Nov 14, 2010

ĐIỂM SÁCH: THE HEALING OF AMERICA - T.R.REID - NHỮNG THÔNG TIN CHƯA BIẾT VỀ NỀN Y TẾ HOA KỲ



Những bệnh viện Mỹ hiện đại như thế này
vẫn không thể giúp nền y tế Hoa Kỳ
chăm sóc sức khỏe cho người dân mình tốt hơn

T.R.Reid là một trong những đặc phái viên lâu năm và nổi tiếng nhất của tờ Washington Post cũng như của cả nước Mỹ trong đề tài quốc tế. Đã từng làm việc ở trên 30 quốc gia thuộc đủ 05 châu lục.

Cuốn sách mới nhất của ông: The Healing Of America (tạm dịch: Chữa Lành Vết Thương Cho Nước Mỹ) xuất bản vào năm 2009, đã trở thành national best-seller của năm. Để thực hiện cuốn sách này, ông đã đi tìm hiểu tại nhiều quốc gia để mong kiếm ra lời giải cho một vấn đề lớn của nước Mỹ hiện nay: làm sao để cải tổ nền y tế của cường quốc kinh tế số một thế giới, hiện đang tụt hậu ở thứ 37 trong bảng sắp hạng của WHO về chất lượng và sự bình đẳng trong vấn đề chăm sóc y tế?

Đây cũng là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất của cộng đồng Người Việt ở Quận Cam. Có một nhận xét khá xác đáng rằng, rất nhiều người trong chúng ta, đang chống đối hay ủng hộ việc cải tổ nền y tế Hoa Kỳ của chính phủ Obama, hiện không biết rõ lắm về công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ đang đứng ở vị trí nào.
Việc điểm qua cuốn sách giá trị này của cây bút đáng tin cậy T.R.Reid hy vọng sẽ đem lại cho quí độc giả một cái nhìn rõ nét hơn về những vấn đề hiện tại của nền y tế của Hoa Kỳ.


Kỳ II: Một Số Mô Hình Y Tế Tiêu Biểu Của Các Quốc Gia Phát Triển Trên Thế Giới



Nikki White, cô gái Mỹ chết ở tuổi 32
vì một căn bệnh có thể điều trị được,
nhưng cô không có bảo hiểm y tế
để chi trả (ảnh: www.popmatters.com )


PHẦN 1: HIỆN TRẠNG ĐÁNG BUỒN CỦA NỀN Y TẾ HOA KỲ KHI SO SÁNH VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC KHÁC TRÊN THẾ GIỚI

Cuốn sách bắt đầu bằng câu chuyện đáng thương của một thiếu nữ Mỹ thông minh, xinh đẹp có tên là Nikki White ở Bang Tennessee. Ở độ tuổi tốt nghiệp đại học, cô mắc chứng lupus ban đỏ, một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị được. Nhưng vấn đề của Nikki là, cũng như khoảng vài chục triệu người Mỹ khác, cô không đủ nghèo để có thể được hưởng chế độ chăm sóc y tế cho người nghèo, nhưng lại không đủ giàu để trả tiền bác sĩ và thuốc men để điều trị căn bệnh của mình. Căn bệnh lupus cũng không được xếp vào loại “emergency” để cô được điều trị khẩn cấp tại phòng cấp cứu. Cô đã chết ở tuổi 32, sau những ngày cuối đời điền rất nhiều đơn từ để xin được chữa trị! Bác sĩ gia đình của cô đã khóc khi nhắc lại câu chuyện về Nikki White. Bà ta nói rằng không phải căn bệnh lupus đã giết chết Nikki, mà chính là vì cô không có quyền được chăm sóc y tế. Nếu cô không bị mất bảo hiểm y tế, cô vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Hoặc giả như cô sống ở một quốc gia nào khác, thí dụ như Đức, Pháp, Nhật, Canada… cô đã không phải chết trẻ như thế. Vấn đề của Nikki là cô đang sống ở Hoa Kỳ, quốc gia giàu có nhất thế giới!

Bi kịch cuả Nikki không phải là một trường hợp ngoại lệ ở Mỹ. Các nghiên cứu của chính phủ Mỹ thống kê rằng hằng năm có khoảng 20,000 người Mỹ chết trẻ bởi những căn bệnh có thể điều trị được, nhưng bệnh nhân không đủ tiền để đi bác sĩ. Ngày 20/11/2001, bọn khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 3,000 người Mỹ. Nước Mỹ sau đó đã bỏ ra hàng trăm tỷ Đô La để ngăn chặn việc này không bao giờ xảy ra một lần nữa. Vậy mà hằng năm, 20,000 người Mỹ tiếp tục chết vì không được chăm sóc y tế. Điều này không hề xảy ra ở các quốc gia phát triển khác. Hằng năm, hàng trăm ngàn người Mỹ khai phá sản vì bill cho việc chăm sóc y tế. Điều này cũng không hề xảy ra ở các quốc gia phát triển khác.

Có những nghịch lý mà không phải người Mỹ nào cũng biết. Vào đầu thế kỷ 21, Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một của thế giới. Mỹ vẫn là quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Trong lĩnh vực y tế, Mỹ cũng là quốc gia đi đầu trong việc trang bị cho ngành y tế. Các bệnh viện ở Mỹ được trang bị hiện đại nhất thế giới. Hệ thống đại học đào tạo bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên y tế ở Mỹ cũng không quốc gia nào sánh kịp. Thế nhưng, khi xét đến các tiêu chuẩn về việc chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân của mình, nước Mỹ tụt hậu xa so với các quốc gia nghèo hơn mình một cách khó hiểu! Hãy điểm qua một vài tiêu chuẩn xếp hạng do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công bố khi so sánh các quốc gia trên thế giới về vấn đề chăm sóc y tế:
- Về tỉ lệ số người dân được chăm sóc y tế (coverage): Nikki White là trường hợp tiêu biểu cho sụ thiếu sót lớn của nền y tế Hoa Kỳ: sự chăm sóc y tế không dành cho toàn dân.Ở tất cả những quốc gia phát triển khác, mọi người dân của họ đều có quyền được chăm sóc y tế khi cần thiết. Chỉ có nước Mỹ là không! Ở Mỹ, vài chục triệu người không thể đi gặp bác sĩ, hoặc không thể mua thuốc uống khi bệnh bởi vì họ không đủ tiền để trả. Trong tiêu chuẩn về “bình đẳng” trong việc chăm sóc y tế của WHO, Mỹ đứng hàng 54, sau cả Bangladesh và Maldives!
- Về chất lượng chăm sóc y tế: Nếu chỉ xét ở bình diện cá nhân, một số người Mỹ được hưởng chất lượng chăm sóc y tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, thì nền y tế Hoa Kỳ chỉ thuộc hạng xoàng. Có rất nhiều tiêu chí so sánh. Ở tiêu chuẩn “avoidable mortality” -điều trị những căn bệnh có thể chữa trị được- Mỹ đứng hạng 15 trong 19 quốc gia phát triển trong bảng báo cáo năm 2008 của Commonwealth Fund (một tổ chức tư nhân của Mỹ). Trong tiêu chuẩn “life expectancy” – tuổi thọ trung bình của một trẻ em mới chào đời, Mỹ đứng hàng thứ 24, sau tất cả các quốc gia phát triển ở Châu Âu và Đông Á. Trong tiêu chuẩn “infant mortality” – tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh- Thống kê của CIA World Factbook 2009 cho thấy tỉ lệ này ở Mỹ là 6.37 phần ngàn, đứng hạng 10, thua các nước Thụy Điển, Nhật, Đức, Pháp… và thua cả… Cuba (xếp hạng 9)!!!
- Về chi phí y tế: đây có lẽ là nghịch lý đáng nói nhất. Nhiều người Mỹ cho rằng ở các quốc gia phát triển khác, người dân phải đóng thuế nhiều, chi tiền nhiều để có được những tiêu chuẩn y tế cao hơn người Mỹ. Thực tế không phải vậy. Nghiên cứu năm 2005 của chính phủ Đài Loan chỉ ra rằng Hoa Kỳ là nước chi tiêu nhiều nhất cho vấn đề chăm sóc y tế, với tỉ lệ 16.5% GDP. Con số này gấp đôi của nước Nhật (8.1%) là nước có tỉ lệ người dân già nhất và đi gặp bác sĩ nhiều nhất; nhiều hơn của các nước Châu Âu như Pháp (11%), Thụy Sĩ (10.8%), Đức (10.4%)… Nếu tính trên đầu người, một người dân Nhật trung bình chi tiêu $3,400/ người hằng năm cho việc chăm sóc sức khỏe, còn người Mỹ “đốt” $7,400/ người! Cũng cần phải nhắc lại là ở Nhật cũng như hầu hết các quốc gia phát triển khác, mọi người dân đều được bình đẳng trong vấn đề chăm sóc y tế, trong khi ở Mỹ hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế. Như vậy tại sao chúng ta phải chi nhiều hơn các quốc gia khác? Tại sao chi phí cho y tế của Mỹ lại cao đến như vậy và chất lượng thấp đến như vậy?

Đi tìm nguyên nhân cho tính hiệu quả thấp của nền y tế Mỹ, nhiều người nghĩ ngay đến lương của bác sĩ Mỹ cao hơn đồng nghiệp của mình ở các nước khác. Điều này đúng. Lương bác sĩ Mỹ gấp đôi hay gấp ba lương của bác sĩ Đức. Một số người cho rằng chi phí cho bảo hiểm sơ suất trong y tế (malpractice insurance) ở Mỹ cao hơn ở các quốc gia khác. Điều này cũng đúng. Một bác sĩ ở Đức đóng bảo hiểm cho mình khoảng $1,400/năm, trong khi con số này ở Mỹ cao hơn cả trăm lần. Nhưng hai yếu tố này chỉ đóng góp một phần nhỏ trong việc đội giá chi phí y tế ở Mỹ. Hai nguyên nhân chính được chỉ ra là cách thức chúng ta quản lý bảo hiểm y tế và sự phức tạp trong hệ thống chăm sóc y tế dành cho người dân Mỹ.

Nguyên nhân chính thứ nhất, nước Mỹ là nước duy nhất trong các quốc gia phát triển sử dụng các công ty lợi nhuận để quản lý nguồn bảo hiểm y tế. Các kinh tế gia đồng ý với nhau rằng đây là hình thức đắt tiền nhất để điều hành việc chăm sóc y tế quốc gia. Đó cũng là vì lý do tại sao, tất cả các quốc gia phát triển khác đều quyết định rằng bảo hiểm y tế căn bản cho người dân phải được vận hành bằng những tổ chức phi lợi nhuận. Những công ty bán bảo hiểm y tế ở Mỹ sử dụng một phần đáng kể phí bảo hiểm thu được để chi cho chi phí hành chánh, chi phí marketing và cho cả lợi nhuận của mình. Tỉ lệ này trung bình là vào khoảng 20%, tỉ lệ cao nhất so với các công ty chi trả bảo hiểm y tế trên thế giới. Người Mỹ hay tin rằng tư nhân điều hành mọi loại dịch vụ đều hiệu quả hơn nhà nước. Điều này không đúng trong dịch vụ y tế. Medicare-tổ chức y tế của chính phủ Mỹ- có chi phí hành chánh vào khoảng 3%. Hệ thống chính phủ của Canada lo chi trả cho bảo hiểm y tế cũng có mức chi phí hành chánh tương tự. Ở Anh, nơi mà cả tổ chức cung cấp dịch vụ y tế (nhà thương) lẫn chi trả cho y tế đều thuộc nhà nước, chi phí này chỉ là 5%. Chưa hết, cũng vì lý do lợi nhuận, các công ty bảo hiểm Mỹ thường tìm cách kéo dài, hay từ chối chi trả cho một số chi phí y tế của thân chủ mình. Trung bình các công ty bảo hiểm y tế của Mỹ từ chối khoảng 30% các claim, trong khi ở các quốc gia khác công ty bảo hiểm phải thanh toán tất cả các claim.
Nguyên nhân chính thứ hai khiến nền y tế của Mỹ trở nên đắt đỏ là vì bảo hiểm y tế Hoa Kỳ là một hệ thống quá rắc rối, phức tạp. Ở Mỹ tồn tại một hệ thống y tế nhiều thành phần nhất, khi mà người cung cấp dịch vụ y tế phải gởi bill đến cho rất nhiều tổ chức chi trả khác nhau. Tất cả các quốc gia phát triển khác chỉ duy trì một hệ thống bảo hiểm cho toàn dân, có nghĩa là mọi người được đối xử bình đẳng và chỉ có một hệ thống quản lý cho việc chi trả y tế. Ở Mỹ có 65 hình thức bảo hiểm y tế dành cho người dân: bảo hiểm cho quân đội khác với cho cựu quân nhân; bảo hiểm cho người nghèo dưới 65 tuổi khác với người trên 65 tuổi; bảo hiểm dành cho đại biểu quốc hội cũng khác; còn phải kể tới hàng trăm chương trình bảo hiểm y tế tư nhân khác nhau… Một bác sĩ Mỹ không thể nói được ca phẫu thuật mà mình thực hiện sẽ có giá là bao nhiêu, vì nó được xác định bởi các công ty bảo hiểm. Kết quả là những người cung cấp dịch vụ y tế ở Mỹ (bác sĩ, nhà thương…) phải duy trì một hệ thống hành chánh cồng kềnh, đắt đỏ để thực hiện công việc chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.


T.R.Reid, tác giả cuốn sách The Healing Of America
( ảnh: www.yale.edu )

Hậu quả của toàn bộ sự bất cập này lên nền kinh tế, người dân của Mỹ ra sao? Hậu quả đầu tiên là khoảng 45 triệu người Mỹ (tương đương 15% tổng dân số) không có bảo hiểm, chưa kể hàng chục triệu người chỉ có bảo hiểm ở mức độ tối thiểu. Bên cạnh đó, nghiên cứu của đại học Havard cho thấy hàng năm có khoảng 700,000 người Mỹ khai phá sản vì tiền bill y tế. Ở Anh, ở Pháp, ở Canada, Thụy Sĩ, Nhật… con số này là zero. Thậm chí, khi hỏi quan chức Bộ Y Tế ở các quốc gia này về con số công dân nước họ phá sản vì bảo hiểm y tế, họ thấy quái lạ giống như hỏi có bao nhiêu đĩa bay từ Hỏa Tinh đáp xuống bãi đậu xe của họ hằng năm vậy! Hậu quả thứ nhì: bảo hiểm y tế thực sự là một gánh nặng cho nền kinh tế thị trường của Mỹ. Chi phí cho bảo hiểm y tế hiện nay là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi tính cạnh tranh của các công ty Mỹ trên thị trường quốc tế. Thí dụ, một chiếc xe Cadillac chế tạo ở Mỹ sẽ phải cộng thêm trung bình $2,500 chi phí để chi trả bảo hiểm y tế cho nhân viên, cao hơn nhiều lần cho các chiếc xe sản xuất ở Nhật, Đức, Anh… Nhận ra điều này, rất nhiều công ty Mỹ, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, quyết định không mua bảo hiểm y tế cho nhân viên của mình, đẩy thêm hàng triệu người ở Mỹ vào hoàn cảnh tương tự như của cô Niki White đáng thương, cho dù họ vẫn có việc làm! Nhưng hậu quả quan trọng hơn hết, đó là vấn đề về căn bản đạo lý của xã hội, của con người. Mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn khác nhau về đạo đức. Tất cả những quốc gia phát triển khác giống như Hòa Kỳ- giàu có, kỹ thuật tiên tiến, dân chủ, công nghiệp hóa…- đều bảo đảm người dân của mình có quyền được chăm sóc y tế khi họ bệnh hoạn, ốm đau. Chỉ riêng có Mỹ- quốc gia giàu có nhất thế giới, luôn luôn đi rao giảng các quyền cơ bản của con người như quyền bình đẳng về cơ hội, tự do ngôn luận, tự do thị trường, dân chủ…- đang từ chối cung cấp quyền bình đẳng được sống khỏe mạnh cho người dân mình. Chỉ riêng ở Mỹ, tất cả các tiêu chuẩn để đánh giá việc chăm sóc y tế cho người dân đều kém xa các quốc gia phát triển khác, dù có tỉ lệ chi phí dành cho y tế cao nhất thế giới…

Đoàn Hưng (tổng hợp & lược dịch)

No comments: