Mar 12, 2012

Ánh Mắt - Dương Năm Hưng

 

Tôi đến Texas lần đầu tiên vào cuối năm 2009 để thăm Cụ Ông và Cụ Bà lúc ấy đang ở cùng nhà với Thái Hằng.
Vừa bước chân vào cửa, tôi đã nghe tiếng của Thái:
-    Mẹ có nhớ ai đây không?
Cụ Bà ngẩng đầu lên một chút rồi chăm chú nhìn.
Mọi người đều chú ý đến Cụ Bà lúc đó; tôi bước gần lên một chút nữa
-    Con nè, bác nhớ con không?
Cụ Bà lại ngước mắt lên:
-    Ông Năm Hưng …
Mọi người đều ồ lên một tiếng đầy ngạc nhiên:
-    A mẹ nhớ ra rồi.
Thì ra thời gian gần đây Cụ Bà quên nhiều rồi, nghe nói Vinh qua thăm cũng không được Cụ Bà nhìn ra .
Nhưng tôi lại được nhớ kỹ, có lẽ là ...
Lần đầu đến nhà thăm Khánh là lần có cả hai cụ Sỹ về Saigon ăn Tết. Khi được giới thiệu là bạn của Khánh thì điều đầu tiên tôi nhận xét là Khánh rất giống Cụ Bà, từ khuôn mật cho đến thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn. Trong khi nói chuyện với Cụ Bà, tôi nói:
-    Khánh rất giống bác, nhất là cái mặt.
-    Thế à? Khánh giống tôi lắm hả?
Câu hỏi này được lập đi lập lại nhiều lần và tôi phải trả lời nhiều lần. Mỗi lần tôi lại đổi câu trả lời một chút, chẳng hạn như:
-    Khánh chừng vài chục năm nữa sẽ có y chang khuôn mặt bác bây giờ.
-    Khánh chừng 20 năm nữa thôi là hình ảnh của bác lúc này đây.
Nhưng lúc ấy tôi không biết sự lập đi lập lại của bà là dấu hiệu thời kỳ đầu của bệnh Alzheimer.
Sau đối thoại ban đầu này,mặc dù căn bệnh quên,  Cụ Bà vẫn tiếp tục nhớ tôi. Lần gặp lại bà trong kỳ triển lãm tranh đầu tiên của Vinh ở California, tôi được Cụ Bà ưu ái thốt gọi:
-    Ông Năm Hưng!
Cụ Bà quen gọi tôi là “ông” như thế dù tôi được giới thiệu là bạn của con gái bà. Giọng bà gọi “ông” ban đầu dè dặt, sau thân thuộc hơn, nhưng đến khi Cụ Bà nhìn thẳng vào mắt tôi và kết tội: “Ông Năm Hưng đã cuỗm con gái của tôi rồi!” thì tôi giật mình.Vậy hả? Ui chèng ui !!! Tôi nhìn bà và nhận ra một vẻ hóm hỉnh trong ánh mắt.Tôi không ngờ sự kiện con gái rượu của Cụ Bà có bạn trai lại gây cảm xúc mạnh đến như thế. Đó là lý do tại sao Cụ Bà nhớ tôi lâu …
Rồi thời gian cứ trôi. Bệnh của Cụ Bà ngày càng tiến triển nặng hơn. Không ăn trực tiếp được, rồi dần dần hôn mê. Tình trạng này càng kéo dài thì việc chăm sóc của vợ chồng Thái Hằng càng cực khổ và khó khăn.
Mọi người trong đại gia đình thay phiên nhau qua Texas phụ giúp phần nào cộng việc của vợ chồng thằng con cả. Nhưng chỉ có cô Út là còn thỉnh thoảng hàng tháng, còn thì Hiển và chị Thanh thì hàng năm vì đường xá xa xôi cách trở; họ phải đi từ Úc sang Mỹ.
Sau lần cuối cùng cấp cứu thì cả gia đình đều quyết định chuyển bà vào nursing home vì công việc chăm sóc đã quá tầm tay của vợ chồng Thái Hằng. Cụ Bà đã có nhiều biến chứng khác sau thời gian nằm một chỗ. Rồi sau thêm nhiều lần cấp cứu nữa, Cụ Bà được chuyển sang dịch vụ hospice dành cho những người sắp mất.
Cả gia đình đều chuẩn bị cho những ngày này rất kỹ. Chị hai Thanh báo động để mọi người ai có được thì đi Texas tiễn chân Cụ Bà.
Có cả Cô Cô, Chú Chú đi nữa.
Lần đến Texas này vào đầu tháng 9 nên thời tiết nóng ác liệt. Rời khu vực có máy lạnh của phi trường, cả nhóm đều bị cái nóng làm điên đảo. Về đến nhà, Thái sắp xếp chở mọi người thay phiên vào thăm Cụ Bà từng nhóm một.  Những người ít mệt vào trước, những người mệt nhiều vào sau.
Đến sáng hôm sau thì Hưng đề nghị tất cả đều vào cùng một lúc và dùng số đông để hợp lực cầu nguyện cho Cụ Bà.
Sau một hồi kinh, cả gia đình vây quanh giường của Cụ Bà và tranh nhau gọi:
-    Mẹ, mẹ …
-    Chị, chị …
Quả nhiên, với sự cộng lực truyền sang, Cụ Bà bắt đầu mở mắt. Sau một thời gian dài hôn mê, đây là lần đầu tiên cụ mở mắt.
Cái nhìn lúc ban đầu của Cụ Bà ngơ ngác , chưa định hướng và không tập trung. Nhưng chỉ đợi có thế, mọi người bắt đầu nhao nhao tự giới thiệu:
-    Mẹ, con Út nè.
-    Mẹ, Khánh nè mẹ.
-    Mẹ ơi, Thanh đây.
-    Chị, em là Quý đậy.
Hưng từ từ nói thêm:
-    Mẹ, mọi người đến thăm mẹ nè. Có Bố. có cô Quý, chú Phong nữa đó.
Lúc này Cụ Bà mở mắt lâu hơn một chút. Và khi mắt bà mở thật to thì sự chăm chú làm mọi người ngạc nhiên.
Ánh mặt Cụ Bà nhìn mọi người rất ư là linh hoạt, như thể chưa bao giờ bệnh. Ai nấy lại nhao nhao tự giới thiệu.
Cụ Bà chỉ nhìn khi ai có tiếng nói. Cụ mở mắt ra nhìn, cái nhìn như thâu tóm lấy những hình ảnh quen thuộc và yêu quý, nhất là hình ảnh của đám con yêu quý của một thời nâng niu, bồng ẵm, chăm chút cho đến lúc trưởng thành. Ôi, con của tôi!
Ai cũng được đứng bên cạnh giường của Cụ Bà để được bà nhìn, cái nhìn của người vợ, người mẹ hay người chị.
Mỗi lần có tiếng xưng danh, Cụ Bà lại mở mắt nhìn, không lâu lắm, nhưng bà nhìn.
Tới phiên tôi, tôi cũng gọi từ cuối giường:
-    Bác, bác, Năm Hưng nè.
Gọi lần một, rồi gọi lần hai. Cụ Bà mở mắt nhìn tôi. Cái nhìn vẫn như ngày nào, ngạc nhiên và vui tươi. Khuôn mặt dường như cố hướng về tôi và ánh mắt dường như nói:
-    A ông Năm Hưng đây rồi.
Thật là may quá, Cụ Bà đã nhận ra tôi. Tôi giơ tay vẫy vẫy, đầu cố gắng thâu nhận ánh mắt vui tươi và có phần hóm hỉnh của bà. Hẳn Cụ Bà đã nhận ra tôi là kẻ “cuỗm” con gái bà.
Kế đó là Vinh, người cuối cùng bước tới chân giường
-    Vinh đây mẹ!
Tôi còn nhanh nhẩu nói phụ:
-    Vinh nè bác.
Cặp mắt Cụ Bà mở to hơn bao giờ hết, nhìn Vinh rất thắm thiết và rất sinh động. Dường như  mắt dốc hết tâm sức để ghi nhận hình ảnh đứa con trái yêu quý của mình. Tôi nghĩ bà muốn nói:
-    Con đó hả, Vinh?
Lần nhìn sau cùng này lâu lắm. Cái nhìn đằm thắm và vô cùng thiết tha. Mắt càng mở to hơn và dường như muốn ôm ấp lấy hình ảnh của thằng con yêu quý. Đến khi Cụ Bà nhắm mắt lại thì mọi người dù có kêu bà cũng không mở nữa.
Và chính nhờ những ánh mắt sau cùng này tôi mới nhận ra một điều: bất cứ một người mẹ nào chắc chắn đều có những cái nhìn giống như Cụ Bà. Rồi mỗi lần nhớ đến những cử chỉ trìu mến thiết tha dành cho con, đến tình thương bao la của mẹ hiền, tôi lại nhớ đến ánh mắt của  người mẹ

Năm Hưng
CA, tháng 3 năm 2012

5 comments:

Hot... said...

Yeah, bác Năm viết cảm động, nhất là phần cuối trong nhà thương. Có điều có lẽ vì bác Năm là người ngoài nhìn vô rồi viết, nên thấy giống như kéo toàn ban họ Doãn ... lên sân khấu, điểm mặt chỉ tên từng người - tui thấy hơi ... lộ liễu, có lẽ tại không quen, bởi vì từ hồi nào tới giờ, trong nhà viết với nhau, chỉ thấy tình mẹ với con, bà với cháu, dâu với mẹ chồng v.v... Đó là những tình chung, gia đình nào cũng có, không nhất thiết phải dán ... nhãn họ Doãn lên! Bởi vậy tui đọc, cảm động, nhưng không cảm thấy thoải mái (!!??) Cái zụ này khó diễn tả quá, tui nói vậy bác Năm và cả nhà có bắt được ý tui chăng??

chị Hai

Hot... said...

Bác Thanh ơi,
Bác 5 viết như nhật ký (chứ không phải truyện viết để dem in), lẽ ra chỉ đọc một mình; nay share với những người có mặt trong bức tranh đó. Bởi vậy các nhân vật được nêu tên, không lời giải thích, cũng không câu nào cho thấy Cụ Ông, Cụ Bà là 2 con chim đầu đàn trong Doãn gia. Vậy bác T cứ cảm thấy thoải mái, vì không có nhãn Doãn gia cho người ngoài.
Bác K

Hot... said...

Phan them vao sau khi CU BA mat :
Co le 6 VINH la nguoi duoc CU BA gui gam tam tinh vao luc cuoi doi va co nhung su trung hop la lung :
**Khi CU BA mat, VINH la nguoi chung kien luc ra di , vi khi do chi co su hien dien cua VINH , moi nguoi deu ve nha THAI nghi ngoi va den phien VINH vao gac .
**Luc dem CU BA vao phong thieu thi tinh co chinh VINH la nguoi duoc giu lai de chung kien luc nguoi ta hoa thieu , du luc do cung co nhieu nguoi tham du trong phong
Co le CU BA da ket noi voi VINH nhieu nhat cho nen VINH luc xua^'t tha^`n cung co nhung bai tho bai hat noi len tinh cach dac biet nay ve tinh yeu ME ...va lam cho nguoi viet bai nay vo cung xuc dong
Nam HUNG

Hot... said...

Hehehe, thank you bác Năm đã phong chức cho thằng 6 Vinh trở thành con cưng của bà Thảo -:)
Thực ra, trong 8 đứa con, em xưa nay vẫn là đứa làm phiền lòng ông bà già nhiều nhất. Tất nhiên, đứa con nào mà bà Thảo chẳng thương, nhưng được cưng nhất nhà thì chắc chỉ có con út Hương và thằng út Hiển mà thôi.
Hello bác Thanh,
Em hoàn toàn đồng ý với bác Khánh về ý và cách hành văn của "Ánh Mắt", phải thế thì mới ra cái "mùi" của bác năm chứ !
em 6 Vinh

Hot... said...

Không đâu. Mẹ chỉ thương Út gái thôiiii :)
Út gái