Mar 13, 2017

BÙ NHÌN VÀ BÒ ĐÓI

Bù nhìn & bò đói!
"Thầy lấy quá trình làm điểm thi cho em, tuy thấp nhưng đủ để lên lớp - Sau đó thầy trầm giọng -  Điểm số thật ra không quan trọng, ngoài đời thì gần như ai dùng nó làm gì, nó chỉ có giá trị nhất thời, dù vậy, ta vẫn cần có nó!"
Dù thầy Trí đã "ưu ái" khi cho tôi tiếp tục, tôi vẫn thấy mình không ổn, gần như không thở cùng một bầu không khí với mọi người - tất cả đang tồn tại, còn tôi đứng ngoài. Vết thương đầu tiên này không dễ lành ngay, cần có thời gian vừa đủ.
Như đã nói ở trên, không biết vì "đắt sô" không xếp được lịch dạy của thầy hay vì nhà trường "có vấn đề" trong khâu tổ chức - lớp đạo diển & diễn viên khóa này bị trễ hẳn 6 tháng!
Nhà trường dạy cho chúng tôi điều gì trong nguyên học kỳ "chờ đợi" đó?
Chẳng hề "ở không", sau khi mừng quýnh vì nhận được giấy triệu tập trúng tuyển vào trường Nghệ Thuật Sân Khấu II, lý ra phải chúi mũi vào các môn học thì chúng tôi phải thường xuyên đóng đô tại công viên trước Dinh Độc Lập để học quân sự với lời giải thích vô cùng hợp lý rằng nghề này rất cần kiến thức thực tế, mai mốt có tuồng chiến tranh thì thao tác của chúng tôi sẽ chính xác và giống y như thật. Hợp lý quá!!!
Hằng tháng có vài dịp về lại thăm trường!
Đó là những ngày phát nhu yếu phẩm hoặc lãnh gạo. Chuyện này thần tiên hơn tất cả những film được xem vì mỗi đứa được những 18 kg gạo (cao gấp đôi dân thường chỉ 9kg/ tháng). Ngoài ra còn 2kg thịt, 2 hộp sữa, 1 kg đường, gói bột ngọt và vài linh tinh khác như kem đánh răng, bàn chải, dao lam, kim chỉ... (Thời đó, so với các nghề khác, nhà nước hết sức ưu ái ngành "nghệ thuật". Về sau này nhiều nghệ sỹ tự thú rằng mình thi vào trường vì chuẩn nhu yếu phẩm chứ không hề khái niệm gì về nghệ thuật hay diễn xuất!)
Tất cả học sinh phải có mặt ký tên nhưng gạo, đường, sữa, thịt... thì con buôn chợ Thái Bình gần đó tự động mang đi. Số là học sinh & sinh viên trường này luôn túng thiếu, họ bán trước tiêu chuẩn của mình cho tiểu thương trong chợ, vì vậy hiện tượng trên diễn ra như mọi sinh hoạt bình thường của trường, chả gì phải lén lút.
Tôi là số ít hiếm hoi chở gạo cùng những "nhu thiết" về nhà. Kỳ tích này trình với ba má hãnh diện hơn là chuyện khoe điểm tốt! (Về sau, khi thân với chị phát thịt, tôi được "ưu ái" nhận nhiều lần phần mỡ, thay cho mớ thịt bầy nhầy, nhơ nhớp, nhìn không cũng đủ thấy ớn!)
...Lăn - lê - bò - toài... riết cũng hết bài, bọn tôi học tháo & ráp súng. Có cuộc thi bịt mắt ráp súng (chấm điểm đàng hoàng), lúc nào tôi cũng thua, làm quá lâu so với quy định (mở mắt còn không xong huống hồ!).
Sau mấy tháng quân sự, 2 lớp qua môn "gặt lúa"... (cũng để có vốn sống!)
...Dừng chuyện tào lao này ngay, nếu không sẽ bị "lạc đề"! (sợ 2 từ này lắm!)
Phải cám ơn nhà trường khi neo việc học của chúng tôi suốt nửa năm trời, sau học kỳ 1, thay vì ăn Tết, chúng tôi lại được nghỉ Hè, nhờ đó "Dê con" đủ thời gian chữa lành vết thương, đồng thời "cân bằng được tư tưởng" nhằm dọn mình tinh tươm chờ một học kỳ mới!
Những đơn nguyên còn lại của diễn viên như "Vô thực vật"*, "Tưởng tượng", "Hành động đạt mục đích tối cao"... càng khó dần nhưng nhờ nhiều bài tập thú vị nên không khí lớp sôi động hơn.
Chiếc dép biến thành điện thoại, viên gạch ống là trái xoài, ghế xếp thành xe đạp, mô tô... kích thích khả năng tưởng tượng trong từng học viên. Nhờ "Vô thực vật" chúng tôi có thể biến "không" thành "có" từ những vật nhỏ như ly nước, trái banh cho tới những không gian lớn hơn như bãi biển, bến xe, nhà thờ, trường học...
Còn "Mục đích tối cao" giúp chúng tôi tạo một đường dây tuy vô hình nhưng xuyên suốt trong nhân vật, nó cũng làm cho vai diễn hấp dẫn hơn.
Ngày trước, người ta gọi loại hình này là "thoại kịch", sau 75, thành "kịch nói". (đoàn thoại kịch Kim Cương thành kịch nói Kim Cương chẳng hạn)
Thầy Trí ghét từ "nói", ông không ưa diễn viên tía lia hời hợt vì lời thoại ngoài miệng chỉ là vỏ bọc. Với ông, diễn viên giỏi là người biết kiệm lời, đôi khi mê hoặc khán giả trong im lặng (ông là loại diễn viên đó!). Điều tối cần là khai thác hành động. Từ yêu cầu này, thầy ra quy định rằng bài thi sắp tới chỉ vỏn vẹn 5 - tối đa là 6 câu thoại - quá sẽ bị cắt!
Tiểu phẩm "Thằng bù nhìn & con bò đói" của tôi không nói một lời! (trừ tiếng kêu "Ụm bò..." không tính!)
Rút kinh nghiệm lần trước sa đà vào chuyện ngoại hình, đông người, màu mè và múa hát... lần này chỉ vỏn vẹn 2 mạng - tôi (bù nhìn) / Thanh Loan (bò) - vì vậy phải tập trung tối đa cho diễn xuất.
Qua động tác và sự biểu cảm, "Bù nhìn" dù đứng một chỗ, phải tả cho được đồng lúa, nắng gió... sau đó là phát hiện ra đàn chim từ xa bay tới, xua đuổi khi chúng sà xuống (đoạn này phải kết hợp thêm với tiếng động). Nhờ học lóm được mấy động tác "kịch câm" (Pantomime), bằng hình thể, tôi tả 1 con chim đậu lên tay, nhảy qua vai, tót lên đầu... rồi bị mổ trên mặt.
Nói chung, tiểu phẩm này đáp ứng khá tốt yêu cầu 2 bài "Tưởng tượng""Vô thực vật".
Tôi cố gắng sắp xếp theo thứ tự những hình ảnh rời rạc, lan man, lộn xộn trong đầu lúc này để người đọc có thể hình dung ra câu chuyện giữa 2 nhân vật trên:
-Bị bù nhìn ngăn không cho ăn lúa, con bò nổi điên.
-Bò tấn công bù nhìn, bù nhìn chống cự trong sự bất lực.
-Lôi rơm từ trong bụng bù nhìn, bò nhai ngồm ngoàm.
-Bù nhìn đau đớn...
-Kết thúc tiểu phẩm: chúng nó "làm lành" với nhau - tôi nhớ mang máng hình ảnh con bò trước rời sân khấu còn quay lại cạ mặt vào bàn tay khi bù nhìn chìa ra chào nó... Nhưng nếu kết cục như thế thì cái đoạn sau lúc đánh nhau đến trước lúc "huề" là gì? Biến cố nào xảy ra để biến chúng từ đối nghịch sang "hòa thuận"?
Không tài nào nhớ nổi!
Đừng hỏi Thanh Loan - cô bạn vai Bò - vì ngay cả vở tốt nghiệp của chính mình, "nàng" cũng chẳng nhớ mình đóng vai gì nữa là! Tuổi già như thế đó!
Biến cố đó / phép lạ đó phải "phan-tê-zi" lắm mới làm cho tiết mục này trọn vẹn và thành công. Nhưng nó là gì? Một khoảng trống!
Chỉ có ý nghĩ của tâm hồn tuổi thơ - trẻ thơ  mới lấp được "khoảng trống" này một cách hợp lý nhưng nhẹ nhàng và bay bổng!
[bây giờ giải "bài toán hiểm" này không khó, tuy nhiên tình tiết này sẽ bị "thô" hoặc "đời", thiếu sự hồn nhiên của tuổi 19 ngày xưa - "thời ngây thơ / L'âge innocent"!
ảnh Minh Châu (1981)

Nhờ anh Châu, tôi mới lưu lại được "chứng tích" về sự thành công của học kỳ này - tấm ảnh duy nhất chụp thằng bù nhìn miệng toe toét cười khi thấy con bò ốm đói thảm hại đi ra.
Hồi đó, tấm hình nhỏ xíu này tầm thường làm sao nhưng bây giờ có giá trị lạ!
...
Sân khấu như ngọn đèn rực rỡ còn anh Minh Châu là con thiêu thân, bất cứ nơi nào có diễn, bằng mọi giá anh phải tới.
Tới đây ắt hẳn mọi người sẽ hình dung ra một con người năng động, tốc độ và linh hoạt - nhưng không - hoàn toàn ngược lại!
Với dáng người thấp bé, gầy tong - gò má cao và khuôn mặt khô như hộp sọ của anh luôn gợi cảm giác "tội tội" nào đó trong ta. Chưa hết, cách diễn đạt và giọng nói cực chậm của anh khiến mọi người thắc mắc cách nào để anh có thể "tồn tại" trong thế giới màn nhung náo nhiệt và đầy biến động kia? (Đám diễn viên hay giả giọng anh trong mấy mẫu khôi hài, dù có biết thậm chí tận mắt, chả những không giận, anh còn "cười rất chậm"!)
Người đàn ông cô độc không vợ không con này chỉ có hai thứ: người yêu duy nhất là chiếc máy ảnh, còn tình yêu bất tận thì anh dành cho sân khấu!
Anh nghèo, tài sản nếu có là núi ảnh khổng lồ trong đó, ta bươi sẽ tìm thấy biết bao Thanh Nga thời đương xuân trong "Sân khấu về khuya","Tiếng hạc trong trăng", "Phụng Nghi Đình"..., nhiều Bạch Tuyết trong "Tuyệt tình ca", "Tần Nương thất", "Trăng thề vườn Thúy"..., những Hùng Cường trong "Bạch Hải Đường", "Yêu người điên", Ngọc Giàu với "Rạng ngọc Côn sơn", "Đời cô Lựu"... nói chung trong đống ngỗn ngang này, cả một quá trình phát triển sống động của sân khấu miền Nam!
Theo ý riêng tôi, vì chụp trực tiếp tuồng hát, hình của anh mang tính thời sự hơn là nghệ thuật, nó không trau chuốt, hoàn mỹ như những tấm chân dung nghệ sĩ của ông Đinh Tiến Mậu - chủ tiệm chụp hình Viễn Kính ngày xưa - tuy vậy qua vẽ thô mộc, thực thà ấy, người ta thấy diện mạo của sân khấu miền Nam phong phú vô cùng!
Anh rất sướng nếu có ai đó chịu khó coi mớ "tác phẩm" tích tụ suốt mấy chục năm trời. Căn gác vốn đã bé ngày càng chật hơn:
"Trời ơi! Anh giải quyết sao với mớ khổng lồ này?"
Anh cười cười, rề rà nói rất rất rất... chậm...m m m:
"Để chẹn hòm... may mốt tui chết!..."
...
Tên là Minh Châu nhưng chưa bao giờ làm viên ngọc sáng mà ảm đạm, yếm thế và luôn thua thiệt y hệt nhân vật "Cậu Vania" của nhà viết kịch độc đáo Tchékhov, anh chấp nhận sự vô tình của mọi người một cách nhẫn nại và đầy bao dung.
Có một chuyện, tuy nhỏ nhưng nhiều năm nay vẫn như một tảng đá nặng nề tồn tại trong tôi.
Số là vài năm trở lại đây, cuộc thi "Tiếng hát mãi Xanh" khá "hot", những đêm cuối cùng bao giờ cũng chật kín người, vé mời đi xem tự nhiên quý hiếm.
Tôi nhớ như in đêm đó, khi đẩy xe vào bãi gửi, tình cờ gặp lại anh, dù cả chục năm không gặp nhau nhưng sự chào hỏi chỉ cho có lệ, ở mức xã giao. Anh hỏi tôi còn dư vé không, tôi đáp không, rồi tất bật đi vào chuẩn bị đêm thi. Sau này mới biết anh về, không coi được đêm ấy!
Chuyện không vé - đi về cũng thường với anh, nhưng với tôi là một lỗi lầm gì đó chưa gọi tên được!
Tôi luôn tự hỏi xoay thêm chiếc vé có khó gì với mình? Tại sao không siêng chút xíu? Tại sao có thể dửng dưng?...Rồi tự phân bua rằng tại Đài Truyền Hình khó, ...tại hậu trường bừa bộn ngổn ngang, ... tại mình lu bu nhiều việc, ...rằng không ai còn vé, rằng ảnh chả trách mình đâu..., rằng ... v.v... và v.v... nhưng tất cả lời biện hộ xem ra đều không ổn vì thực tế là mình không "lưu tâm" tới anh!
Ước gì ngoài đời, ta có thể "undo" lỗi lầm của mình như trong máy tính thì chắc thế giới này sẽ khác!
Giá như lúc đó tặng anh chiếc vé, anh sẽ vui biết bao! Giá như...! Giá như...! Giá như...! Nói ngàn lần câu này thì cũng vô nghĩa - anh có còn trên cõi thị phi này đâu để nghe tôi giải thích!
Điều gì khiến Bò đói trở nên thân thuộc với Bù nhìn? Vì sao tôi không tìm thêm chiếc vé cho anh Châu?... Chẳng bao giờ lấp đầy được khoảng trống tuy bé giữa những con người!
Nụ cười hồn nhiên trong hình lúc ấy là của tôi chứ không phải của Bù nhìn - một tích-tắc ra khỏi nhân vật bị anh Châu "tóm gọn"! - Tôi buồn cười về ý nghĩ này, rồi chợt nghĩ, trong mớ hỗn độn Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Nga... kể trên, biết đâu có những tấm hình về các "tác phẩm" đầu tiên của đời mình - những tấm tôi biết và không!
...
Trong kịch phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi "Con chim xanh", văn hào Maurice Maeterlinck tả cõi người chết không phải là địa ngục tối tăm, rùng rợn như ta hằng nghĩ - cõi này bình yên và đẹp đẽ. Ông gọi nơi này là "xứ nhớ thương", ở đó người chết trong trạng thái say ngủ nhưng hễ ai đó trên dương gian nhớ tới họ, họ thức dậy ngay.
Người khuất không biến mất đi - Khi ta nhớ - Họ tồn tại!
Đoàn Khoa
Tháng 03-2017


-->


No comments: