Chúng ta đã học phẩm "Diệu Âm" tiếng nói huyền diệu, tức là tiếng của Tâm thanh tịnh.
Nghe được tiếng ấy chỉ có những người thanh tịnh, mà thanh tịnh được là vì có định, càng định lại càng thanh tịnh. Định có là huệ phát sanh rồi cùng với huệ là Tâm từ bi.
Trước muốn nghe "tiếng diệu" phải gần như bịt tai với "tiếng đời", xoay cái nghe bề ngoài vào trong để nghe bề trong. Nay nghe bề trong xong rồi, phải quay trở ra mà nghe tiếng đời (quán thế âm) để mà cứu vớt chúng sanh trong đau khổ. Đó là thể hiện Tâm Đại Từ Đại Bi mà Bồ tát Quán Thế Âm là tượng trưng. Đại Từ Đại Bi là Phật, hay nữa là đức tướng căn bản của Phật.
"Thất nạn" và "nhị cầu" nêu rõ những hiệu lực của việc "trì niệm" danh hiệu Quán Thế Âm, tức Đức Đại Từ Đại Bi. Pháp môn trì niệm này đồng một tánh chất với pháp môn "trì niệm" A Di Đà Phật chẳng hạn nhưng có chỗ đặc biệt là đứng hẳn về phương tiện Từ Bi.
"Tam thập nhị ứng", chỉ Từ bi có thể xuất phát ở mọi chúng sanh, trừ ba hạng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là hạng vô minh sâu dày.
"Thập tứ vô úy" là cốt nói: chúng sanh nào mà tâm đã thanh tịnh, giác ngộ, sáng suốt và từ bi phát khởi thì không còn sợ vọng tưởng, tham, sân, si lôi cuốn, thiêu đốt hay đắm chìm, cũng không còn sợ kẻ oán người thù.
Trì A Di Đà đắc thanh tịnh. Trì Quán Thế Âm vừa đắc thanh tịnh, vừa đắc Từ bi.
Trích "Pháp Hoa Huyền Nghĩa" - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
No comments:
Post a Comment