Nov 1, 2010

Chuyện Cờ Tướng Tàu - ANH QUÂN




Lâu lâu ông bạn Chính mới chịu gởi Email cho bạn bè đọc. Hôm nay ông bạn gởi một xấp hình về “Nét đẹp Việt Nam ngày xưa” với lời bàn của ông Dương Trung Quốc, ông là nhà sử học tại Việt Nam, gốc là Bến Tre nhưng sanh ngoài Bắc năm 1947. Xem ra ông là người Bắc hơn là người nam. Có đều ông không phải Đảng Viên của đảng Cộng Sản Việt Nam. Với một kiến thức uyên thâm, nên Quân không ý kiến gì lời bàn của ông ta nhưng ông nhắc lại một thắc mắc của Quân trong nhiều năm qua mà Quân vẫn không tìm ra được câu trả lời.

Vào năm 7 tuổi, Quân học được đánh cờ tướng ở trong xóm, cứ mỗi buổi chiều là ngồi lê la đánh với mấy thằng bạn hang xóm, nhưng thua nhiều hơn là thắng. Dần dà thành một giải trí, hể đi đâu thấy ai đánh cờ là ngồi xem. Có lần theo tụi bạn đi lang thang khu Eden, quẹo qua đường Lê Lợi nhìn thấy mấy ông xếp các bàn cờ thế dưới lề đường để kiếm thì thấy sao mà dể phá thế, mấy thằng hùng tiền vào để kiếm ăn nhưng kết quả ngược lại là dể thua và từ đó Quân mới hiểu thêm cờ bạc giang hồ.

Hơn chục năm sau, sống tại London, gần nhà có một anh bạn, gọi là bạn nhưng anh ta cũng lớn 20 tuổi. Không ngờ anh ta là một trong những kỳ thủ ngoài Hà Nội vào năm thập niên 70. Anh chưa được xếp hạng vì anh còn bị rơi vào cảnh dung cờ tướng để đi kiếm tiền. Anh có kể thời đó ngoài Bắc đói quá, con nhà tư sản ngoài Hà Nội thời xưa, đâu được ưu tiên, tìm không ra việc, không ngờ có khiếu đánh cờ. Thế là anh cứ đi rủ rê các ông thầy giáo gàn để kiếm ăn vì các ông gàn này thua cờ tức tối là đòi phục thù lien tục. Anh kể tiếp là lúc đó ở ngoài Bắc chỉ có 5 ông kỳ thủ, mệnh danh là ngũ tốt, đứng đầu là ông Thọ. Còn anh và người bạn của anh thì bị đánh giá thấp nhưng anh có kể thì anh thủ hòa nổi với ông thứ ba, còn ông Thọ thì anh không phải đối thủ nhưng bạn anh thì lại là kẻ luôn “Upset” được ông Thọ, hình như là kỵ rơ đánh.


Nhờ ở gần với một kỳ thủ, Quân có dịp tìm hiểu thêm chuyện cờ tướng. Có đều Quân không bao giờ tiến lên nổi vì ngộ tính mình không sang suốt, nhìn vào bàn cờ còn tối mù. Anh có nói đi phá cờ thế không bao giờ đánh giá là cao thủ, vì tất cả là một sự xếp đặt, thường thì là thế cờ hòa. Hơn nữa khi mình ra những chỗ như vậy, mình đi vài nước, họ nhìn thấy thấy mình biết đi là nói khẻ với mình là cho họ kiếm ăn, đừng phá họ. Ngoài ra anh còn kể, khi đến Hong Kong, ra chỗ đánh cờ kiếm tiền thì có một tay, ông ta chấp mình bằng cách không nhìn vào bàn cờ, tức là chỉ có người nói ông ta mình đi thế nào, vậy mà ông ta đánh y như nhìn thấy bàn cờ. Anh bạn Quân đánh chỉ có hòa, anh ta mới nói bên Tàu họ luyện môn cờ kỹ lưỡng, có trường lớp, không như tự phát bên Việt Nam.


Quay lại thắc mắc của Quân là cờ tướng Tàu có phải chính người Tàu sang chế ra không? Đồng ý là những quân cờ viết chữ Tàu, mà phải nói loại chữ Tàu này dể nhớ, học vài lần nhớ mặt hình của chữ ngay. Không như các con bài Mạt Chược (bài chim) có mấy con số như 5, 7, 9 chữ Tàu là Quân cứ lẫn lộn, còn các con bài phương hướng đông tây nam bắc thì Quân chỉ nhận được hướng đông vì chữ Đông A là họ Trần thì nhớ được, còn các phương hướng kia thì chịu. Nghe kể bài Chắn Việt Nam của mình có vài điểm tương đồng như Mạt Chược, nên nghe người ta đánh cứ kêu Cửu Vạn, Thất Sách.... những cái tên mà bà ngoại Quân hay kêu gọi khi đánh chắn.

Cờ tướng Tàu tương trưng một sự quan lieu của dân châu A, là Tướng không chịu làm việc, cứ nằm trong cung, không như cờ Tây là đến giờ chót Tướng vẫn phải chiến đấu, cờ Tàu là giặc tới là chạy vòng vòng, rồi còn thêm cái luật là Tướng không được nhìn mặt nhau, bởi vậy có chết cũng không biết kẻ thù mình là ai, chết một cách uất ức.

Có một điểm trong bàn cờ tướng Tàu là có hai con Voi, theo sự chú ý của Quân là từ xưa đến giờ thì các ông Tàu đánh trận không đánh voi mà đánh ngựa là chính. Đọc truyện Tàu thì các ông luôn diễn tả các tướng hùng của họ như Triệu Tử Long một mình cưỡi ngựa, rồi trên vai vác con của Lưu Bị vượt qua cả ngàn quân chém người như ngoéo, thật là một hổ tướng. Rồi Hồ Diên Chước trong Thủy Hử lập trận Liên Hoàn Mã, ngựa chạy tới đâu là lính chết tới đó và nhiều chuyện khác về ngựa chứ không bao giờ Tàu nói về voi cả.

Hai con pháo trong bàn cờ Tướng tàu còn giải thích được là vì Tàu tìm ra được thuốc nổ, đến thời nhà Thanh thì Tàu đã có thần công rồi. Theo sử Tàu thì cờ tướng Tàu có thời nhà Tống, nghe cũng thuận vì đã có chuyện Triệu Khuôn Dẫn vua đầu tiên của nhà Tống lúc thuở hàn vi, ngồi đánh cờ với ông Trần Đoàn, được xem là ông tổ của môn tử vi, hai bên đánh cuộc về cái núi Hoa Sơn, có nghĩa ông Trần Đoàn thắng thì núi thuộc của ông, nhà vua không được đánh thuế. Vì là nhà tử vi biết Triệu Khuôn Dẫn sẽ lên ngôi nên ông mới đi cá đất đai. Tất nhiên ông Trần Đoàn thắng. Đến lúc nhà Tống mạt, nhiều quan lại nhà Tống chạy qua Việt Nam tỵ nạn vào thời nhà Trần và từ đó môn tử vi được truyền tại Việt Nam.

Đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, thì hầu như các pho truyện của ông không có bộ nào nói về cờ tướng cả mà chỉ nói về cờ vây. Như đọc Thiên Long Bát Bộ thì đoạn gây cấn nhất là ông Sư Hư Trúc đánh cờ, ông ta bỏ bậy con cờ mà giải được thế cờ vây. Qua truyện Bích Huyết Kiếm cũng vậy, viết vào thời nhà Thanh thì anh chàng Viên Thừa Chí học ném phi tiêu cũng bằng các con cờ vây. Xem ra bên Tàu thịnh cờ vây vào thời xa xưa hơn là cờ Tướng.

Vậy hai con voi trong cờ tướng Tàu đối với Quân có vẻ là từ Ân Độ qua nhiều hơn, người An dung voi trong mọi chuyện, cả đánh trận thế thì trận Liên Hoàn Mã cua Tàu gặp Voi An Độ thì có nước bỏ chạy. Ngay cả Hai Bà Trưng mình cỡi voi thì Tàu cũng phải thua thôi. Như vậy mình có quả quyết là người Tàu phát minh ra môn cờ Tướng không? họ dung tư tưởng của người Ấn để phát triển môn cờ này chăng? Tất nhiên môn cờ Tướng này phát triển nhiều nhất bên Tàu , nhất là viết chữ Tàu thì ai cũng đồng ý là môn này xuất xứ bên đó. Vì ngay cả nhà Sử Học Dương Trung Quốc cũng nói vậy mà....




Anh Quân

No comments: