Dec 10, 2020

Lãnh Tụ Việt Nam Vs Tổng Thống Hoa Kỳ - HGàn

Ở Việt Nam thời cộng sản thường ca ngợi các lãnh tụ kính yêu. Sùng bái lãnh tụ là một căn bệnh thời đại của Việt Nam ngày nay. Điển hình nhất là ông Hồ, một điểm tựa sinh tử của chế độ. Chính quyền CSVN phải bảo vệ bằng mọi giá hình ảnh “lãnh đạo anh minh, đức độ” của nhân vật này, và họ đã thành công với nhiều người dân. Cho đến tận ngày hôm nay, nhiều nhà đấu tranh chống lại nhà nước độc tài nhưng vẫn tiếp tục ca cẩm: “…Nếu như bác Hồ còn sống thì đâu đến nỗi!…”. Tượng đài bác Hồ vẫn mọc lên tại những địa phương mà người dân đói nghèo nhất nước. Có một ngôi chùa ở Mỹ Tho thờ cả ông Hồ chung với Phật!

Ở nước Mỹ ít thấy hiện tượng sùng bái một cá nhân lãnh đạo kiểu như thế. Cho đến hiện tại, nước Mỹ chỉ tạc tượng trên núi 4 vị tổng thống, mà có lẽ công trạng của họ được hầu hết người dân Hoa Kỳ bất kể đảng phái đều công nhận: George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt. Một ông tổng thống Mỹ dù giỏi cách mấy cũng chỉ được cầm quyền tối đa 8 năm. Lý do là vì Hoa Kỳ tin rằng đất nước của mình có thừa nhân tài để lãnh đạo đất nước. Vả lại, tổng thống Mỹ dù là người có quyền hành lớn nhất, nhưng cũng chỉ đứng đầu ngành hành pháp trong cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ bao gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ chế dân chủ mới thực sự là sức mạnh để đưa nước Mỹ lên vị trí dẫn đầu thế giới, chứ không phải do cá nhân một ông tổng thống anh minh nào. Một Việt kiều Mỹ về nước chơi đã giải thích cho họ hàng ở Việt Nam tại sao người dân Mỹ “dám”  biểu tình phản đối tổng thống Bush gây chiến tại Iraq. Người Mỹ xem tổng thống là một vị dân cử do mình bầu lên, cho nên có quyền phản đối, hoặc truất phế bằng lá phiếu sau 4 năm cầm quyền. Biểu tình phản đối tổng thống là “chuyện thường ngày” của người Mỹ. Một người Việt Nam rất ngưỡng mộ tổng thống Reagan đã ngạc nhiên khi thấy một người  nhà ở Mỹ không cho rằng chỉ có tổng thống Reagan mới làm cho Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Theo cô ta, đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài, do nhiều yếu tố kết hợp. Khi thời điểm đã chín mùi, dù không phải ông Reagan làm tổng thống Mỹ điều này vẫn xảy ra. Người Mỹ vì vậy có thể yêu quí một vị tổng thống, nhưng không sùng bái như một lãnh tụ ở Việt Nam. 

Cũng chính vì vậy, trong 4 năm ông Donald Trump làm tổng thống, nhiều người Việt ở Mỹ đã ngạc nhiên khi có nhiều người trong cộng đồng tôn sùng ông Trump theo kiểu một lãnh tụ anh minh, một vị cứu tinh của đất nước.  Một thái độ mà họ đã quá chán ngán, vứt bỏ lại Việt Nam khi sang Hoa Kỳ định cư. Có lẽ suốt gần nửa thế kỷ sống trên quê hương mới, chưa bao giờ cộng đồng Việt lại sùng bái một ông tổng thống Mỹ đến thế, kể cả tổng thống Reagan với thành tích làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu. Không phải ai ủng hộ ông Trump, ủng hộ đảng Cộng Hòa cũng “sùng bái lãnh tụ” Trump. Nhưng cũng không quá khó để tìm ra những ví dụ cho hiện tượng này. Trong một cuộc tuần hành mừng sinh nhật tổng thống Trump được kênh Youtube Daily Caller phổ biến vào ngày 4 tháng 7 2019, một ông gốc Việt đã nghẹn ngào khóc khi nói về ông Trump: “I love him. He do very good. He do a good job…”. Trong một cuộc tuần hành ủng hộ Trump khác tại Machester, New Hampshire vào ngày 14/08/2019, một cô gốc Việt trả lời phỏng vấn trên kênh Youtube Right Side Boardcasting Network rằng 100% người  Việt trên đất nước này ủng hộ tổng thống Trump. Cô cầu Chúa để ông Trump được làm tổng thống 3 nhiệm kỳ! Trong một sự kiện khác, cuộc tuần hành ủng hộ Biden-Harris vào sáng ngày 10/10/2020 của người Việt  Little Saigon Quận Cam đã bị quấy rối bởi những người ủng hộ tổng thống Trump. Những người ủng hộ Trump đã gào vào nhóm ủng hộ Biden rằng: nhận $1,200 tiền hỗ trợ của tổng thống Trump mà nay đi ủng hộ Biden là đồ vô ơn bạc nghĩa; Đảng Dân Chủ bán đứng VNCH, bán đứng Mỹ cho Tàu Cộng… Cần ghi nhận là nhiều cuộc tuần hành trước đó ủng hộ Trump tại Little Saigon không hề gặp một sự quấy phá nào của phe Biden.

Vì sao hiện tượng “sùng bái lãnh tụ” trở lại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ? Có nhiều nguyên nhân. Người viết bài này đã có hai bài phân tích mới đây về những lý do người Việt ủng hộ Trump:

https://www.sbtn.tv/gap-go-nhung-nguoi-viet-ung-ho-tong-thong-trumpdoan-hung/ 

Và sự xuất hiện của các kênh truyền thông trên mạng xã hội tung tin tức ủng hộ Trump một cách có hệ thống:

https://www.sbtn.tv/gioi-truyen-thong-my-vs-co-quan-tuyen-truyen-viet-nam-dan-viet/ 

Bài viết này nói thêm một nguyên nhân nữa: chính ông Trump có nhiều biểu hiện của một lãnh tụ độc tài. Cho dù là người theo Dân Chủ hay Cộng Hòa đều có thể nhận ra điều này từ chính hành động, lời nói của ông ta:

Ông Trump đã nhiều lần tỏ ra ngưỡng mộ các lãnh đạo độc tài trên thế giới, như lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, tổng thống Phi Luật Tân Duterte, và đặc biệt là Putin và Tập Cận Bình. Vào năm 2016, ông Trump khen ngợi Putin là nhà lãnh đạo tài ba hơn Obama. Vào ngày 16/07/2018  tại Helsinky, trong cuộc họp báo chung với  Putin, ông Trump làm cả nước Mỹ sững sờ khi tuyên bố đứng về phía Putin, không tin vào kết luận của Tình Báo Hoa Kỳ truy tố 12 tình báo quân đội Nga tham gia can thiệp vào cuộc bầu cử 2016. Chính khách của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã chỉ trích dữ dội tuyên bố của ông Trump. Còn đối với Tập Cận Bình, vào ngày 3/3/2018 tại Florida, tại một buổi gây quĩ tại Florida, ông Trump đã ca ngợi việc Tập sửa đổi hiến pháp để mình có thể làm hoàng đế trọn đời, và nghĩ Mỹ có thể sẽ làm tương tự. Nguyên văn lời ông Trump được CNN ghi âm lại: “He’s now president for life, president for life. And he’s great. And look, he was able to do that. I think it’s great. Maybe we’ll have to give that a shot someday…”.

Ông Trump chỉ sử dụng người trung thành và sa thải rất nhiều viên chức cao cấp bất đồng quan điểm. Có lẽ ông Trump là tổng thống Mỹ duy nhất bổ nhiệm nhiều người trong gia đình vào ban cố vấn để điều hành đất nước: con gái, con trai, con rể. Và ông Trump là tổng thống Mỹ đạt kỷ lục về việc sa thải các viên chức chính phủ cao cấp vì làm trái ý mình, cho dù chính ông là người bổ nhiệm họ. Theo một thống kê của trang web www.brookings.edu , cho đến tháng 12/2020, các cố vấn cao cấp của ông Trump đã bị cách chức hoặc từ chức là 59 trên tổng số 65 người, đạt tỉ lệ 91%! Còn con số này ở các bộ trưởng trong nội các của Trump là 11 vị, trong đó có hai vị Bộ Trưởng Quốc Phòng là Jim Mattis và Mark Esper. Ông Mark Esper mới bị sa thải trong tháng 11 ngay sau khi ông Biden được công nhận là thắng cử, với lý do đã không đồng ý với tổng thống Trump trong việc sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc biểu tình. Thành tích sa thải người của ông Trump trong 4 năm cao hơn tất cả các vị tổng thống khác trong 8 năm cầm quyền!

Giống như các nhà độc tài trên thế giới, ông Trump xem hầu hết các cơ quan truyền thống báo chí độc lập của Mỹ là kẻ thù. Ngay cả Fox News - đài truyền hình thân Cộng Hòa đã ủng hộ ông Trump trong suốt gần 4 năm- cuối cùng cũng đã bị đưa vào nhóm “fake news”, sau khi là Fox News công nhận ông Biden thắng ở tiểu bang Arizona, và sau đó cùng tất cả các công ty truyền thông lớn khác công nhận Biden là tổng thống đắc cử.

Ông Trump chống lại các trụ cột của nền móng dân chủ Hoa Kỳ. Cho đến tận sau ngày 8 tháng 12 2020, ông Trump vẫn không công nhận là mình thất cử, cho dù đã thua trong hàng chục vụ kiện cuộc bầu cử là gian lận có hệ thống trên qui mô lớn, nhưng lại không đưa ra được trước tòa một bằng chứng thuyết phục nào. Ông không tin vào hệ thống bầu cử,  không tin vào hệ thống tư pháp độc lập với hành pháp của Hoa Kỳ. Ông lên án những vị lãnh đạo Cộng Hòa tại các tiểu bang chiến trường, vì họ đã không giúp ông đảo ngược kết quả bầu cử. Ông kiện lên đến Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, vì tin rằng những vị thẩm phán do ông bổ nhiệm sẽ đứng về phía ông. Ông xem mình như một vị anh hùng muốn dọn sạch “đầm lầy Washington DC”, một mình chống lại “các tập đoàn truyền thông thổ tả lũng đoạn chính trị Hoa Kỳ”. Không thấy rõ ông đang sử dùng loại “vũ khí trong sạch” nào để làm việc này, mà chỉ thấy ông hành động như một nhà độc tài,  tấn công tất cả những ai dám chống lại mình.

Nhưng rồi nền dân chủ Hoa Kỳ cũng đã có tiếng nói sau cùng. Khác với ở Việt Nam nơi người dân phải sùng bái những lãnh tụ không do họ bầu ra, cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử 2020 đã nói không với tổng thống Trump. Nếu ông Trump không thể chứng minh cuộc bầu cử là gian lận, không thể ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp độc lập, không thể thuyết phục những vị lãnh đạo cùng đảng phái với mình để đảo ngược kết quả bầu cử, ông sẽ bị buộc phải rời Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/01/2021 sắp tới cho dù vẫn không nhận thất bại. Tuy nhiên, cho dù ông Trump không còn là tổng thống Mỹ, ảnh hưởng của ông lên những người ủng hộ vẫn còn rất lớn. Chưa biết chừng nào người dân Mỹ mới khôi phục lại niềm tin vào các giá trị dân chủ mà ông Trump đã bôi nhọ, mới thoát ra khỏi tình trạng chia rẽ sâu sắc mà ông đã tạo ra trong 4 năm qua. Nếu tổng thống tân cử Biden không làm được công việc hàn gắn những vết thương này, nước Mỹ chắc sẽ còn phải đối mặt với tình trạng “sùng bái lãnh tụ” theo kiểu Donald Trump trong tương lai.

Dân Việt

No comments: