Dec 11, 2017

GỞI CON EM ĐI DU HỌC ...


Gởi con em đi du học: nền tảng gia đình trung lưu trí thức Việt Nam đang bị lung lay




Một người gốc Việt ở Mỹ về lại Sài Gòn trong những ngày tháng cuối năm 2017, đã nói với bạn bè thuộc giới trung lưu trí thức trong nước về một khuynh hướng đáng buồn cho xã hội Việt Nam: giá trị gia đình truyền thống Việt Nam đang bị lung lay trong tầng lớp tinh hoa của đất nước.

Đã từ lâu, giá trị truyền thống gia đình được cho là một bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nó làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam từ ngàn xưa. Các gia đình Việt Nam với sự chung sống trong một mái nhà của các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu. Sự giáo dục nhân cách cho con cháu trong gia đình  được chăm sóc bởi nhiều bậc trưởng thượng. Vì thế mà thế hệ trẻ dễ dàng hình thành cho mình một nhân cách tốt. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là một câu tục ngữ nói lên sự quan trọng của giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.

Trở về Sài Gòn ngày nay, ai cũng dễ nhận ra rằng trong  giới trung lưu trí thức, có rất nhiều gia đình chỉ còn lại hai vợ chồng. Con cái của họ đã được cho đi du học ở nước ngoài. Phải xác nhận rằng trong xã hội Việt Nam, không chỉ có thành phần “con ông cháu cha”, con cháu quan chức mới được đi du học. Nhiều doanh nhân thành đạt, hay những người làm việc cho các công ty nước ngoài lâu năm, nếu biết cách dành dụm, thì cũng đủ điều kiện cho con đi du học.  Con số những gia đình như vậy không ít ở Sài Gòn nói riêng, và ở các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung. Họ không phải là thành phần quan chức nhà nước tham nhũng, làm giàu bằng quyền thế. Họ là một phần tinh hoa của dân tộc, những người có trình độ, tri thức và tài năng.

Tác hại của hiện trạng “tị nạn giáo dục” ồ ạt tại Việt Nam ngày nay thường chỉ nhắc đến trong khía cạnh kinh tế, xã hội. Đi du học là đổ tiền bạc, tài sản dành dụm của người dân Việt Nam ra nước ngoài. Và khi các du học sinh không trở về, thì đó là tệ nạn chảy máu chất xám. Nhân tài Việt Nam nay phục vụ cho các quốc gia vốn đã phát triển sẵn, mà không về giúp ích cho tổ quốc Việt Nam.

Ít có người để ý đến tác hại của “tị nạn giáo dục” dành cho gia đình Việt. Những gia đình trí thức tinh hoa của xã hội Việt Nam như đã chỉ ra ở trên, nay chịu chung một hoàn cảnh là gia đình ly tán. Gởi con ra nước ngoài, gia đình phải chấp nhận nhiều rủi ro. Ở độ tuổi vị thành niên, cho dù môi trường giáo dục Âu Mỹ có tốt cách mấy đi chăng nữa, con cháu vẫn cần có sự giáo dục, hướng dẫn của cha mẹ, ông bà về mặt nhân cách. Xa cha mẹ từ nhỏ, rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học đã “thành công” nhưng không “thành nhân”.

Nhiều cháu bị khủng hoảng tâm lý do phải tự tìm cách hội nhập với một xã hội mới lạ. Nhiều cháu bị hư hỏng. Nhiều cháu học hành thành tài, nhưng không còn thiết tha với gia đình ở Việt Nam nữa. Và ngay chính các bậc cha mẹ hầu hết đều muốn con cái của mình có cơ hội ở lại các nước Âu Mỹ sau khi tốt nghiệp, để chúng có một tương lai tốt đẹp hơn. Họ chấp nhận cảnh chỉ còn hai vợ chồng già sống chung  trong những căn nhà ba bốn tầng, mà trước đây là mái ấm của một gia đình Việt Nam. Những căn nhà nay thiếu đi tiếng cười đùa, trò chuyện của con trẻ. Thay vào đó, các bậc cha mẹ phải canh giờ để điện thoại, hay “Skype”, hay “Viber” với những đứa con thân yêu ở tận phương trời nào. Có những bà mẹ thấp thỏm vì những đứa con gái cưng đi học ở nơi xa, mà không yên tâm là con mình có an toàn không. Có nhiều người chỉ còn biết cầu vào Trời, Phật che chở cho con mình.

Những hoàn cảnh như vậy làm đau lòng những người xem trọng truyền thống gia đình Việt, và đang cố gắng gìn giữ truyền thống này tại hải ngoại! Khi được hỏi có thấy mất mát lớn lao không khi chấp nhận xa lìa con trẻ, hầu hết cha mẹ của các du học sinh đều ngậm ngùi trả lời rằng có. Đó là một sự hy sinh rất lớn. Tuy nhiên, họ nói rằng không có sự lựa chọn nào tốt hơn ở trong nước. Hầu hết đều nhìn thấy sự xuống cấp mọi mặt của xã hội Việt Nam, từ môi trường, giáo dục, đạo đức xã hội, cho đến đe dọa Hán hóa đang rõ nét từng ngày.

Và đáng ngạc nhiên hơn nữa, khi người từ nước ngoài về đặt câu hỏi là liệu họ có thể làm thay đổi được đất nước Việt Nam hay không, hầu như tất cả đều im lặng! Có người nghĩ rằng khi xã hội đã băng hoại đến mức cùng cực, thì lúc đó “cùng tắc biến”, đất nước sẽ tự thay đổi! Hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu trí thức- tầng lớp tinh hoa của dân tộc VIệt Nam- nay đều chọn con đường cam phận. Họ không muốn có hành động tích cực nào để dành lấy một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình, cho con cháu mình ngay trên quê hương Việt Nam. Gởi con đi ra nước ngoài là một hình thức hy sinh mà họ vẫn có thể cam chịu được cho đến lúc này. Và giá trị truyền thống gia đình Việt Nam vì thế mà tiếp tục mai một dần ngay chính trên quê hương Việt Nam…

Đoàn Hưng

(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)

Source: http://www.sbtn.tv/goi-con-em-di-du-hoc-nen-tang-gia-dinh-trung-luu-tri-thuc-viet-nam-dang-bi-lung-lay/

No comments: