Jun 11, 2017

3. VÀI KỶ NIỆM VỚI ÔNG GIÁO





Anh em Sáng Tạo với nhau, người trước người sau chúng tôi nể trọng, coi như đầu đàn là nhà văn Nguyễn Sỹ Tế. Chừng mực vô chừng. Trầm tĩnh vô chừng. Trong cái nhìn của chúng tôi, cái tiềm ẩn, cái thâm sâu của tri thức Nguyễn Sỹ Tế như những cành lá chen đậm đặc của một cánh rừng, không biết đâu là giới hạn. Một vài trọng nể khác nữa. Không toàn vẹn, vì xa, gần từng lúc như nhà văn Trọng Lang, một cây bút phóng sự sắc nhọn tinh quái của Tự Lực Văn Đoàn. Như nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh. Còn lại, bằng tâm mỗi tên một kiểu. Giáng vẻ thi sĩ tiền chiến, phong cách Rimbaud, Verlaine đầu bù tóc rồi, thế sống lăng ba vi bộ, bất kể và bất cần, rời khỏi sân chơi sớm nhất là Quách Thoại. Thanh Tâm Tuyền cái đầu húi ngắn, công nhân Ba Son, nhai đá rau ráu và chân đi chữ bát, một thiên bẩm nhiều mặt. Tô Thùy Yên trầm trọng, loắt choắt, mỗi lời thơ như một đạo bùa, “Ta về khai giải bùa thiêng yểm”, còn là sự ngạc nhiên lớn của chúng tôi, gốc gác Bắc kỳ, nghĩ thơ chỉ Bắc chỉ Trung, không ngờ phương Nam cũng sinh thành được một tài thơ tiền chiến. Trần Thanh Hiệp, khắc khổ như một ông cụ già, tướng hầu, lúc chúng tôi gọi là thủy tổ loài người, lúc là Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng. Ở giữa, trung dung, bình nguyên, như một tập hợp hiền hòa, hóa giải được mọi tỏ hiện quá khích là “ông giáo”, là Doãn Quốc Sỹ. Giữa chúng tôi, một khác biệt hẳn. Ông không mở “những phòng thí nghiệm trên cỏ”, danh từ này của Tô Thùy Yên, để pha chế những hợp kim mới cho ngôn ngữ mới, như chúng tôi. Khi với tờ Người Việt rồi tờ Sáng Tạo, chúng tôi náo nhiệt bàn tới những vận động làm mới văn chương, làm mới tình yêu, làm mới tâm hồn, ông chỉ cười. Không phản đối cũng không hưởng ứng. Chỉ ung dung ở yên trong cõi viết bình dị, đầy đặn, hồn hậu của mình, một cõi viết không mảy may giao động trước một hiện tượng văn chương thế kỷ nào, một cõi viết ở đó là con người, không nửa người nửa thú, con người là chủ thể, là nhân sinh tính bản thiện, là một hòa đối mãi mãi và không cùng với tạo vật và thiên nhiên. Con người. Trước hết. Chỉ con người thôi. Đúng vậy. Với ông giáo. Như yêu thích điều gì, ông thường vỗ đùi và luôn miệng thốt lên tiếng humain, humain (rất người, rất người). Khiến gọi ông là ông giáo, chúng tôi còn gọi đùa là “me-sừ humain”, mỗi khi có chuyện gì nói tới Doãn Quốc Sỹ.



Đặt Doãn Quốc Sỹ vào thể loại nhà văn nào? Tiền phong? Mở đường? Khai phá? Đều không phải. Tôi nghĩ đơn giản bình dị hơn, ông là người kể truyện, thuật truyện bằng văn chương. Và không bao giờ rời khỏi vị trí và phong cách ấy. Một narateur nhé. Kể chuyện đời sống. Kể chuyện đời người. Chuyện những nắng mưa. Chuyện những biến cố dùng hình ảnh xưa: một lão trượng gậy trúc, áo lam, ngồi ung dung dưới một bóng cây, kể chuyện cổ tích, kể chuyện nhân gian cho người đời thưởng thức, hình ảnh ấy cũng khá đúng một phần nào với Doãn Quốc Sỹ. Ông đã viết khá nhiều truyện cổ tích, có không khí thần thoại. Ở những truyện này nhân vật của ông là một loài thủy quái đã ba ngàn năm thành tinh ở một vùng biển phương Nam, là con yêu đội lốt người ở một hang động quỷ, là con cá nói được tiếng người, là con sóc có hiệu năng hô phong hoán vũ. Vân vân.


Mai Thảo
(còn tiếp)

No comments: