Jan 8, 2013

HỌA SĨ DUY THANH- MỘT TRONG TAM TINH CÒN LẠI CỦA NHÓM SÁNG TẠO - VB

Chân dung Doãn Quốc Sỹ - họa sĩ Duy Thanh


Vào ngày Chủ Nhật 13 Tháng 01 2013 tới đây, tại Việt Báo Gallery, hội VAALA, Việt Báo, Nhật Báo Người Việt sẽ tổ chức buổi tiệc trà và triển lãm tranh của họa sĩ Duy Thanh, người họa sĩ sau cùng còn lại của nhóm Sáng Tạo. Nhóm chủ trương thực hiện – đa phần đều là những người bạn thân quí nhất của họa sĩ Duy Thanh- nghĩ rằng đây là một việc làm ý nghĩa và đúng lúc dành cho những người yêu mến nghệ thuật hội họa Việt Nam, và cũng dành cho chính người họa sĩ tài hoa này, vốn đã bước qua tuổi 82 và vẫn đang được điều trị căn bệnh ung thư cột sống.
Ở tuổi 90, khi nói về nhóm Sáng Tạo của mình, nhà văn Doãn Quốc Sỹ thường lập đi lập lại rằng: “ Nhóm Sáng Tạo thưở ban đầu có bảy người: Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. Nay còn lại tôi, Trần Thanh Hiệp và Duy Thanh. Thất tinh ngày xưa chỉ còn lại tam tinh mà thôi…”. Ai có đọc Doãn Quốc Sỹ đều nhớ rằng ông có nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của mình là những họa sĩ. Và nếu thân quen với nhóm Sáng Tạo hơn một chút, thì độc giả sẽ nhận ra những nhân vật đó chính là hình ảnh rất thật của họa sĩ Duy Thanh, của họa sĩ Ngọc Dũng…
Trong nhóm Sáng Tạo có hai họa sĩ là Duy Thanh; Ngọc Dũng. Đã có rất nhiều tài liệu, bài viết nhắc đến sự đóng góp của hai họa sĩ này nói riêng, cũng như nhóm Sáng Tạo nói chung đến sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Miền Nam Việt Nam sau ngày chia cắt đất nước 1954. Hầu hết đều có chung một nhận định: những nghệ sĩ di cư từ một miền Bắc giàu truyền thống này đã thổi bùng lên một luồng sinh khí mới vào nền văn học nghệ thuật của Miền Nam, vốn còn non trẻ nhưng lại đầy sức sống, cởi mở, phóng khoáng, sẵn sàng đón nhận những bước đột phá sáng tạo.


Họa sĩ Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên. Ông học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Đã từng tham gia triển lãm tại nhà hội Khai Trí Tiến Ðức, Hà Nội (1954), tại Phòng Triển Lãm Ðô Thành và Pháp Văn Ðồng Minh Hội ( 1956,1958,1961). Ông cho rằng mình không ở trong một trường phái hội họa nào, bởi vì nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa. Quan điểm của họa sĩ Duy Thanh về hội họa đã được ông bày tỏ như sau trên tạp ghi “Thảo Luận” do nhà xuất bản Sáng Tạo phát hành vào năm 1965:  “Mỗi bức tranh là một trạng thái tâm hồn trong một thời gian nào đó của nhà họa sĩ. Trạng thái đó kết bằng màu sắc, hình thể, đường nét trong thời gian ấy. Cho nên không thể nào có hai bức họa giống nhau dù là do một người vẽ cùng một sự vật hai lần (tôi nói trường hợp nhà nghệ sĩ chân chính). Thành thử họa phẩm nếu có một giá trị hơn các tác phẩm khác như thơ văn là ở chỗ đó. Nó chỉ có một.” 
Chị Doãn Ngọc Thanh, trưởng nữ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, là người đã có duyên được học vẽ với họa sĩ Ngọc Dũng, và cũng được họa sĩ Duy Thanh “xoa đầu chỉ bảo” theo kiểu con cháu trong nhà, bởi vì nhóm Sáng Tạo thời đó thường xuyên gặp gỡ tại căn nhà nhỏ trong hẻm Thành Thái của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Chị Thanh nhớ lại về hai người bạn văn nghệ này của thân phụ mình như sau: 
“ Cả hai bác đều hiền lành và ít nói so với các bác Sáng Tạo rổn rảng khác như Mai Thảo, Nguyễn Sĩ Tế, TrầnThanh Hiệp. Trong 2 bác, tôi thích tranh của bác Duy Thanh hơn, vì màu sắc tươi tắn và nét vẽ đầy đặn, đơn giản, rất giống Picasso thời khởi thủy. Bác Ngọc Dũng dùng màu lạnh và tối, nét vẽ hơi siêu thực. Cả hai đều có họa chân dung của bố tôi. Xem hai bức chân dung vẽ cùng một người bạn tri kỉ, có lẽ là cách hay nhất để hình dung phần nào về tính cách của hai người họa sĩ này. 
Bác Duy Thanh có lối vẽ chân dung tuyệt chiêu, lột tả những nét đặc biệt của người mẫu. Trong tám anh chị em tôi, thì có sáu đứa được hân hạnh bác Duy Thanh vẽ chân dung cho ngay từ tuổi tiểu học, tất cả những bức họa dễ thương này còn treo tại căn nhà Thành Thái. Theo tôi, siêu việt nhất là tấm phụ bản bác Duy Thanh vẽ bác Thanh Tâm Tuyền, trong tập thơ “Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy” của bác Tâm, do Sáng Tạo in và xuất bản vào năm 1964. Chỉ đơn sơ vài nét bút than, 2 nét chân mày, 1 nét mũi, nét mồm và nét quai hàm, mà đúng là bác Tâm lồ lộ, không sai chệch vào đâu…”.
Thời gian qua mau quá. Mới đó, những con người Sáng Tạo trẻ trung ngày nào, những người đã góp phần hình thành nền văn học nghệ thuật rực rỡ của Miền Nam thân yêu, nay chỉ còn lại non nửa, và đã đều bước qua cột mộc tám mươi gần đất xa trời. Năm ngoái, khi nhà văn Doãn Quốc Sỹ lên tận San Francisco thăm người bạn họa sĩ tri kỉ, cả hai gặp nhau vui mừng, lạc quan, nhưng khá yên lặng theo tinh thần:
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa…” 
(Nguyễn Đình Toàn)
Mà đúng vậy thật. Ở tuổi hạc 80, có mấy ai biết chắc rằng những lần hội ngộ hiếm hoi không phải là lần gặp gỡ sau cùng?...
Đến với buổi triển lãm Duy Thanh lần này để thưởng lãm, sưu tầm những họa phẩm của một người họa sĩ tài hoa. Và cũng là dịp để gặp gỡ lại những thành viên còn lại sau cùng của nhóm Sáng Tạo trong tinh thần tri ân, tri kỉ…
VB

 
Chân dung Doãn Quốc Sỹ, họa sĩ Ngọc Dũng


No comments: