòng họ này với dòng họ nọ. Còn mi, mi đã đạt tới kết quả thâm độc nhất: Mi đã phá hoại tới đơn vị gốc rễ của xã hội và của tình thương là gia đình. mi đã gây được căm hờn giữa những phần tử ruột thịt.

Chính vì mi đã sai lầm mà chà đạp lên bao phẩm giá tinh thần, tình cảm nên con người trong xã hội của mi chỉ là bộ máy vô tri vô giác. Chính vì mi đã khinh thường mọi giá trị tinh thần đọa lý nên bàn tay thống trị của mi đặt đến đâu, nơi đó hình ảnh thượng đế chỉ còn tìm thấy ở cây cỏ. Ta quên sao được cái giây phút rùng rợn ấy, giây phút mà ta nhận rõ chân tướng mi. Mi, một con vật muôn phần ghê tởm. một con vật nói tiếng người."

TRÁI CÂY ĐAU KHỔ (1955)

Lời tựa của Thanh Tâm Tuyền 

"Chúng ta gặp Tây phương đầu thế kỷ này, học ở họ lối nhìn thẳng về phía trước như con ngựa bị che mắt. Chúng ta quên nhìn lên vòm trời xanh mãi mãi trên đầu như ông cha xưa.

Doãn Quốc Sỹ là nhà văn sung sướng hiếm có. Hồn nhiên, không mặc cảm, không mâu thuẫn, chân phương và bay bổng. Đẫy thừa chân lý chói rạng cho mình cho người, niềm tin nguyên vẹn về những năng lực mầu nhiệm của loài người phản chống với cảnh ngộ, nhân vật của Doãn Quốc Sỹ là con người nắm chặt được hạnh phúc, bất chấp giao động tráo trở của Định Mệnh. Một nhà văn của cổ tích phương Đông! Bản chất không chấp nhận sự tàn nhẫn, anh viết kịch với những nhân vật hạnh phúc của anh. Và kịch trở thành thơ, một cuộc đối thoại triền miên, không dứt ngụp lặn trong thế giới của Thực và Mộng, quái gở và hồn hậu. Những cái thực được coi là Mộng và Mộng hóa thành Thực. Kịch rốt cuộc chỉ là cổ tích và thần thoại.

Khi Doãn Quốc Sỹ dùng cặp mắt trong suốt và thơ ngây của mình để biến cõi Thực – anh đang phải sống, anh không chấp nhận và coi tính chất bi đát của nó chỉ là phù du trong sự vận chuyển vô cùng khoáng đạt của Vũ Trụ - thành những biểu tượng, vô tình anh đã vĩnh viễn hóa nó trong nỗi bi đát không cùng. Nhưng anh không chịu thua, anh tin tưởng rằng cõi Thực kia – với những tàn bạo, khắc nghiệt, những cay đắng tủi hổ, những thất bại sâu cay, những thúc hối của đam mê dục vọng trong thắt buộc nghiệt ngã của cảnh ngộ - rồi bị nuốt chửng vào trong vòm trăng sao của anh. Tất cả chỉ còn là thần thoại một thời tiền sử. Trong khi nhiều nhà văn ngày nay muốn viết lịch sử, ở đây, Doãn Quốc Sỹ viết tiền sử.

Với Doãn Quốc Sỹ, thế giới Kịch tan rời. Anh là nhà văn trong sáng, nhà văn sung sướng, nhà văn của hạnh phúc. Anh không hỏi và anh chỉ trả lời. Câu trả lời của anh rõ ràng: Kịch không tồn tại, chỉ còn Nghệ Thuật – năng lực mầu nhiệm của con người mà Doãn Quốc Sỹ không một chút hoài nghi. Câu trả lời của anh còn có nghĩa một sự tin tưởng của anh rằng thời đại này vẫn có thể trở thành khởi điểm cho một cuộc tiến hóa.

Trong u ám chật chội của hoài nghi, khắc khoải, thất vọng, vòm trời vằng vặc của Doãn Quốc Sỹ xuất hiện như một khoảng xanh cần thiết.

1963"

THANH TÂM TUYỀN


No comments: