cha đẻ của hệ thống y tế quốc gia đầu tiên trên thế giới
(ảnh: www.commons.wikimedia.org )
(ảnh: www.commons.wikimedia.org )
Như đã nhắc đến ở phần 1, tác giả T. R. Reid đã đi qua nhiều nước trên thế giới để tìm ra lời giải cho bài toán cải tổ nền y tế Hoa Kỳ. Những quốc gia phát triển khác đã làm như thế nào để có được sự chăm sóc y tế cho người dân tốt hơn ở Mỹ, nhưng lại với một chi phí thấp hơn nhiều? Liệu nước Mỹ có thể áp dụng mô hình của họ cho việc cải tổ y tế của mình không? Nước Mỹ khá bảo thủ trong những thay đổi lớn trên tầm vóc quốc gia. Để chống lại những nỗ lực cải tổ y tế, các luận điệu thường được nhắc tới của các chính khách Mỹ là: “… y tế toàn dân là xã hội chủ nghĩa…”, hoặc “y tế toàn dân sẽ đẻ ra một chính quyền cồng kềnh, tốn kém…”, hoặc “các quốc gia khác không phải là Mỹ, nên mô hình của họ không thể áp dụng cho nước Mỹ…”. Có lẽ nhận ra điều đó, tác giả đã đề tặng cuốn sách cho Dwight D. Eisenhower, Tổng Thống thứ 34 của Hoa Kỳ. Sau ngày D Day năm 1944, trên đường dẫn quân Đồng Minh tiến từ Normadie vào Berlin để giải phóng nước Đức, ông đã nhận ra sự ưu việt của hệ thống xa lộ Đức: 4 làn xe, có hệ thống cầu vượt và đường dẫn để tránh giao lộ làm gián đoạn luồng giao thông, hệ thống trạm nghỉ dọc đường với trạm xăng… Hệ thống xa lộ tiên tiến này đã giúp cho kế hoạch hành quân của ông nhanh hơn dự kiến nhiều. Khi đã trở thành tổng thống Mỹ, vào năm 1953, Eisenhower đã quyết định cho cải tiến hệ thống xa lộ cũ của Mỹ theo những gì ông đã thấy được ở Đức, vượt qua nhiều sự chống đối của những kẻ bảo thủ đương thời. Và kết quả là, hệ thống xa lộ tiện nghi của Mỹ ngày hôm nay-huyết mạch lưu thông của nước Mỹ- đã đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của nền kinh tế Hoa Kỳ, đem lại những tiện ích lớn lao cho người dân Mỹ. Eisenhower, một nhà chỉ huy thực tế, đã dám mạnh dạn mượn những chính sách hay từ nước ngoài để áp dụng cho quốc gia mình, cho dù đó là sản phẩm của cựu thù Quốc Xã. Liệu nước Mỹ có làm như vậy đối với việc cải tổ y tế không?
Ở Nhật, nhiều nhà thương có nguy cơ phá sản
vì viện phí thu từ bệnh nhân quá thấp
(ảnh: www.online.wsj.com )
vì viện phí thu từ bệnh nhân quá thấp
(ảnh: www.online.wsj.com )
Mỗi quốc gia theo đuổi một hệ thống y tế khác nhau, phản ảnh điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, giá trị quốc gia của riêng mình. Tuy nhiên, cho dù có khác nhau, những mô hình khác nhau này cũng có những qui luật chung của nó. Ở một số quốc gia, cả người cung cấp dịch vụ y tế (bác sĩ, nhà thương) lẫn người chi trả chi phí y tế đều là nhà nước. Ở một số quốc gia khác, bác sĩ và nhà thương là tư nhân, còn người chi trả là nhà nước. Cũng có trường hợp cả hai đều là tư nhân. Về cơ bản, có bốn hệ thống đang áp dụng cho các nền y tế quốc gia trên thế giới:
1- Mô hình Bismarck: Đang được áp dụng ở Đức, Nhật, Bỉ, Thụy Sĩ… Otto Von Bismarck là Thủ Tướng của Đức vào thế kỷ 19, đã sáng lập và áp dụng hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia đầu tiên thế giới vào quốc gia của ông. Theo mô hình này, cả người cung cấp lẫn chi trả cho dịch vụ y tế đều là tư nhân, có nghĩa là tương tự với hệ thống y tế của Mỹ. Quĩ bảo hiểm y tế cũng được đồng đóng góp bởi chủ doanh nghiệp và nhân viên thông qua việc khấu trừ lương như ở Mỹ. Điểm khác biệt cơ bản nhất: các công ty bảo hiểm y tế của Mỹ là các công ty kinh doanh lợi nhuận, còn các công ty trong hệ thống Bismarck là phi lợi nhuận: họ chữa trị cho mọi người, và họ không kiếm lời. Dù các công ty bảo hiểm là tư nhân (ở Đức có hơn 200 công ty bảo hiểm y tế), họ bị hệ thống ràng buộc bởi những qui định chặt chẽ về dịch vụ được cung cấp và giá cả tính cho bệnh nhân.
2- Mô hình Beveridge: Đang được áp dụng ở Anh, Ý, Tây Ban Nha, các quốc gia Bắc Âu... William Beveridge là nhà cải tổ xã hội người Anh, đã cải tổ hệ thống y tế ở Anh vào thập niên 40. Trong hệ thống này, cả người cung cấp lẫn chi trả cho dịch vụ y tế đều là nhà nước. Không có bill y tế, bởi vì y tế là dịch vụ công cộng giống như cảnh sát, cứu hỏa, thư viện công. Hầu hết nhà thương do nhà nước quản lý, tuy nhiên cũng có một số bác sĩ tư nhưng lãnh tiền từ chính phủ. Nhà nước, người chi trả độc quyền của hệ thống này, sẽ quyết định bác sĩ được làm gì và được chi trả bao nhiêu cho công việc của mình.
3- Mô hình Bảo Hiểm Sức Khỏe Quốc Gia (NHI- National Health Insurance): Đang được áp dụng ở Canada, Nam Hàn và Đài Loan. Trong hệ thống này, người cung cấp dịch vụ y tế là tư nhân, nhưng người chi trả lại là nhà nước. Vì là người độc quyền chi trả chi phí y tế cho toàn dân, hệ thống bảo hiểm quốc gia có “quyền lực thị trường” khi đàm phán để buộc các nhà cung phải giảm giá. Bên cạnh đó, để giảm chi phí, nhà nước cũng quyết định những chăm sóc y tế nào mình sẽ trả cho bệnh nhân, và yêu cầu bệnh nhân phải chờ nếu không phải là trường hợp khẩn cấp.
4- Mô hình Out-Of-Pocket (bịnh nhân tự móc tiền túi ra trả): Đang được áp dụng ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia nghèo của thế giới như Ấn Độ, Tàu Châu Phi, Nam Mỹ… (ba hệ thống y tế kể trên chỉ được áp dụng ở khoảng 40 quốc gia giàu có, đã công nghiệp hóa). Qui luật của hệ thống thứ tư này đơn giản và…tàn nhẫn: người giàu thì được chăm sóc y tế, còn người nghèo có bệnh thì tự chữa hoặc chết, hoặc dựa vào sự giúp đỡ y tế từ các tổ chức từ thiện. Số người dân ở các quốc gia này tự trả tiền túi cho chi phí y tế là rất cao: Cambodia là 91%, Ấn Độ là 85%, Ai Cập là 73%.
Cả 4 hệ thống này không xa lạ lắm với người dân Mỹ, bởi vì ở Mỹ tồn tại cả 4:
- Đối với những người Mỹ dưới 65 tuổi có việc làm và có bảo hiểm y tế, họ giống các quốc gia như Đức, Nhật với mô hình Bismarck: nhân viên và công ty cùng chi trả tiền bảo hiểm y tế.
- Đối với người Da Đỏ, quân đội, cựu chiến binh… người Mỹ giống người Anh, được chăm sóc theo mô hình Beveridge, được điều trị bởi các nhà thương và bác sĩ của chính phủ, và họ cũng không phải trả tiền bill y tế.
- Đối với người dân trên 65 tuổi, người Mỹ giống người Canada với hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia – Medicare
- Còn đối với 45 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế, họ giống với người Cambodia: tự bỏ tiền túi ra để trả chi phí chăm sóc y tế với giá cắt cổ, hoặc đợi đến khi bệnh nguy kịch đủ để có thể vào bệnh viện cấp cứu, hoặc tìm đến những bệnh xá từ thiện
- Tuy nhiên, nước Mỹ lại không giống với bất cứ quốc gia nào khi duy trì một hệ thống bảo hiểm y tế phức tạp dành cho nhiều thành phần dân Mỹ khác nhau. Các quốc gia phát triển khác chỉ duy trì một hệ thống bảo y tế để chăm sóc y tế căn bản cho mọi người dân mình một cách rẻ tiền, công bằng, chất lượng hơn. Và nước Mỹ cũng chẳng giống quốc gia phát triển nào khi dựa vào các công ty kinh doanh lợi nhuận để chi trả tiền bill y tế cho người dân của mình. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nền y tế Mỹ vừa đắt đỏ, vừa có chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân thấp, và không thể chăm sóc cho toàn dân của mình (đã phân tích ở phần 1) .
Tác giả cũng nhận xét rằng cho dù được chăm sóc tốt đến đâu, người dân ở các nước vẫn không thỏa mãn hoàn toàn với nền y tế của mình. Nền y tế của các quốc gia vẫn đang đương đầu với nhiều vấn đề cần được giải quyết. Điểm qua tình hình y tế tại một số quốc gia tiêu biểu:
- Nhật (mô hình Bismarck): Chất lượng chăm sóc y tế được đánh giá là hàng đầu thế giới, người dân rất hài lòng với hệ thống y tế của mình. Gần như không có waiting list trong việc điều trị. Toàn bộ giá cả của công việc chăm sóc y tế được qui định rõ ràng trong một cuốn Fee Schedule, cuốn “Thánh Kinh” của giới y khoa Nhật. Cứ hai năm một lần, nghiệp đoàn y khoa và Bộ Y Tế Nhật ngồi xuống để đàm phán giá tiền thu từ các dịch vụ chăm sóc y tế. Nhà nước luôn tìm cách đàm phán giá rẻ để phục vụ cho bệnh nhân. Hậu quả là ở Nhật, giới bác sĩ chỉ là giới trung lưu chứ không thể giàu có như ở Mỹ (lương một bác sĩ Nhật trung bình vào khoảng $130,000/ năm). Hiện nay nhiều nhà thương Nhật có nguy cơ bị phá sản vì thu không bù nổi chi, khiến chính phủ phải tìm biện pháp giải quyết. Điều này hoàn toàn ngược với ở Mỹ, hàng năm có hàng trăm ngàn người khai phá sản vì bill y tế.
So sánh với láng giềng Canada, y tế Mỹ chi tiêu nhiều hơn
nhưng kết quả kém hơn (ảnh: www.yesmagazine.com )
nhưng kết quả kém hơn (ảnh: www.yesmagazine.com )
- Anh (mô hình Beveridge): Hầu hết nhà thương và các bác sĩ chuyên khoa trong nhà thương đều thuộc chính phủ. Bác sĩ nội tổng quát (general practitioner), “người gác cửa” của nhà thương và bác sĩ chuyên khoa, quyết định việc gởi bệnh nhân đến bệnh viện, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chi phí dịch vụ y tế. Bác sĩ tổng quát là tư nhân nhưng nhận phí từ chính phủ. Tỉ lệ người dân hài lòng với việc chăm sóc y tế thuộc hàng đầu thế giới. Vấn đề đáng quan tâm thời gian chờ đợi những dịch vụ y tế cao cấp khá lâu (tuy nhiên, trường hợp khẩn cấp và y tế phòng ngừa thì không phải chờ đợi). Ngoài ra, người dân Anh còn phải trả thuế khá cao để trang trải cho dịch vụ y tế toàn dân (sales tax: 17.5%).
- Canada (mô hình bảo hiểm y tế quốc gia NHI): Medicare là chương trình bảo hiểm chính phủ, trang trải hết mọi chăm sóc y tế cơ bản cho mọi người dân Canada. Cũng có thêm những chương trình bảo hiểm tư nhân phụ trội, cung cấp những dịch vụ y tế xa xỉ không có trong Medicare. Vấn đề lớn nhất của nền y tế Canada là thời gian chờ đợi dài cho các dịch vụ y tế kỹ thuật cao (nhưng không khẩn cấp). “Xin lỗi vì đã phải để cho quí khách chờ đợi quá lâu” đã trở thành câu nói hàng ngày của giới bác sĩ Canada, và chính phủ Canada đang cố gắng tìm cách giải quyết khuyết điểm này. Tuy nhiên, đại đa số người dân Canada chấp nhận việc chờ đợi nếu mọi người đều chờ đợi như nhau và đều được chữa trị như nhau.
Với tất cả những khuyết điểm kể trên, các quốc gia phát triển khác hiện nay đều đang chăm sóc sức khỏe người dân mình tốt hơn ở Mỹ về tính bình đẳng toàn dân, chất lượng y tế, sự lựa chọn và giá cả. Họ đang làm tốt hơn Mỹ trong một giá trị căn bản của con người. Liệu chính phủ Mỹ có muốn thực hiện điều này cho người dân của mình không?
Đoàn Hưng (tổng hợp & lược dịch)
Kỳ III: Tương lai nào cho việc cải tổ nền y tế Hoa Kỳ?
Kỳ III: Tương lai nào cho việc cải tổ nền y tế Hoa Kỳ?
No comments:
Post a Comment