Bản nhạc Auld Lang Syne bất tử được trình tấu
bởi dàn nhạc truyền thống Tô Cách Lan
(ảnh: www.houseofscotland.co.nz )
Hằng năm, khi mà cả thế giới đếm ngược từ 10 đến 1 để tiễn những giây cuối cùng của năm cũ, và ôm hôn nhau trong thời khắc đầu tiên của năm mới, thì bài Auld Lang Syne được hát vang lừng nơi nơi trên địa cầu. Cũng giống như người Việt mình hát bài Ly Rượu Mừng lúc giao thừa Ta vậy. Nhiều người cho rằng Auld Lang Syne là bài hát được hát nhiều nhất trên thế giới. Điều này có thể đúng. Nhớ lại ở Việt Nam hồi xưa, ngay cả trẻ em trong các khu xóm nghèo còn biết hát bản nhạc ngoại quốc này, tất nhiên là với lời Việt… tàm xàm ba láp: “Ò e, ma le đánh đu, Tặc Răng nhảy dù, Zô Rô bắn súng…”.
Cũng giống như Silent Night, một bài hát giáng sinh kinh điển cũng phổ biến rộng khắp trên toàn cầu, Auld Lang Syne có giai điệu và nhịp điệu đơn giản nhưng rất đẹp, ai cũng có thể hát được. Giai điệu man mác buồn của cảnh biệt ly, nhưng vẫn thênh thang niềm hy vọng của một năm mới, của một ngày mai hạnh ngộ. Phần đệm đàn, thì chỉ cần một cây guitar thùng với ba hợp âm căn bản (Mi trưởng, La trưởng, Si trưởng) là đã hình thành xong phần phối khí, ai cũng có thể tự đệm đàn cho mình hát được. Cái bất tử của âm nhạc độc đáo nhưng giản dị là vậy đó.
Auld Lang Syne là một bài thơ được sáng tác rồi đặt trong nền của một bản nhạc dân ca bởi nhà thơ Tô Cách Lan Robert Burns vào khoảng năm 1778. Nhà thơ đã tặng bản nhạc này cho viện bảo tàng âm nhạc Tô Cách Lan vào năm 1796. Vào Tháng 12 cùng năm đó, bản nhạc được chính thức xuất bản sau khi Robert Burns qua đời. Bài hát đã theo những người di dân của xứ kèn túi đi ra khắp thế giới.
Lúc đầu tiên, Auld Lang Syne được hát khi mọi người chia tay sau một buổi họp mặt, một buổi dạ vũ… Theo truyền thống, mọi người sẽ đứng thành vòng tròn, chéo tay để nắm tay nhau và hát lời tạm biệt. Sau này, bài hát được sử dụng ngày càng rộng rãi để tiễn biệt năm cũ, trong đám tang để tiễn biệt người quá cố, trong dịp học sinh tốt nghiệp chia tay mái trường và thầy cô… Đã có đến hơn 2000 phiên bản trình tấu Auld Lang Syne của những nghệ sĩ khác nhau khắp năm châu qua nhiều thế hệ! Vào năm 1929, Nhạc trưởng Guy Lombardo của dàn nhạc Canada đã cho trình tấu bài Auld Lang Syne trong đêm giao thừa Tây tại thành phố New York, đưa bản nhạc này nổi danh đến tột đỉnh và không thể thiếu trong thời khắc cuối năm của Âu Mỹ. Riêng phong trào hướng đạo thế giới thì vẫn chính thức sử dụng bài hát này để chia tay trong các kỳ họp bạn hướng đạo thế giới. Đặc biệt là phong trào hướng đạo vẫn giữ truyền thống nguyên thủy, khi họ hát chia tay thì đứng thành vòng tròn và chéo tay nắm tay nhau.
Rất nhiều người hát Auld Lang Syne mà không hề hiểu nghĩa của những từ này là gì. Auld Lang Syne theo tiếng Tô Cách Lan có thể tạm hiểu là “ngày đã qua”, hay “ngày xửa, ngày xưa”. Lời Tô Cách Lan sử dụng nhiều cổ ngữ rất khó hiểu. Một trong những lời Việt có thể dùng để hát trong tiệc countdown cuối năm như sau:
AULD LANG SYNE (Tiễn Năm Cũ)
Giờ đây anh em chúng tôi
Cùng nhau nói lời
Từ biệt năm cũ
Chúc cho năm sau thật vui
Niềm tin sáng ngời
Mộng đẹp đầy vơi
Chúc cho năm sau thật vui
Hòa bình ấm no
Về cùng thế giới
Chúc cho năm sau thật vui
Tự do khắp trời
Người người thảnh thơi
Giờ đây anh em chúng tôi
Cùng nhau nói lời
Từ biệt năm cũ
Chúc cho năm sau thật vui
Niềm tin sáng ngời
Mộng đẹp đầy vơi
Chúc cho năm sau thật vui
Hòa bình ấm no
Về cùng thế giới
Chúc cho năm sau thật vui
Tự do khắp trời
Người người thảnh thơi
VB
http://vietbao.com/D_1-2_2-104_4-185303_5-15_6-1_17-1681_14-2_15-2/
No comments:
Post a Comment